Nhóm đầu cơ "ôm hàng", thổi giá đất, chuyên gia sợ bong bóng phình to
Nhiều dấu hiệu cho thấy sốt đất đang quay trở lại. Qua ghi nhận, nhiều nơi giá đất được thổi cao hơn so với thời điểm "đỉnh" đầu năm. Các phiên đấu giá "nóng hổi" với lượng người tham gia đông, ồn ã với kết quả trúng cao ngất ngưởng.
Mới đây báo chí đưa tin phiên đấu giá ở Đông Hà (Quảng Trị) có lô đất giá khởi điểm 1,8 tỷ đồng nhưng được bán với giá 4,5 tỷ đồng. Hầu hết các lô cũng được "đấu" mức cao hơn nhiều so với sàn.
Cũng ở khu vực này, từ giữa tháng 11 đến nay xảy ra tình trạng sốt đất ở khu vực lân cận diện tích đất mà một tập đoàn bất động sản lớn vừa đấu giá trúng. Theo ghi nhận, có lô đất giá ban đầu 3 tỷ đồng, nhưng được bán với giá 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giá bắt đầu chững lại và xuất hiện tình trạng bỏ cọc.
Một phản ánh khác cho thấy, các khu dân cư ở vùng gần Khu kinh tế Vũng Áng (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng "nóng" hầm hập khi giá cả tăng gấp đôi, có lô đất đầu năm hơn 200 triệu đồng, nay được trả giá 400 triệu đồng/m ngang.
Ngoài Hà Nội, các khu vực vùng ven như Thạch Thất, Ba Vì, Mê Linh… cũng đều được "hô" giá cao hơn so với thời điểm sốt đầu năm.
Xem thông tin chi tiết tại đây
4 lô đất "vàng" Thủ Thiêm đấu giá thành công, thu về 37.350 tỷ đồng
Đến chiều ngày 10/12, 4 lô đất "vàng" ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã đấu giá thành công với tổng số tiền thu về là 37.350 tỷ đồng.
Với các lô đất "vàng" này, UBND TP.HCM đã phê duyệt chủ trương bán đấu giá từ tháng 5/2021.
Các lô đất có ký hiệu 3 - 5, 3 - 8, 3 - 9 và 3 - 12, được bán đấu giá riêng lẻ từng lô. Tất cả đều có hình thức sử dụng như được giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời gian sử dụng đất là 50 năm kể từ ngày quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá có hiệu lực.
Trong đó, lô 3 - 12 có diện tích hơn 10.059m2 và 3 lô còn lại có tổng diện tích khoảng 21.500m2. Sau một ngày đấu giá sôi nổi, cả 4 lô đất đã được đấu thành công với tổng số tiền ngân sách thu về là 37.350 tỷ đồng.
Lô 3 - 12 là lô cuối cùng đấu giá thành công trong chiều 10/12. Giá khởi điểm của lô đất này là 2.942 tỷ đồng. Công ty TNHH bất động sản Ngôi Sao Việt trúng thầu với giá đấu 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần giá ban đầu sau 70 lượt đấu. Đây cũng là lô có số lượt đấu nhiều nhất.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Khan hiếm nguồn cung sơ cấp, thị trường căn hộ thứ cấp sôi động
Tưởng chừng phân khúc căn hộ là phân khúc ít chịu tác động nhất bởi những ảnh hưởng của dịch bệnh, song do hoạt động giãn cách xã hội kéo dài, giao dịch mua bán trì hoãn, thị trường này cũng ghi nhận nhiều chỉ số giảm mạnh.
Toàn bộ nguồn cung trên thị trường bất động sản đa phần là hàng tồn từ các quý trước. Lượng cung cũng như dự án mới rất hạn chế và không có dấu hiệu cải thiện.
Cụ thể, theo Báo cáo thị trường bất động sản quý III/2021 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tổng lượng sản phẩm chào bán trên thị trường cả nước chỉ đạt 35.852 sản phẩm thuộc ngưỡng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, giao dịch đạt 16.647 sản phẩm, tương đương tỷ lệ hấp thụ 40,9%.
Lý giải nguyên nhân cho thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng, đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4 kéo dài đã khiến thị trường yếu đi và ít giao dịch. Các chủ đầu tư vì vậy cũng hạn chế chào bán để thăm dò thị trường.
Ngoài ra, vướng mắc pháp lý về thủ tục đầu tư, tiền sử dụng đất và giá vật liệu xây dựng tăng nóng cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung và giá thành sản phẩm bất động sản.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Mặc dù hành lang pháp lý để thị trường bất động sản từng bước được hoàn thiện song thị trường bất động sản vẫn gặp một số khó khăn vướng mắc đó là:
Thứ nhất, hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản vẫn chưa đồng bộ còn chồng chéo... dẫn đến nhiều dự án hoàn thiện thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng bị chậm tiến độ, làm ảnh hưởng đến nguồn cung của thị trường.
Thứ hai, phân khúc thị trường sản phẩm bất động sản không đồng đều, mất cân đối, các chủ đầu tư tập trung cho các dự án phục vụ cho nhu cầu trung, cao cấp, dự án nhà ở xã hội còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu cho người có thu nhập trung bình hoặc thấp.
Thứ ba, thông tin thị trường bất động sản thiếu minh bạch, thậm chí có hiện tượng đầu cơ bất động sản dẫn đến tình trạng sốt nóng cục bộ tại 1 số tỉnh, thành phố.
Thứ tư, nhiều chủ đầu tư còn thiếu năng lực tài chính, dựa vào vốn vay ngân hàng quá nhiều vì vậy khi các tổ chức tín dụng thực hiện giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định của NHNN nhiều chủ đầu tư không thể tiếp cận được vốn vay để triển khai dự án dẫn đến một số dự án hoang hóa nhiều năm nhưng chưa triển khai được.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Trái phiếu bất động sản có phải bom nổ chậm?
Theo thống kê từ Bộ Tài chính, từ ngày 1/1/2021, việc phát hành TPDN được quy định đồng bộ tại Luật Chứng khoán năm 2019, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Sau 11 tháng triển khai các quy định mới, khối lượng phát hành TPDN đạt trên 495.000 tỷ đồng, trong đó khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ chiếm 94,5%, còn lại là TPDN phát hành ra công chúng chiếm 5,5% tổng khối lượng phát hành. Các tổ chức tín dụng và doanh nghiệpbất động sản là các nhà phát hành lớn nhất trên thị trường chiếm lần lượt 34% và 27,7% tổng khối lượng phát hành.
Trong số các TPDN phát hành riêng lẻ các tháng đầu năm 2021, TPDN có tài sản đảm bảo chiếm 50,9%; trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 49,1%. Trong số 300 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ trong các tháng đầu năm 2021, 207 doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo nhưng chủ yếu đảm bảo bằng bất động sản, chứng khoán, chương trình, dự án.
Mặc dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường; theo đó, trường hợp thị trường bất động sản hoặc thị trường chứng khoán có biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.