Aa

Bất động sản 24h: Những "chiêu trò" gắn mác môi giới bất động sản giăng bẫy nhà đầu tư

Thứ Năm, 05/09/2019 - 10:30

Những "chiêu trò" gắn mác môi giới bất động sản giăng bẫy nhà đầu tư; "Dọn đường" cho doanh nghiệp trục lợi từ dự án tâm linh?... là một số tin tức nổi bật 24h qua.

Những "chiêu trò" gắn mác môi giới bất động sản giăng bẫy nhà đầu tư

Bên cạnh những môi giới bất động sản làm nghề chân chính thì có không ít môi giới sử dụng chiêu trò để “giăng bẫy” nhà đầu tư. Theo ghi nhận, vài tháng qua những cái bẫy này xuất hiện rất nhiều ở TP.HCM.

Chỉ trong 5 tháng trở lại đây, tình trạng rao bán dự án "ma" xuất hiện dày đặc ở TP.HCM. Hồi giữa tháng 8, UBND phường Tân Thới Nhất, quận 12 đã ra văn bản cảnh báo người dân cẩn trọng với một dự án ma do công ty Vietland làm chủ đầu tư. Dự án này nằm trên đường Dương Thị Giang, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM.

Hồi tháng 6/2019, UBND quận Bình Tân cũng cảnh báo về 6 doanh nghiệp bán dự án ma bao gồm: Công ty TNHH phát triển nhà ở Nablaland, Công ty Hoàng Kim Land, công ty Đất Vàng Hoàng Gia, Công ty Angel Lina, Công ty Bất Động Sản Anh Kiệt, Công ty TNHH MTV Kinh doanh nhà Năm Tài. Trong đó, Nablaland và Angel Lina là hai đơn vị có nhiều dự án nhất.

Dịp đầu năm, UBND phường Thạnh Xuân, quận 12 cũng đã có văn bản cảnh báo về tình trạng rao bán, sang nhượng đất nền trái phép trên địa bàn. Lợi dụng tâm lý mua đất giá rẻ, nhiều đối tượng đã tiếp thị, phát tờ rơi quảng cáo sai sự thất về 4 khu đất ở phường này.

Mặc dù chính quyền ra sức cảnh báo nhưng các đầu nậu vẫn có nhiều chiêu núp bóng khó kiểm soát. Các đối tượng dùng nhiều chiêu trò hòng dụ những khách hàng tay mơ, tin vào những lời "mật ngọt chết ruồi". Từ những cái bẫy giăng sẵn này, thời gian qua có không ít nhà đầu tư đã rơi vào cảnh "tiền mất tật mang".

Người bị lừa thường là người mới đi kinh doanh bất động sản, mù mờ về pháp lý và không đi kiểm tra thực tế từng dự án. Chiêu sành sỏi nhất của các đối tượng là núp bóng các công ty lớn để tạo dựng niềm tin với người mua. Mục đích đầu tiên của chúng là nhận tiền cọc, sau đó đổi luôn sim số và "lặn mất tăm"...

Xem chi tiết tại đây

"Dọn đường" cho doanh nghiệp trục lợi từ dự án tâm linh?

Có điều gì bất thường ở những siêu dự án du lịch tâm linh gắn với di sản quốc gia chùa Bái Đính, Tam Chúc... khi một quần thể chùa chiền được xây dựng mới trên diện tích đất lớn nhưng vấn đề có mang lại lợi ích gì cho nhân dân, nhà nước, hay nguồn lợi khổng lồ rơi vào túi doanh nghiệp vẫn là một dấu hỏi. Ở một số dự án đã công bố cho thấy có cả câu lạc bộ thủy thủ, casino, khách sạn... Liệu rằng, có chuyện doanh nghiệp trục lợi từ tâm linh để nhắm tới phần đất đai phục vụ dự án?

Có thể dễ dàng nhìn thấy khá nhiều doanh nghiệp, trong đó, phải kể đến “đại gia” Xuân Trường đang ồ ạt xây dựng các dự án tâm linh quy mô lớn với phương châm “chùa sau sẽ xây to hơn chùa trước”. 

Như quần thể chùa Bái Đính được xây dựng với diện tích 539ha bao gồm 27ha khu chùa Bái Đính cổ, 80ha khu chùa Bái Đính mới được xây dựng từ năm 2003, còn lại là các hạng mục khác như: Công viên văn hóa và học viện Phật giáo, đường giao thông và bãi đỗ xe, khu hồ Đàm Thị… Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á...

Sau khi tạo được tiếng vang lớn từ dự án chùa Bái Đính, doanh nghiệp Xuân Trường “bắt tay” xin đầu tư, kinh doanh những dự án tâm linh khác với quy mô càng ngày càng “khủng”, tạo thành chuỗi dự án tâm linh nối liền nhiều tỉnh. Tại Hà Nam, Xuân Trường rót 11.000 tỷ đồng , xây dựng một quần thể chùa chiền lớn nhất thế giới với diện tích 5.100ha, nằm bên cạnh ngôi cổ tự Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam). 

