Aa

Bất động sản 24h: Hàng loạt "đất vàng" ế khách, không người thuê

Thứ Tư, 06/05/2020 - 10:30

Chuyện lạ tại Hà Nội: Hàng loạt "đất vàng" ế khách, không người thuê; Chiến lược điều chỉnh giá kích hoạt các khách sạn và resort sau dịch Covid-19... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Chuyện lạ tại Hà Nội: Hàng loạt "đất vàng" ế khách, không người thuê

Là địa điểm mơ ước của nhiều tiểu thương buôn bán, nhưng hiện tại các khu đất vàng có giá cả tỷ đồng/m2 trong trung tâm Hà Nội vẫn “bất động” đìu hiu không có người thuê.

Tại các tuyến phố nổi tiếng có giá bán và cho thuê vô cùng đắt đỏ tại Hàng Bông, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Gai, Hàng Đường, Chợ Đồng Xuân, Lương Văn Can, Tràng Thi... xuất hiện hàng loạt biển hiệu cho thuê cửa hàng với diện tích lớn nhỏ khác nhau.

Theo chia sẻ từ những người dân sống tại Phố Cổ, hầu hết ai cũng bất ngờ khi hàng loạt cửa hàng rơi vào tình trạng "vườn không nhà trống" như hiện tại.

Nói về lý do hàng loạt cửa hàng để không, một số chủ mặt bằng cho biết đó là do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến cho các chủ cửa hàng thuê mặt bằng trước đây rơi vào tình trạng thất thu dẫn đến tình trạng không đủ kinh phí chi trả tiền thuê nên đã trả lại.

"Các khu phố này đều nằm ở những vị trí đắc địa của Hà Nội nên tôi đã nghĩ sẽ không bao giờ có tình trạng trống mặt bằng như hiện tại, ai cũng nghĩ sau cách ly xã hội mọi hoạt động buôn bán sẽ trở lại bình thường nhưng hiện tại tôi khá bất ngờ vì đến thời điểm này vẫn chưa có người thuê", ông Nguyễn Huy Hoàng, sống tại phố Hàng Đường cho biết.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Phá “băng” bất động sản 2020: Nhìn từ kịch bản 2011 - 2013

Sự đóng băng của thị trường bất động sản 2020 khiến giới đầu tư liên tưởng tới kịch bản năm 2011 - 2013. Đó là thời điểm thị trường ghi nhận hoạt động giao dịch giảm sút mạnh mẽ, lượng cung tồn đọng lớn.

Nhìn lại lần “đóng băng” trên thị trường cách đây gần 10 năm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thời điểm đó, để cứu thị trường, Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ.

Theo ông Đính, một nguyên nhân khiến thị trường đổ vỡ đến từ tình trạng thừa cung, thiếu cầu. Các sản phẩm bất động sản tung ra thị trường có giá trị lớn, không đáp ứng vừa nguồn tiền của người dân. Để giải cứu thị trường, Nhà nước đã đưa ra Nghị quyết 02. Chính sách này cho phép giải quyết toàn bộ hàng tồn kho bất động sản khi cho phép chia tách căn hộ lớn thành nhỏ, nhằm tạo ra sản phẩm vừa túi tiền của người dân, dễ thanh khoản.

Một giải pháp cứu thị trường khác mà ông Đính đưa ra, đó là gói kích cầu 30.000 tỷ đồng dành cho người người thu nhập thấp từ Nhà nước. Ông Đính cho rằng, thị trường thiếu gì thì Nhà nước cần khuyến khích sản phẩm đó. Với gói kích cầu 30.000 tỷ, nhu cầu mua nhà để ở trở nên nhộn nhịp, sôi động trở lại. Thị trường từ đó cũng bắt đầu phục hồi.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Chính sách đất đai: Lưỡi dao "chọc thủng” quyết tâm của doanh nghiệp

