Aa

Hà Nội thông minh - Hãy bắt đầu từ… rác

Thứ Tư, 04/11/2020 - 06:00

Hà Nội đang xúc tiến xây dựng đô thị thông minh. Nhưng có lẽ trước khi bắt tay xây dựng một đô thị thông minh, Hà Nội hãy bắt đầu thông minh… từ chuyện rác.

CHẶN XE CHỞ RÁC - ĐẾN HẸN LẠI LÊN

Hà Nội lại nóng lên vì chuyện rác khi ngày 23/10, người dân quanh bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) tái diễn cảnh chặn xe vào đổ rác. Như vậy, đây là lần thứ 8 người dân chặn xe vào bãi rác này và là lần thứ 2 trong năm 2020. Nguyên nhân vẫn là chuyện ô nhiễm. Ô nhiễm từ bãi rác; không, phải gọi là “biển rác” mới đúng, bởi quy mô của khu xử lý rác này đã lên tới hàng trăm héc-ta và còn tiếp tục mở rộng. Ô nhiễm do xe chở rác vung vãi cả rác và nước rỉ rác dọc đường… Nhưng lần này mức độ nặng hơn do cốt rác lên cao và do gió mùa thổi xộc thẳng vào khu dân cư.

Chặn xe chở rác, có nghĩa là rác trong nội thành không có lối thoát và ùn ứ lên nhanh chóng với tốc độ 6.500 tấn/ngày, đêm. Mặc dù đã có “kinh nghiệm” qua các lần ùn ứ rác, nhưng chỉ vài ba ngày là dân tình đã nhao lên vì không chịu nổi. Vậy mà người dân Nam Sơn phải sống chung với rác hàng chục năm nay với mức độ gấp hàng nghìn lần. Nói như thế để thấy, nỗi khổ của người dân sống cận kề bãi rác cơ cực đến thế nào. Theo quy định, bãi rác phải cách khu dân cư tối thiểu 500m nhưng hiện tại, do phải cơi nới vì đã quá tải, có nhà dân chỉ còn cách bãi rác… 100m.

Người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn khiến rác trong nội thành ùn ứ. (Ảnh: Sưu tầm)

Nhưng không chỉ bức xúc về chuyện ô nhiễm, điều khiến người dân các xã Bắc Sơn, Nam Sơn và Hồng Kỳ của huyện Sóc Sơn bức xúc không kém là những vấn đề người dân kiến nghị, chủ yếu là chuyện đền bù trong bán kính 500m, vẫn không được giải quyết dứt điểm. Cứ mỗi lần xảy ra chuyện người dân chặn xe rác là chính quyền từ cấp huyện đến thành phố lại “họp khẩn”, lại “lắng nghe”, lại “trao đổi”, lại “hứa”…, nhưng rồi câu chuyện “đâu lại vào đấy”, không được xử lý dứt điểm. Tôi không ủng hộ cách người dân phản ứng tiêu cực bằng việc chặn xe rác, nhưng mỗi người hãy tự đặt mình vào tình cảnh của người dân sống quanh bãi rác Nam Sơn, thì chắc cũng cảm thông được phần nào.

Vì vậy, điều cần làm trước tiên là chính quyền thành phố phải trả lời rõ những kiến nghị của dân, điều nào không chính đáng cũng phải nói rõ để dân biết, còn điều nào chính đáng thì phải giải quyết rốt ráo, ra thời hạn giải quyết dứt điểm. Hết thời hạn không giải quyết thì phải xử lý người có trách nhiệm. Chỉ có như vậy mới có thể làm người dân nguôi ngoai phần nào.

Tuy nhiên, vận động, thuyết phục để người dân không chặn xe chở rác để giải tỏa cho nội thành chỉ là chuyện trước mắt, giải quyết tình huống. Vấn đề cốt tử và mang tính căn cơ là làm sao giải quyết được tận gốc chuyện ô nhiễm trong xử lý rác mới là điều cần bàn.

Lãnh đạo TP. Hà Nội đối thoại với người dân khu vực bãi rác Nam Sơn hôm 30/10. (Ảnh: Đắc  Sơn)

CHÔN LẤP ĐẾN BAO GIỜ?

Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải có xử lý chất thải sinh hoạt. Tuy nhiên, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện tại chỉ có ba khu xử lý chất thải sinh hoạt đang hoạt động là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn; Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây và Khu xử lý chất thải Cầu Diễn, Nam Từ Liêm.

Còn Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt của HĐND TP. Hà Nội năm 2019 cho biết, mỗi ngày Hà Nội phát sinh 6.500 tấn rác thải và dự báo năm 2020 là 8.500 tấn/ngày đêm. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là theo số liệu của Tổng cục Môi trường, thì có tới 90% lượng rác thải của Hà Nội được xử lý bằng phương pháp… chôn lấp.

