Aa

Bất động sản 24h: Ngân hàng ồ ạt bán nợ bất động sản

Thứ Năm, 16/04/2020 - 10:30

Ngân hàng ồ ạt bán nợ bất động sản; Nhiều nhà đầu tư có tiềm lực đã sẵn sàng cho các thương vụ M&A... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Ngân hàng ồ ạt bán nợ bất động sản

Thị trường bất động sản đang ở cuối chu kỳ tăng trưởng đã gây áp lực lớn lên các chủ đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính (việc sử dụng nợ để thu lợi nhuận trên tài sản) ở mức cao trong quá trình phát triển dự án. Đến nay, dưới sự tác động của dịch bệnh Covid-19, sức chịu đựng của doanh nghiệp lẫn ngân hàng đều đến điểm giới hạn và buộc phải đưa các khoản nợ ra đấu giá.

Theo ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TPHCM, bán đấu giá tài sản là cách tốt nhất để ngân hàng thu hồi khoản nợ của khách hàng. Thế nhưng, với tình hình thị trường bất động sản im ắng như hiện nay, việc thu hồi nợ của các ngân hàng hết sức trầy trật. Không chỉ ngân lo lắng mà bản thân khách hàng cũng như ngồi trên lửa vì tài sản không bán được đồng nghĩa với việc lãi vay ngày càng phát sinh.

Khoản nợ 4.000 tỉ đồng tại dự án Kenton Node mới được BIDV rao bán gần đây. Ảnh minh họa: V.Dũng

“Các tài sản có giá trị lớn, từ 30 tỉ đồng trở lên, khó hút khách tham gia. Nguyên nhân là do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, tiền mặt giá trị lớn không có sẵn thì chuyện vắng người đăng ký đấu giá cũng là chuyện dễ hiểu. Hiện nay, những bất động sản giá trị từ 10-30 tỉ đồng thường có tỷ lệ đấu giá thành công cao hơn những tài sản có giá trị cao hơn”, ông Sỹ nhận định.

Xem thông tin chi tiết tại đây

"Đợi có cơ chế, chờ xét duyệt, thẩm định xong thì nhiều DN đã... 'chết' rồi"

Đó là chia sẻ của ông Tô Như Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Văn Phú Invest khi nói về việc "giải cứu" DN, trong khi Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ rất kịp thời thì khâu thực thi phía dưới lại chần chừ chưa triển khai.

Trước tình hình này, người đứng đầu Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo và đưa ra hàng loạt chỉ thị, chính sách nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch Covid-19 đã sớm được ban hành.

Trong các giải pháp đó có 2 gói hỗ trợ quan trọng là gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói tài khóa 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Nghị định 41 về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, Nghị quyết về gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cũng đã được thông qua. Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương trong cả nước tổ chức mới đây với các quyết sách đồng bộ được đưa ra cũng thực sự mang ý nghĩa tổng động viên các nguồn lực của xã hội cho mặt trận chống suy thoái kinh tế, duy trì tăng trưởng.

Tuy nhiên, các giải pháp “mở ngân sách”, “nới tiền tệ” nói trên theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội, vẫn còn chậm đi vào thực tế. Đã gần ba tháng trôi qua, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự tiếp cận được những chính sách ưu đãi hay hỗ trợ như các tuyên bố.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhiều nhà đầu tư có tiềm lực đã sẵn sàng cho các thương vụ M&A

Mặc dù tác động của đại dịch Covid-19 được dự báo có thể kéo dài đến cuối năm 2020, song ngành dịch vụ du lịch và khách sạn có thể là ngành đầu tiên phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng. Với lợi thế số lượng du khách đa số là khách trong nước (82,5% tổng lượng du khách năm 2019) và các thị trường nước ngoài lớn như Trung Quốc và Hàn Quốc, các nhóm khách này được dự đoán sẽ nhanh chóng du lịch trở lại sau khi đại dịch được kiểm soát.

TS. Sử Ngọc Khương

Nhận định về bức tranh tổng quan tình hình đầu tư bất động sản tại Việt Nam thời gian vừa qua có thể thấy, đây là thời điểm khó khăn với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nói chung. Mặc dù vậy, đối với một bộ phận nhóm các cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư bất động sản không chỉ trong và ngoài nước, thì đây lại là cơ hội rất lớn đối với họ.