Tại Hải Phòng, doanh nghiệp này đang đầu tư 9.800 tỷ đồng làm khu du lịch tâm linh tại đảo Cái Tráp với diện tích 450ha, trong đó khu tâm linh rộng 88,7ha. Số đất dành cho khu dịch vụ là 108ha, trong đó dự kiến xây dựng cả khu biệt thự, câu lạc bộ thủy thủ, casino…

Còn tại Thái Nguyên, doanh nghiệp này tuyên bố sẽ xây dựng bảo tháp Phật giáo lớn nhất thế giới khi đầu tư vào dự án Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc rộng 18.940ha (gồm diện tích hồ là 2.500 ha).

Theo chuyên gia văn hóa,TS. Trịnh Hòa Bình, sự bùng nổ du lịch tâm linh thời gian qua xuất phát từ nhu cầu có thật là cộng đồng dân cư mỗi ngày một “mê tín” hơn. “Nhà nhà, người người đều mê mải đi đền chùa, miếu mạo, sắm lễ cúng bái như một sự mặc cả với các lực lượng siêu nhiên. Các dự án du lịch tâm linh đồ sộ rộng đến cả ngàn héc-ta với hàng loạt kỷ lục về chùa và tượng phật ra đời một mặt đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân, nhưng một mặt cũng kích thích sự “cuồng tín” vốn có trong dân chúng. Trục lợi từ tâm linh là câu chuyện đã, đang và hoàn toàn có thể xảy ra”.

Xem chi tiết tại đây

Kiểm toán Nhà nước phát hiện Vicem... bỏ quên cả ngàn tỷ trước cổ phần hóa

Trong báo cáo kiểm toán gửi đến Bộ Xây dựng, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) xác định tổng giá trị phần vốn nhà nước tại Vicem tăng khoảng 1.169 tỷ đồng khi xác định lại giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản.

Kết quả xác định giá trị Vicem theo phương pháp tài sản của KTNN cho thấy giá trị tài sản Vicem thời điểm tháng 10/2018 khoảng 28.227 tỷ đồng, và giá trị vốn nhà nước khoảng 27.803 tỉ đồng.

Trường hợp xác định giá trị Vicem theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức, KTNN khẳng định tổng giá trị vốn nhà nước tại Vicem đạt 25.127 tỷ đồng, tăng khoảng 1.747 tỷ đồng so với con số báo cáo của Vicem.

Nguyên nhân chênh lệch cả ngàn tỷ đồng khi xác định tài sản, giá trị vốn nhà nước tại Vicem trước cổ phần hóa được KTNN chỉ ra là khi xác định giá trị doanh nghiệp trước cổ phần hóa, Vicem và đơn vị kiểm toán độc lập - Công ty TNHH hãng kiểm toán AASC - đã... bỏ quên giá trị quyền khai thác khoảng sản của một số công ty con trực thuộc Vicem.

Vicem hiện là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. KTNN cho biết tại thời điểm 1/10/2018, các công ty TNHH MTV thuộc Vicem được cấp 9 giấy phép khai thác khoáng sản đá vôi, đá sét để sản xuất xi măng.

Trong đó, Vicem Hoàng Thạch được cấp 4 giấy phép, Vicem Hải Phòng được cấp 3 giấy phép, Vicem Tam Điệp được cấp 2 giấy phép. Thời gian được cấp phép từ 2 - 30 năm, tùy theo từng giấy phép.

Tổng trữ lượng khoáng sản được cấp phép khai thác hằng năm khoảng 9,56 triệu tấn đá vôi, 1,91 triệu tấn đá sét.

KTNN căn cứ vào giá mua bán đá, mức thuế tài nguyên, nhân với sản lượng khai thác hằng năm theo giấy phép, giá thành khai thác khoáng sản của các đơn vị để xác định giá trị quyền khai thác các mỏ đá vôi, đá sét của các công ty con thuộc Vicem khoảng 1.193 tỷ đồng.

Xem chi tiết tại đây

Nguồn cung nhỏ giọt, đâu sẽ là kênh đầu tư sáng giá vào cuối năm?

Theo dự báo của các đơn vị nghiên cứu, nguồn cung mới chung cư, nhà phố, biệt thự sẽ giảm trong những tháng còn lại năm 2019, nhiều nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư mới vào cuối năm.

Thực tế ghi nhận tại thị trường cho thấy, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp là hai kênh đầu tư sáng giá. Thống kê sơ bộ trong 8 tháng qua, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng đang phủ sóng khá dày đặc trên khắp các chợ địa ốc cả nước. Cùng với sự gia tăng rổ hàng, có khoảng trên 65% người tham gia thị trường địa ốc năm 2019 đang chọn bất động sản ven biển để đầu tư.

Điểm khác biệt lớn so với giai đoạn trước đó là nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp đang quen dần với bán kính dịch chuyển thị trường xa hơn, độ mở cũng như quy mô của thị trường ngày càng lớn hơn.

