Aa

Bất động sản 24h: Nhà đầu tư ngậm ngùi "bán tháo" đất nền cuối năm

Thứ Ba, 14/01/2020 - 10:30

Nhà đầu tư ngậm ngùi "bán tháo" đất nền cuối năm; ‘Dẹp loạn’ thổi giá chênh cò đất chia nhau đút túi tiền tỷ... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Nhà đầu tư ngậm ngùi "bán tháo" đất nền cuối năm

Nhà đầu tư này cho rằng mình đã sai lầm khi mua vào thời điểm giá đất đạt đỉnh và không kịp bán ra ngay sau đó.

“Cuối năm luôn là thời điểm giao dịch tốt, giá đất tăng nên tôi dự kiến đến tháng 11 mới bán. Tuy nhiên năm nay thị trường ảm đạm, sợ giữ lâu càng khó nên tôi rao bán ngay trong tháng 6, vậy mà mãi vẫn không ra được hàng. Tôi phải bán ra bằng được lô đất này để trả nợ ngân hàng và người thân vì không thể gánh nổi lãi suất ngày càng phình to”, ông V. lo lắng.

Nhiều nhà đầu tư đất nền ôm nợ do thiếu cân nhắc khi sử dụng đòn bẩy tài chính. Ảnh: Phương Uyên

Những ngày cuối năm, tình trạng bán tháo, bán lỗ đất nền càng phổ biến hơn, đặc biệt là tại các thị trường vùng ven TP.HCM. Không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ, chạy theo cơn sốt đất nền cục bộ tại thị trường tỉnh giờ đối mặt với thua lỗ, mất vốn, nợ nần…

Bà N.T. Thu, một tiểu thương kinh doanh tạp hóa tại quận 8 cho biết, bà theo chân người quen “lướt sóng” đất nền tại Bình Phước hồi tháng 8. Khi đó, bà mua 2 lô đất, mỗi lô 150 m2 tại TX. Đồng Xoài với giá gần 1,9 tỷ đồng, nhưng 4 tháng nay, bà Thu không bán lại được lô nào dù đã giảm gần 200 triệu/lô.

Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường sau đó đã qua thời điểm nóng, giao dịch giảm nhiệt, giá bán nằm ở ngưỡng cao nên nhà đầu tư khó ra hàng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

TS. Lê Xuân Nghĩa: Nguồn vốn đổ vào bất động sản hiện nay khá “nghèo nàn"

Reatimes đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa về cơ hội đầu tư trong năm 2020; bản chất, sự dịch chuyển của dòng vốn. Xin đăng nguyên văn phần chia sẻ của TS. Lê Xuân Nghĩa dưới đây:

Với độ mở của nền kinh tế Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới thì các ngành nghề sẽ có tính cạnh tranh rất khốc liệt, nhưng cũng là cơ hội cho nhiều ngành hội nhập. Trong đó, bất động sản là một cơ hội lớn, vẫn còn có thể phát triển lâu dài. Những nhà đầu tư đang vào lĩnh vực này là "gặp may".

Hiện nay, còn một số khu vực mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể chiếm được lợi thế. Trong đó lớn nhất là bất động sản, với phân khúc du lịch nghỉ dưỡng; thương mại bán lẻ, đặc biệt là bán lẻ hàng tiêu dùng và ăn uống. Đây đều là những mặt hàng liên quan mật thiết đến ngành du lịch ẩm thực.

Như vậy, bất động sản sắp tới ngoài các phân khúc truyền thống như nhà ở, văn phòng cho thuê, công nghiệp thì một lĩnh vực nữa sẽ nhận được rất nhiều sự quan tâm đó là bất động sản du lịch. Đây sẽ là một lĩnh vực có chiến lược phát triển, ổn định lâu dài ở Việt Nam. Có thể nói là có những lợi thế quyết định cho động lực tăng trường kinh tế của Việt Nam trong dài hạn.

