Aa

Thiết chế công đoàn - Liệu có rơi vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”?

Thứ Sáu, 02/10/2020 - 06:06

Xây dựng thiết chế công đoàn là một chủ trương nhân văn, nhưng cách thực hiện lại lộ ra nhiều điều không ổn. Ngay cả khi được xây dựng xong thì cũng dễ rơi vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”.

Lời tòa soạn:

Thực hiện Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, thời gian qua, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai xây dựng thiết chế Công đoàn để hiện thực hoá giấc mơ an cư của người lao động. Đây là một đề án nhân văn, nhận được rất nhiều kỳ vọng của hàng triệu công nhân trên cả nước.

Theo một con số thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, từ khi triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ đến nay, đã có khoảng 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đồng ý bố trí đất, mỗi khu đất có diện tích từ 1 - 5ha, đủ điều kiện, tiêu chí để xây dựng thiết chế Công đoàn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tiến độ xây dựng thiết chế công đoàn ở một số địa phương đang chậm hơn rất nhiều so với kế hoạch đặt ra. Hình ảnh về một khu nhà ở hiện đại, khang trang với đầy đủ tiện ích vẫn chỉ nằm trên bản vẽ, và hiện trạng lúc này chỉ là những bãi đất trống mênh mông cỏ mọc, những hạng mục thi công dang dở "cửa đóng then cài" xuống cấp trầm trọng. Con đường hiện thực hoá giấc mơ an cư cho người lao động là một hành trình dài chưa thấy ngày về đích ở phía trước...

Trên tinh thần nghiên cứu, Reatimes đã khảo sát hiện trạng các dự án tại một số địa phương, ghi nhận ý kiến các chuyên gia về vấn đề này và đăng tải trong tuyến bài: Nguy cơ 'vỡ trận' thiết chế công đoàn.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐ Việt Nam) đệ trình.

Theo đó, quy mô và quy hoạch đầu tư mỗi Khu thiết chế Công đoàn phải có diện tích đất xây dựng (tối thiểu) từ 3 - 5ha, được đầu tư các khối chung cư nhà ở công nhân 5 tầng (khoảng 1.000 căn hộ); có các công trình công cộng như nhà văn hóa đa năng với sức chứa ít nhất 500 người, quảng trường trung tâm chứa 5.000 người, nhà điều hành của công đoàn khu công nghiệp và tư vấn pháp lý; khu vực thể dục thể thao, siêu thị công đoàn, nhà trẻ, hiệu thuốc, hệ thống dịch vụ phục vụ đời sống văn hóa xã hội của công nhân; vườn hoa, cây xanh và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.

Xong đến đâu, bỏ hoang đến đấy

Theo kế hoạch của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đến năm 2020 sẽ có khoảng 50 thiết chế Công đoàn được xây dựng trên cả nước, trong đó có 3 thiết chế Công đoàn được triển khai xây dựng điểm tại các tỉnh: Hà Nam, Quảng Nam và Tiền Giang; phấn đấu đến năm 2030, mỗi khu công nghiệp phải có ít nhất một thiết chế Công đoàn. Để thực hiện kế hoạch này, năm 2018, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai 12 dự án thiết chế Công đoàn tại các địa phương; năm 2019 phê duyệt thiết chế công đoàn tại 9 địa phương.

Tuy nhiên đến nay, đã bước vào những tháng cuối của năm 2020 nhưng vẫn chưa có khu thiết chế nào hoàn chỉnh. Lý do được đưa ra là quá trình xây dựng các thiết chế gặp phải vướng mắc về pháp lý. Bởi vì, ở các địa phương đã được phê duyệt, việc xây dựng các thiết chế công đoàn đều được giao cho Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh làm chủ đầu tư. Trong khi đó, theo quy định pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam nói chung và các LĐLĐ tỉnh nói riêng, là cơ quan thuộc tổ chức chính trị - xã hội, không thuộc đối tượng được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư với mục đích xây dựng khu thương mại, nhà ở bán và cho thuê. Do đó, các LĐLĐ tỉnh không thể làm chủ đầu tư, và toàn bộ việc xây dựng các thiết chế đều bị ách tắc.

Nhưng vấn đề đặt ra là, ngay cả khi vướng mắc trên được tháo gỡ, các thiết chế được xây dựng xong thì liệu khi đi vào hoạt động có xuôi chèo mát mái? Câu trả lời ở đây chỉ cần nhìn vào thực tế thiết chế công đoàn ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam là đủ rõ.

