Aa

Bất động sản 24h: Phố Hàn hết thời được săn đón, khách thuê không buồn mặc cả

Thứ Sáu, 24/07/2020 - 10:30

Phố Hàn hết thời được săn đón, khách thuê không buồn mặc cả; PGS. TS. Trần Đình Thiên: Kinh tế đêm là giải pháp “chớp” thời cơ hậu Covid-19... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Phố Hàn hết thời được săn đón, khách thuê không buồn mặc cả

Khách trả mặt bằng hàng loạt, nhiều căn nhà bị bỏ trống trong hơn nửa năm khiến nhà phố bán lẻ ở khu phố Hàn cao cấp tại Phú Mỹ Hưng, quận 7 rơi vào trạng thái gần như tê liệt.

Từ sau Tết Nguyên Đán, khu phố ẩm thực và phong cách sống Hàn Quốc nằm trong các trục đường nhánh của đường Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM xuất hiện làn sóng trả mặt bằng nhà phố kinh doanh hàng loạt.

Từ một trong những khu vực có nhịp sống sôi động, sầm uất và cao cấp nhất của quận 7, nơi đây bỗng lâm cảnh vắng vẻ, xác xơ.

Theo số liệu của Savills Việt Nam, trước thời điểm dịch bệnh, tỷ lệ lấp đầy của bất động sản bán lẻ trong khu vực này luôn duy trì ở mức cao khoảng 95%. Hiện nay tỷ lệ bỏ trống đã lên đến 40%, đặc biệt là các mặt bằng nội khu.

Xem thông tin chi tiết tại đây

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Kinh tế đêm là giải pháp “chớp” thời cơ hậu Covid-19

“Ở Việt Nam, du lịch đẳng cấp chưa phát triển, chưa có kinh tế đêm, thiếu doanh nghiệp đủ năng lực phát triển kinh tế đêm, đồng thời, nhà nước chưa ban hành kế hoạch phát triển kinh tế đêm là những nguyên nhân khiến doanh thu du lịch Việt Nam thấp” - PGS. TS. Trần Đình Thiên bày tỏ.

PGS. TS. Trần Đình Thiên nhận định: Kinh tế ban đêm là sự tiếp nối các hoạt động kinh tế ban ngày, kéo dài từ 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, tạo thành cuộc sống kinh tế ban đêm. Đó là một nền kinh tế đích thực, có cơ cấu, cơ chế, động lực và nguồn lực đặc thù: Dịch vụ, tiêu dùng (ẩm thực, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, mua sắm, các loại hình vui chơi giải trí…) đóng vai trò chính. Đây là lợi thế cạnh tranh mới của phát triển đô thị hiện đại.

Xu hướng phát triển hiện nay, tại các đô thị (du lịch), kinh tế đêm đóng góp rất lớn. Hơn 80% dân số thế giới sống tại thành phố, tạo áp lực và cơ hội lớn. Để nuôi sống và đảm bảo chỗ sống cho cư dân đô thị, nâng cao hay đào sâu hơn thành phố không đủ, còn phải biết sử dụng thời gian thông minh hơn. Kinh tế đêm tạo việc làm, thu nhập quan trọng cho cá nhân, nguồn thu ngân sách địa phương. Điều đó đòi hỏi các địa phương cần nhanh chóng thúc đẩy du lịch, đa dạng hóa hoạt động giải trí và thương mại, hồi sinh các khu vực đô thị vắng vẻ vào đêm.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Khơi thông nguồn vốn của thị trường BĐS phục vụ phát triển đất nước

Để sớm hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Việt Nam cần nhanh chóng khơi thông mọi nguồn lực phục vụ phát triển. Các “cỗ máy kiếm tiền” (money making machine) như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối, thặng dư thương mại, các ngành kinh tế mũi nhọn như nông nghiệp, công nghệ thông tin, du lịch đang hoạt động nhịp nhàng mang lại dòng tiền đều đặn phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta mất rất nhiều công sức bởi có những nguồn lực từ bên ngoài và khó có thể ổn định do các yếu tố địa chính trị, chiến tranh thương mại, dịch bệnh…