Chôn lấp, điều đầu tiên là tốn đất. Hà Nội quy hoạch 17 khu xử lý chất thải, nhưng chỉ riêng Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) đã lên đến 157ha và đang quá tải. Vậy nếu Hà Nội cứ kéo dài điệp khúc chôn lấp mãi như thế thì sẽ phải dành diện tích đất lớn đến thế nào cho rác, trong khi rác thải ngày càng tăng, còn quỹ đất ngày càng hạn hẹp và đất đai ngày càng trở thành nguồn lực trọng yếu để phát triển.

Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn nhìn từ trên cao. Có thể thấy các khu dân cư ở rất sát với bãi rác. (Ảnh: Sưu tầm) 

Nhưng, điều nguy hại lớn hơn của chôn lấp rác là ô nhiễm môi trường. Chôn lấp, mang tiếng được gọi là “hợp vệ sinh”, nhưng cho dù bằng cách gì thì cũng vẫn gây ô nhiễm. Bản thân ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cũng thừa nhận phương pháp này không thể loại bỏ hoàn toàn mùi của rác thải. Mặt khác, khi chôn lấp rác vẫn phải có khoảng hở để tiếp nhận rác, từ đó mà phát tán mùi. Đó là chưa kể ô nhiễm phát tán trong quá trình vận chuyển hay từ các hồ chứa nước rỉ rác… Theo trình bày của URENCO đã như vậy, còn thực tế theo báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn thì “ô nhiễm môi trường ngày càng tăng”. Đích thân Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn còn cho biết, thậm chí “thị trấn Sóc Sơn cách bãi rác 15 - 20km đường chim bay nhưng tuần vẫn vài lần ngửi mùi bãi rác” thì đủ biết, ô nhiễm của việc chôn lấp trầm trọng đến mức nào.

Đó là chưa kể rác thải thực chất cũng là nguồn tài nguyên quý mà nếu biết cách xử lý, khai thác một cách hợp lý, khoa học thì hoàn toàn có thể mang lại nguồn lợi không nhỏ.

Ấy vậy mà, đến nay đã sắp hết 1/5 thế kỷ XXI mà Hà Nội hầu như vẫn chỉ biết chôn lấp rác, thì không hiểu Thủ đô công nghiệp hóa, hiện đại hóa như thế nào và bước chân vào thời đại 4.0 ra làm sao?

Vì vậy, vấn đề quan trọng lúc này là Hà Nội phải thực tâm, nhanh chóng giải bài toán rác thải một cách căn cơ.

CHÔN LẤP RÁC CÓ GÌ HAY MÀ KÉO DÀI MÃI THẾ?

Đến đây, mọi người không khó để nhận ra, con đường tất yếu của xử lý rác thải phải là hiện đại hóa, sử dụng công nghệ cao. Cụ thể hơn đó là phân loại, tái chế rác hoặc/và đốt rác để thu năng lượng, chạy máy phát điện. Trên thế giới hiện nay có rất nhiều giải pháp công nghệ xử lý rác hiện đại và các nước tiên tiến hầu hết đã áp dụng các công nghệ này để thay thế cho việc chôn lấp rác vốn đã trở nên rất lạc hậu. Không ít người đã đặt câu hỏi: Tại sao đến nay Hà Nội vẫn chưa có nhà máy xử lý rác thải công suất lớn theo công nghệ hiện đại như của châu Âu, của Hàn Quốc, của Nhật Bản? Các nhà máy này vừa biến rác hữu cơ thành phân vi sinh, vừa đốt rác vô cơ chạy máy phát điện.

Điều này chắc chắn không phải là lãnh đạo và các cơ quan chức năng của Hà Nội không nghĩ ra. Bằng chứng là thành phố cũng đã kêu gọi đầu tư, phê duyệt và triển khai không ít nhà máy xử lý chất thải, nhưng đến nay cái thì phải thu hồi, cái thì phê duyệt rồi nhưng nhiều năm không triển khai, cái thì chậm tiến độ, có nhà máy đã vận hành rồi thì dừng hoạt động…

Con đường tất yếu của xử lý rác thải phải là hiện đại hóa, sử dụng công nghệ cao. (Ảnh: VnExpress)

Về nguyên nhân của sự chậm tiến độ thì lý do muôn thuở lại được đưa ra là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Còn Sở Kế hoạch và Đầu tư thì nêu ra một loạt nguyên nhân như: Các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương chưa phối hợp tốt trong kiểm tra, giám sát dự án đầu tư và tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Hay các dự án xử lý rác thải sử dụng các công nghệ cao còn mới mẻ, nhiều văn bản pháp luật về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường còn chưa đầy đủ, rõ ràng. 

