Giá chung cư tại nhiều dự án ở Long Biên chạm mốc hơn 70 triệu đồng/m2, tương đương giá chung cư tại Cầu Giấy
Dữ liệu khảo sát của đơn vị nghiên cứu thị trường batdongsan.com ghi nhận, giá chung cư tại Long Biên tăng biến động trong vòng 5 năm trở lại đây. Nếu như giai đoạn 2015 - 2017, các dự án chung cư đa phần thuộc phân khúc bình dân, nhà ở xã hội như Rice City, Sài Đồng, Thượng Thanh, Ecohome Phúc Lợi, CT2B Thạch Bàn, Happy Star Tower, NO8 Long Biên… với giá chỉ từ 13 - 17 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhiều ông lớn bất động sản, đặc biệt là VinGroup bắt đầu triển khai các dự án, khu đô thị quy mô tại Long Biên, kéo mặt bằng giá chung cư tại Long Biên lên mặt bằng mới.
Cụ thể, nhiều dự án tại Long Biên hiện có mặt bằng giá quanh mốc 40 triệu đồng/m2 trở lên như: Vinhomes Symphony Riverside sở hữu mức giá 50 - 72 triệu đồng/m2, tương đương với giá của một số toà chung cư mới tại Cầu Giấy.
Một số dự án khác như Sunshine Green Iconic có giá 44 - 52 triệu đồng/m2; PHC Complex: 42 - 47 triệu đồng/m2; Khai Sơn City: 40 - 47 triệu đồng/m2; Mipec Riverside: 44 triệu đồng/m2; HC Golden City: 46 - 61 triệu đồng/m2; Berriver Jardin: 43 - 49 triệu đồng/m2; Le Grand Jardin Sài Đồng: 34 - 42 triệu đồng/m2…
Trong khi đó, tại Cầu Giấy, giá chung cư trung bình năm 2022 khoảng 41 triệu đồng/m2, bao gồm cả những chung cư đã bàn giao nhiều năm, giá khá rẻ. Trong khi đó, nguồn cung chung cư mới trên địa bàn triển khai khoảng 3 - 5 năm trở lại ghi nhận mặt bằng giá cao.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội
Ngày 3/4, Chính phủ chính thức phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2022 - 2030".
Trong thời gian qua, Nhà nước đã thực hiện nhiều các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp nhằm tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Cụ thể như các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp...
Thủ tướng Chính phủ cũng đã rất quan tâm chỉ đạo thực hiện, kịp thời giải quyết các vướng mắc theo thẩm quyền để thực hiện các chính sách đạt mục tiêu, yêu cầu.
Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhìn chung chưa đáp ứng kỳ vọng và mục tiêu đề ra. Đến nay cả nước chỉ mới hoàn thành 7.790.000m2 sàn nhà ở xã hội, đạt khoảng 65% mục tiêu đề ra đến năm 2020. Trước thực tế này, Chính phủ nhận thấy cần thiết phải ban hành quyết định phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2022 - 2030" để thúc đẩy phân khúc này phát triển, đáp ứng đủ nhu cầu mà thị trường mong muốn.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Ai được mua nhà ở xã hội và vay gói 120.000 tỷ đồng?
Ngân hàng Nhà nước chính thức đưa ra hướng dẫn cụ thể liên quan tới gói 120.000 tỷ đồng đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Vậy đối tượng nào được mua nhà ở xã hội theo quy định hiện hành?
Theo công văn hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, đối tượng vay vốn của chương trình gồm cả người mua nhà, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố.
Khách hàng phải đáp ứng các điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng; đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật.
Mỗi người mua nhà chỉ được tham gia vay vốn 1 lần để mua 1 căn hộ tại dự án thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định. Tương tự, mỗi dự án của chủ đầu tư chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại chương trình này 1 lần.
Lãi suất là 8,7%/năm với chủ đầu tư và 8,2%/năm với người mua nhà, áp dụng đến hết ngày 30/6 năm nay. Kể từ 1/7, định kỳ 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các ngân hàng thương mại tham gia chương trình.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Ngăn chặn sở hữu chéo: Lo ngại nhất là "phần chìm" của tảng băng
Vấn đề sở hữu chéo giữa ngân hàng và các doanh nghiệp, đặc biệt là bất động sản đang được ngành ngân hàng nỗ lực xử lý, thông qua việc siết chặt hơn giới hạn về cho vay và tỷ lệ sở hữu cổ phần của một hoặc một nhóm cổ đông tại ngân hàng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thắt chặt quy định của pháp luật dù cần thiết nhưng e rằng chỉ giải quyết được phần nổi của tảng băng chìm, bởi thị trường tài chính vốn có nhiều mối quan hệ phức tạp, không dễ dàng nhìn thấy hết và pháp luật cũng khó có thể lường trước.
Do đó, việc có giải pháp để duy trì sở hữu chéo ngân hàng trong ngưỡng tích cực theo quy định pháp luật nhằm kiểm soát được hiện tượng này là vấn đề cần thẳng thắn nhìn nhận và xem xét một cách kỹ lưỡng.
Trong Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mà Ngân hàng Nhà nước đang đưa ra lấy ý kiến, rất nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung nhằm tiếp tục siết chặt hơn giới hạn về cho vay và tỷ lệ sở hữu cổ phần của một hoặc một nhóm cổ đông tại ngân hàng.
Theo đó, dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng dự kiến giảm từ mức 15% như hiện hành xuống còn 10%, tính trên vốn tự có của tổ chức tín dụng. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, giảm so với quy định hiện hành là 25%.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ Thủ đô chậm lại trong quý đầu năm
JLL cho rằng, nhu cầu thuê trên thị trường vẫn dồi dào nhưng đã có dấu hiệu chậm lại do những lo ngại về khó khăn từ thị trường.
Báo cáo thị trường bán lẻ quý I/2023 tại Hà Nội của JLL cho thấy, cả quý đầu năm 2023, thị trường không ghi nhận nguồn cung trung tâm thương mại trọng điểm mới.
Trong một diễn biến khác, các trung tâm thương mại đang đẩy mạnh cải tạo và cải thiện trải nghiệm khách hàng, đặc biệt là các trung tâm thương mại lâu đời với lượng khách tham quan ổn định nhằm cạnh tranh với thị trường bán lẻ trực tuyến. Ví dụ, Indochina Plaza Hanoi hiện đang hoàn thiện việc cải tạo và dự kiến sẽ chào đón khách thuê cao cấp trong không gian bán lẻ "xanh và mở" vào mùa hè này. Vincom Center Trần Duy Hưng và Vincom Center Phạm Ngọc Thạch cũng đã lắp đặt khu vực ghế nghỉ cho khách mua sắm và khu vui chơi cho trẻ em thay vì các ki-ốt nhỏ.
Từ phía khách thuê, theo JLL, nhu cầu thuê dồi dào và ổn định tiếp tục là xu hướng trên thị trường bán lẻ Hà Nội với tỷ lệ hấp thụ thuần dương trong 4 quý liên tiếp gần đây, nhưng có phần chậm lại so với quý trước do những lo ngại về bất ổn kinh tế. Trong quý I/2023, toàn bộ thị trường ghi nhận mức hấp thụ thuần 2.763m2 sàn, với 382m2 tại khu vực trung tâm, tăng 78,5% theo năm nhưng giảm 74,2% theo quý, trong khi ở khu vực ngoài trung tâm, tỷ lệ hấp thụ thuần là 2.381m2 sàn, giảm 26,7% theo quý.