Aa

Bất động sản 24h: Nhận diện “điểm nóng“ của thị trường bất động sản khu vực phía Bắc năm 2021

Thứ Sáu, 16/04/2021 - 10:30

Nhận diện "điểm nóng" của thị trường bất động sản khu vực phía Bắc năm 2021' Điều chỉnh quy hoạch: Vận hội mới cho Nam Phú Quốc... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Nhận diện "điểm nóng" của thị trường bất động sản khu vực phía Bắc năm 2021

Sốt đất trên diện rộng ở vùng ven Hà Nội đã lan toả đến một số tỉnh thành lân cận đã tạo sóng lớn hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt ở những khu vực tiềm năng như Ba Vì, Sơn Tây hay Hoà Bình.

bất động sản Ba Vì
Ảnh minh họa

Theo Batdongsan.com.vn, 3 tháng đầu năm 2021, thị trường bất động sản chứng kiến lực cầu gia tăng mạnh mẽ, hiện tượng sốt đất diễn ra ở nhiều địa phương trên khắp cả nước. Chỉ số mức độ quan tâm (phản ánh nhu cầu thị trường) và lượng tin đăng (đại diện nguồn cung) 30 ngày sau Tết âm lịch tăng mạnh so với 30 ngày trước Tết, lần lượt là 76% và 36%.

Cùng với sự chú ý của nhà đầu tư, quá trình đô thị hóa và sự phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, giao thông và việc thu hút đầu tư đã tiếp thêm nguồn lực cho quá trình phát triển của bất động sản. Cụ thể, mặt bằng giá nhà đất tại một số huyện ở Hà Nội đã được thiết lập mới sau khi có thông tin lên quận, hay triển khai xây dựng khu đô thị. 

Tại các địa phương như: Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất…, đất trong làng xã được đẩy lên mức 25 - 30 triệu đồng/m2, tăng đến 50% so với thời điểm năm 2019. Lượng người kéo đến các làng xã thuộc những khu vực kể trên tăng bất thường. Điều đó có thể thấy dòng tiền của nhà đầu tư kể từ đầu năm 2021 tiếp tục đổ mạnh vào bất động sản cùng tâm lý tìm kiếm sản phẩm đầu tư an toàn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Xu hướng dòng vốn cho thị trường bất động sản năm 2021

Thị trường bất động sản năm 2021 đang và sẽ tiếp tục nhận được nhiều xung lực phát triển mới từ một loạt nhân tố, bao gồm: Sự điều chỉnh nhiều thể chế về xây dựng và kinh doanh bất động sản, về cơ cấu cung - cầu và tăng cường áp dụng công nghệ tiếp thị, chính sách khuyến mại trong phân phối và khai thác sản phẩm bất động sản.

Về mặt thể chế hành chính và tài chính, nhiều nút thắt đã và đang được tháo gỡ, quy trình quản lý rút gọn và minh bạch giúp thị trường vận hành thông suốt và linh hoạt hơn theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Chứng khoán và Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020 bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2021, nhất là những quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư; về điều kiện bố trí đủ vốn theo tiến độ xây dựng công trình; về miễn giấy phép xây dựng và thời gian cấp giấy phép xây dựng; về cơ chế xử lý đối với các thửa đất do Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong các dự án đầu tư, dự án nhà ở và về cơ chế xử lý đối với trường hợp mua tài sản gắn liền với đất; về giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; về quy định khu vực được thực hiện dự án phân lô, bán nền; về điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa; về thủ tục giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu dự án bất động sản

Về vốn và nghĩa vụ tài chính, thị trường bất động sản cũng nhận được nhiều tin vui và xung lực tích cực cả về tổng cung và chi phí tài chính từ chủ trương của Chính phủ cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.

Quỹ đất 20% nhà ở xã hội: Cần linh hoạt nhiều hình thức để doanh nghiệp lựa chọn

Trước đây, Nghị định số 100/NĐ-CP cho phép dự án dưới 10ha được lựa chọn 3 hình thức để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội. Một là dành quỹ đất 20% để xây nhà ở xã hội nếu chủ đầu tư muốn; hai là chuyển giao quỹ nhà ở tương đương quỹ đất 20% cho chủ đầu tư xây dựng để làm nhà ở xã hội; ba là cho phép doanh nghiệp nộp tiền.

Thực tế, đa số các doanh nghiệp chọn hình thức thứ ba là nộp tiền. Lẽ ra, nếu theo hình thức này, Nhà nước đã thu được một lượng lớn nguồn tiền đủ để dành cho phát triển nhà ở xã hội. Đây cũng là cách Nhà nước có thể tạo vốn từ đất đai. 