Còn có doanh nghiệp thì nói rằng, họ phải mất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục chấp thuận bổ sung quy hoạch phát triển điện… Vậy câu hỏi đặt ra, “các ngành liên quan” trong chuyện này là những ngành nào? Và cụ thể là ngành nào chưa phối hợp tốt, chưa tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư? Ngành nào còn “hành” doanh nghiệp trong cái ma trận hành chính bùng nhùng???

Bởi vì cho dù là lý do gì, thì những vấn đề nêu trên đều là nguyên nhân chủ quan, do con người tạo ra và con người hoàn toàn có thể tháo gỡ được. Vấn đề là người có trách nhiệm, cơ quan chức năng liên quan đến những vấn đề trên có muốn tháo gỡ không, và có sốt sắng trong việc xây dựng các nhà máy xử lý rác áp dụng công nghệ hiện đại hay không mà thôi. Bởi vì, việc tiếp thu bất cứ cái mới nào cũng cần phải có sự đổi mới trước tiên trong nhận thức và tư duy, sau đó phải có tâm và có tầm. Trong đó, cái “tâm” bao gồm cả “quyết tâm” và nhất là phải “thực tâm”.

Sở dĩ tôi muốn nhấn mạnh đến chữ “thực tâm”, bởi thực tế cũng đã nhiều lần Hà Nội tỏ ra rốt ráo trong việc hiện đại hóa xử lý rác. Nào là hội thảo, kêu gọi đầu tư, thậm chí triển khai các mô hình thí điểm hay phong trào phân loại rác tại nguồn… Cũng có không ít nước và tổ chức quốc tế muốn hợp tác đầu tư, thậm chí muốn giúp ta triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác hiện đại. Nhưng rồi tất cả lại trở về con số 0.

Hoạt động chôn lấp rác tại bãi rác Nam Sơn. (Ảnh: VnExpress)

Người ta cứ có cảm giác phong trào chỉ là làm cho có, còn thực tâm thì các cơ quan chức năng cũng chả mặn mà gì với việc xây nhà máy ứng dụng công nghệ hiện đại trong xử lý rác. Và dư luận cũng đã từng xì xào bàn tán về chuyện “lợi ích nhóm” trong xử lý rác, gần giống với chuyện xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch. Câu chuyện cứ mờ mờ ảo ảo, chỉ có thể cảm nhận còn chỉ mặt vạch tên ra lại rất khó, trừ khi có thanh tra, điều tra một cách hết sức công tâm, khách quan. Do đó, cần phải làm rõ liệu có chuyện trên rải thảm, dưới rải đinh, mời gọi đầu tư nhưng rồi lại tìm cách gây khó dễ làm nản lòng các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước hay không. Nếu có phải xử lý thật nghiêm, nếu không cũng là để trả lời dư luận một cách công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, chỉ riêng nhìn vào quy hoạch bãi rác Nam Sơn đến năm 2050 vẫn tiếp tục mở rộng thêm 280ha, tức là gần gấp đôi so với hiện nay thì đủ thấy, cơ quan chức năng của Hà Nội vẫn còn “kết” với chôn lấp rác dài dài. Mọi người có lẽ không hiểu “chôn lấp rác” có gì hay mà Thủ đô lại cứ muốn kéo dài mãi thế, nhưng một khi cơ quan chức năng của Hà Nội còn “thích” chôn lấp rác thì khó có thể nói, các nhà máy xử lý rác bằng công nghệ cao có cơ hội ra đời một cách êm xuôi. Và nếu như thế thì người dân quanh bãi rác Nam Sơn, rồi Nam Sơn “phẩy” nữa sẽ còn phải chịu cảnh ô nhiễm nhiều đời. Và cái cảnh dân chặn xe rác khó có thể đoan chắc là sẽ không tiếp tục xảy ra. Và nếu thế thì người dân nội thành vẫn phải sẵn sàng trong tư thế sống chung với rác mỗi khi xe rác bị chặn, rác ùn ứ lại trong nội đô.

Do đó, trước khi nói đến một Thủ đô Xanh - Sạch - Đẹp, Văn minh - Thanh lịch, trước khi bắt tay xây dựng một đô thị thông minh, trước khi nghĩ đến kỷ nguyên 4.0, có lẽ Hà Nội hãy bắt đầu đổi mới, bắt đầu hiện đại, bắt đầu thông minh… từ chuyện rác./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top