Theo dự án, Khu thiết chế Công đoàn này rộng 4ha, được giao cho LĐLĐ tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, khởi công tháng 4/2017. Dự kiến, ngoài nhà đa năng, nhà trẻ, quảng trường, khu thể thao, LĐLĐ tỉnh quảng Nam sẽ đầu tư 350 tỷ đồng xây dựng 884 căn hộ đáp ứng chỗ ở cho 3.500 đoàn viên công đoàn, công nhân lao động. Đây được coi là một trong những thiết chế triển khai sớm và tích cực, đến nay đã xây dựng hoàn chỉnh Nhà đa năng, Trường mầm non, sân, đường, điện, hệ thống cấp thoát nước và cây xanh với tổng diện tích xây dựng trên 2.500m2, số tiền đầu tư là 27,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo PV Reatimes, từ khi hoàn thành đến nay, khu nhà đa năng thường xuyên khóa cửa, nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp nặng không thể sử dụng. Trong khi đó, trường mầm non mặc dù đã cho một đơn vị thuê lại để khai thác, quản lý nhưng vẫn cửa đóng then cài. Còn một cán bộ quản lý ở đây cho biết, dự án từ khi xây dựng xong và đưa vào hoạt động mới chỉ tổ chức được 2 lần cho công nhân lao động vui chơi…

Vậy là, phải đầu tư một khoản tiền lớn và nhờ những nỗ lực, cố gắng cũng rất lớn từ Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh Quảng Nam, chính quyền địa phương và các nhà tài trợ mới có thể hoàn thành được một phần trong Khu thiết chế. Nhưng điều chua xót là công trình làm xong đến đâu lại… bỏ hoang đến đấy.

Lễ khởi công xây dựng trường mầm non cho con công nhân lao động KCN Ðiện Nam - Ðiện Ngọc (Quảng Nam) đầu năm 2017.

Thực trạng trên làm cho nhiều người nghi ngờ về tính hiệu quả của các thiết chế này. Đặc biệt khi liên hệ với Nhà văn hóa xã, thôn ở nông thôn hiện nay, xây dựng xong nhưng quanh năm đóng cửa, may chăng cả năm mới sáng đèn một đôi lần vào dịp Tết Nguyên đán khi thanh niên tổ chức đón Giao thừa… Ngay như Nhà văn hóa quận ở các thành phố lớn, hầu như đông vụ chí kỳ mới tổ chức dăm ba sự kiện, còn lại cũng hoặc là đóng cửa, hoặc nơi nào có vị trí đắc địa thì mới thi thoảng có thể làm dịch vụ tổ chức sự kiện, đám cưới… Ở thành phố lớn còn như vậy, thử hỏi nhà đã năng gắn với KCN, KCX, cách xa khu dân cư địa phương thì sao có thể khai thác dịch vụ được, thậm chí kể cả cho mượn không thu phí cũng chắc gì cũng đã có người hỏi.

Nhà cửa không sử dụng sẽ rất nhanh xuống cấp. Mặt khác, không sử dụng nhưng vẫn phải quản lý, vệ sinh, trông coi, bảo vệ, bảo trì… Câu hỏi đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm làm việc này? Tổ chức công đoàn KCN, KCX lực lượng đoàn viên đều là công nhân, lao động theo giờ giấc của chủ doanh nghiệp nên không thể có nhân công để làm các việc trên. Chẳng nhẽ LĐLĐ tỉnh lại phải đứng ra lo việc này? Và nếu thế thì sẽ lấy kinh phí ở đâu để trả lương cho bộ máy quản lý, vận hành các thiết chế trên? Lại nữa, tiền điện nước cho các thiết chế trên hoạt động sẽ lấy kinh phí từ đâu? Rồi công trình xuống cấp, hư hỏng cần sửa chữa thì cũng lấy từ nguồn tiền nào?

Câu hỏi gần như khó có câu trả lời. Mà không trả lời được thì thiết chế sẽ rơi vào cảnh cha chung không ai khóc và chả mấy chốc mà trở thành… phế tích.

Công trình công cộng đã vậy, nhà ở cho công nhân còn rắc rối hơn nhiều.

Đủ điều rắc rối…

Đầu tiên phải kể đến rắc rối về mặt pháp lý.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, kể từ khi triển khai đến nay, đã có 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đồng ý bố trí đất, mỗi khu đất có diện tích từ 1 - 5ha, đủ điều kiện, tiêu chí để xây dựng thiết chế công đoàn. Tuy nhiên như trên đã nói, Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan thuộc tổ chức chính trị - xã hội, nên theo quy định pháp luật là không thuộc đối tượng được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư với mục đích xây dựng khu thương mại, nhà ở bán và cho thuê.

