Thực hiện quy hoạch đô thị ở Hà Nội: Hệ quả của tư duy ăn xổi
Hơn 7 năm trước, khi quy hoạch Hà Nội mở rộng chưa được phê duyệt, một KTS đã dự báo rằng, chỉ trong vòng 10 năm tới đô thị Hà Nội sẽ phải đối mặt với tình trạng tắc đường và quá tải cục bộ tại nhiều khu vực. Đặc biệt, với việc quy hoạch dồn nén các khu đô thị “chỉ để ở” phía Tây Hà Nội, sẽ khiến nhiều tuyến đường xuyên tâm của Thủ đô trở thành những “cống người” vào mỗi sáng sớm hay lúc chiều xuống.
Và, không phải đợi đến 10 năm, sau 5 năm, Hà Nội đã thực sự xuất hiện nhiều “cống người” trên các trục đường xuyên tâm.
Nhìn lại sự phát triển của Hà Nội, sau gần 10 năm mở rộng, diện tích nội thành đã tăng gấp đôi, gấp ba, nhưng chủ yếu phân lô, bán nền. Các chỉ số về diện tích đất công cộng, cây xanh, đường sá, cầu cống… được quy hoạch theo kiểu tùy hứng, chỉ áp dụng trong từng dự án nhỏ lẻ. Rồi các khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên dày đặc, nhưng không có nhà ở đi kèm. Và tất đã xảy ra tình trạng dồn cục khi di chuyển từ nơi ở trong TP đến nơi làm việc.
Trong quy hoạch phát triển Thủ đô trước đây, 9 KCN cũ kết bè với hàng loạt các KCN mới đã tạo thành một vành đai bủa vây Hà Nội. Hậu quả, từ bất cứ hướng gió nào, về mùa đông cũng như mùa hè không khí ô nhiễm công nghiệp đều thổi vào nội thành. Đặc biệt, với Hà Nội mở rộng, nguy cơ ô nhiễm ngay trong lõi đô thị đã hiển hiện.
Xem chi tiết tại đây.
BĐS nghỉ dưỡng “bình dân” dậy sóng
Sau làn sóng những căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp gắn kèm với tên tuổi của Vingroup, Sungroup, FLC… có giá bán cả chục tỷ đồng, năm 2016 đã xuất hiện trào lưu của dòng sản phẩm phù hợp với tầng lớp trung lưu với mức giá từ 1 - 3 tỷ đồng/căn.
Những dự án này ngay lập tức làm nóng thị trường khi nhà đầu tư cho rằng, giá trị này chỉ bằng mua một căn chung cư tầm trung tại Hà Nội hoặc TP.HCM.
Không ít nhà đầu tư bắt đầu quay lưng với việc đầu tư căn hộ chung cư để đến đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng biển giá “bình dân” tại Đà Nẵng, Phan Thiết, Quy Nhơn, Phú Quốc. Có thể điểm danh những dự án nghỉ dưỡng có giá mở bán từ 1 đến 3 tỷ đồng như Ocean Dunes, Cocobay, Solie Ánh Dương, Gran Word, Primier Phú Quốc, FLC Quy Nhơn.
Nhận định tiềm năng phát triển thị trường này, ông Ngô Vĩ Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc SCT cho biết, những dự án bất động sản nghỉ dưỡng biển luôn hút nhà đầu tư, nhất là khi các chủ đầu tư liên tục đưa ra những dòng sản phẩm nghỉ dưỡng có mức giá phù hợp với số đông, nhằm thu hút đa dạng nhà đầu tư. “Mức giá từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng khá phù hợp với người dân tầm trung hiện nay. Đầu tư vào đây có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn một số kênh như gửi ngân hàng,.. và một số kênh mang biến động khá lớn không mang tính ổn định như loại hình đầu tư này”, ông Hùng nói.
Xem chi tiết tại đây.
TP. HCM: Đề xuất hoãn di dời doanh nghiệp khỏi chung cư đến năm 2020
Theo thông báo của Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. HCM, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày ký công văn, các doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại căn hộ chung cư phải nộp hồ sơ đăng ký thay đổi trụ sở sang địa điểm khác (không phải chung cư). Nếu các đơn vị này không nộp hồ sơ, Sở Kế hoạch & Đầu tư sẽ phối hợp Sở Xây dựng và UBND các quận huyện để xử lý theo quy định.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu trong một văn bản kiến nghị gửi UBND TP. HCM mới đây cho biết, trong điều 6 Luật Nhà ở ban hành năm 2014 và có hiệu lực ngày 1/1/2015 đã đề cập đến việc cấm sử dụng chung cư ngoài mục đích để ở. Nghị định 99/2015 hướng dẫn thi hành Luật nhà ở có điều khoản quy định các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không được phép sử dụng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh từ sau 10/6/2016, tức 6 tháng từ khi ban hành.
