Aa

Bất động sản 24h: Làn sóng bán cắt lỗ chung cư, nhà đất bắt đầu xuất hiện

Thứ Hai, 06/04/2020 - 10:30

Làn sóng bán gấp, bán cắt lỗ chung cư, nhà đất do dịch Covid bắt đầu xuất hiện; Thị trường văn phòng quý I/2020: Nghịch lý trong mùa Covid... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Làn sóng bán gấp, bán cắt lỗ chung cư, nhà đất do dịch Covid bắt đầu xuất hiện

Trước những khó khăn của thị trường bất động sản, cộng thêm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thị trường nhà đất đang bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu như các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn cầm chừng thì nhiều nhà đầu tư cá nhân đã bắt đầu rao bán cắt lỗ trên thị trường.

Lần theo những thông tin rao bán cắt lỗ ồ ạt gắn với ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên các trang mua bán nhà chúng tôi nhận thấy hầu hết sản phẩm rao bán đều tập trung ở những căn hộ chung cư đã đi vào sử dụng, đặc biệt đa phần thuộc phân khúc cao cấp.

Trao đổi với chúng tôi, chị Linh - chủ nhà đang giao bán căn hộ chung cư cao cấp 2 phòng ngủ tại Mỹ Đình cho biết trước đây chị đầu tư căn hộ này cho người nước ngoài thuê. Tuy nhiên, mấy tháng nay dịch bệnh xuất hiện, khách trả lại nhà. Với tình hình dịch diễn biến phức tạp sẽ khó cho thuê trong vòng vài tháng tới, thậm chí có thể hết năm nay. Chính vì thế, trong lúc căn hộ đang để trống chị Linh rao bán.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường văn phòng quý I/2020: Nghịch lý trong mùa Covid

Báo cáo của JLL cho hay, tại thị trường Hà Nội, trong quý I/2020 không có nguồn cung mới. Phân khúc hạng B tiếp tục dẫn đầu tổng nguồn cung sàn văn phòng, chiếm gần 66% tổng cung, chủ yếu tập trung tại quận Cầu Giấy. Ở phân khúc hạng A, Hoàn Kiếm vẫn là quận cung cấp nguồn cung lớn nhất, tuy nhiên, Quận Ba Đình, với sự gia nhập thị trường của tòa Capital Place vào nửa sau 2020, sẽ sớm vươn lên bắt kịp Quận Hoàn Kiếm về tổng nguồn cung tính theo khu vực.

Lượng hấp thụ ròng trong quý I đạt xấp xỉ 12.900m2, tương đối cao trong bối cảnh dịch bùng phát gần đây. Tuy nhiên, nên lưu ý lượng hấp thụ ròng ghi nhận trong quý chủ yếu nhờ vào các giao dịch đã diễn ra trước dịch và phần lớn đến từ tòa nhà mới hoàn thành ThaiHolding, do tòa nhà có thể đáp ứng đa dạng nhu cầu về kích thước thuê. Nhờ có tòa nhà mới, phân khúc hạng A cũng ghi nhận lượng hấp thụ ròng lớn hơn phân khúc hạng B trong quý.

Về giá thuê văn phòng hạng A và B tại Hà Nội, JLL ghi nhận mức giá nhích nhẹ 0,6% so với quý IV/2019 và tăng 5,8% so với cùng kỳ 2019. Do nguồn cung giới hạn, nhiều tòa nhà vẫn tiếp tục điều chỉnh giá tăng nhẹ. Đáng chú ý, quý I cũng ghi nhận tốc độ tăng giá ở hạng A cao hơn hạng B (hạng B gần như không tăng), trong khi ở các quý trước, hạng B đạt được tốc độ tăng giá tốt hơn hạng A, nguyên nhân đến từ việc nguồn cung hạng A khan hiếm và tỉ lệ hấp thụ ròng trong quý vẫn khá tốt.

Triển vọng thị trường trong thời gian tới, JLL nhận định, mặc dù thị trường văn phòng chưa phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, nhưng thị trường được dự đoán sẽ tiếp nhận những ảnh hưởng gián tiếp từ đại dịch trong những quý sau, do nền kinh tế đình trệ. Cùng với dự đoán về giảm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và thế giới, nguồn cầu tương lai có thể giảm sút so với dự báo thời gian trước, do các công ty thắt chặt chi tiêu. Điều này có thể sẽ khiến một số tòa nhà phải cân nhắc các chính sách thuê linh hoạt, hấp dẫn nhằm thu hút và hỗ trợ khách hàng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Chung cư mùa dịch Covid: Giai đoạn đánh giá năng lực ban quản lý toà nhà

Để đối phó với dịch Covid-19 và bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong các dự án chung cư là một trong những yêu cầu cấp thiết đang đặt ra với các chủ đầu tư và ban quản lý toà nhà. Trong đó, ban quản lý toà nhà chịu trách nhiệm trực tiếp công việc này.

