Nhiều chuyên gia tin giá bất động sản TP.HCM còn tăng
Dự báo về tình hình thị trường năm tới, nhiều chuyên gia trong ngành tin rằng, thị trường bất động sản TP.HCM sẽ tiếp tục phát triển ổn định. Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, thị trường tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm về nguồn cung nhưng năm 2020 nguồn cung được dự báo sẽ cao hơn năm 2018-2019 nên không quá lo lắng về nguồn cung bán ra thị trường. Trong đó, mức giá tiếp tục diễn biến tăng nhưng không tăng cao.
Có 3 nguyên nhân khiến giá bất động sản tại TP.HCM được nhiều chuyên gia dự báo còn tăng:
Thứ nhất, việc điều chỉnh bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 của TP.HCM được dự báo sẽ tăng cao. Hiện đang có 3 phương án được đề xuất. Một là tăng gấp đôi mức giá tối đa hiện tại. Hai là, tăng khoảng gấp rưỡi mức giá tối đa so với mức giá hiện nay. Ba là, tăng khoảng 1/3 mức giá tối đa so với mức giá hiện nay.
Thứ hai, nguồn cung khan hiếm, dẫn nguồn dữ liệu từ Sở Xây dựng TP.HCM, báo cáo của HoREA cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn thành phố chỉ có một dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm 83%. Khan hiếm nguồn cung đã khiến căn hộ giá thấp đã bị đẩy vượt mức 25 triệu đồng/m2 và trở thành căn hộ trung cấp.
Thứ ba, ở một góc độ khác, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa nhận định, trong 2 thập niên qua, nếu nhìn vào cả chu kỳ có xu hướng tăng giảm đan xen của thị trường theo hình SIN, tuy nhiên, xu thế giá đất leo thang mạnh hơn và quy luật này sẽ còn tiếp diễn trong thập niên tới.
Mô hình nào dẫn dắt thị trường bất động sản du lịch 2020?
Chia sẻ tại Tọa đàm và Giao lưu trực tuyến: Những xu hướng mới của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam, do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) tổ chức chiều 19/11, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định: Bất động sản du lịch hiện có tiềm năng phát triển rất lớn, dựa trên nền tảng thiên nhiên, văn hóa, thể chế, tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh các bộ, ngành và địa phương đang tích cực.
Bên cạnh đó, nguyên nhân quan trọng là chúng ta đã có những “sếu đầu đàn” về du lịch… Từ đó, hạ tầng du lịch ở nhiều địa phương được đầu tư quy mô, xuất hiện nhiều công trình tầm cỡ quốc tế. Du lịch “thăng hoa” sẽ tạo động lực thúc đẩy bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
“Ngành du lịch trong nước và quốc tế đang có sự thay đổi rất nhanh, với nhiều cơ hội mở ra cho các chủ đầu tư, không chỉ tăng trưởng nhu cầu phòng mà còn tăng trưởng các đối tượng khách hàng mới. Do đó, nếu đơn thuần chỉ phát triển một dự án theo kiểu truyền thống sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh cũng như phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong trung và dài hạn. Một dự án cần tạo dựng hệ sinh thái tiện ích - dịch vụ đa dạng mới có thể trở thành điểm đến hấp dẫn. Thị trường bất động sản Việt Nam hiện cũng rất tiềm năng cho những loại hình sản phẩm phức tạp và đa dạng hơn, nắm bắt các xu hướng đang thay đổi trên toàn cầu”, ông Nam nhận định.
Thị trường chứng khoán tháng 11 có những áp lực nhất định
Mùa công bố kết quả kinh doanh qua đi khiến cho thị trường thiếu vắng thông tin liên quan đến doanh nghiệp. Dòng vốn nước ngoài còn phụ thuộc nhiều vào quan hệ Mỹ - Trung.
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) công bố danh mục chính thức của chỉ số đầu tư mới bao gồm: Vietnam Diamond Index (VN Diamond), Vietnam Financial Select Sector Index (VNFinSelect) và tiêu chí lọc cho Vietnam Leading Financial Index (VNFinLead). Các chỉ số này vận hành chính thức vào ngày 18/11, sau 2 tháng rưỡi thử nghiệm.
Với VN Diamond, chỉ số này sẽ có 14 cổ phiếu thành phần trong lần đầu ra mắt. Trong đó, chiếm áp đảo là các cổ phiếu ngành ngân hàng với 5 đại diện là VietinBank, MB, Techcombank, TPBank và VPBank.
