Làm gì để kiểm soát đầu cơ, thổi giá bất động sản?
Nhận định về thị trường bất động sản thời gian qua, Bộ Xây dựng cho rằng, giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Trong khi đó, giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị,... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.
Theo các chuyên gia, trong cuộc chơi này, người được lợi là những nhóm cơ hội, nhóm lợi ích thân hữu, còn người có nhu cầu thực bị thua thiệt khi giá đất bị đẩy lên cao hơn giá trị thực. Đáng nói, việc mua bán nhà đất ở Việt Nam chỉ cần hai chủ thể là có thể tự do giao dịch mà không cần đến chủ thể thứ ba để Nhà nước kiểm soát. Đây là cách giao dịch khác xa so với văn hóa giao dịch mua bán bất động sản của các nước. Chính sự thiếu chặt chẽ trong quy trình giao dịch đã tiếp tay cho giới đầu cơ có cơ hội gây lũng đoạn thị trường.
Ghi nhận thực tế cho thấy, tại không ít địa phương bất chấp tình hình trong mùa dịch Covid-19, thị trường bất động sản suy giảm trên các phân khúc thì chỉ bằng thông tin sắp có dự án “khủng” của ông lớn, giá đất được thổi lên tăng gấp 3 - 4 lần chỉ trong 1 tuần, tạo sự hỗn loạn trên thị trường nằm mục đích trục lợi.
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ấm dần lên
Theo số liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận hơn 4.000 sản phẩm condotel mới được chào bán ra thị trường. Điểm sáng của thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng 9 tháng đầu năm được chỉ ra là giai đoạn cuối tháng 9/2020.
"Thời điểm này, những dấu hiệu tái khởi động và chào hàng mạnh mẽ của các dự án du lịch nghỉ dưỡng cho thấy sự nóng lại của thị trường. Điển hình như sự vận động của bất động sản nghỉ dưỡng tại các địa phương: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận,… Bên cạnh đó, bất động sản nghỉ dưỡng cũng ghi nhận dấu hiệu quan tâm trở lại của các nhà đầu tư trong nước", báo cáo của Hội Môi giới nêu.
Theo giới chuyên gia, có 2 lý do khiến bất động sản nghỉ dưỡng ấm nóng trở lại.
Thứ nhất là yếu tố môi trường, khi cả TP.HCM và Hà Nội đang ở trong tình trạng báo động đỏ và yếu tố này tác động âm thầm lặng lẽ nhưng cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe, không kém gì dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, con người cần nhiều hơn những khoảng xanh, những khu du lịch có không khí trong lành, mát mẻ. Đặc biệt, sau giai đoạn giãn cách xã hội, nhiều người mới hiểu được sâu sắc giá trị của nghỉ dưỡng và nghỉ dưỡng riêng biệt. Đây là yếu tố tác động tốt đến những sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng sở hữu bầu không khí trong lành, tốt cho sức khỏe.
Thứ hai, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã tác động sâu rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới, thậm chí cả những cường quốc tiên tiến nhất thì tại Việt Nam, công tác phòng chống dịch cũng như các thông tin về chữa trị bệnh lại được đánh giá cao, là điểm son được cả thế giới công nhận. Ngoài ra, thông tin Nga điều chế thành công vắc-xin ngừa Covid-19 và bắt đầu thương mại hóa trên diện rộng đã khiến Covid-19 không còn là một vấn đề đáng ngại.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ khởi công trong tháng 12/2020
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể có buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp về công tác giải phóng mặt bằng của Dự án đầu tư xây dựng công trình cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Tại buổi làm việc, đại diện UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết mọi công tác để khởi công dự án đang chuẩn bị rất khẩn trương. UBND tỉnh quyết định phê duyệt phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (đợt 1), giai đoạn 1 qua địa bàn; trình Bộ GTVT về việc chấp thuận bổ sung kinh phí cho công tác GPMB. Tổng Công ty Cửu Long (chủ đầu tư) đã chuyển kinh phí về cho Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, GPMB tỉnh là 715 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ đi qua địa phận tỉnh Đồng Tháp khoảng 10,6km, tổng diện tích thu hồi đất hơn 72ha, với 533 hộ bị ảnh hưởng. Kinh phí GPMB là 355,62 tỷ đồng, đã được Bộ GTVT bố trí 134 tỷ đồng. Khoản kinh phí còn thiếu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là 221 tỷ đồng.
Những tín hiệu tích cực của thị trường văn phòng Hà Nội
Hiện, dịch COVID-19 tiếp tục làm gián đoạn quá trình khách hàng nước ngoài tìm kiếm và khảo sát mặt bằng tại Việt Nam. Các khách thuê từ trước đó cũng có xu hướng thu hẹp quy mô kinh doanh, cắt giảm chi phí dẫn tới việc trả lại mặt bằng vẫn còn xu hướng tăng lên.
Hoạt động cho thuê thêm tại Hà Nội trong quý II/2020 có phần chậm lại, tuy nhiên các chủ đầu tư đã linh hoạt hơn nhiều khi áp dụng các chính sách cởi mở để giữ chân khách thuê cũ và thu hút khách thuê mới như áp dụng các điều khoản ưu đãi, miễn phí dịch vụ, giảm giá thuê, tăng thời gian miễn phí tiền thuê... Có không ít khách thuê đã chấp nhận thu hẹp phạm vi văn phòng, hoặc chuyển đến mặt bằng thương mại mới với giá thuê thấp hơn để kiếm soát được chi phí.
Đáng chú ý, tại thị trường Hà Nội, để giảm thiểu các chi phí cố định trong và sau dịch bệnh, nhiều khách thuê có xu hướng chuyển đổi từ việc sử dụng văn phòng truyền thống qua sử dụng văn phòng dịch vụ linh hoạt. Theo dữ liệu của Savills, việc sử dụng văn phòng dịch vụ giúp khách thuê tiết kiệm đến 90% chi phí so với việc thuê văn phòng truyền thống như trước đây. Văn phòng dịch vụ với cơ sở vật chất hiện đại và phòng họp trực tuyến chất lượng cao còn tạo thành xu hướng làm việc dễ nhận thấy trong mùa dịch.
Đồng Nai bàn giao 1.800 ha đất làm sân bay Long Thành ngay trong tháng này
Cụ thể, tỉnh sẽ bàn giao mặt bằng khu vực này cho Cảng vụ Hàng không miền Nam để đơn vị này thực hiện bàn giao lại cho ACV. Trong trường hợp Chính phủ có Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 trước thời điểm trên, tỉnh sẽ thực hiện bàn giao măt bằng theo quyết định phê duyệt dự án của Chính phủ. Trường hợp dự án chưa được phê duyệt sẽ thực hiện bàn giao bằng biên bản.
Sở Tài nguyên Môi trường (TN-MT) được yêu cầu lập bản đồ ranh mốc khu vực 1.800 ha để phục vụ việc bàn giao mặt bằng. Sau khi bàn giao, ACV cần thực hiện việc xây dựng hàng rào để quản lý mặt bằng, tránh tình trạng lấn chiếm. UBND huyện Long Thành, Sở TN-MT và các đơn vị chức năng phối hợp quản lý chặt diện tích đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng trong khu vực 1.800 ha. Khi phát hiện bất cứ hành vi xâm phạm mặt bằng trong phạm vi thực hiện dự án phải xử lý kịp thời, lập biên bản, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, xử lý nghiêm để làm gương.