Đóng góp của hoạt động kinh doanh bất động sản vào GDP Việt Nam

Trong bối cảnh đó, khơi thông những nguồn nội lực sẵn có, giàu tiềm năng, bền vững là yêu cầu cấp thiết trong đó, nguồn vốn từ bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nói riêng, gồm quyền sử dụng đất, tài sản trên đất là nguồn nội lực vô giá, vĩnh cửu của đất nước cần được “đánh thức” bằng việc vận hành một thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, hiệu quả mà nền tảng đầu tiên là nhận thức đầy đủ về vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế, xã hội.

Để khơi thông nguồn vốn bất động sản, giúp thị trường bất động sản phát huy được hết vai trò của mình trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ đổi mới nhận thức, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước…

Xem thông tin chi tiết tại đây 

Bất động sản Thanh Hóa lấy lại đà tăng trưởng

Thời gian qua, do chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại Thanh Hóa đã lâm vào cảnh lao đao. Lượng hàng tồn kho nhiều, việc kinh doanh, buôn bán nhà đất gặp nhiều khó khăn, các nguồn thu từ bất động sản giảm mạnh…

Tuy nhiên, nhờ có những biện pháp kiểm soát tốt dịch bệnh, việc cởi mở chính sách thu hút đầu tư và những thành tựu trong kinh tế - xã hội, đến nay, khách hàng dần lấy lại niềm tin vào thị trường bất động sản Thanh Hóa. Ở tất cả các phân khúc, thị trường đang cho thấy những tín hiệu tốt, lượng giao dịch tăng cao hứa hẹn lấy lại đà tăng trưởng trước đó.

Song song với việc thu hút đầu tư, chính sách giảm thuế, giảm lãi suất ngắn hạn, cơ cấu nợ, vay mới để tiếp tục đầu tư sản xuất, tỉnh Thanh Hóa đã có những thay đổi tích cực trong chính sách và chiến lược phát triển mà thực tế đã có hàng loạt dự án đầu tư trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội với vốn đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Biệt thự, liền kề thiết lập mặt bằng giá mới sau dịch Covid-19

Theo Savills Hà Nội, sau giãn cách xã hội, phân khúc biệt thự, liền kề có 8 dự án mới được triển khai và giai đoạn mới của 2 dự án cung cấp cho thị trường 790 căn, tăng 17% theo quý. Quận Tây Hồ dẫn đầu nguồn cung mới với các dự án của Sunshine (tại Ciputra). Hà Đông với 2 dự án là Kiến Hưng Luxury và Mipec City View, tiếp tục dẫn đầu nguồn cung sơ cấp với 38% thị phần. Dự kiến Hà Đông sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường này trong thời gian còn lại của năm 2020.

Theo đó, tình hình hoạt động của thị trường này trong quý II tiếp tục khả quan với 470 căn biệt thự, liền kề được bán, tăng 67% theo quý. Tuy nhiên nếu so với cùng kỳ năm ngoái, số căn bán được giảm 78%, tỷ lệ hấp thụ trong quý này vẫn ở mức thấp trong 3 năm trở lại đây với 25%.

Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Bộ phận nghiên cứu tư vấn Savills Hà Nội cho biết: Mặc dù giao dịch giảm sút so với năm 2019, nhưng giá sơ cấp trung bình phân khúc biệt thự liền kề tiếp tục có mặt bằng mới. Giá sơ cấp trung bình của biệt thự là 4.764 USD/m2 (tương đương hơn 110 triệu đồng/m2), tăng tới 19% theo quý. Giá trung bình liền kề đạt 4.458 USD/m2 (tương đương hơn 100 triệu đồng/m2), tăng 9% theo quý và shophouse khoảng 7.306 USD/m2 (tương đương gần 170 triệu đồng/m2), tăng 18% theo quý.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top