Đặc biệt, với hai mảng bất động sản du lịch và thương mại bán lẻ ẩm thực, tôi nghĩ Nhà nước nên có chính sách dành cho các doanh nghiệp nội địa bởi nó tuy lớn với doanh nghiệp Việt Nam nhưng không lớn với các nhà đầu tư nước ngoài. Ví như nhà đầu tư Trung Quốc, khi họ có điều kiện “nhảy vào”, họ sẽ thâu tóm rất nhanh toàn bộ bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản thương mại, ẩm thực của Việt Nam.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường bất động sản 2020: Nhà đầu tư sẽ ưu tiên lựa chọn phân khúc đất nền?

Đánh giá về thị trường bất động sản năm 2020, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định và duy trì đà tăng trưởng, lực cầu về đầu tư và mua sắm nhà ở sẽ tiếp tục được duy trì. Nguồn cung tại Hà Nội và TP. HCM có thể không suy giảm so với 2019, bởi một vài dự án lớn ở các đô thị này vẫn còn lượng hàng khá lớn chưa được tung ra thị trường.

Tuy nhiên, lượng dự án bất động sản đủ điều kiện đưa sản phẩm vào thị trường sẽ giảm mạnh bởi ở cả 2 địa phương này vẫn chưa cho thấy động thái cải thiện xem xét phê duyệt cấp phép cho các dự án mới. Giá nhà ở và đất đai có thể sẽ tiếp tục tăng, thế nhưng lực tăng sẽ không mạnh vì sự khan hiếm chỉ là tạm thời.

Bên cạnh đó, động thái siết chặt hơn tín dụng vào bất động sản chắc chắn sẽ làm giảm lực đầu tư từ các doanh nghiệp bất động sản nhỏ và vừa bởi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng. Hoạt động mua bán chuyển nhượng dự án sẽ diễn ra sôi động trong năm 2020. Mất cân đối cung cầu tiếp tục xuất hiện trong năm 2020, nguồn nhà ở có giá thấp và nhà ở xã hội tiếp tục khan hiếm.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bảng giá đất mới của Hà Nội: Đất ở đâu đắt, rẻ nhất?

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới đây ký ban hành Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định và bảng giá các loại đất trên địa bàn TP. Hà Nội, áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024.

Theo quy định, giai đoạn từ 2020 - 2024, bảng giá các loại đất của Hà Nội tăng bình quân 15% so với giai đoạn 2014 - 2019, chỉ riêng mức giá đất nông nghiệp được giữ nguyên. Cụ thể, đối với đất ở tại các quận điều chỉnh tăng bình quân 16% đối với các tuyến đường trục chính 2 chiều; tăng bình quân 12% đối với các tuyến đường 1 chiều; các tuyến đường còn lại bình quân tăng 15%. Đất thương mại, dịch vụ tại các quận được điều chỉnh bằng 62 - 65% giá đất ở sau khi điều chỉnh. Trong đó, đối với 4 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) điều chỉnh bằng 65%, các quận còn lại điều chỉnh bằng 62%.

Giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại dịch vụ ở các quận cũng tăng bình quân 16% đối với các tuyến đường trục chính 2 chiều; tăng 12% đối với các tuyến đường 1 chiều; tăng 15% với các tuyến đường còn lại.

Xem thông tin chi tiết tại đây

"Dẹp loạn" thổi giá chênh cò đất chia nhau đút túi tiền tỷ

Mới đây, cử tri tỉnh Long An đã gửi kiến nghị cho Bộ Xây dựng trong đó đặt vấn đề: Hiện nay, “cò đất” hoạt động công khai dù chưa được pháp luật công nhận và điều chỉnh. Cử tri đề nghị Trung ương nghiên cứu ban hành các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động môi giới bất động sản nói chung và người môi giới nói riêng.

Trả lời về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết pháp luật về kinh doanh bất động sản hiện hành đã có khung pháp lý khá hoàn chỉnh và đầy đủ để điều chỉnh, quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản, trong đó có dịch vụ môi giới bất động sản.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận trong thời gian qua, tại một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng “cò đất“ như cử tri đã đề cập; đây là hoạt động không theo quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín của các nhà môi giới chuyên nghiệp.

“Các cơ quan chức năng của địa phương cũng chưa có các giải pháp kịp thời để quản lý chặt chẽ các hoạt động môi giới” – Bộ Xây dựng đánh giá.

Để khắc phục vấn đề nêu trên, các địa phương cần tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Xem thông tin chi tiết tại đây


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top