Các cổ phiếu bất động sản với 4 đại diện là Nam Long, Khang Điền, Coteccons và Đất Xanh. 5 cổ phiếu còn lại thuộc bán lẻ, logistics và đa ngành là MWG, FPT, PNJ, REE, GMD.
Theo quy chế, các cổ phiếu trong rổ VN Diamond phải đáp ứng lần lượt các điều kiện như vốn hóa trên 2.000 tỷ đồng, với các cổ phiếu thuộc VNAllshare và trên 5.000 tỷ đồng, với các cổ phiếu còn lại. Giá trị vốn hóa mà nước ngoài còn có thể mua tối đa 500 tỷ đồng, giá trị giao dịch khớp lệnh tối thiểu 15 tỷ đồng, FOL tối thiểu 95%...
Những bài học đắt giá sau cơn sốt đất nền
Đất nền được đánh giá là phân khúc đầu tư hấp dẫn, nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Đã có nhiều cảnh báo được đưa ra và bài học quá khứ, nhưng mỗi khi cơn sốt đi qua, những bài học đắt giá lại xuất hiện.
Lợi dụng cơn sốt, nhiều doanh nghiệp đã thi nhau gom đất lập dự án phân lô bán nền và kéo theo đó là nhiều nhà đầu tư lao theo cơn sốt, trong đó có không ít là nhà đầu tư nghiệp dư với mong muốn làm giàu nhanh. Tuy nhiên, khi cơn sốt đi qua, nhiều nhà đầu tư bị mắc kẹt, mua phải đất không thể làm sổ đỏ, thậm chí tiền mất, tật mang do mua phải dự án ma.
Theo ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội, người dân các tỉnh đầu tư đất nền thời gian qua chủ yếu là tự phát và phong trào. Cũng giống như cơn sốt chứng khoán trước đây, khi nhà đầu tư thường không nghiên cứu, tìm hiểu kỹ, cứ thấy ai nói mã nào nóng là mua. Thị trường đất nền thời gian qua cũng vậy, khi nghe có người bảo “sốt” là mọi người kéo nhau đi mua đất, mà không cần biết khái niệm, bản chất của đất nền là cái gì.
“Đất nền là sản phẩm đầu tư dài hạn. Tôi mua mảnh đất chưa có nhu cầu xây dựng thì không ai bắt phải xây cả, 20 năm nữa, tôi xây dựng cũng không sao. Bản chất đất nền chỉ là một mảnh đất và không có tính thương mại”, ông Hiển cho biết.
Cơ hội vàng cho những nhà đầu tư tiên phong
Theo dự báo của UNWTO, thời gian tới, tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí vẫn là mục đích của đa số thị trường khách, song nhiều nhu cầu mới hình thành, nhất là nhu cầu trải nghiệm hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống (tính khác biệt, đặc sắc, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, độc đáo), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi). Theo đó, du lịch trải nghiệm; du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe sẽ ngày càng phổ biến; vừa là xu hướng, vừa là đòi hỏi tất yếu để bảo đảm phát triển bền vững.
Phát biểu tại tọa đàm"Những xu hướng mới của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam", GS. TSKH. Đặng Hùng Võ nhận định, tiềm năng du lịch Việt Nam từ trước đến nay là rất lớn, còn nhiều dư địa. So sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, chúng ta không chỉ có lợi thế về điều kiện tự nhiên mà còn có lợi thế về chính trị, xã hội ổn định. Tuy nhiên, các sản phẩm bất động sản du lịch hiện nay vẫn chưa đạt được nhu cầu và thị hiếu của du khách, đặc biệt là dòng khách tiềm năng theo xu hướng du lịch trải nghiệm:
"Chúng ta mới chỉ đáp ứng được các khách du lịch ngắn ngày từ Hàn Quốc, Trung Quốc sang nhưng những khách này chỉ mang tính tham quan. Còn một nguồn khách tiềm năng hơn từ Âu Mỹ, họ có cả tháng để nghỉ đi du lịch, hiện nay xu hướng của họ là trải nghiệm về đời sống người dân bản địa, trải nghiệm mạo hiểm, chữa bệnh nhưng chúng ta chưa mạnh lĩnh vực này".
Trước sự chuyển dịch xu hướng du lịch nói trên, theo GS. Đặng Hùng Võ, doanh nghiệp phát triển bất động sản hay các nhà đầu tư sẽ buộc phải thay đổi chiến lược mới, tạo ra các sản phẩm bất động sản du lịch không chỉ dừng lại căn hộ đơn độc mà phải có tính năng tạo ra sự trải nghiệm.