Aa

Cần có một cuộc “lột xác” quyết liệt!

Thứ Bảy, 19/09/2020 - 06:35

Sở TNMT TP.HCM đã mặc nhiên tước bỏ những quyền lợi quan trọng của người dân ở hàng trăm dự án. Họ vừa bị chậm cấp sổ hồng, lại vừa phải “gồng mình” gánh tất cả quyền lợi an sinh xã hội mà đáng lẽ đương nhiên được hưởng.

Sở TNMT TP.HCM đã mặc nhiên tước bỏ những quyền lợi quan trọng của người dân ở trong hàng trăm dự án. Họ vừa bị chậm cấp sổ hồng, lại vừa phải “gồng mình” gánh tất cả những quyền lợi an sinh xã hội mà đáng lẽ đương nhiên được hưởng.

Đối với một trung tâm kinh tế đứng đầu cả nước như TP.HCM, có lẽ người dân trong cả nước đều xác nhận, đây là địa phương có tiếng xưa nay về năng động và sáng tạo, dũng cảm đi đầu trong những bước đột phá từ thực tiễn sinh động để củng cố và hoàn thiện những khiếm khuyết trong chính sách của Quốc gia.

Tuy nhiên, qua sự kiện “trao 16 sổ hồng tượng trưng” diễn ra mới đây của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố thì nhiều người mới ngã ngửa ra rằng, hành vi thường ngày của một cơ quan hành chính được đẩy lên thành một sự kiện rùm beng trong truyền thông như vậy thì có nghĩa là “có vấn đề” phải bàn rồi!

Đại diện doanh nghiệp lên nhận "sổ hồng tượng trưng" từ Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng

Mà cũng đáng phải bàn thật. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Hiệp hội mới chỉ tổng hợp số liệu từ 53 dự án thuộc 12 tập đoàn và doanh nghiệp, thì đã có đến 28.324 căn nhà và căn hộ officetel, gồm 25.631 căn nhà (chủ yếu là căn hộ chung cư) và 2.693 căn hộ officetel đã bị chậm cấp sổ hồng, trong tổng số 490 dự án nhà ở được phê duyệt trong các năm 2015 - 2019 (chưa bao gồm các dự án đã triển khai trước năm 2015).

Thật đúng là những con số bất ngờ tại một trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước, bởi sự chậm trễ này không những gây tổn hại cho người dân về cả tâm lý lẫn chuyện thế chấp tài sản khi muốn làm ăn; cho doanh nghiệp khi tổn thất về uy tín, thương hiệu và hiệu quả kinh doanh; mà còn cho cả ngân sách Nhà nước bởi số tiền chậm thu, chậm nộp...

Khi nêu lên lý do chậm chạp này, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố rất “hồn nhiên” xác định có 7 vấn đề còn khó khăn, vướng mắc khiến cho xảy ra sự chậm trễ này đều liên quan đến giá đất, và trách nhiệm giải quyết đều thuộc về ... các cơ quan công quyền, thí dụ như việc việc xác định giá đất trong quá khứ; vướng mắc trong các phương pháp xác định giá đất khi thực hiện thẩm định giá; việc định giá đất đối với một số vị trí có lợi thế sinh lợi cao, ở vị trí đắc địa...

Chỉ cần nhìn thoáng qua 7 cái khó khăn, vướng mắc được nêu trên mới thấy rằng, để cho ngót 30 nghìn căn hộ kia được trao sổ hồng thực thụ thì Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cần có một cuộc “lột xác” quyết liệt, không chỉ về tinh thần trách nhiệm mà còn cả về trình độ chuyên môn, cập nhật và hiểu biết sâu sắc về pháp luật và chính sách của Nhà nước.

Chẳng hạn, cách đây ít năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ thị số 24/CT-TTg về việc “Tăng cường phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đô thị bảo đảm an sinh xã hội”, trong đó xác định: “Các dịch vụ: nhà ở xã hội cho người dân; nước sạch, vệ sinh môi trường; y tế; giáo dục; văn hóa, thể thao giải trí, sinh hoạt cộng đồng...” phải được các cơ quan chính quyền từ Trung ương đến địa phương quan tâm.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí quỹ đất cho phát triển hạ tầng xã hội phù hợp mục tiêu phát triển của từng giai đoạn theo quy hoạch đô thị, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, giám sát trách nhiệm của các chủ đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị trong việc đầu tư xây dựng công trình cũng như cung cấp dịch vụ cho người dân.

Vậy, liệu dân cư của các khu chung cư kia trên địa bàn TP.HCM có quyền được hưởng chính sách an sinh này của Chính phủ?

Ảnh minh họa

Vậy mà, theo HoREA, mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã có văn bản báo cáo UBND TP.HCM “Về xác định diện tích đất ở tại các dự án xây dựng nhà ở chung cư”. 

Văn bản kiến nghị: “Theo quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng và đất đai (…), toàn bộ diện tích đất khuôn viên đất xây dựng khu nhà ở chung cư phù hợp quy hoạch đất ở (sau khi đã trừ lộ giới đường giao thông, hành lang an toàn, bao gồm diện tích đất xây dựng chung cư - khối đế và diện tích đất làm hồ bơi, vườn hoa, sân chơi, lối đi nội bộ, bãi đậu xe nổi...) phải được xác định là đất ở, phải tính thu nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (nếu là xây dựng nhà ở để cho thuê) và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chủ đầu tư dự án phải đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, duy tu, bảo dưỡng và bàn giao lại cư dân (do Ban Quản trị chung cư làm đại diện) để quản lý, sửa chữa, bảo trì từ nguồn kinh phí 2% theo Khoản 1 Điều 108 Luật Nhà ở mà không bàn giao cho cơ quan Nhà nước (…), Nhà nước không sử dụng vốn ngân sách bảo trì công trình chỉ phục vụ chung cho cộng đồng cư dân nhà chung cư”.

Từ quan điểm này, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa cấp sổ hồng cho nhiều dự án nhà chung cư, dẫn đến khách hàng mua nhà cũng chưa được cấp sổ hồng (!?).

Với cách tư duy như thế, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã mặc nhiên tước bỏ những quyền lợi quan trọng của người dân ở trong hàng trăm dự án này. Họ vừa bị chậm cấp sổ hồng, lại vừa phải tự “gồng mình” gánh tất cả những quyền lợi an sinh xã hội mà đáng lẽ mình đương nhiên được hưởng theo chính sách của Nhà nước.

Chính vì thế, HoREA cho rằng, đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành, đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường chưa thật chuẩn xác, đồng thời đã có kháng nghị.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia thì quản lý đất đai đang là khâu “yếu nhất” trong hệ thống quản lý công của TP.HCM. Thiết nghĩ, có một cuộc “lột xác” quyết liệt ở khâu này là rất cần thiết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top