Nhà đầu tư bất động sản đang đổ tiền vào đâu?
Trong bối cảnh thị trường BĐS đang chững lại, trầm lắng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì vẫn có những khu vực thu hút được dòng tiền của người mua, nhà đầu tư.
Theo thống kê mới đây của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm, thị trường bất động sản vẫn có những tín hiệu tích cực và khởi sắc ở một số phân khúc, trong đó BĐS nhà ở vẫn cho thấy nhu cầu cao của người dân.
Phân khúc BĐS nhà ở vẫn chiếm tỷ lệ lớn nguồn cung mở bán. Thực tế, thị trường cũng đang ghi nhận một số khu vực có sức hút tốt đối với các nhà đầu tư.
Những khu vực đang có các thông tin về đầu tư lớn về các công trình hạ tầng đang được các nhà đầu tư "săn" đất. Đó là Nhơn Trạch và Long Thành, theo UBND tỉnh Đồng Nai thì năm 2020 là năm tỉnh này đầu tư mạnh phát triển cơ sở hạ tầng. Ngoài dự án sân bay Long Thành, thì 3 dự án giao thông quy mô lớn cũng sớm được đầu tư với tổng mức đầu tư 7.700 tỷ đồng. Chính quyền địa phương cũng sẽ khởi động xây dựng cầu Cát Lái nối Nhơn Trạch với Quận 2…
Tại Hà Nội, mới đây sự quan tâm của nhà đầu tư BĐS cũng hướng đến một số khu vực ở vùng ven đô, trong đó đáng chú ý là đất nền khu Hoà Lạc, Thạch Thất. Mới đây, có thông tin một tập đoàn lớn đầu tư 2 dự án khu đô thị quy mô 500ha tại Thạch Thất thì đã xảy ra hiện tượng "sốt" đất ở khu vực này trong thời gian ngăn, nhà đầu tư đổ xô về đây gom đất, giá đất bị đẩy gia tăng từng ngày. Nhưng sau đó cơn sốt đất đã bị dập tắt.
Còn theo nhận định từ các chuyên gia, năm 2020 được dự báo thị trường bất động sản không có quá nhiều nguồn cung. Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển thị trường công ty DKRA Việt Nam, cho rằng khó khăn chỉ là trước mắt, bất động sản vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn. Khi Covid-19 sớm được kiểm soát, các hoạt động của thị trường sẽ từng bước trở lại bình thường, dự kiến khoảng cuối quý II đến đầu quý III. Hiện nay, một số dự án đang trong quá trình chuẩn bị và có thể kịp đưa ra thị trường vào đúng thời điểm đó.
Có hay không một cuộc chạy đua xin dự án khi Bắc Ninh lên TP trực thuộc TW?
Bài 4: Hệ lụy nhãn tiền từ tình trạng phân lô bán nền kiểu “lúa non”
Bắc Ninh đã và đang nổi lên như một điển hình về tình trạng các dự án khu đô thị mới đua nhau phân lô bán nền theo kiểu “lúa non”- Ồ ạt rao bán đất khi chưa xây dựng cơ sở hạ tầng.
Thời gian gần đây, ở tỉnh Bắc Ninh bắt đầu xảy ra câu chuyện chạy đua xin dự án khi có hàng loạt dự án xây dựng - bất động sản, được phê duyệt trong một thời gian ngắn, làm dấy lên những lo ngại về sự phát triển bền vững của đô thị Bắc Ninh trong tương lai gần.
Một thực tế đang diễn ra hiện nay trên thị trường bất động sản nhiều tỉnh thành trong đó có Bắc Ninh mà báo chí đã chỉ ra, đó là nhiều chủ đầu tư dù không có kinh nghiệm, năng lực và tiềm lực về kinh tế nhưng lại trúng đấu giá hoặc xin đầu tư dự án nhà ở, khu đô thị mới phân lô bán nền.
Câu hỏi đặt ra, rằng có hay không việc chính quyền các địa phương tỉnh Bắc Ninh đã “bật đèn xanh” để chủ đầu tư mặc nhiên sai phạm, sau đó cùng hưởng lợi? Nhận định các chủ đầu tư “vừa có lách luật, vừa có đi đêm” không phải không có cơ sở.
Việc cấp phép tràn lan các dự án phân lô bán nền cho các chủ đầu tư "tay không bắt giặc" dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm, phá vỡ quy hoạch là không phù hợp với định hướng xây dựng TP trực thuộc TW. Mặt khác, việc quy hoạch Bắc Ninh trở thành TP trực thuộc TW lại đang là "con dao hai lưỡi" có thể biến đô thị này tiếp tục trở thành “thảm họa” quy hoạch trong việc cấp phép dự án thiếu kiểm soát.
