Nghỉ Tết, cò đất vẫn "khủng bố" điện thoại mời chào khách đầu tư
Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thị trường bất động sản cả nước đang trải qua thời kỳ "im ắng" tạm thời. Hầu hết, các công ty, nhân viên môi giới đều nghỉ Tết. Tuy nhiên, duy chỉ có giới cò đất tự do vẫn đang làm việc chăm chỉ, tích cực thổi giá đất nền, nhất là tại các khu vực ven đô, tỉnh lẻ.
Ông Đỗ Trung Nhân (51 tuổi), một nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội cho biết: Ngay trong sáng 30 Tết, ông vẫn nhận được gần chục cuộc gọi, tư vấn, giới thiệu và mời chào tới tìm hiểu đất nền Hòa Lạc.
"Dù nhiều lần từ chối nhưng hàng ngày tôi vẫn phải nhận hàng chục cuộc gọi giới thiệu về đất nền Hòa Lạc. Sau phần giới thiệu, giới cò thường mời những nhà đầu tư tiềm năng tới tận nơi, xem đất sau đó dùng đủ chiêu thức để nhà đầu tư xuống tiền", ông Nhân nói.Thậm chí, nhiều nhân viên môi giới nhiệt tình, sẵn sàng đón khách tại nhà vào mùng 1 Tết, để đi khảo sát thực tế đất nền Hòa Lạc.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên gia bất động sản: Trong thời điểm bùng nổ công nghệ như hiện nay, việc gọi điện tư vấn bất động sản đã trở nên lỗi thời. Ngay cả những khách hàng, nhà đầu tư tiềm năng cũng dần có ác cảm với nghề môi giới. Do đó, để tồn tại, buộc các công ty phải thay đổi chiến lược, phương thức marketing để tiếp cận khách hàng.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nhiều dự án bất động sản tăng giá bất thường
Theo nhận định của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong khoảng thời gian rất ngắn, mặt bằng giá mới tại TP.HCM đã được thiết lập. Các dự án thuộc phân khúc bình dân đã biến thành phân khúc trung cấp, dự án thuộc phân khúc trung cấp biến thành cao cấp...
Đáng nói ở đây, sự thay đổi phân khúc là vì tăng giá chứ không phải vì tăng chất lượng của dự án cho phù hợp. Điều này là bất thường khi không phản ánh đúng giá trị của bất động sản, rất dễ xảy ra bong bóng. Một thị trường như vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát triển không bền vững, gây nên những bất ổn về kinh tế, tài chính.
Thời gian qua, trước tình trạng giá nhà đất tại nhiều tỉnh, thành tăng cao, đặc biệt là ở một số khu vực của Hà Nội như Hoài Đức, Nam - Bắc Từ Liêm, Long Biên… hay TP. Thủ Đức của TP.HCM, nhiều chuyên gia bất động sản lo ngại lực cầu ảo và nguy cơ xảy ra "bong bóng". Theo đó, trong thời gian ngắn, giá nhà đất ở các khu vực này liên tiếp thiết lập mặt bằng giá mới, có những vị trí tăng 50%.
Một số chuyên gia cho rằng, dòng tiền đang "ùn ùn" đổ vào bất động sản do sau thời gian giãn cách xã hội, nhiều ngành nghề phát triển chậm, lãi suất ngân hàng thấp, nên nhiều người tìm đến đất đai và nhà ở để "trú ẩn" an toàn. Điều này đã gây ra hiện tượng nhu cầu ở thực ít, nhu cầu đầu tư nhiều. Hơn nữa, nếu dòng tiền cứ tiếp tục vào bất động sản sẽ dễ xảy ra hiện tượng sốt ảo, vỡ trận.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Năm 2021: Thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp phát triển nhà giá rẻ
Lệch pha cung cầu khiến nhà giá rẻ ngày càng hiếm trên thị trường. Do đó, Bộ Xây dựng cho biết đang định hướng phát triển các căn hộ chung cư có quy mô dưới 70m2, giá bán không vượt quá 20 triệu đồng/m2 với một số giải pháp đồng bộ từ quy hoạch, đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, cơ chế huy động vốn...
