Aa

Bất động sản 24h: Nhiều nhà đầu tư bất động sản “thở phào” vì thoát được hàng

Thứ Hai, 31/10/2022 - 10:14

Nhiều nhà đầu tư bất động sản “thở phào” vì thoát được hàng; Thanh lọc môi giới bất động sản... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Nhiều nhà đầu tư bất động sản “thở phào” vì thoát được hàng

Trước bối cảnh lãi suất ngân hàng trên đà tăng, nhiều nhà đầu tư “méo mặt” khi giữ đất. Có khá nhiều nhà đầu tư nhận thấy thị trường chưa có dấu hiệu tích cực vào thời điểm cuối năm nên chấp nhận cắt lỗ thoát hàng để cơ cấu lại tài chính, trang trải khoản nợ. Bên cạnh các nhà đầu tư bán mãi không ai mua, thì nhiều nhà đầu tư được xem là “may mắn” khi ra được hàng trong bối cảnh thanh khoản chậm như hiện nay.

Dù bán lỗ so với giá vốn hơn 100 triệu đồng lô đất 3.000 m2 tại khu ven TP.HCM, anh Hùng khá vui vẻ vì xem mình còn may mắn hơn nhiều nhà đầu tư khác khi ra được hàng. Cách đây hơn một năm, anh Hùng (ngụ TP. Thủ Đức, TP.HCM) mua mảnh đất vườn có giá 2,5 tỷ đồng. Với kỳ vọng sẽ đầu tư mức lời chênh khoảng 500 - 700 triệu đồng trong vòng 6 - 8 tháng. Tuy nhiên, ngay sau khi anh mua vào, thị trường gặp khó. Giá đất không những không lên mà chững lại. Sau khoảng thời gian rao bán huề vốn không được, anh Hùng quyết định bán cắt lỗ hơn 100 triệu đồng để ra hàng, thu lại dòng tiền. Mới đây, có một khách đầu tư đã “xuống cọc” lô đất của anh.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Dòng tiền rút khỏi thị trường, các phân khúc có tính đầu cơ mạnh sẽ đồng loạt “cắt lỗ”

Đất nền xưa nay vẫn được coi là “gà đẻ trứng vàng”, vừa an toàn để giữ tiền, vừa dễ sinh lời của giới đầu tư bất động sản. Do đó, đây là phân khúc có tính đầu cơ cao - hiểu theo khía cạnh đơn giản là hành động mua đi bán lại trong một khoảng thời gian ngắn để “ăn” chênh lệch giá hay còn gọi là “lướt sóng”. 

Diễn biến giai đoạn đầu năm 2022 là minh chứng rõ nhất cho thực tế này. Tiếp nối những cơn sốt đất kéo dài và trải rộng trong năm 2021, những tháng đầu năm 2022 đã chứng kiến sự "thống trị" của đầu tư đất nền.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), sốt đất xảy ra rầm rộ trên quy mô toàn quốc, tập trung ở hầu hết các tỉnh thành như: Hà Nội, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Phòng, Lâm Đồng, Đồng Nai, Đà Nẵng, Phan Thiết… Đặc biệt, khi có thông tin quy hoạch, hiện tượng sốt đất càng diễn ra mạnh mẽ. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản TP.HCM xuất hiện làn sóng chuyển dịch từ đô thị ra vùng ven

Thị trường bất động sản với nhiều rào cản như dòng vốn tín dụng hạn chế, lãi suất cao đã khiến cho nhà đầu tư và người mua nhà gặp nhiều khó khăn trong giao dịch. Ngoài ra, giá sơ cấp càng ngày càng tăng tại TP.HCM là cản trở cho người mua, bất chấp việc nhiều chủ đầu tư đã đưa ra những chính sách ưu đãi để thu hút khách hàng.

Mặc dù nguồn cung căn hộ ở TP.HCM dự kiến sẽ tăng lên 133.400 căn trong năm 2025, con số này chỉ đáp ứng nổi khoảng 52% nhu cầu nhà ở theo kế hoạch.

Theo báo cáo mới nhất của Savills, trong quý III/2022, nguồn cung sơ cấp thị trường căn hộ TP.HCM giảm còn 6.600 căn, giảm 51% theo quý. TP. Thủ Đức và quận 1 lần lượt là hai quận có nguồn cung lớn nhất. Ngoài ra, lượng tồn kho căn hộ sơ cấp chiếm 66% nguồn cung, lớn nhất kể từ năm 2019. Đáng chý ý, có tới 89% lượng hàng tồn kho này thuộc về các căn hộ hạng A và hạng B.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thanh lọc môi giới bất động sản

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết đã có kế hoạch kiểm tra 61 sàn giao dịch bất động sản tại 16 quận, huyện thuộc địa bàn.

Việc kiểm tra này nhằm tăng cường kiểm tra, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn; tuyên truyền, hướng dẫn các san giao dịch bất động sản chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Gian nan chuyển nhượng dự án bất động sản: Mọi nguồn lực đều “đóng băng”

Chuyển nhượng dự án là một trong những giải pháp tốt giải quyết khó khăn cho từng dự án, đưa sản phẩm ra thị trường, giải phóng được hàng tồn kho. Việc này đóng vai trò then chốt để “giải cứu” các nhà phát triển trong nước, đồng thời cũng phù hợp với tâm lý của các nhà đầu tư tin tưởng vào tiềm năng của bất động sản Việt Nam. Vì vậy, việc chuyển nhượng dự án được kỳ vọng là hướng đi tối ưu giúp thị trường bất động sản sôi động hơn sau khoảng thời dài trầm lắng do dịch bệnh.

Dù được kỳ vọng được rất cao, trên thực tế, công tác chuyển nhượng dự án bất động sản vẫn diễn ra rất khó khăn. Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hoạt động chuyển nhượng dự án tại thành phố từ năm 2019 đến nay diễn ra rất ít. Năm 2019 có 5 dự án, năm 2020 không có dự án nào, năm 2021 có một dự án và 9 tháng đầu năm 2022 có 1 dự án.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top