Được sinh ra với vai trò “bà đỡ” nhằm điều tiết thị trường phát triển minh bạch và đúng hướng nhưng bên cạnh những tác động tích cực, các chính sách đất đai, trong đó chủ chốt là Luật Đất đai 2013, đang bộc lộ nhiều bất cập, ảnh hưởng lớn tới hoạt động của doanh nghiệp cũng như còn nhiều kẽ hở khiến lĩnh vực đất đai trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho lợi ích nhóm, hình thành các sai phạm, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Nếu không kịp thời có sự điều chỉnh sửa đổi chính sách đất đai nói chung, Luật Đất đai 2013 nói riêng sẽ gây ra tác động ngược, trở thành “vòng kim cô” kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp bất động sản, đồng thời "châm ngòi", tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng “dính” phải các sai phạm, xa hơn là dẫn đến thị trường bất động sản kém minh bạch, nhiều rủi ro khó lường.

“Cũng như các thị trường khác, thị trường bất động sản cũng chịu sự chi phối của quản lý Nhà nước, thông qua vai trò điều tiết đất đai. Một sản phẩm bất động sản khi được đưa ra thị trường phải được cơ quan thẩm quyền cho phép thông qua phê duyệt quy hoạch, việc xét duyệt các dự án đầu tư, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và đảm bảo các cơ sở pháp lý khác của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... Do đó, muốn thị trường vận động và phát triển thì vai trò của chính sách rất quan trọng”, TS. Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn, trường Đại học Lâm Nghiệp nhận định.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Chiến lược điều chỉnh giá kích hoạt các khách sạn và resort sau dịch Covid-19

Ông Mauro Gasparotti, Giám Đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương nhận định, Việt Nam đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch và bây giờ là lúc đất nước đi vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Nhu cầu du lịch trong nước sẽ là thị trường chính. Tuy nhiên, các khách sạn và resort cần điều chỉnh lại chính sách giá cũng như các ưu đãi để đón đầu và đáp ứng nhu cầu của nhóm khách này.

Việt Nam sẽ trải qua quá trình tương tự như Trung Quốc sau khi đại dịch được kiểm soát, theo đó thị trường Trung Quốc chỉ mất khoảng 6 tuần để công suất trở lại mức 30% sau khi công suất bị giảm mạnh vào giai đoạn trước đó và điều này phụ thuộc hoàn toàn vào khách du lịch nội địa, đặc biệt là nhóm du khách trẻ. Trong số tất cả các phân khúc, khách sạn ngân sách thấp ghi nhận mức công suất tăng nhanh hơn so với những khách sạn có định vị cao hơn.

Ông Mauro Gasparotti khẳng định: "Chủ sở hữu và các nhà điều hành khách sạn sẽ đối mặt với giai đoạn cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới, đòi hỏi sự sáng tạo và đổi mới để quản lý và tạo ra nguồn doanh thu mới. Các dịch vụ lưu trú và nhà hàng cần phát triển các chiến lược tiếp thị, quảng bá sáng tạo và ý nghĩa hơn trong khi các tổ chức tài chính và chủ sở hữu bất động sản cần tích cực làm việc với chủ đầu tư để tìm ra giải pháp cùng có lợi nhằm góp phần xây dựng và hỗ trợ quá trình phục hồi".

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đề xuất cho phép phân lô, bán nền đất tại các vùng ven thành phố

Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị nên xem xét, nới lỏng trong quy định cấm "phân lô bán nền" ở các vùng nông thôn, các huyện ngoại thành. Tại các thành phố lớn thì vẫn có thể xem xét, cho phép một số dự án "phân lô bán nền" phù hợp.

Theo HoREA, Nghị định 43/2014 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc thực hiện dự án phân lô bán nền phù hợp với quy hoạch và thực tiễn của địa phương, kể cả tại các khu vực ngoài địa bàn các quận nội thành của các đô thị đặc biệt (Hà Nội, TP HCM). Hiệp hội cho rằng, quy định tương đối phù hợp và linh hoạt.

Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi các Nghị định thi hành Luật Đất đai đang được lấy ý kiến lại mở rộng phạm vi các khu vực không được phép thực hiện các dự án phân lô bán nền đối với "các khu vực không nằm trong thành phố trực thuộc Trung ương, thuộc tỉnh".

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top