Aa

Bất động sản 24h: Nhận diện “điểm nóng“ đầu tư bất động sản sau Tết Tân Sửu

Thứ Tư, 03/02/2021 - 10:30

Nhận diện "điểm nóng" đầu tư bất động sản sau Tết Tân Sửu; Tiêu chuẩn nào để có thể chuyển Condotel thành nhà ở?... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Nhận diện "điểm nóng" đầu tư bất động sản sau Tết Tân Sửu

Đã có nhiều dự báo về thị trường bất động sản phía Nam sau Tết âm lịch sẽ diễn biến tích cực khi loạt thông tin về hạ tầng, quy hoạch, chính sách, Covid-19 được kiểm soát… bổ trợ cho thị trường. Đáng nói, người mua cũng đã nhận diện được các thị trường bất động sản đang là tâm điểm thu hút dòng tiền, tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2021.

Theo CBRE Việt Nam, nhìn rộng hơn về các tỉnh lân cận, nguồn cung khan hiếm tại TP.HCM sẽ buộc người mua tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Các thị trường này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021, trở thành các "điểm nóng" của thị trường bất động sản phía Nam.

thị trường bất động sản vùng ven
Ảnh minh họa

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho hay, hiện nay, khi TP.HCM sụt giảm nguồn cung thì các thị trường phụ cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu …là những thị trường xuất hiện nhiều dự án mới, bổ trợ, thay thế nguồn cung TP.HCM, thu hút sự quan tâm của NĐT. Và đây sẽ là những thị trường tiếp tục phát triển cả nguồn cung lẫn nguồn cầu trong thời gian tới.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Tiêu chuẩn nào để có thể chuyển Condotel thành nhà ở?

Sau thời gian phát triển mạnh đến bão hòa, giai đoạn từ năm 2018 - 2019 đến nay, thị trường Condotel đã rơi vào cảnh trầm lắng, ảm đạm. Nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc vận hành và kinh doanh tại các dự án Condotel đã xin chuyển đổi căn hộ Condotel thành nhà ở nhằm tránh nguy cơ vỡ trận và đảm bảo quyền sở hữu lâu dài cho khách hàng. Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, đơn vị này đã và đang tiếp nhận rất nhiều dự án đề nghị điều chỉnh từ Condotel sang nhà ở với số lượng lên đến hàng chục nghìn căn. 

Tuy nhiên, đến thời điểm này, trên cả nước mới chỉ có duy nhất dự án Khu nghỉ dưỡng và Nhà ở cao cấp The Empire - Cocobay Đà Nẵng chuyển đổi thành công số lượng lớn căn hộ Condotel- không hình thành đơn vị ở, sang căn hộ, chung cư nhà ở được hình thành đơn vị ở. 

Thành công của Cocobay khiến nhiều chủ đầu tư dự án tương tự trong cả nước khấp khởi mừng thầm. Dẫu vậy, các chuyên gia cho rằng, không phải dự án nào cũng có may mắn này. Việc chuyển đổi thực tế sẽ còn “khó hơn lên trời” nếu dự án không đáp ứng những điều kiện pháp lý liên quan. Bởi nếu cho chuyển đổi tràn lan sẽ làm phá vỡ quy hoạch phát triển chung và gây ra nhiều hệ lụy xấu. 

“Tôi cho rằng, việc chuyển đổi này chỉ là trường hợp cá biệt của dự án Cocobay Đà Nẵng, trên thực tế rất ít dự án đủ cơ sở để có thể chuyển đổi mà muốn gỡ khó cho doanh nghiệp và thị trường thì cần có những giải pháp khác mang tính dài hơi hơn, đặc biệt là nền tảng pháp lý hoàn chỉnh để điều chỉnh loại hình Condotel phát triển đúng hướng và bền vững”, PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Phó Trưởng Ban Pháp chế, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhìn nhận. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Điểm sáng bất động sản 2021: Cơ sở hạ tầng hiện đại song hành cùng công nghệ mới

Trong năm 2021, theo thông tin của Chính phủ, Bộ GTVT sẽ tập trung thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng: dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong đó, dự án cao tốc Bắc - Nam được tập trung đầu tư cao độ, kết nối các trung tâm kinh tế với các vùng lân cận. Dự kiến đến hết năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 3.858km đường cao tốc.