Doanh nghiệp tái cấu trúc chờ thời cơ mới
Dù đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng giới chuyên gia cho rằng đây là giai đoạn thị trường “ngủ đông” tái cấu trúc để có thể khởi sắc mạnh mẽ sau dịch.
Trong thời gian qua, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, thị trường bất động sản đã hiện hữu nhiều khó khăn vì các vấn đề vướng mắc pháp lý, thủ tục hành chính, dự án bị tắc nghẽn, những câu chuyện đầu tư dàn trải theo phong trào... Đến khi dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến ngày càng phức tạp, lan rộng ra hàng trăm quốc gia trên thế giới, nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng thực sự rơi vào tình thế chao đảo và bị đe dọa. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, đây cũng là thời điểm cần thiết để các doanh nghiệp cùng nhìn lại sự vận hành và có những điều chỉnh hợp lý.
Chuyên gia kinh tế. TS. LS Bùi Quang Tín nhận định: "Đây là thời gian để các doanh nghiệp có thể tái cấu trúc mình. Thay vì dành thời gian quý IV để đào tạo nhân sự và đánh giá, tổng kết thì đổi lại bây giờ là thời điểm doanh nghiệp có thể tập trung đào tạo lại nhân sự. Các nhân viên nhiều kinh nghiệm chia sẻ với nhân viên mới, thậm chí thuê chuyên gia đào tạo, làm sao vẫn bảo đảm phòng, chống dịch.
Đây cũng là giai đoạn để doanh nghiệp chuẩn bị tốt nguồn vốn cho thời điểm thị trường hồi phục lại sau dịch và hoàn thành các thủ tục hồ sơ pháp lý các dự án đang dang dở".
Bên cạnh việc tìm hướng kinh doanh mới, một số doanh nghiệp bất động sản đã kích hoạt chế độ “ngủ đông” và một số lời khuyên đưa ra là doanh nghiệp nên “ngủ đông” như thế nào để sẵn sàng bật dậy và tăng tốc qua thời điểm khó khăn chung.
Xem chi tiết tại đây
Hãng phim truyện Việt Nam sắp “đòi” được đất vàng Thụy Khuê và Thái Văn Lung
Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch làm việc với Tổng Công ty Vận tải thuỷ để thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch làm việc với Tổng Công ty Vận tải thuỷ (Vivaso - nhà đầu tư) để thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.
Thông báo nêu rõ, theo kết luận thanh tra, việc xây dựng phương án sử dụng đất tại phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành công ty cổ phần, Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) xây dựng phương án sử dụng đất trong đó bao gồm cả toàn bộ diện tích tại khu đất số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TP. HCM và toàn bộ khu đất tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; việc thực hiện các quy định về quản lý sử dụng đất chưa đúng quy định của Luật Đất đai.
Thế nhưng, việc thực hiện theo chỉ đạo trên như thế nào có lẽ còn phải chờ đợi Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du có động thái vào cuộc nghiêm túc và làm việc ra sao với các bên liên quan để giải quyết dứt điểm vụ việc trên.
Đầu tư căn hộ cho thuê đang lỗ nặng
Chỉ vài tháng trước, kinh doanh căn hộ dịch vụ ở các thành phố lớn được cho là hết sức nhộn nhịp nhờ lượng khách thuê dồi dào và đa dạng gồm khách du lịch, khách đi công tác, cặp đôi hay gia đình ở ngắn hạn, dài hạn...
Do đó đã thu hút rất nhiều người có tiền nhàn rỗi hoặc vay mượn tiền để đầu tư vào căn hộ dịch vụ để cho thuê. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát khoảng 2 tháng trở lại đây, tình trạng ế ẩm kéo dài do việc hạn chế đi lại, khiến những người mua đầu tư căn hộ để cho thuê đứng trước thua lỗ nặng.
Một chuyên gia tài chính nhận định thời điểm này, nếu những người đầu tư căn hộ, nhà trọ cho thuê bằng vốn tự có dù thất thu cũng đỡ lo vì nhà cửa vẫn còn đó, giá trị tài sản vẫn tăng lên theo thời gian. Chỉ cần cầm cự, sau khi dịch bệnh qua đi, chắc chắn tình hình kinh doanh sẽ cải thiện.