Gần 1/3 số văn phòng cao cấp ở TP.HCM sẽ bị bỏ trống
Tại TP.HCM, 29% số văn phòng cao cấp sẽ bị bỏ trống vào cuối năm nay. Đây là hệ quả của việc nguồn cung gia tăng vượt sức cầu. Tuy nhiên, trước khi các thay đổi lớn diễn ra, thị trường đã ghi nhận những biến động nhỏ trong quý II, theo báo cáo mới của Knight Frank.
Dữ liệu của hãng tư vấn này cho thấy trong quý II, giá chào thuê văn phòng hạng A tăng khoảng 2% so với quý trước, đạt mức 58,92 USD/m2/tháng. Bên cạnh đó, tỷ lệ trống giảm còn 4,2%, từ mức 4,9% của quý I.
Ông Leo Nguyễn, Giám đốc Bộ phận Chiến lược & Giải pháp cho Khách thuê của Knight Frank Việt Nam cho biết các chủ tòa nhà đang cố gắng tranh thủ chốt hợp đồng vào thời điểm giá thuê vẫn ở mức cao, trước khi thị trường chào đón thêm các tòa nhà văn phòng cao cấp.
Những dự án ra mắt trong quý III tọa lạc ở bán đảo Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức), còn khu vực trung tâm TP.HCM sẽ chào đón nguồn cung mới từ quý IV năm nay.
"Trước đó, chúng tôi đã dự báo tỷ lệ trống của văn phòng hạng A sẽ rơi vào khoảng 4,4% trong quý này. Tuy nhiên, các kết quả khảo sát gần đây cho thấy thị trường vẫn ổn định ở mức 4,2%. Các chủ tòa nhà sẽ đương đầu với không ít thách thức từ nguồn cung hạng A gia nhập thị trường trong nửa cuối năm 2023", ông Leo Nguyễn nhận định.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Lãi suất liên tục giảm, khi nào bất động sản "nóng" trở lại?
Từ tháng 3 tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành. Theo đó, từ ngày 19/6, một loạt lãi suất điều hành áp dụng điều chỉnh giảm. Đáng chú ý, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5%/năm xuống 4,75%/năm.
Động thái giảm lãi suất này được giới chuyên gia đánh giá là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế. Qua đó, kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản.
Từ góc độ doanh nghiệp, chia sẻ với PV VietNamNet, ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc CTCP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc cho biết, lãi suất hạ nhiệt có phần nào tác động đến thị trường bất động sản, nhất là đến tâm lý thị trường.
"Dù tác động chưa thực sự rõ nét, tuy nhiên giao dịch có cải thiện một chút. Tại Đất Xanh từ tháng 4 đến nay cũng túc tắc có giao dịch; trung bình mỗi tháng khoảng 25 - 30 giao dịch, thay vì trước đó chỉ 4 - 5 giao dịch. Các giao dịch chủ yếu ở thị trường Hà Nội là chính", ông Quyết cho hay.
Theo vị lãnh đạo này, dù cải thiện, nhưng số lượng giao dịch như vậy vẫn rất chậm.
"Lãi suất đầu vào hạ, nhưng lãi suất đầu ra, cho vay chưa hạ nhiều. Người vay mua nhà hiện vẫn chịu lãi suất 11 - 12%, thực sự khó khăn để "kéo" thanh khoản bất động sản lên. Lãi suất cho vay phải giảm xuống dưới 10%, thị trường sẽ có tác động rõ nét hơn".
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thị trường bất động sản vẫn đợi "phao cứu sinh" M&A
Một số doanh nghiệp đã mạnh tay chi tiền nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, cải thiện biên lợi nhuận mảng kinh doanh. Tuy nhiên, số lượng giao dịch thành công chưa nhiều, các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) lớn vẫn chưa hiện diện.
Ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS - FERI) cho rằng, trong giai đoạn khó khăn, M&A và mở rộng hợp tác đang trở thành xu hướng của các chủ đầu tư lớn tại Việt Nam, bao gồm các chủ đầu tư nước ngoài. Các chủ đầu tư nước ngoài có định hướng chiến lược phát triển rõ ràng, chuẩn bị bài bản nên luôn có nguồn tài chính sẵn sàng để hợp tác khi có cơ hội.
Được xem như "phao cứu sinh" cho các nhà phát triển bất động sản "khát" vốn. Thời gian gần đây, hoạt động M&A bất động sản nhận được nhiều sự quan tâm với lợi thế có vẻ đang nghiêng về bên mua.
