Aa

Bất động sản 24h: Mặt bằng ở TP.HCM ế ẩm, giá thuê vẫn tăng

Thứ Năm, 13/04/2023 - 09:37

Mặt bằng ở TP.HCM ế ẩm, giá thuê vẫn tăng; Không bắt buộc phải dành 20% diện tích sàn trong dự án xây nhà ở xã hội để cho thuê... là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Không bắt buộc phải dành 20% diện tích sàn trong dự án xây nhà ở xã hội để cho thuê

Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội không bắt buộc phải dành 20% diện tích sàn nhà ở xã hội trong dự án xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê.

bất động sản, nhà ở xã hội
Không bắt buộc phải dành 20% diện tích sàn trong dự án xây nhà ở xã hội để cho thuê. (Ảnh minh họa: Tùng Dương)

Trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp, Bộ Xây dựng đề xuất chính sách về quyền và ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng cho biết, tại khoản 3 Điều 54 Luật Nhà ở năm 2014 quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng; trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để cho thuê này để không, lãng phí trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn, làm giảm thu hút đầu tư và không khuyến khích chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội để cho thuê.

Do vậy, Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội không bắt buộc phải dành 20% diện tích sàn nhà ở xã hội trong dự án xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Mặt bằng ở TP.HCM ế ẩm, giá thuê vẫn tăng

Giá thuê mặt bằng nhà phố tại TP.HCM hiện vẫn tăng đều nhưng chưa quay lại mức trước dịch, do vậy giá thuê chỉ có thể đi ngang hoặc tiếp tục tăng.

Theo báo cáo thị trường quý I/2023 của Batdongsan, mức giá thuê mặt bằng nhà phố tại TP.HCM đang ghi nhận mức tăng trưởng đều.

Cụ thể, giá thuê mặt bằng nhà phố tại quận 1 tăng 17%, quận 3 tăng 13%, quận Phú Nhuận tăng 9%, quận 7 tăng 11% và quận 2 tăng 2% chỉ sau 3 tháng. Riêng duy nhất giá thuê mặt bằng nhà phố tại quận 9 (TP. Thủ Đức) vẫn giữ nguyên giá thuê trong khoảng thời gian này.

Trái ngược với diễn biến giá thuê, mức độ quan tâm nhà phố tại TP.HCM lại ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Đáng chú ý, mặt bằng nhà phố tại quận 1 - trung tâm TP được ghi nhận mức độ quan tâm giảm tới 40%, còn các quận khác như Phú Nhuận, quận 7 và quận 9 thậm chí còn giảm hơn 50%.

Thực tế, khảo sát của Zing cho thấy mặt bằng nhà phố tại TP.HCM đang rơi vào tình trạng ế ẩm hàng loạt. Nhiều mặt bằng nằm ở vị trí đắc địa thậm chí còn bỏ hoang nhiều năm dẫn đến cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Chung cư trung, cao cấp đảm bảo pháp lý còn nhiều cơ hội tăng trưởng

Sáng 12/4, tại Hà Nội, VIRES và Reatimes tổ chức Tọa đàm thường niên và Công bố báo cáo: Dự báo xu hướng phân khúc chung cư trung - cao cấp Hà Nội năm 2023.

Chương trình có sự tham dự của các Đại biểu Quốc hội; Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; các nhà khoa học, chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế; đại diện các doanh nghiệp phát triển bất động sản và gần 60 cơ quan báo chí.

Tại Tọa đàm, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam đã công bố Báo cáo thường niên: Xu hướng thị trường chung cư trung - cao cấp Hà Nội năm 2023, triển vọng 2023 - 2025, do VIRES và Reatimes phối hợp với gần 30 chuyên gia kinh tế, quy hoạch, tài chính, ngân hàng, pháp lý hàng đầu của Việt Nam cùng các chuyên gia quốc tế thực hiện, thông qua phương pháp phân tích số liệu, dữ liệu chuyên sâu, khảo sát, điều tra xã hội học và một số phương pháp chuyên ngành khác.

Báo cáo của VIRES đã chỉ ra 4 cơ sở tăng trưởng dài hạn, tích cực của phân khúc chung cư trung, cao cấp, trong đó nhấn mạnh, khi môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện; kinh tế Việt Nam dự báo tiếp tục hồi phục và tăng trưởng khá; thu nhập người dân tăng; sự phát triển nhanh về số lượng người giàu có và tầng lớp trung lưu; tiến trình đô thị hóa và phát triển hạ tầng diễn ra mạnh mẽ… là động lực thúc đẩy ngành bất động sản, trong đó có phân khúc chung cư trung và cao cấp phát triển trong trung và dài hạn, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị báo cáo cụ thể về condotel và officetel

Sau gần 10 năm kể từ khi Luật được ban hành, thị trường bất động sản Việt Nam đã có sự phát triển về quy mô, sản phẩm và nguồn lực huy động; nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới, các công trình sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ đã được hình thành, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

condotel, bất động sản nghỉ dưỡng
Bộ Xây dựng sẽ báo cáo cụ thể hơn về condotel và officetel. Ảnh: Khải An/Giáo dục Thủ đô

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thị trường bất động sản đã xuất hiện nhiều loại hình bất động sản mới, hoạt động kinh doanh bất động sản đòi hỏi sự quản lý phù hợp, đầy đủ hơn; đồng thời, với các luật đang trong quá trình sửa đổi (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng…) cần có chính sách quản lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, minh bạch, lành mạnh theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bất động sản theo mục đích, quan điểm đã nêu tại Tờ trình số 108/TTr-CP của Chính phủ. Để có thêm cơ sở nghiên cứu, xem xét các quy định tại dự thảo Luật, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện một số tài liệu sau:

Hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động chính sách theo hướng đánh giá kỹ lưỡng hơn về nội dung từng chính sách cụ thể, bảo đảm bao hàm được hết các khía cạnh ảnh hưởng đến các chủ thể trong quan hệ kinh doanh bất động sản.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch

Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề sáng 12/4. Dự Luật được xây dựng gồm 11 chương với 92 điều, quy định về kinh doanh bất động sản, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản và quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản.

Đối tượng áp dụng gồm: Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản tại Việt Nam. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến kinh doanh bất động sản tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 (Luật KDBĐS 2014) giữ vị trí rất quan trọng, điều chỉnh một lĩnh vực rộng, tác động đến rất nhiều ngành, nhiều thành phần kinh tế, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Sau khi được ban hành, Luật KDBĐS 2014 đã hoàn thiện hơn về khuôn khổ pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường bất động sản; đưa ra các quy tắc kinh doanh, giao dịch cho các chủ thể trong hoạt động kinh doanh bất động sản; thiết lập nền tảng, cơ sở pháp lý cho thị trường bất động sản vận hành.

Tuy nhiên, sau gần 8 năm triển khai thực hiện Luật KDBĐS năm 2014, bên cạnh những kết quả đạt được thì pháp luật về kinh doanh bất động sản cũng đã xuất hiện những bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh, bổ sung.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top