Thế là tắc!

Để tháo gỡ ách tắc trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Tổng LĐLĐ thành lập Công ty TNHH trực thuộc; đồng thời điều chỉnh, bổ sung một số điều tại Quyết định số 655/QĐ-TTg... Điều đó có nghĩa, Công ty trên chỉ là hình thức, bình phong, còn thực chất Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ vẫn là chủ đầu tư, đồng thời là nhà quản lý và vận hành các thiết chế công đoàn.

Điều này sẽ kéo theo nhiều hệ quả và hậu quả. Thứ nhất, theo kế hoạch mỗi KCN, KCX sẽ có ít nhất 1 Khu thiết chế Công đoàn; như vậy cả nước sẽ có cả một hệ thống thiết chế công đoàn khổng lồ. Thứ hai, điều trên tất yếu dẫn đến hệ quả đòi hỏi một bộ máy nhân sự cũng khổng lồ và phải có tính chuyên nghiệp cao. Và hệ quả tất yếu nữa là để đáp ứng được yêu cầu này, vô hình trung Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ biến thành một “Tổng công ty bất động sản nhà ở công nhân”. Làm về bất động sản nhưng Tổng LĐLĐ Việt Nam lại không có chuyên môn và kinh nghiệm về lĩnh vực này. Và hậu quả như thế nào thì mọi người chắc cũng hình dung ra, chức năng bị biến dạng, sa vào câu chuyện kinh doanh và quản lý kinh tế thì khó có thể nói Tổng LĐLĐ Việt Nam hoàn thành tốt được nhiệm vụ chính trị của mình. Đồng thời, ngay cả công việc của một công ty quản lý và kinh doanh bất động sản thì Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng khó àm có thể làm tốt được.

Nhưng thôi, cứ tạm gác câu chuyện “hệ quả” và “hậu quả” ấy sang một bên, bây giờ đặt giả thiết là vướng mắc về pháp lý kể trên được tháo gỡ, cũng khó có thể hình dung ra câu chuyện tiếp theo về nhà ở cho công nhân sẽ diễn ra như thế nào.

Vấn đề thứ nhất là về hình thức sở hữu: Chủ yếu sẽ có hai hình thức là bán và cho thuê. Ta hãy hình dung ra các kịch bản xảy ra như sau:

Kịch bản thứ nhất là mua đứt bán đoạn. Khi đó, việc cần làm trước tiên là phải xây dựng được quy chế bán, tiêu chuẩn được mua nhà thật công bằng và chặt chẽ, để tránh tình trạng trục lợi trong việc mua nhà ở trong thiết chế công đoàn như đã từng xảy ra đối với nhà ở xã hội, người cần không mua được, người mua được chưa chắc đã cần…

Lễ triển khai Dự án thiết chế công đoàn ở Tiền Giang. Ảnh: Báo Lao động.

Ngay khi bán rồi cũng phát sinh rất nhiều tình huống và vấn đề đặt ra. Chẳng hạn như người mua có được cấp sổ đỏ không? Nếu được cấp sổ đỏ thì có được bán lại sang tay không? Nếu được bán lại sang tay ăn chênh lệch giá thì dù việc xét duyệt mua có công bằng, đến đây cũng vẫn có thể phát sinh tình trạng trục lợi. Mặt khác, thường thì thời gian làm việc của công nhân trong KCN, KCX rất ngắn, nhiều nơi chỉ tuyển công nhân làm việc đến năm 35 tuổi, khi đó, năng suất lao động bắt đầu giảm là người lao động đã không được ký tiếp hợp đồng. Vì vậy, nếu bán đứt thì lớp công nhân sau vào sẽ lấy nhà đâu để ở hay KCN, KCX lại rơi vào tình trạng công nhân thiếu nhà ở? Còn nếu không cho mua đi bán lại thì trường hợp công nhân thôi việc rồi trở về quê sinh sống thì sao? Con cháu có được thừa kế không? Nếu được thừa kế thì có được bán lại không? Nếu không được bán lại thì chả lẽ bỏ hoang? Còn nếu chỉ cho phép bán lại cho công nhân khác thì giá bán thỏa thuận thế nào? Vân vân và vân vân…, rất nhiều vấn đề được đặt ra.