Tại TP.HCM, việc quy hoạch “khu đông” đang đi cùng với việc xây dựng một loạt cửa ngõ kết nối giao thông như đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành, Dầu Giây; cung đường Vành Đai 2 và hệ thống giao thông công cộng như bến xe miền Đông mới, tuyến metro 1 Bến Thành - Suối Tiên, sân bay Long Thành. TP. Thủ Đức sớm sẽ thành khu đô thị thông minh với chuẩn mực sống được nâng cao, khiến cho bất động sản càng trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư cũng như những người mong muốn sớm định cư tại đây.

Các chủ đầu tư bất động sản vì thế đã nhanh chóng chọn cho mình những vị trí chiến lược. Các điểm nóng đầu tư bất động sản có thể kế đến là khu vực ngoại thành TP.HCM, TP. Thủ Đức, Bình Dương, Long Thành, Đồng Nai. Bên cạnh đó, những khu vực còn tiềm năng rất lớn như TP. Phú Quốc, Cần Thơ, khu vực Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Dòng tiền đầu tư đổ về đâu trước diễn tiến căng thẳng của dịch Covid-19?

Phân khúc đất nền và bất động sản nông nghiệp được dự báo sẽ “miễn nhiễm” với sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19. Đây là tín hiệu sáng giữ lực cho thị trường bất động sản.

Đó là nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng với Reatimes xoay quanh tác động của sự bùng phát Covid-19 đến nền kinh tế.

TS Nguyễn Trí Hiếu
TS, Nguyễn Trí Hiếu 

"Nếu như dịch bệnh khó kiểm soát và diễn biến bất thường, các hoạt động giao dịch bất động sản sẽ chậm lại. Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sẽ chịu ảnh hưởng thiệt hại nhiều nhất. Phân khúc bất động sản cao cấp cũng bị tác động nặng nề. Các nhà đầu tư càng thận trọng rót tiền vào bất động sản. Những doanh nghiệp địa ốc và đội ngũ môi giới sẽ chịu ảnh hưởng.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, đất nền dự án, đất thổ cư và bất động sản nông nghiệp sẽ không bị tác động xấu từ dịch bệnh. Ngược lại, dòng tiền sẽ đổ mạnh vào các phân khúc này, tạo thành lực đẩy cho toàn thị trường", ông Hiếu nhận định. 

Thất vọng với lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản công nghiệp

Được đánh giá là ngành hưởng lợi nhất nhờ xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam do xung đột thương mại với Hoa Kỳ và chiến lược của các nhà sản xuất nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất song các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp đã có một năm kinh doanh không xứng với kỳ vọng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ITA của Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo đã có những phiên dựng đứng ngay từ giữa năm 2020 bởi sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào làn sóng dịch chuyển các nhà sản xuất trên thế giới sang Việt Nam và quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thu hút dòng vốn FDI. Trước thời điểm đó, ITA cũng đặt kế hoạch doanh thu đạt 842 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 271 tỷ đồng. Kể từ tháng 4/2020 khi dịch bệnh được kiểm soát cổ phiếu ITA duy trì đà tăng liên tục, có những phiên kịch trần giao dịch ở mức giá 8.300 đồng/cổ phiếu tăng hơn 300% so với thời điểm đầu năm 2020 (giao dịch xung quanh giá 2.000 đồng/cổ phiếu).

Song trái ngược với mong đợi của nhà đầu tư là kết quả kinh doanh bết bát của ITA, quý 4/2020, ITA thu về 94 tỷ đồng từ doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm 5 lần so với quý 4/2019, lợi nhuận sau thuế âm 10 tỷ đồng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top