Tuy nhiên, chính quy định này khi áp dụng trong thực tiễn lại có những bất cập nhất định nên việc triển khai không đem lại hiệu quả. Nút thắt là ở chỗ số tiền doanh nghiệp phải nộp tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Tức là nếu chủ đầu tư hoàn tất 100% nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất của dự án thì được xem như hoàn tất nghĩa vụ nhà ở xã hội trong dự án. Kết quả là ngân sách coi như không thu được đồng nào từ quỹ đất 20% này.

Tôi cho rằng, quy định để doanh nghiệp được nộp tiền nếu muốn là hợp lý nhưng phải tính đúng, tính đủ giá trị đất đai, khoản địa tô chênh lệch khi đầu tư vào dự án phải phân bổ hợp lý. Muốn vậy thì Nhà nước cần phải đấu giá quỹ đất 20% để tính ra giá trị thực của khu đất trên thị trường một cách công khai và minh bạch.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Điều chỉnh quy hoạch: Vận hội mới cho Nam Phú Quốc

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, khi trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của cả nước và có quy hoạch mới, nhiều vận hội đã mở ra cho phát triển đô thị và du lịch Phú Quốc.
"Trong 5 năm qua (2015 - 2020), kinh tế Phú Quốc luôn giữ được mức tăng trưởng cao và ổn định, giá trị sản xuất bình quân tăng trên 13%/năm. Điển hình, ngành thương mại, dịch vụ tăng hơn 2 lần; thu hút lượng khách du lịch bình quân mỗi năm tăng gần 30%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 140 nghìn tỷ đồng, thu ngân sách của TP đạt hơn 21 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 42% số thu ngân sách toàn tỉnh, thực sự trở thành động lực góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Kiên Giang.

ông Nguyễn Mạnh Hà
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Theo tôi, để có được kết quả này, trước hết những năm qua, Phú Quốc đã đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ - khâu đột phá quan trọng trong phát triển đảo Ngọc.

Nhiều công trình trọng điểm được triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng như Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng biển quốc tế An Thới, Cảng biển hành khách quốc tế Dương Đông, trục chính giao thông Nam - Bắc đảo, đường vòng quanh đảo..., tạo kết nối liên thông với các trung tâm đô thị lớn trong nước và một số quốc gia trên thế giới qua đường hàng không và đường biển. Nhiều dự án du lịch, khu vui chơi giải trí đã đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả như: Cáp treo Hòn Thơm, khu Safari… đã góp phần cho du lịch Phú Quốc phát triển nhanh", ông Nguyễn Mạnh Hà nhận định.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Choáng với giá nhà đất ở TP Hồ Chí Minh

Một DN thực hiện dự án bán biệt thự, nhà phố trên địa bàn phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức đang chạy quảng cáo niêm yết giá bán nhà đất dự án, áp dụng trong tháng 4/2021. Theo đó, lô đất 100m2, mặt tiền đường 12m giá bán 17,5 tỷ đồng; lô đất 100m2, mặt tiền đường 20m, giá bán 18 tỷ đồng; lô đất 126m2, mặt tiền đường 11m, giá bán 20,5 tỷ đồng; một lô đất góc 2 mặt tiền đường 18m và 11m, giá bán 42,5 tỷ đồng; biệt thự mặt tiền sông Sài Gòn 240m2 giá bán 76,5 tỷ đồng… Theo giới buôn bán đất, đây là mức giá cạnh tranh nhất của khu vực hiện nay, vì vậy chủ đầu tư tự tin niêm yết công khai.

Ghi nhận thực tế tại khu vực có sức nóng nhất trên thị trường hiện nay là trung tâm TP Thủ Đức (phường Thạnh Mỹ Lợi), giá đất đã tăng hơn 100% chỉ tính từ thời điểm công bố thành lập TP Thủ Đức (31/12/2020). Đất mặt tiền đại lộ Trương Văn Bang, tùy vào vị trí, mặt bằng giá đã đạt 300 triệu đồng/m2; các tuyến đường nhỏ hơn, giá đất đều đã nhảy lên mức trên 200 triệu đồng/m2.

Choáng ngợp hơn, nhà trên đại lộ Nguyễn Cơ Thạch, Khu đô thị mới Sala hiện có giá chuyển nhượng 500 - 700 triệu đồng/m2. Nhà phố, diện tích 7 x 24m, giá chào bán phổ biến từ 70 - 90 tỷ đồng/căn. So với giá chủ đầu tư bán ra từ vài năm trước, mức giá hiện tại đã tăng 300 - 400%.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top