Aa

Bất động sản 24h: Mua bất động sản được trợ giá, giảm lãi suất thời Covid-19

Chủ Nhật, 19/04/2020 - 10:30

Mua bất động sản được hưởng trợ giá, giảm lãi suất thời Covid-19; Thủ tướng yêu cầu sửa Nghị định 20, hồi tố gần 5.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp; Trong sóng gió, vẫn còn những tín hiệu lạc quan... là tin tức nóng 24h qua

Mua bất động sản được hưởng trợ giá, giảm lãi suất thời Covid-19

Để ứng phó với dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp thay vì "nằm in chờ thời" đã tung ra nhiều chính sách ưu đãi kích thích hoạt động kinh doanh, kích cầu người tiêu dùng.

Không chỉ ở bản thân doanh nghiệp, trong tháng 4, nhiều ngân hàng cũng triển khai hạ lãi suất hoặc lãi suất ưu đãi cho người vay mua nhà. Tổng hợp từ Topbank cho thấy, Vietcombank giảm lãi suất cho vay mua nhà từ 8,9 % xuống 8,7% với thời hạn vay 24 tháng; giảm từ 9,5% xuống 9,2% trong 36 tháng. TPBank áp dụng lãi suất từ 6,9%/năm trong 3 tháng đầu tiên, cho phép vay tối đa tới 90% giá trị phương án vay và 75% giá trị tài sản đảm bảo.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển thị trường DKRA Việt Nam, cũng cho rằng trong thời điểm đặc biệt hiện tại, dự án có nhiều chính sách bán hàng hấp dẫn là cơ hội lựa chọn tốt cho khách hàng có tài chính ổn và dòng tiền khỏe mạnh. Tuy nhiên, lúc nào cũng vậy, người mua luôn phải chọn những sản phẩm phù hợp với nhu cầu, túi tiền và tìm hiểu những chủ đầu tư uy tín...

Xem chi tiết tại đây 

Thủ tướng yêu cầu sửa Nghị định 20, hồi tố gần 5.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi khoản 3 điều 8 Nghị định số 20/2017 đối với nội dung xử lý hồi tố cho năm 2017, 2018.... để Chính phủ ban hành vào ngày 20/4.

Ngày 17/4, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với Bộ Tài chính liên quan đến việc hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ về trần chi phí lãi vay được trừ khi tính thuê thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp có hoạt động liên kết.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định đối với nội dung xử lý hồi tố cho năm 2017, 2018 theo phương án như ý kiến của đa số thành viên Chính phủ theo đúng quy chế làm việc của Chính phủ, bù trừ nghĩa vụ thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính ký tắt Nghị định, trình Thủ tướng ký, ban hành trong ngày 20/4. Thủ tướng đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính có giải pháp quản lý chặt chẽ, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm khi xử lý hồi tố theo quy định của nghị định.

Để có được kết quả này, không ít hội thảo, diễn đàn được tổ chức, hàng loạt những kiến nghị của doanh nghiệp và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) được gửi đến Chính phủ và bộ ngành liên quan. Cùng với đó là hàng loạt bài viết phản biện, ghi nhận ý kiến phân tích sâu sắc của các chuyên gia đầu ngành về tài chính, pháp luật đã được đăng tải trên Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam Reatimes.

Cùng điểm lại những dấu mốc quan trọng trong hành trình “tìm lại chính mình” của Nghị định 20 và hành trình phản biện của Hiệp hội bất động sản Việt Nam và Tạp chí điện tử bất động sản Việt Nam Reatimes hướng tới sửa triệt để những bất cập trong khoản 3, Điều 8, Nghị định 20. 

Xem chi tiết tại đây

Trong sóng gió, vẫn còn những tín hiệu lạc quan

Thay vì “ngủ đông” và chờ được hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chủ động tìm cách “sống chung với lũ” để vượt qua khó khăn và cho rằng, khi niềm tin còn thì thị trường vẫn bình ổn.

