Ngấm khó khăn từ dịch bệnh, nhiều nhà đầu tư rao bán "cắt lỗ" bất động sản ven biển
Ngoài chung cư thì BĐS du lịch cũng đang được rao bán “cắt lỗ”. Ở bối cảnh dịch bệnh như hiện nay theo ghi nhận những nhà đầu tư (NĐT) BĐS du lịch nhỏ lẻ có thể bị “lỗ sấp mặt” vì Covid-19.
Theo ghi nhận, những cụm từ như “bán dưới giá vốn” “cần tiền bán gấp” “cần tiền bán nhanh”…. đã và đang xuất hiện khá nhiều trên các tin rao bán ở thời điểm hiện tại, bao gồm ở cả loại hình căn hộ chung cư và BĐS du lịch tại các thị trường ven biển.
Theo các chuyên gia, việc các NĐT rao bán “cắt lỗ” không còn là hiện tượng mới lạ giữa mùa dịch Covid - 19, hiện tượng này đã xuất hiện nhỏ lẻ trước Tết khi mà một số NĐT khó thu được dòng tiền từ việc cho thuê.
Ở thời điểm này có khá nhiều NĐT sở hữu từ 6-10 biệt thự, căn hộ du lịch ở thị trường ven biển như Hội An, Nha Trang, Đà Nẵng….đã rao bán bớt tài sản vì khó khăn từ dịch bệnh.
Anh Kh, một NĐT sở hữu 2 căn hộ và 1 khách sạn cho thuê tại Nha Trang từ thời điểm tháng 8/2019 chia sẻ, sau khi sở hữu căn hộ việc cho thuê chỉ duy trì được ít tháng, đến cuối năm 2019 cũng “không ăn thua”, sau Tết có dịch, khách hủy phòng khiến phòng nhiều lần bỏ trống. Hiện tại thì anh Kh không thu được đồng nào từ việc cho khách du lịch thuê.
Theo đó, anh đang gửi các bên rao bán lại một căn hộ diện tích hơn 70m2 tại Nha Trang. Theo anh Kh, nếu tính ra căn hộ chào bán anh đã chịu lỗ khoảng 50 triệu đồng so với thời điểm anh mua vào vì đang cần tiền gấp nên anh cũng muốn bán cho nhanh để bù vào các chi phí vận hành phát sinh trước đó.
Xem thông tin chi tiết tại đây
VNREA kiến nghị Quốc hội tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản
Ngày 7/4, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã có văn bản kiến nghị gửi Chủ tịch Quốc hội nhằm kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản.
Trong công văn số 24/2020/VNREA gửi Chủ tịch Quốc hội, VNREA cho hay, trong giai đoạn 3 năm vừa qua từ năm 2017, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và biến động song nhìn chung, thị trường bất động sản Việt Nam về cơ bản vẫn có sự phát triển ổn định, lành mạnh, chuyên nghiệp hơn và đã giảm thiểu các nguy cơ rủi ro so với thời kỳ trước, ngày càng thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng của mình trong nền kinh tế và là động lực phát triển cho nhiều ngành, nghề và thị trường khác.
Tuy nhiên, bước sang nửa cuối 2019 và đầu năm 2020, thị trường bất động sản gặp những khó khăn nhất định và có dấu hiệu giảm sút mạnh, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác, khiến nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu trên thị trường đứng trước nguy cơ phá sản, nhất là khi mất thanh khoản tại nhiều dự án kéo dài, việc triển khai dự án mới gặp nhiều khó khăn.
VNREA đã thu thập thông tin, dữ liệu từ nhiều kênh khác nhau trong giới doanh nghiệp hội viên bất động sản, so sánh với diễn biến thị trường bất động sản 2017, 2018, 2019 và dự báo cho 2020 - 2021 tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng để đưa vào báo cáo chung gửi Chủ tịch Quốc hội. Trên cơ sở nhận định đánh giá tình hình nêu trên, nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp những tháng đầu năm 2020 và khảo sát thực tiễn thị trường, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, VNREA gửi tới Chủ tịch Quốc hội một số đề xuất, kiến nghị cấp bách liên quan đến việc hoàn thiện chính sách, pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Cổ phiếu bất động sản phân hóa trở lại, VHM và VRE tăng trần
Tiếp đà hưng phấn từ các phiên trước, thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch ngày 7/4 với sự tích cực của nhiều cổ phiếu trụ cột, các chỉ số thị trường vì vậy cũng tiếp tục tăng điểm. Tuy nhiên, với việc tăng khá “sốc” trong thời gian ngắn, nên áp lực chốt lời nhanh chóng được kích hoạt và đẩy hàng loạt mã điều chỉnh trở lại, từ đó, gây áp lực lên các chỉ số. VN-Index có nhiều thời điểm đã bị kéo xuống dưới mốc tham chiếu và biến động giằng co.
