Aa

Bất động sản 24h: Thị trường bất động sản đón nhiều chính sách khơi thông

Thứ Hai, 10/02/2020 - 10:59

Thị trường bất động sản đón nhiều chính sách khơi thông; Thách thức bủa vây nghề môi giới bất động sản trong năm 2020; Nhà đất “mất sức” sau kỳ nghỉ Tết... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Thị trường bất động sản: Đón nhiều chính sách khơi thông

Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, chính sách tác động đầu tiên đến thị trường bất động sản năm 2020 là Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, được thực hiện từ tháng 1/2020.

Nội dung chính của Thông tư là xác định lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản, kiểm soát tín dụng tiêu dùng có liên quan bất động sản, buộc các doanh nghiệp bất động sản phải nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, kinh doanh và tìm kiếm thêm các nguồn vốn đầu tư thay thế.

Chính sách nữa có tác động mạnh đến thị trường là Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (có hiệu lực từ tháng 1/2020). Đáng chú ý là, các vi phạm bị xử lý rất nặng, như hành vi tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất ở bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng; bỏ hoang đất, mua bán đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lấn chiếm đất bị phạt tới 1 tỷ đồng… Việc này sẽ nâng cao hơn nữa việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, chấn chỉnh tình trạng vi phạm hành chính về đất đai đang diễn ra phổ biến ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Dự án "đóng băng": "Hiểm hoạ lớn mà thị trường sẽ phải gánh chịu"

Theo giới phân tích, những khó khăn về pháp lý, sự phức tạp, rườm rà, thậm chí chồng chéo của các thủ tục hành chính đã và đang tạo nên gánh nặng rất lớn cho các doanh nghiệp. Câu chuyện các doanh nghiệp “khóc ròng” vì vướng pháp lý trong quá trình đầu tư xây dựng dự án bất động sản đã được nói rất nhiều cũng như được đưa ra đề xuất rất nhiều song đến nay việc tháo gỡ vẫn còn nhiều nan giải.

Ví như, đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) từng đưa ra nhiều đề nghị, kiến nghị sớm giải quyết ách tắc về chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết và lựa chọn chủ đầu tư dự án…Đồng thời, có cơ chế để xử lý tất cả các trường hợp đất do Nhà nước quản lý xen cài trong dự án để sớm giải quyết việc ách tắc dự án này.

Đề xuất các giải pháp nhằm ổn định thị trường bất động sản TP.HCM năm 2020, đại diện Hiệp Hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng cần kịp thời giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp; có các phương án xử lý đối với phần đất thuộc nhà nước quản lý nằm xen kẹt trong các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp; sớm giải quyết các vướng mắc về tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thách thức bủa vây nghề môi giới bất động sản trong năm 2020

Môi giới bất động sản từng được cho là nghề “hái ra tiền”. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, nghề này thu hút một lượng lớn lao động với con số lên đến hàng trăm ngàn người. Trong những năm bùng nổ về nguồn cung bất động sản từ 2015-2018, hàng trăm ngàn công ty môi giới lớn nhỏ mọc lên như nấm sau mưa tại TP.HCM.

Theo thống kê từ Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, tính từ trong năm 2019 có khoảng 300.000 môi giới trên cả nước nhưng chỉ có khoảng 80.000 môi giới là đủ điều kiện hành nghề. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia thì sang năm 2020 có lẽ con số này sẽ giảm đi nhiều bởi những khó khăn về chính sách, khan hiếm nguồn cung dẫn đến đất sống cho nghề này cũng không còn nhiều như trước.

Trong bối cảnh thị trường khó khăn, hàng trăm doanh nghiệp phá sản thì nhiều chuyên gia nhận định môi giới sẽ là một nghề khó khăn trong năm 2020. Do đó, để trụ lại với nghề môi giới cần phải tự tạo dựng thương hiệu riêng bằng cách nâng cao uy tín trong các hoạt động. Môi giới muốn được khách hàng nhớ đến, muốn sống được trong môi trường đào thải cao thì phải tạo dựng được tên tuổi chứ không thể mua bán chụp giật như trước đây.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhà đất “mất sức” sau kỳ nghỉ Tết

Thời điểm cuối năm 2019, thị trường phải chịu "cú sốc Cocobay", nhiều nhà đầu tư mất dần niềm tin vào condotel trong khi đây chính là sản phẩm đang dẫn đầu về số lượng tại các thị trường nghỉ dưỡng nổi tiếng như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc… Bên cạnh đó là những lo ngại về thị trường có thể bị ảnh hưởng từ lộ trình siết vốn tín dụng vào bất động sản.

Liên tiếp những lo ngại dự báo thị trường sẽ trầm lắng trong năm 2020 khiến nhiều nhà đầu tư e dè khi bỏ vốn đầu tư vào bất động sản. Khó khăn chưa hết thì mới đây, một “ông lớn” đang sở hữu trong tay hàng chục dự án bất động sản lớn - đã phải gửi đơn “kêu cứu” Bộ trưởng Bộ Xây dựng để gỡ khó cho một dự án của doanh nghiệp này vì đã “trễ” suốt hai năm bởi những vướng mắc về pháp lý. Doanh nghiệp này còn khẳng định, nếu không được sớm triển khai dự án, thì sẽ dẫn tới mất khả năng thanh khoản.

Cùng với đó, diễn biến phức tạp của dịch Corona cũng ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Theo ghi nhận từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến các sàn môi giới nhỏ lẻ mà còn đang phá vỡ nhiều dự định của các chủ đầu tư bất động sản khi các kế hoạch sự kiện mở bán phải tạm hoãn. Thậm chí nhiều công ty đã chuyển từ bất động sản du lịch, dịch vụ sang tập trung bất động sản nhà ở, đất nền.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường nhà ở Hà Nội năm 2020: Nguồn cung sụt giảm để cân đối thị trường

Tại thị trường Hà Nội, CBRE nhìn thấy được nguồn cung tương lai và khả năng hấp thụ tốt của thị trường và trong thời gian tới bởi vẫn thấy số lượng dự án mới đưa ra thị trường, có dự án khả năng hấp thụ vào khoảng 70 - 80%. Tuy nhiên, chỉ là tốc độ tăng trưởng không cao bằng những năm trước. Song đó không phải là vấn đề đáng lo ngại, đó là quy luật để cân bằng lại thị trường giúp thị trường bền vững hơn.

Thời gian qua, ghi nhận từ CBRE cũng cho thấy số lượng căn hộ chào bán mới ra thị trường liên tục tăng trưởng trong 5 năm vừa qua. Từ đây sẽ dẫn đến một hệ luỵ là xuất hiện một lượng hàng tồn kho. Do vậy, sự phát triển của thị trường giảm lại là để có thể tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho và đưa thị trường trở lại trạng thái cân bằng.

Trong vòng vài năm nữa thị trường cũng có những điều chỉnh để nguồn cung không bị vượt quá xa so với mức hấp thụ. Chuyên gia CBRE khẳng định rằng, nguồn cung vẫn dồi dào. Người mua nhà để ở sẽ có nhiều lựa chọn hơn bởi bên cạnh việc điều chỉnh nguồn cung cho cân bằng thì chất lượng sản phẩm căn hộ càng ngày càng tốt.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top