Ghi nhận tại một số chung cư cho thấy, công tác phòng chống dịch Covid-19 rất nghiêm túc. và chuyên nghiệp. Cụ thể, tại khu chung cư Vinhomes Times City ban quản trị chung cư đề nghị tất cả các cư dân phải đeo khẩu trang trong thang máy và nơi công cộng, tuyệt đối không khạc nhổ trong thang máy. Đồng thời không mở cửa cho người lạ, người giao hàng lên các tầng căn hộ.

Đặc biệt, ban quản lý chung cư thông báo sẽ tạm khóa toàn bộ thẻ cư dân, thẻ ra vào, vân tay, thẻ gửi xe của các cư dân đang bị cách ly tại căn hộ nhằm phục vụ công tác kiểm soát an toàn. Các trường hợp vi phạm, ban quản lý sẽ thông báo đến cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.

Còn tại chung cư Mipec Riverside Long Biên, ban quản lý đã tuyên truyền, vận động cư dân nâng cao ý thức và hành động tự bảo vệ mình, chung tay góp sức cùng cộng đồng và xã hội trong phòng chống dịch. Đề nghị các gia đình tính toán, hạn chế tối đa khách ra vào chung cư. Tất cả khách đến chung cư thì phải đăng ký với lễ tân, bảo vệ, và có chủ nhà xuống đón, thực hiện khai báo y tế.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Giá nhà liệu có giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19?

Số liệu thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, trong quý I/2020, tiếp đà giảm sút từ năm 2019 và cùng với đó là những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, đã khiến nguồn cung sản phẩm trên thị trường sụt giảm mạnh.

Cụ thể, tại Hà Nội, có 8.963 căn hộ được chào bán trên toàn thị trường, giao dịch 1.307 sản phẩm. Trong đó, có 1.167 sản phẩm mới chào bán, giao dịch 181/1.167 sản phẩm, còn lại là cung và giao dịch từ hàng tồn năm 2019.

Về lượng sản phẩm đủ điều kiện bán hàng, quý I/2020, tại Hà Nội có 15 dự án được phê duyệt có sản phẩm đủ điều kiện với 9.414 sản phẩm. Trong đó, có 8.878 căn hộ chung cư và 536 thấp tầng, sản phẩm căn hộ đủ điều kiện bán hàng chủ yếu từ 2 đại dự án của Vingroup, tăng 1,65 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Tại TP.HCM, có 8.421 căn hộ được chào bán trên toàn thị trường, giao dịch 1.409 sản phẩm. Trong đó, có 4.664 sản phẩm mới chào bán, giao dịch 815/4.664 sản phẩm, còn lại là cung và giao dịch từ hàng tồn năm 2019.

Về lượng sản phẩm đủ điều kiện bán hàng, quý I/2020 tại TP.HCM có 10 dự án được phê duyệt với 2.816 sản phẩm đủ điều kiện, trong đó có 2.736 căn hộ chung cư và 80 thấp tầng, bằng 78% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo đánh giá của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhìn chung tất cả các sản phẩm trong quý I/2020 tiếp đà giảm sút từ năm 2019 và ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 14,3%, trong khi đó số lượng giao dịch thành công chỉ bằng 19,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Xử lý xây vượt tầng ở Hà Nội: Mới 'đụng' được 2/40 công trình

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội về tình hình xử lý các công trình sai phạm còn tồn đọng giai đoạn 2015 - 2016, mới chỉ xử lý được 2/40 công trình, chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Đáng chú ý, có nhiều công trình “khủng” như nhà 8B Lê Trực, dự án công trình hỗn hợp Đại Thanh, dự án công trình hỗn hợp nhà ở và trung tâm thương mại CT5, xã Tân Triều (Thanh Trì)... là những công trình cư dân đã sinh sống ổn định nhiều năm. Tìm hiểu được biết, có chủ đầu tư đã kiến nghị Nhà nước trưng thu phần diện tích xây dựng sai phạm dùng làm tài sản công, bởi quá trình tháo dỡ rất phức tạp, khó khăn và tốn kém.

Trao đổi về vấn đề xử lý sai phạm trong xây dựng, luật sư Hoàng Đạo - Văn phòng Luật sư 24/7 Hà Nội cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định 139/2017 đã quy định rõ về mức xử phạt hành chính, tước Giấy phép xây dựng và chế tài buộc tháo dỡ phần công trình xây dựng sai phạm. Nhưng việc này chỉ phù hợp đối với những công trình đang xây dựng. Còn quá trình xử lý đối với những công trình người dân đã vào sinh sống đang gặp nhiều khó khăn.

“Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định và hướng dẫn về việc xử lý các công trình sai phạm khi đã có người vào ở ra sao. Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định phải nộp 40% giá trị phần xây sai phép đối với nhà ở riêng lẻ và 50% đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng, mà chưa có quy định về tịch thu toàn bộ số tiền thu được từ việc bán căn hộ sai phép hay trưng thu toàn bộ phần xây sai để phục vụ mục đích công cộng. Vì vậy, muốn thực hiện chế tài này cần phải cụ thể hóa vào luật, tránh trường hợp chống đối hoặc thiếu căn cứ khi xử lý” - luật sư Hoàng Đạo cho hay.

Xem thông tin chi tiết tại đây


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top