Tuy nhiên, thiếu sót của luật là chưa có chế tài cụ thể hoặc chưa có cơ sở xử phạt đủ tính răn đe đối với hành vi vi phạm này. Vì vậy, nếu cơ quan quản lý đưa ra các biện pháp xử lý quá gấp rút có thể không mang lại hiệu quả.
Ông Châu vừa kiến nghị cơ quan chức năng cho phép các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh hoặc đặt trụ sở, chi nhánh công ty tại chung cư giãn lộ trình di dời từ 2017 đến 2020. Thời gian để di dời tối thiểu là một năm và tối đa là 3 năm.
Xem chi tiết bài tại đây.
Mua nhà bằng hợp đồng góp vốn: Nguy cơ mất trắng
Tháng 12/2016, hơn 60 khách hàng mua nhà tại dự án The Garden Hill (99 Trần Bình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) như “ngồi trên đống lửa” khi những hợp đồng thoả thuận hợp tác đầu tư mua bán căn hộ do chính họ đã đóng tiền đang bị các bên liên quan đùn đẩy trách nhiệm.
Chị Vũ Thị Thuý Hằng, đại diện cho nhóm khách hàng này cho biết, năm 2011, chị và nhiều người mua nhà tại dự án qua Cty CP Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị mới Hà Nội (được ủy quyền của Cty CP Tập đoàn ô tô Đức Phương) với giá gốc 18,5 triệu đồng/m2. Theo chị Thuý, trong thỏa thuận hợp tác đầu tư ký với khách hàng, tiến độ dự án hoàn thành phần móng sau 4 tháng. Tuy nhiên, đến ngày 15/3/2015, dự án vẫn chưa hoàn thành phần móng.
“Đáng lo ngại hơn khi dự án thay đổi thiết kế nhưng chúng tôi không nhận được bất cứ thông tin gì từ chủ đầu tư là Cty Đức Phương. Hiện, công trường đã treo tên chủ đầu tư mới nhưng cả chủ đầu tư cũ và mới không chịu trách nhiệm về những khách hàng này”, chị Hằng nói.
Xem chi tiết tại đây.
TP. HCM: Năm 2017 dự kiến có khoảng 7.000 - 8.000 căn hộ gia nhập thị trường
JLL Việt Nam vừa cho biết, theo thống kê các dự án bất động sản ở khu vực phía Tây TP.HCM bao gồm các quận 6, 8, Bình Tân và Tân Phú, từ đầu năm 2015 đến nay, tổng lượng mở bán mới và lượng giao dịch của các quận này là 9.900 và 8.800 căn, lần lượt chiếm 19% và 18% tổng lượng mở bán mới và lượng giao dịch của cả thị trường TP.HCM.
Giá trung bình tại Q.6 và Tân Phú ở mức 1.100 USD/m2, tại quận 8 khoảng 900 USD/m2 và tại Bình Tân là 800 USD/m2. Mức giá này được đánh giá khá tương đồng với các bất động sản nằm ở khu vực quận 9, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè (thuộc các khu Đông và Nam TP.HCM).
Giá bán trung bình ở các quận này tăng khoảng 10-15% so với đầu năm 2015, chủ yếu do sự tăng giá ở các dự án hiện hữu và sự tham gia thị trường của một số dự án trung cấp có chất lượng xây dựng tốt, quy mô lớn và nhiều tiện tích nội khu.
Cũng theo JLL, trong năm 2017, dự kiến sẽ có khoảng thêm 7.000 – 8.000 căn tham gia thị trường, chiếm 20-25% nguồn cung mới tham gia thị trường TP.HCM. Theo đánh giá của JLL, thị trường bất động sản khu Tây TP.HCM là thị trường tiềm năng phát triển, phần lớn nhờ vào sự kết nối hạ tầng thuận lợi của tuyến đường giao thông chính là Đại lộ Võ Văn Kiệt và một số tuyến đường khác được nâng cấp, mở rộng như đường Tên Lửa, đường Kinh Dương Vương, và kênh Tân Hóa-Lò Gốm.
Xem chi tiết tại đây.