Còn nếu áp dụng cơ chế như đối với nhà ở xã hội thì cũng có điều bất cập, bởi hai loại nhà này có những đặc thù khác nhau. Nhà ở xã hội thường là phục vụ cư dân cư trú trên địa bàn đó, nếu không phải là phường, quận thì cũng là thành phố sở tại. Còn công nhân KCN, KCX có bộ phận khá lớn là người ở địa phương khác, và người có nhu cầu mua nhà cũng là người địa phương khác, còn lao động địa phương thường đã có nhà tại địa bàn nên cũng không có nhu cầu mua nhà nhiều. Mặt khác, lao động công nghiệp cũng thường có xu hướng “nhảy việc” nên thường xuyên biến động, làm việc một vài năm nếu không phù hợp hay thu nhập thấp họ sẽ chuyển chỗ làm. Hoặc trường hợp công nhân bị đuổi viêc, thôi việc…, khi đó nhà ở sẽ giải quyết thế nào? Nếu lại đẻ ra “trường hợp đặc biệt sẽ được phép bán nhà khi chưa đủ thời hạn” thì sẽ lại phát sinh các kiểu “lách luật”; và tổ chức công đoàn sẽ bị biến thành cơ quan hành chính công để đi giải quyết các sự vụ này và đó là điều không khả thi.

Kịch bản thứ hai là cho thuê nhà. Nếu nhà ở cho thuê mà giao cho Công đoàn KCN, KCX ký hợp đồng như Tổng LĐLĐ chủ trương thì ai sẽ là người quản lý, vận hành tòa nhà? Các dịch vụ thiết yếu đi kèm sẽ thế nào? Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, đối với nhà bán cho đoàn viên, công nhân lao động sẽ thành lập Ban tự quản bao gồm: Đại diện công đoàn KCN, KCX, chính quyền địa phương, tổ dân cư để thực hiện việc quản lý theo quy định pháp luật hiện hành. Một ban quản lý “tự quản” như thế tính pháp lý không cao, lại cơ cấu theo kiểu “mặt trận” như thế sẽ khó có thể hoạt động một cách khoa học và hiệu quả.

Mặt khác, đó là mới chỉ đề cập đến vai trò quản lý, còn việc vận hành thì sao?

Phần lớn diện tích dự án Khu thiết chế Công đoàn phục vụ nhu cầu của đoàn viên, công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bị bỏ hoang, không mang lại hiệu quả cho người lao động.

Do đó, vấn đề thứ hai cần làm rõ là cơ chế vận hành và trách nhiệm bảo trì. Nhà ở theo thiết chế công đoàn cho dù có đơn giản đến mấy thì thực chất vẫn là một khu chung cư. Mà chung cư thì cần có các dịch vụ đi kèm mới có thể vận hành và phục vụ tốt cho cuộc sống cư dân. Còn nếu chỉ trông chờ vào vai trò “tự quản” thì rất khó bảo đảm nó có thể vận hành một cách hoàn hảo. 

Cứ nhìn vào các chung cư thuộc loại hình nhà ở thương mại thì sẽ rõ. Ở đó có cả ban quản lý chính quy, hiện đại, có doanh nghiệp vận hành chuyên nghiệp, hệ thống dịch vụ đầy đủ, lực lượng bảo vệ, đội ngũ nhân viên vận hành hùng hậu… mà nhiều khi vẫn xảy ra trục trặc, tranh chấp, kiện cáo. Đằng này chỉ là “ban tự quản” thì khó mà bảo đảm nó có đủ chức năng, quyền hạn và chế tài để duy trì tốt trật tự và các hoạt động của một khu dân cư. 

Đó là chưa kể việc bảo vệ, bảo trì ai sẽ chịu trách nhiệm? Nếu xảy ra sự cố kỹ thuật như điện nước hay tòa nhà xuống cấp, hỏng hóc thì ai chịu trách nhiệm tu bổ, sửa chữa và kinh phí lấy ở đâu? Khi ấy, sự cố liệu có được khắc phục kịp thời hay cư dân lại phải làm đơn hết cấp này cấp khác, và dài cổ chờ hết tháng này sang tháng khác, năm này qua năm khác để “xin cơ chế”???

"Cha chung không ai khóc"...