Dù vậy, diễn biến thị trường về cuối phiên lại đi theo chiều hướng tích cực hơn khi lực cầu tiếp tục dâng cao và áp đảo hoàn toàn so với lượng cung. Nhiều cổ phiếu trụ cột cũng lấy lại được đà tăng và dần nới rộng sắc xanh vào cuối phiên. Các cổ phiếu như VNM, SAB, MWG, BVH, VPB… đều tăng giá mạnh và giúp thị trường giao dịch khởi sắc hơn.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, VIC phiên hôm nay chỉ đứng ở mức tham chiếu và khớp lệnh khoảng 2,8 triệu cổ phiếu, trong khi đó, 2 cổ phiếu cùng họ “Vin” khác là VHM và VRE bất ngờ được kéo lên mức giá trần.
VHM tăng lên 66.000 đồng/cp và là mã có đóng góp lớn nhất cho VN-Index với 4,1 điểm, bỏ xa mã đứng sau là VNM với mức đóng góp chỉ là 1,1 điểm. VRE tăng lên 22.300 đồng/cp và có mức đóng góp gần 1 điểm cho VN-Index.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bà Rịa - Vũng Tàu bắt đầu cấp "sổ đỏ" cho condotel
Triển khai hướng dẫn của Bộ Xây dựng theo Công văn 276/BXD-QLN ngày 20/1/2020, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý đầu tư, xây dựng, kinh doanh căn hộ du lịch, biệt thư du lịch trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, để thực hiện tốt công tác quản lý đầu tư, xây dựng, kinh doanh, vận hành đối với loại hình căn hộ du lịch trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh giao trách nhiệm các sở, ban ngành có liên quan cùng với UBND các huyện, thị xã, thành phố và chủ đầu tư dự án bất động sản du lịch trên địa bàn tỉnh tăng cường thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản.
Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị này có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các sở, ban ngành chức năng có liên quan quản lý, hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với loại hình công trình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch đúng theo quy định hiện hành và đồng thời tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 13116/UBND-VP ngày 24/12/2018.
Đối với Sở Xây dựng, UBND tỉnh yêu cầu Sở này phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt. Rà soát việc đề xuất chuyển đổi căn hộ du lịch, biệt thự du lịch sang thành nhà ở.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Đua nhau gom nhà đất trước khi thị trường... tỉnh giấc
Giới đầu tư đang đua nhau “bắt đáy” bất động sản khi thị trường này đang tồn tại song song hai trạng thái khá ngược: vừa khan hàng do nguồn cung giảm sút, lại vừa “chạm đáy” về giá khi bức tranh kinh tế chung khốn khó vì Covid-19.
"Bán căn hộ 2 phòng ngủ, đủ đồ, diện tích 65m2, mặt đường Cầu Giấy, giá 1,95 tỷ đồng, có thương lượng", chị Hà Linh Chi (Hà Nội) chỉ vào lời rao trên một trang BĐS tấm tắc, mức giá này là quá tốt so với thời gian cuối năm ngoái.
Là một nhà đầu tư theo rất sát giá đất khu vực Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, chị Chi cho hay, mức giá 30 triệu m2 cho một căn chung cư cao cấp, hướng Đông Nam ngay mặt đường lớn là món hời với những người đang có sẵn tiền nhàn rỗi. "Một căn tương tự trước đây phải cao hơn ít nhất 2 giá, đó là mức sau khi đàm phán giằng co rất nhiều lần mới được thế", chị nói.
Theo chị, trong khoảng một tháng qua, những người làm nghề như chị bỗng có rất nhiều sự lựa chọn bởi nhiều dự án “ngon” đang được chào bán với giá tốt, chưa kể các chính sách kích cầu mùa dịch được tung ra nhưng khách hàng vẫn đang ngần ngừ vì tâm lý giữ tiền đề phòng dịch kéo dài.
Rất nhiều căn hộ khu vực Mỹ Đình, Trung Hòa, Trần Duy Hưng dù không mới nhưng có vị trí đẹp, hồ sơ pháp lý đã hoàn thiện, cơ sở hạ tầng tốt. Bởi thế, trước đây khách muốn mua đều phải bỏ ra số tiền chênh không nhỏ thì nay mức chênh hầu như rất nhỏ hoặc thậm chí là bằng giá.