Với những giải pháp được cho khá căn cơ của Bộ Xây dựng, theo các chuyên gia khi áp dụng vào thực tiễn sẽ là một động lực tốt nhằm thúc đẩy tăng nguồn cung về nhà ở trong thời gian tới, đồng thời làm giảm giá nhà, góp phần điều chỉnh cơ cấu sản phẩm bất động sản trên thị trường.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Tổng Giám đốc CTCP Thanh Bình Hà Nội nhìn nhận, nhu cầu về nhà ở bình dân, nhà ở xã hội vẫn chiếm số đông, luôn trong tình trạng khan hiếm vì không còn quỹ đất. Như vậy, quỹ đất cho người có thu nhập thấp đang rất hạn chế.
Ông Thanh chia sẻ, hiện Bộ Xây dựng vẫn đang quyết liệt vấn đề phát triển nhà ở xã hội. Nếu các tỉnh, thành phố không dành ra quỹ đất và cho cơ chế phát triển thì vẫn khó khăn. Bên cạnh đó, vốn ưu đãi cho phát triển nhà xã hội cũng rất hạn chế.
Ông Thanh kỳ vọng, với các cơ chế của Chính phủ, Nghị quyết 162, Nghị định 148, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng đã có hiệu lực từ 1/1/2021, pháp lý đã rõ ràng, nguồn cung dồi dào hơn, những dự án được đẩy mạnh hơn, giá ở dự án thương mại người mua có thể chấp nhận được, mới có thể giảm áp lực lên nhà ở xã hội vốn đang rất khó khăn.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Kiến trúc xanh: Cần chữ “tâm” của doanh nghiệp địa ốc
Manh nha xuất hiện cùng với sự ấm lại của thị trường bất động sản từ năm 2014, thuật ngữ “kiến trúc xanh” giờ đây đã trở thành “từ khoá” quen thuộc. Định nghĩa kiến trúc xanh ra đời và ngày càng được xác định rõ nét hơn trên nhiều khía cạnh dựa trên sự cấp thiết của các yếu tố giúp cân bằng cuộc sống trong những tòa nhà cao tầng.
PGS.TS. Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển đô thị xanh Việt Nam nhận định, đó là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa, nhất là khi áp lực từ sự biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng và dịch bệnh gia tăng. Kiến trúc xanh đang trở thành xu hướng phát triển bền vững của nhiều quốc gia, không chỉ trong các công trình xây dựng, mà cả quy hoạch đô thị.
Mặc dù chi phí để xây dựng các công trình xanh lớn hơn chi phí xây dựng dự án thông thường, nhưng các dự án ứng dụng kiến trúc xanh đều có tỷ lệ thanh khoản cao. Kiến trúc xanh đã trở thành tiêu chí quan trọng trong quyết định “xuống tiền” của người mua nhà để ở hay đầu tư.
Nhìn vào diễn biến của thị trường thời gian qua, nhiều dự án địa ốc đã bắt đầu chuyển mình theo hướng kiến trúc xanh. Song, soi chiếu sâu vào các dự án, giới kiến trúc sư cho rằng, khái niệm “kiến trúc xanh” đang bị “giản lược hoá” tại nhiều dự án. Một số dự án quảng cáo là kiến trúc xanh, nhưng thực tế mới chỉ đơn thuần là đo lường lượng cây xanh được trồng.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Niềm tin mạnh mẽ về sự phục hồi sức mua của thị trường bất động sản
Theo bà Nguyễn Thị Khánh Vân, Giám đốc Cấp cao JLL Việt Nam, hiện vẫn đang có nhiều thương vụ gọi vốn từ các chủ đầu tư Việt Nam có danh mục phát triển quy mô lớn và có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài bởi tính quy mô của dòng tiền đầu tư, hiệu suất sinh lợi cao, và tiềm năng tăng trưởng của thị trường bất động sản còn non trẻ và đang phát triển.
Theo vị chuyên gia này, các nhà đầu tư nước ngoài đang có niềm tin lớn về sự phục hồi của thị trường và sức mua của người dân sẽ được cải thiện trong năm 2021.
Với tâm lý "tiền mặt là vua" trong bối cảnh hiện tại, các nhà đầu tư thường ưu tiên giữ nguồn vốn và chỉ tập trung vào các thị trường họ đã am hiểu. Hoạt động bất động sản tăng trưởng chậm lại nhưng các tên tuổi quốc tế đã có mặt tại Việt Nam vẫn rất kiên trì với chiến lược đầu tư bằng cách tiếp tục tìm mua tài sản hoặc hợp tác với doanh nghiệp nội địa có uy tín.