Đánh giá về bối cảnh chung, các chuyên gia nhận xét, tình hình kinh tế khó khăn khiến doanh nghiệp kinh doanh ngoài ngành phải tập trung vào ngành nghề chính, chỉ có đủ tiềm lực để giao dịch các thương vụ giá trị nhỏ, trung bình.
Trong khi đó, hiện rất ít nhà phát triển bất động sản trong nước còn khả năng thu xếp được dòng vốn để mua lại dự án trong bối cảnh thanh khoản sụt giảm, chi phí tài chính tăng cao... Bởi vậy, lượng giao dịch các thương vụ tỷ đô được kỳ vọng tăng từ dòng vốn ngoại.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Cần chính sách điều tiết thị trường bất động sản một cách chủ động
Nhận xét quy định điều tiết thị trường bất động sản tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chậm, bị động, đại biểu Quốc hội đề nghị cần có chính sách điều tiết thị trường này một cách chủ động.
Góp ý về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chiều ngày 23/6, đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) nêu thực tế, thị trường bất động sản lên xuống, luôn rình rập yếu tố rủi ro, nếu chính sách của Nhà nước không điều tiết kịp thời, không có giải pháp hữu hiệu có thể ảnh hưởng gây khủng hoảng tài chính, cao hơn nữa là khủng hoảng kinh tế.
"Vì vậy, chính sách của Nhà nước đối với thị trường bất động sản rất quan trọng nhưng hiện nay chúng ta chưa điều tiết được thị trường này", vị đại biểu nói và mong muốn việc sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản lần này cần xóa bỏ được tư duy "không buôn gì lãi bằng buôn đất".
Theo đó, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị ban soạn thảo đầu tư nhiều hơn vào Điều 8 của dự thảo Luật, xây dựng dày dặn hơn, để thể chế hóa đầy đủ hơn chủ trương của Đảng cũng như thực tiễn đặt ra. Ông kiến nghị cơ quan soạn thảo rà soát, đảm bảo tính ổn định lâu dài của chính sách; tạo động lực phát triển thông qua chính sách thông thoáng; cơ cấu lại theo hướng giảm số nhà ở cao cấp, tăng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Để tránh tình trạng đầu cơ và mất cân đối thị trường, đại biểu đoàn Hà Nam dẫn thành công tại Singapore. Theo ông, quốc gia này đánh thuế lũy tiến bất động sản, mua căn nhà thứ 2 phải trả thuế 7% giá trị bất động sản, 10% cho căn thứ 3.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Biến động trong tỷ lệ lấp đầy văn phòng toàn cầu
Hiện nay, thị trường văn phòng trên toàn cầu đang ghi nhận nhiều chuyển biến cùng những xu hướng phát triển khác nhau kể từ thời điểm nhân viên trở lại công ty sau thời gian dài làm việc tại nhà.
Hiện nay nhìn chung trên toàn cầu, nhu cầu văn phòng vẫn đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên, các thị trường đang có những dự báo phát triển trái ngược nhau được thể hiện ở mức độ sử dụng văn phòng hàng ngày, rõ nét nhất là tại châu Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương. Theo Savills Impacts, tại các thị trường châu Á, mức độ sử dụng văn phòng trung bình là 86% vào tháng 3/2023, trong khi đó tại khu vực châu Âu, mức trung bình chỉ đạt 61% và tại Mỹ là 48%. Số liệu từ Savills Impacts cũng cho thấy, 56% nhân viên toàn thời gian tại Mỹ, tương ứng với 70 triệu người cho rằng họ có thể hoàn thành công việc từ xa mà không cần tới văn phòng. Tương tự, con số được ghi nhận tại Đức là 51% và tại Anh là 42%.
Tại thị trường Bắc Mỹ, nhất là các thành phố lớn như Los Angeles, New York, đặc biệt là San Francisco, ghi nhận xu hướng tăng mạnh trong tỷ lệ văn phòng trống. Đơn cử, trước đại dịch Covid-19, San Francisco đã từng là thành phố có tỷ lệ trống thấp nhất nước Mỹ với chỉ 9,5%, nhưng vào năm 2023, tỷ lệ văn phòng trống tại thị trường này lên tới 30%, mức kỷ lục trong vòng 30 năm trở lại đây.
Ông Michael McCandless, Giám đốc Điều hành Savills San Francisco chia sẻ: "Tỷ lệ trống này còn cao hơn cả thời điểm bong bóng Dotcom năm 2000 và khủng hoảng tài chính năm 2008. Với mức độ sử dụng thấp, hầu hết các tòa nhà tại San Francisco chỉ hoạt động ở mức khoảng 30% công suất tối đa".