Thời gian qua, thị trường cũng chứng kiến khá nhiều các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đã và đang sẵn sàng mua và nhận chuyển nhượng các dự án từ chính các nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong lĩnh vực bất động sản.

Với tư cách là đơn vị tư vấn các thương vụ đầu tư M&A lớn trên thị trường, chúng tôi vẫn nhận thấy sự quyết tâm cao độ của những nhóm đầu tư này, và tính từ 2019 đến nay, đã có một số dự án đang trong quá trình thương thảo với tổng giá trị ước tính hơn nửa tỷ USD. Chúng tôi hy vọng rằng sau khi dịch đi qua, cộng với những chỉ thị rất quyết liệt của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian qua, sẽ có nhiều hơn các nhà đầu tư nắm bắt được cơ hội, và sớm có nhiều thành quả tốt đẹp.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Chứng khoán không ngừng tăng, cổ phiếu bất động sản lại đua nhau bứt phá

Thị trường chứng khoán đang cho thấy khả năng khó đoán của mình, sau những sự rung lắc đáng kể trong phiên hôm qua và tâm lý thận trọng nhà đầu thể hiện rõ nét, tưởng chừng như thị trường sẽ tiếp tục gặp phải khó khăn trong phiên 15/4. Tuy nhiên, khác với những gì nhà dầu tư lo ngại, thị trường chứng khoán lại giao dịch hứng khởi và tiếp tục có được mức tăng khá mạnh trong phiên hôm nay.

Top 10 cổ phiếu khớp lệnh nhiều nhất phiên 15/4. Nguồn: VDSC.

Đa phần các cổ phiếu vốn hóa lớn đều tăng giá tốt trong phiên hôm nay trong đó, 2 mã ngành xây dựng – bất động sản là CTD và HBC bất ngờ được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, SAB tăng đến 6,7%, BVH tăng 5,2%, KDC tăng 5%. Phiên hôm nay thị trường chứng kiến sự bứt phá của nhiều cổ phiếu ngân hàng, trong đó, KLB tăng trần, LPB tăng 9,2%, TPB tăng 5,5%, CTG tăng 3,4%.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sau khi làm trụ đỡ khá tốt cho VN-Index ở các phiên trước thì đến phiên hôm nay VHM và VRE đều điều chỉnh giảm trở lại, trong đó, VHM giảm 0,3% xuống 67.800 đồng/cp, VRE giảm 0,4% xuống 26.100 đồng/cp. Bên cạnh 2 mã nói trên thì hôm nay không có nhiều cổ phiếu bất động sản giảm. Mức giảm giá mạnh trong nhóm này chỉ có PFL, FDC, HTT hay CRE.

Trong khi đó, hàng loạt cổ phiếu được kéo lên mức giá trần như PPI, BII, CCL, TDH, HDG hay DTA. Bên cạnh đó, KDH tăng 2,2%. Theo báo cáo thường niên năm 2019 của KDH, công ty đặt kế hoạch doanh thu năm 2020 dự kiến đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 24,4% so với thực hiện năm 2019. Lợi nhuận sau thuế tăng 20%, đạt 1.100 tỷ đồng, cổ tức năm 2020 dự kiến tỷ lệ 10%.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Doanh nghiệp "khó thở" với quy trình 5 bước triển khai dự án nhà ở

UBND TP.HCM vừa thống nhất đề xuất của Sở Xây dựng TP tại công văn số 2363 ngày 6.3.2020 về quy trình thực hiện dự án nhà ở thương mại theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Nhà ở.

Doanh nghiệp mong muốn nộp tiền sử dụng đất sau khi dự án bất động sản đã được triển khai xây dựng

Theo đó, quy trình 5 bước thực hiện dự án nhà ở thương mại gồm: Bước 1, thực hiện thủ tục “quyết định chủ trương đầu tư”; Bước 2, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; Bước 3, giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Bước 4, xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất; Bước 5, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng.

Trong Văn bản số 42 gửi UBND TP.HCM mới đây, đại diện cho các doanh nghiệp bất động sản, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, dự án nhà ở có chi phí đầu tư rất lớn và thường phải mất khoảng 5 - 7 năm để thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thi công các công trình cơ sở hạ tầng, móng, mới hội đủ điều kiện huy động vốn. Do vậy, doanh nghiệp mong muốn nộp tiền sử dụng đất sau khi dự án bất động sản đã được triển khai xây dựng. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top