Hé lộ những thủ đoạn làm giả, đánh tráo sổ đỏ không ai ngờ tới
Công an quận 11 (TP.HCM) vừa ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra làm rõ vụ việc một đối tượng đã làm giả sổ đỏ, giả giấy ủy quyền căn nhà số 236 - Nguyễn Thị Nhỏ để bán cho người khác.
Căn nhà trên do bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm (hộ khẩu tại quận 11) và chị ruột là bà Nguyễn Thị Ngọc Phương góp tiền mua từ tháng 3/2019.
Theo trình bày của bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm, do cần tiền, gia đình đã quyết định bán nhà. Cuối tháng 7/2019, có một người đàn ông đã liên lạc qua điện thoại của bà Diễm hẹn tới xem nhà. Tới hẹn, người đàn ông này dẫn theo một bà già, giới thiệu là mẹ mình, muốn cùng xem nhà để quyết định mua hay không.
Theo yêu cầu của khách mua, bà Diễm mang bản chính sổ đỏ nhà, cùng tờ khai lệ phí trước bạ cho 2 vị khách xem, kiểm tra tính pháp lý.
Xem xong, 2 vị khách “gật đầu cái rụp”, thống nhất giá tiền mua căn nhà là 14 tỷ đồng và hẹn ngày hôm sau sẽ tới ký hợp đồng.
Đúng hẹn, vị khách đàn ông tới, nhưng lần này dẫn theo một phụ nữ khác, xưng là chị gái và nói phải xem kỹ thêm một lần nữa. Người phụ nữ yêu cầu bà Diễm cho xem lại toàn bộ bản chính giấy tờ, đặc biệt là giấy chủ quyền. Khi bà Diễm giao giấy, người phụ nữ vừa cầm giấy vừa đi lên các tầng xem xét căn nhà, còn bà Diễm thì vẫn ngồi ở phòng khách tầng trệt để tiếp người đàn ông.
Sau đó, người phụ nữ trở xuống trả lại giấy tờ cho bà Diễm và nói không ưng căn nhà, từ chối mua.
Gần 1 tháng sau, bà Diễm bất ngờ nhận được điện thoại từ cơ quan công an cho biết, căn nhà của bà có kẻ làm giả sổ đỏ, giả hợp đồng ủy quyền để bán cho người khác. Đến cơ quan chức năng trình báo, bà Diễm mới nhận ra những vị khách trước đây đến hỏi mua nhà chỉ là cái cớ để xem chụp lại toàn bộ giấy tờ bản chính rồi làm giả đi bán.
Bất động sản du lịch không còn chỗ cho nhà đầu tư chộp giật
Theo các chuyên gia, để bất động sản du lịch nghỉ dưỡng thực sự đi đúng quỹ đạo phát triển thì đòi hỏi của doanh nghiệp địa ốc chuyên nghiệp, vừa có năng lực vừa có tầm nhìn là điều hết sức quan trọng. Nếu không, sự đổ bộ ồ ạt của các doanh nghiệp, thiếu đi chiếc phễu lọc sẽ tạo ra sự ngổn ngang và chồng chéo.
“Bộ mặt của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã đổi thay rất lớn nhờ sự tham gia thị trường của những ông lớn như Vingroup, Sun Group, CEO Group… Tuy nhiên, sự phát triển nóng của quá nhiều doanh nghiệp địa ốc lấn sân vào bất động sản nghỉ dưỡng đã khiến thị trường trở nên bị “bê tông hóa”, chững lại.
Vấn đề đầu tiên phải là giải quyết bài toán quy hoạch. Chúng ta cũng cần định hướng cho các doanh nghiệp dựa vào tiềm lực của mình để chọn tỷ trọng sản phẩm nào là phù hợp. Đâu là sân chơi cho bất động sản nghỉ dưỡng, đâu là sân chơi cho những doanh nghiệp làm về khu đô thị, đâu là sân chơi cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Và bất động sản nghỉ dưỡng cần phải có những doanh nghiệp địa ốc có tiềm năng mạnh về tài chính có năng lực về quy hoạch và xây dựng. Có như vậy, thì bất động sản du lịch nghỉ dưỡng mới phát triển đúng đắn như kỳ vọng mà ta đặt ra”, ông Văn Dũng Chinh, Chủ tịch CLB Bất động sản Nha Trang – Khánh Hòa nhấn mạnh.
Còn nhiều cơ hội cho bất động sản công nghiệp Bắc Ninh
Dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 500 khu công nghiệp, diện tích cần khoảng 500.000 ha. Do đó, cơ hội sở hữu quỹ đất để thâm nhập và phát triển trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp là rất lớn đối với cả nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.
Theo công ty chứng khoán Rồng Việt, năm 2019 được coi là năm thuận lợi đối với bất động sản khu công nghiệp, khi nhu cầu thuê tăng cao. Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp tăng trưởng và có sự phân hóa giữa các chủ đầu tư khu công nghiệp.
Báo cáo của JLL cũng cho thấy, giá đất công nghiệp trung bình trong quý III/2019 đạt 95 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh hoạt động cho thuê khu công nghiệp, nhiều chủ đầu tư đưa ra kế hoạch phát triển các khu dân cư bên cạnh các khu cho thuê khu công nghiệp. Đây được coi là động lực trong ngắn hạn đối với các chủ đầu tư này, đặc biệt các công ty có quy mô nhỏ.
Mở đường cho vốn ngoại
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), trong 10 tháng đầu 2019, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 16,21 tỉ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Lũy kế đến 20/10, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 đạt 58,5 tỉ USD, chiếm hơn 16% tổng vốn đầu tư.
Thực tế, ngay từ đầu năm 2019, thị trường đã chứng kiến nhiều thương vụ mua, bán, chuyển nhượng các dự án bất động sản, phần lớn theo dạng hợp tác rót vốn của nhà đầu tư nước ngoài cho doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh dòng vốn ngoại, M&A bất động sản cũng chứng kiến những thương vụ chuyển nhượng đáng chú ý giữa các doanh nghiệp nội.
Vì sao thị trường bất động sản vẫn được kỳ vọng tốt?
Tại Hội thảo "Tiềm năng & cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản" diễn ra tại TP.HCM ngày 16/11, các chuyên gia đã có những nhận định tích cực về gam màu tươi sáng trên thị trường.
Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam, sự phát triển của thị trường bất động sản được cấu thành từ các yếu tố: nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và ổn định, khả năng liên kết giữa các đô thị ngày càng mở rộng, doanh nghiệp bất động sản gia tăng tiềm lực, nhu cầu đất nền và bất động sản nghỉ dưỡng ngày càng được ưa chuộng.
Sự tăng trưởng bền vững của thị trường bất động sản còn đến từ khả năng hấp thụ tồn kho từ những dự án của các năm trước đó, đồng thời các dự án có sự chuẩn bị về mặt pháp lý tốt hơn.
Trên cơ sở đó, ông Phương cho rằng, thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phát triển, tốc độ tăng GDP cao hơn các năm trước. Thu nhập của người dân ngày càng tăng trưởng. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ gia tăng nguồn thu của người dân vào bất động sản và là động lực cho các hoạt động của doanh nghiệp.