“Giai đoạn 2009 - 2011, thị trường rơi vào khủng hoảng khó khăn, chúng tôi đã động viên anh em làm việc với tâm thế không có gì để mất, sai đến đâu, sửa đến đó. Làm mới có cơ hội sống, không làm thì sẽ chết. Nhờ tinh thần đó, chúng tôi đã vượt qua cuộc khủng hoảng và phát triển vững mạnh như bây giờ”, ông Vũ Cương Quyết, CEO Đất Xanh Miền Bắc chia sẻ và cho rằng, doanh nghiệp đã đi qua được cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính 10 năm trước thì không có lý do gì lại bi quan khi thị trường rơi vào thăng trầm như lúc này.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã chủ động “tự cứu mình”, điều chỉnh mục tiêu doanh số, hạ mức tăng trưởng, cắt giảm ngân sách chi tiêu, ứng dụng công nghệ vào nhiều hoạt động. Về dài hạn, nhiều đơn vị đã có sự thay đổi chiến lược và chuẩn bị nâng cao năng lực của mình.

Theo số liệu từ Google Trends, tại Việt Nam, trong tháng 2 và 3, lượng tìm kiếm với từ các khóa liên quan đến nhà ở như "bất động sản", "căn hộ chung cư", "dự án nhà ở" đều tăng. Với từ khóa "chung cư", thời điểm cuối tháng 3/2020, lượng tìm kiếm thậm chí còn vượt mốc cao nhất của năm 2019. Đây là điều rất bất ngờ, cho thấy mức độ quan tâm của người Việt Nam với vấn đề nhà ở vẫn rất lớn, bất chấp dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp.

Trong thách thức luôn có cơ hội. Đó là phương châm của nhiều doanh nghiệp, sàn giao dịch bất động sản và nhà đầu tư đặt ra lúc này để chủ động tìm cách nâng cao “sức khỏe” của mình, vượt qua những khó khăn của dịch bệnh. Nhiều chuyên gia đánh giá, Covid -19 chính là “thuốc thử liều cao” đối với các doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Theo đó, sau khi dịch đi qua, thị trường sẽ có một sự sàng lọc lớn để phát triển bền vững hơn.

Xem chi tiết tại đây

Điều chỉnh cục bộ quy hoạch Thủ đô vì mục đích quốc phòng

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/25.000.

Đây là phần quy hoạch sử dụng đất tại dự án đầu tư xây dựng vị trí đóng quân mới và Thao trường huấn luyện cho Trung đoàn Bộ binh 692 thuộc Sư đoàn Bộ binh 301 - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Mục tiêu điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đất quốc phòng an ninh trên địa bàn TP Hà Nội để làm cơ sở triển khai dự án đầu tư xây dựng vị trí đóng quân mới và thao trường huấn luyện cho Trung đoàn Bộ binh 692 thuộc Sư đoàn Bộ binh 301 - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Cùng với đó, làm cơ sở để lập điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư xây dựng.

Xem chi tiết tại đây

Thị trường đóng băng, doanh nghiệp bất động sản giải thể tăng gần gấp đôi

Nhìn tổng thể, thị trường bất động sản quý I/2020 bị trầm lắng (tháng 3 và nửa đầu tháng 4/2020 gần như bị đóng băng), giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%; doanh thu sụt giảm trên dưới 80%, dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong quý I/2020, trên cả nước có khoảng 53.000 sản phẩm bất động sản được chào bán ra thị trường (bao gồm sản phẩm mới và hàng tồn kho), nhưng tỷ lệ tiêu thụ được chỉ đạt khoảng 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Đối với phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (condotel), chỉ có hơn 41.000 sản phẩm đưa vào sử dụng, chiếm khoảng 30% trong tổng số 139.281 sản phẩm được đầu tư xây dựng. Giá nhà ở nhìn chung chưa giảm. Đã có đến 800 sàn giao dịch bất động sản trong tổng số khoảng 1.000 sàn giao dịch trong cả nước phải ngừng hoạt động.

Nhìn tổng thể, thị trường bất động sản quý I/2020 bị trầm lắng (tháng 3 và nửa đầu tháng 04/2020 gần như bị đóng băng), giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%; doanh thu sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản. Các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà đều gặp khó khăn rất lớn.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top