Aa

Bất động sản 24h: Lỗ hổng thuế chuyển nhượng nhà đất

Chủ Nhật, 25/08/2019 - 10:50

Lỗ hổng thuế chuyển nhượng nhà đất; Chủ tịch tỉnh Hà Nam lên tiếng vụ giao đất cho doanh nghiệp làm chùa;... là một số tin tức nổi bật 24h qua.

Lỗ hổng thuế chuyển nhượng nhà đất

Như báo chí đã phản ánh về tình trạng một số cá nhân kê khai tính thuế thu nhập cá nhân đối với giao dịch chuyển nhượng bất động sản không đúng với thực tế, hoặc kê khai tính thuế thu nhập cá nhân của bất động sản hình thành trong tương lai thấp hơn nhiều so với giá giao dịch bất động sản của chủ dự án đang bán ra.

Trao đổi với về vấn đề này, ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, nguyên nhân chính của việc làm này là do cơ chế kiểm soát chưa chặt chẽ, giá đất Nhà nước quy định chưa sát với thực tế.

Khi giao dịch mua bán, người mua bán thường giao dịch mức giá trên hoặc bằng mức giá Nhà nước quy định là được, có nghĩa không vi phạm. Trong trường hợp mức giá giao dịch cao hơn nhiều mức giá Nhà nước quy định, nhưng giữa người mua và người bán có sự thỏa thuận thì các cơ quan chức năng như cơ quan thuế cũng khó mà phát hiện.

“Đây chính là lỗ hổng của luật pháp từ việc quy định mức giá phi thực tế nên người dân bám vào đó làm cơ sở để trốn thuế là việc đương nhiên, chúng ta không thể đổ lỗi cho người dân” – ông Cường nói.

Xem chi tiết tại đây

Ảnh minh họa

Chủ tịch tỉnh Hà Nam lên tiếng vụ giao đất cho doanh nghiệp làm chùa

“Chúng tôi chỉ giao cho doanh nghiệp quản lý, giữ gìn cảnh quan để phục vụ cho du lịch thôi chứ không có gì ở đây cả. Không có chuyện lợi ích nhóm ở đây”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho hay.

Trước đó, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) xung quanh việc cấp hàng ngàn héc-ta đất tại nhiều địa phương như Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng… để doanh nghiệp xây chùa, văn bản mới đây của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã khẳng định, việc giao đất, cho thuê đất đã có nhiều sai sót.

Trao đổi nhanh với phóng viên Reatimes qua điện thoại, ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho hay, cá nhân ông đã tiếp nhận được thông tin trên: “Hiện nay chúng tôi đang giao cho các Sở, ngành, rà soát lại các thủ tục (giao đất). Hôm qua họp giao ban chúng tôi vừa giao nhiệm vụ này. Hiện nay vẫn chưa có kết quả”, ông Đông nói và cho biết thêm, đây là việc làm xảy ra ở giai đoạn trước khi ông đảm nhiệm cương vị Chủ tịch, nên cần có thời gian rà soát.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu có lợi có nhóm trong việc giao đất cho doanh nghiệp làm chùa hay không, nếu căn cứ vào văn bản trả lời của Bộ TN&MT, ông Đông cho biết: “Cái này chúng tôi chỉ giao cho doanh nghiệp quản lý, giữ gìn cảnh quan để phục vụ cho du lịch thôi chứ không có gì ở đây cả. Không có chuyện lợi ích nhóm ở đây”.

Xem chi tiết tại đây

Bí kíp phát triển bền vững các thành phố du lịch

Bên cạnh giữ gìn và phát triển bản sắc riêng, các thành phố du lịch cũng cần có những “công thức” chung hướng tới phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong khi đó tại Việt Nam, các thành phố du lịch từ vùng biển đến vùng núi việc phát triển ồ ạt, phá vỡ quy hoạch đang là lời cảnh báo cho sự phát triển thiếu bền vững.

Liên quan đến thực trạng cấp phép xây dựng cao ốc, biệt thự nghỉ dưỡng ven biển thời gian qua, TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, đây cũng là vấn đề cần phải xem xét. Vấn đề khai thác một cách bền vững tài nguyên thiên nhiên là một vấn đề cần phải chú trọng hơn nữa tại các khu du lịch. Đừng vì phát triển nóng về kinh tế để đạt được chỉ tiêu nhất định mà ảnh hưởng đến vấn đề bền vững của môi trường, điển hình là vấn đề quy hoạch.