Chỉ cần đề cập đến từng ấy vấn đề đã dễ dàng hình dung ra tình trạng “cha chung không ai khóc”, và các khu nhà ở nhanh chóng bị xuống cấp, nhếch nhác, lộn xộn và rơi vào cảnh sập xệ…

Đó là nhà ở. Còn đối với các công trình hạ tầng xã hội khác như nhà trẻ, quầy thuốc, phòng khám, siêu thị và các hoạt động dịch vụ phục vụ đời sống xã hội thì theo Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ giao Công đoàn KCN, KCX ký hợp đồng cho thuê tài sản với cá nhân, đơn vị. Nguồn thu này sau khi trừ chi phí quản lý được chuyển về Tổng LĐLĐ Việt Nam. Còn đối với các công trình phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao trong nhà và ngoài trời, Công đoàn các KCN, KCX quản lý, tổ chức hoạt động sự nghiệp theo quy định của Nhà nước và Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Nói thì đơn giản như vậy, nhưng liệu Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tính đến phương án xấu nhất chưa hay chỉ “đếm cua trong lỗ”? Nói cụ thể, trường hợp các công trình cho thuê được và đơn vị thuê kinh doanh có lãi thì không sao, nhưng trường hợp không cho thuê được thì sao? Đây là tình huống nhiều khả năng xảy ra, bởi các công trình này đều gắn liền với các KCN, KCX, thường tách rời khu dân cư địa phương. Trong khi các dịch vụ phục vụ đời sống xã hội muốn đạt hiệu quả cao thường phải hoạt động liên tục và phục vụ nhiều thành phần, đối tượng khác nhau thì các KCN, KCX lại có những đặc thù riêng, như công nhân làm việc theo ca kíp, độ tuổi, thành phần tương đối đồng nhất… Tính chất đơn nhất của cư dân KCN, KCX sẽ khiến cho các dịch vụ đời sống như siêu thị, quầy thuốc, phòng khám… sẽ quá tải vào thời điểm tan tầm hay ngày nghỉ và lại vắng hiu vắng hắt vào giờ công nhân làm việc sẽ dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí thu không đủ bù chi.

Đối với các thiết chế khác, ngoài hiệu thuốc, nhà trẻ có thể cho đấu thầu dịch vụ, thì nhà đa năng, quảng trường, khu thể thao, vườn hoa cây cảnh, cây xanh… sẽ do ai quản lý và chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, ít nhất là chăm sóc, tưới tắm, quét dọn hằng ngày? Nếu thuê dịch vụ thì kinh phí chi trả lấy từ đâu? Còn nếu không có người chăm lo thì tất yếu sẽ dẫn đến cảnh nhếch nhác, lộn xộn, mất vệ sinh và hư hại, xuống cấp. Khi ấy, nếu tổ chức công đoàn lao vào xử lý các sự vụ này thì sẽ trở thành đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư và trở thành doanh nghiệp bất động sản bất đắc dĩ, trong khi đó lại xao nhãng chức năng chính. Còn nếu công đoàn không giải quyết thì sẽ rơi vào cảnh cha chung không ai khóc và cuộc sống cư dân cũng như môi trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Người xưa có câu, cha sinh không tày mẹ dưỡng. Để một thực thể ra đời đã khó, nhưng việc duy trì cho thực thể đó tồn tại, hoạt động và phát triển còn khó gấp bội. Các thiết chế công đoàn cũng không ngoại lệ. 

Để Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” ra đời đã là sự cố gắng, tâm huyết rất lớn của Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhưng để các thiết chế ấy hình thành, hiện hữu còn đòi hỏi sự nỗ lực và cố gắng gấp bội, về cả tâm huyết, sức lực và tiền của. Tuy nhiên, các thiết chế ra đời không phải là để theo phong trào, để “làm đẹp”, lấy thành tích…, mà mục đích phải là thiết thực phục vụ, cải thiện đời sống của đoàn viên, công nhân, người lao động trong các KCN, KCX. Vì vậy, mục đích ấy có đạt được hay không, đạt được đến đâu phải là chất lượng và hiệu quả hoạt động, vận hành của các thiết chế trong thực tiễn, chứ không phải là đếm số lượng lấy thành tích, “cá kể đầu, rau kể mớ”.

Nhưng, với cái cách triển khai, thực hiện ồ ạt như hiện nay, cứ xin chính sách, xin đất mà không biết việc đầu tư có phù hợp với pháp luật hay không, cứ xây dựng công trình, xây dựng lại không đồng bộ trong khi chưa có quy chế quản lý, điều hành rõ ràng, khoa học, hiệu quả…, thì việc “vỡ trận thiết chế công đoàn” mà các chuyên gia đã cảnh báo là điều khó tránh khỏi. Và lúc ấy, cái cảnh bỏ thì thương, vương thì tội cũng là điều trông thấy nhỡn tiền./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top