Bên cạnh đó, phát triển mạnh mẽ của kênh đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng còn nhờ tăng trưởng du lịch ấn tượng, kết nối hạ tầng liên vùng đang tốt dần lên bao gồm cả đường bộ và hàng không. Sự gia tăng lượng khách du lịch quốc, du lịch trong nước cũng phát triển mạnh mẽ về lượng và biến đổi về chất (thói quen du lịch, thị hiếu tiêu dùng khi du lịch) nhờ đời sống người dân được nâng cao, nhu cầu trải nghiệm ngày càng lớn.

Trong vài quý đến vài năm tới, làn sóng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng hứa hẹn sẽ còn tiếp tục tăng lên do Việt Nam hiện nay vẫn chưa khai thác hết tiềm năng to lớn của ngành công nghiệp không khói.

Với bất động sản công nghiệp, CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định, các khu công nghiệp vẫn tiếp tục hưởng lợi nhờ chiến tranh thương mại, ngoài ra hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ thu hút nguồn vốn FDI vào trong nước giá cho thuê tăng trung bình từ 7 - 15% YoY và giá nhân công cạnh tranh thu hút các ngành thâm dụng lao động.

Xem chi tiết tại đây

Hà Nội “vỡ trận” xe buýt miễn phí - Khoan thổi vội ăn

Ngày 22/8, báo Kinh tế & Đô thị điện tử đưa tin từ ngày 22/8, TP. Hà Nội triển khai cấp thẻ miễn phí sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, việc miễn phí bắt đầu thực hiện từ ngày 1/9. Lập tức, thông tin này lan truyền nhanh chóng trên báo chí và mạng xã hội. Theo thông tin sau đó, việc cấp thẻ thực hiện tại các điểm bán vé xe buýt trên địa bàn thành phố và thẻ được cấp trong vòng 2 - 3 ngày, riêng tại điểm Kim Mã có thể được nhận thẻ trong vòng 30 phút.

Đến 17 giờ 14 phút ngày 23/8, trên trang Hanoibus - Xe buýt Hà Nội đăng thông báo chính thức về việc “Phát hành, quản lý, sử dụng thẻ miễn phí sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn trên địa bàn TP. Hà Nội”.

Ngay ngày hôm sau, 24/8, những người thuộc diện ưu tiên, chủ yếu là người cao tuổi, ùn ùn đến các điểm bán vé làm thủ tục cấp thẻ. Theo số liệu từ Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 700.000 người cao tuổi và khoảng 64.000 người thuộc diện hộ nghèo. Trong khi đó, từ khi thông báo chính thức đến khi thực hiện miễn phí chỉ có 8 ngày, nhiều người đã tỏ ra ái ngại không biết việc thực hiện có kịp tiến độ đề ra, nhất là điểm bán vé Kim Mã còn trả thẻ trong vòng 30 phút.

Là người đi xe buýt thường xuyên và vẫn sử dụng vé tháng diện giảm 50% cước, ngày 24/8, tôi ra điểm bán vé Nguyễn Công Trứ làm thủ tục cấp thẻ miễn phí. Đến nơi đã thấy khá đông người xếp hàng làm thẻ. Vì không tin trong vòng hơn tuần có thể kịp làm thẻ miễn phí, tôi hỏi mua vé tháng 9 cho chắc thì được cô nhân viên quầy vé trả lời tháng 9 đã miễn phí rồi nên không bán vé, và loại vé này không phát hành nữa nên cũng không có để bán. 

Thậm chí cô còn nói “nếu bác đã mua vé tháng 9 thì chúng cháu sẽ hoàn lại tiền”. Cô viết giấy hẹn 30/8 đến nhận thẻ. Tôi nói: “Sao thấy báo chí nói chỉ 2 - 3 ngày sau là có thẻ, thậm chí lên điểm Kim Mã còn có thể nhận thẻ trong vòng 30 phút”. Cô phân bua vì nhiều người làm thẻ nên quá tải làm không kịp, thậm chí điểm Kim Mã còn “thất thủ”, đến chỗ len chân còn chả có lấy đâu ra nhận thẻ ngay.

Chiều 31/8 (tức một ngày sau thời gian hẹn), tôi ra Nguyễn Công Trứ nhận thẻ nhưng cô nhân viên trả lời “Của bác một tuần nữa mới có”. Tôi hỏi: “Thế từ ngày mai tôi đi xe thế nào, có phải mua tiếp vé tháng 9 không ạ?”, “Đương nhiên rồi! Bác phải mua vé tiếp mới đi được chứ”. Tôi nói: “Đằng nào thành phố cũng miễn phí từ tháng 9, trong khi chưa cấp kịp thẻ miễn phí tại sao không cho phép sử dụng thẻ cũng thuộc diện ưu tiên người cao tuổi cũ để đi xe có phải tiện lợi không?”. 

Nhiều người đứng ngoài cũng đồng tình với ý kiến của tôi, còn cô nhân viên không nói gì. Tôi đề nghị cô ghi vào giấy hẹn là một tuần sau nhận thẻ, cô bảo: “Cháu có phải là người làm thẻ đâu mà chắc chắn sau một tuần có được”. Tôi bảo: “Cô không biết, nhưng sếp của cô phải biết chứ. Hẹn một tháng sau cũng được, nhưng phải chắc chắn để tôi đỡ mất công đi lại”. Cô nhân viên không nói gì.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top