Ông cho hay, để các thành phố du lịch phát huy được lợi thế địa hình do tiếp giáp với biển thì cần phải có một quy hoạch hoàn chỉnh gắn liền với tầm nhìn dài hạn. Đặc biệt, phải lấy vai trò của con người, của cộng đồng làm trọng tâm để phát triển. Đừng vì lợi ích kinh tế mà chuyển giao bờ biển cho các doanh nghiệp, sẽ rất dễ làm hỏng việc khai thác cảnh quan.

Xem chi tiết tại đây

Bán khu đất ‘vàng’ gần sân bay Long Thành giá hơn 3.000 tỷ đồng

Ngày 23/8, Hội đồng Đấu giá quyền sử dụng đất tỉnh Đồng Nai đã tổ chức đấu giá khu đất 92,2 ha (tại xã Long Đức, huyện Long Thành, Đồng Nai).

Khu đất được đấu giá nằm gần sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh: PLO.

Nguồn gốc khu đất này là do Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty Cao su Đồng Nai sử dụng, được UBND tỉnh thu hồi giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh làm thủ tục đấu giá. Khu đất đấu giá cách đường liên xã Long Đức - Lộc An khoảng 500 m và được quy hoạch làm khu dân cư.

Cuộc đấu giá được tổ chức dưới sự chứng kiến của các sở, ngành. Các doanh nghiệp tham gia đấu giá khu đất bằng hình thức bỏ phiếu kín, đơn vị trả giá cao nhất sẽ trúng đấu giá. Giá khởi điểm hơn 1.600 tỷ đồng.

Sau qua 3 vòng đấu giá, Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An (tỉnh Bình Dương) đã trúng đấu giá khu đất với 3.060 tỷ đồng. Sau khi trúng đấu giá khu đất, doanh nghiệp hoàn tất nhanh thủ tục để triển khai dự án như đã quy hoạch. Đây là khu đất nằm gần với dự án sân bay quốc tế Long Thành. Doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ triển khai dự án nhà chung cư, nhà riêng lẻ, công trình giáo dục, dịch vụ đô thị... với thời gian sử dụng đất là 50 năm.

Xem chi tiết tại đây

Thoát "lời nguyền" bong bóng, thị trường bất động sản đối mặt "khoảng lặng" hụt nguồn cung?

Báo cáo mới đây của DKRA Vietnam cho biết, nguồn cung mới thị trường trong quý II giảm nhẹ so với quý trước. Đây cũng là nguồn cung mới có mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, kể từ năm 2016.

Còn theo JLL, sau thời kỳ tăng trưởng, nguồn cung đến từ các dự án mở bán mới có xu hướng chậm lại. Lượng mở bán trong quý II/2019 đạt 5.900 căn, chỉ gần bằng một nửa nguồn cung quý I, chủ yếu đến từ các giai đoạn tiếp theo của các dự án đang hiện hữu. Đây là mức ghi nhận thấp nhất kể từ khi thị trường hồi phục vào năm 2014. Thị trường bất động sản trong thời gian tới có thực sự rơi vào tình trạng khủng hoảng nguồn cung? Và sự thiếu hụt nguồn cung này có đáng lo ngại như dự báo hay sẽ mang đến những tác động gì cho bức tranh bất động sản?

Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam, nếu tình hình nguồn cung vẫn tiếp tục duy trì sự hạn chế hoặc chỉ tập trung ở một vài dự án lớn như hiện nay thì hệ quả có thể xảy đến:

Đối với thị trường, áp lực tăng giá là rất lớn. Trên thực tế, mức giá ở giữa năm 2019 so với cách đây 1 năm đã có sự chênh lệch đáng kể. Ngoài ra, khi nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu sẽ gia tăng tình trạng đầu cơ và thị trường sẽ phải đối mặt nhiều hệ quả rủi ro khác.

Đối với người mua nhà ở, vấn đề nhà ở của đại bộ phận người dân với mức tài chính giới hạn và có nhu cầu ở thực ngày càng khó khăn, thách thức hơn.

Đối với doanh nghiệp, việc không thể triển khai dự án chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh, chiến lược/định hướng, lợi nhuận. Thậm chí, đối với những doanh nghiệp nhỏ, đó là cả sự sống còn khi không giải quyết được đầu ra.

Xem chi tiết tại đây 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top