Xu hướng chung cư trung, cao cấp dưới góc nhìn chính sách và pháp lý
Bối cảnh trầm trọng của thị trường bất động sản lần này rất đặc biệt, lối thoát ra không hề đơn giản. Thời gian vừa qua, nhiều dự án đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, quy hoạch, nghĩa vụ tài chính… dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm, chậm giải quyết thủ tục của một số cán bộ Nhà nước có thẩm quyền chưa đảm bảo quy định phối hợp liên thông, đồng bộ. Điều này làm khan hiếm dự án nhà ở (nhất là nhà ở trung và cao cấp) đủ điều kiện pháp lý để phê duyệt nhằm bổ sung cho thị trường.
Mặt khác, tình trạng có nhiều khoảng trống pháp luật trong một luật và có nhiều khoảng xung đột pháp luật giữa các luật có liên quan là lý do chính làm cho bộ phận cán bộ có thẩm quyền không dám phê duyệt các dự án bất động sản, từ đó dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm trong các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở địa phương.
Từ năm 2016 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu phải sửa đổi Luật Đất đai, đơn cử vào năm 2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sửa Luật Đất đai 2013 để giải quyết các vướng mắc trong phê duyệt các dự án bất động sản nhà ở dưới dạng các khu đô thị lớn. Đối với các dự án lớn trong đó có nhiều khu đất được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, được điều chỉnh bằng nhiều văn bản pháp luật khác nhau.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Quay lưng với căn hộ mới, người mua chuộng nhà cũ
Tâm đắc với quyết định mua một căn hộ đã qua sử dụng, thay vì mua căn hộ mới phải chờ bàn giao. Anh Trần Minh Đức (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, anh mua căn hộ có diện tích 68m2 với giá 2,1 tỷ đồng trong một dự án thuộc khu đô thị hiện hữu, đồng bộ hạ tầng.
"Với giá 2,1 tỷ đồng, tôi không thể mua được căn hộ mới tại khu vực này, chưa kể nếu mua mới thì phải chờ một thời gian nữa mới có nhà để ở", anh Đức nói.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hiền (Chương Mỹ, Hà Nội) đang chuyển hướng sang tìm căn hộ đã qua sử dụng, sau khi mất nhiều thời gian đi xem căn hộ mới. Theo chị Hiền, các căn hộ ở Hà Nội đang được chủ đầu tư đưa ra mức giá cao, vượt xa khả năng tài chính của gia đình. Trong khi đó, nhiều căn hộ đã qua sử dụng có mức giá rẻ hơn 30 - 40% căn hộ mới.
Ngoài mức giá, chị Hiền chọn căn hộ cũ vì tính pháp lý và giá trị ở thực. "Mua nhà có "sổ đỏ trao tay" và có thể ở ngay là mục tiêu tôi lựa chọn căn hộ cũ. Tuy nhiên, tôi cũng không chọn căn hộ quá cũ, mà chỉ tìm căn hộ đã sử dụng 5 năm trở lại, để giảm bớt chi phí sửa chữa", chị Hiền nói.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thị trường đất nền đã "đứt" hẳn luồng khách đầu cơ?
Thị trường đất nền đang ghi nhận xu hướng giảm mạnh cả về giao dịch và giá bán. Trong quý I/2023 hầu như không có dự án mới triển khai và cũng không bán được hàng thứ cấp.
Là môi giới nhà đất tại khu vực tỉnh Long An, ông Nguyễn Văn Hiệp cho biết, hơn 3 tháng nay ông được nhiều chủ đất gửi rao bán bất động sản tại khu vực này tăng lên. Ông Hiệp cho hay, số khách gửi gắm ngày càng nhiều, trong khi người mua khá ít. Tình trạng nhà đất ven đô trầm lắng diễn ra từ cách đây vài tháng, đặc biệt là phân khúc đất nền.
"Sau cơn sốt đất năm 2021 và đầu 2022, nhiều nhà đầu tư đổ ra ven đô mua đất, tìm cơ hội đầu tư. Phần lớn các mảnh đất đều được qua tay từ người này sang người khác. Khi thị trường bị đẩy giá lên quá cao, nhu cầu giảm dẫn tới giao dịch ngưng trệ. Nhiều khách hàng chưa kịp thoát hàng, đang mắc kẹt trong thời gian dài. Do chủ ngộp vốn nên nhiều lô đất đang bán cắt giảm 3 - 4% so với giá mua vào ban đầu nhưng rao bán cũng ít người hỏi mua", ông Hiệp chia sẻ.
Một môi giới khác, anh Tạ Hữu Điền tại Hóc Môn, TP.HCM cũng cho hay, sau khi cơ quan chức năng dừng tách thửa, chuyển đổi đất, nhiều điểm nóng từng sốt đất nền bị chững lại. Trên thị trường xuất hiện các nhà đầu tư cắt lỗ, rao bán ở mức thấp, nhưng vẫn không có thanh khoản. Nguyên nhân do mỗi lô chưa tách thửa lên tới hàng nghìn m2, mức giá 5 - 6 tỷ đồng là quá cao khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại khi xuống tiền.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Vụ án "Đại gia điếu cày" lừa dối khách hàng - Hậu quả của sự "nóng vội"!
Sau khi ông Lê Thanh Thản bị truy tố về tội "lừa dối khách hàng", điều tôi quan tâm là quyền lợi của khách hàng sẽ được bảo đảm như thế nào, hơn là việc ông Thản bị phạt bao nhiêu tiền hay ngồi tù bao nhiêu năm.
Ngày 23/4/2023, nhiều báo chí đồng loạt đưa tin về việc Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội truy tố ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh ra trước Tòa án nhân dân cùng cấp để xét xử về tội "Lừa dối khách hàng". Vậy là sau hơn 3 năm khởi tố điều tra, vụ án "Đại gia điếu cày" đã có diễn biến mới, thu hút sự chú ý của dư luận nói chung và đặc biệt là của những người dân "bị lừa dối" trong vụ này.
Cụ thể, Dự án chung cư CT6 ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông của Công ty Bemes do ông Lê Thanh Thản là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, được duyệt quy hoạch thiết kế gồm 2 tòa CT6A và CT6B.
Tuy nhiên, chủ đầu tư đã tự ý nâng tầng 2 tòa này và xây thêm hẳn 1 tòa CT6C không phép, sai quy hoạch được duyệt và mở bán cùng với cả dự án CT6; trong đó, số căn chung cư không phép là 654. Hậu quả là một thời gian dài sau khi mua nhà và dọn về ở nhưng không được cấp sổ đỏ, người dân đã làm đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng của Hà Nội. Những người này đều khai nhận, khi ký hợp đồng mua bán không biết nhà tại dự án sai quy hoạch, mà họ đều tin tưởng ông Lê Thanh Thản xây dựng theo đúng thiết kế được phê duyệt. Kết luận của cơ quan điều tra cũng xác định, ông Thản đã thu lời bất chính hơn 480 tỷ đồng.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nhận diện "điểm nghẽn" giúp thị trường bất động sản phục hồi và phát triển
Việc nhận diện những vướng mắc của thị trường bất động sản đã giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành hàng loạt giải pháp "trúng và đúng" nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp thị trường bất động sản dần phục hồi và phát triển trở lại.
Tại Hội thảo "Gỡ vướng địa ốc - Thúc đẩy tăng trưởng" do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư đã chỉ rõ những điểm nghẽn lớn nhất với thị trường bất động sản. Trước hết, tăng trưởng tín dụng, trong đó có dòng vốn vào bất động sản giảm mạnh và chưa có dấu hiệu hồi phục; áp lực đáo hạn trái phiếu còn rất lớn khi tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2023 được ước tính ở mức 235.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bất động sản có số dư trái phiếu sẽ đến hạn khoảng 100.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, tình trạng đình trệ của thị trường bất động sản thời gian vừa qua có sự tác động lớn nhất của những vướng mắc pháp lý, chiếm đến 70% khó khăn của các dự án. Chỉ riêng tại Hà Nội và TP.HCM, ước có khoảng 400 dự án gặp các vướng mắc về thủ tục triển khai. Những ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng có 3 vướng mắc chính của thị trường bất động sản hiện nay cần tập trung tháo gỡ.