Aa

Bất động sản 24h: Thị trường bất động sản tiếp tục khát nguồn cung

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Năm, 20/10/2022 - 10:30

Thị trường bất động sản tiếp tục khát nguồn cung; Bất chấp bị “kiểm soát”, tín dụng bất động sản vẫn tăng 15,7%... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Thị trường bất động sản tiếp tục khát nguồn cung

Việc thị trường không có nhiều chuyển biến tích cực trong giai đoạn cuối năm nên nguồn cung bất động sản được nhiều chuyên gia dự đoán vẫn tiếp tục hạn chế.

Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, ở giai đoạn cuối năm xu hướng nguồn cung không cải thiện sẽ rất rõ nét. Số lượng dự án ra thị trường chỉ ở mức tương đương với giai đoạn đầu năm nay. Cùng với xu hướng nguồn cung khan hiếm thì mức giá sẽ liên tục biến động tăng ở hầu hết phân khúc.

Nói rõ hơn về việc phân bổ nguồn cung bất động sản giai đoạn tới, ông Khương nhận định, dù ít thì nguồn cung bất động sản tại TP.HCM vẫn tập trung chủ yếu về khu vực phía Đông - nơi vốn dồi dào sản phẩm nhà ở từ trước đến nay. Cụ thể, nguồn cung sẽ tập trung tại khu vực quận 9 cũ và mở rộng nguồn cung ra các khu vực giáp ranh phía đông như Đồng Nai, Bình Dương.

Theo ông, các điểm nghẽn pháp lý có mối quan hệ mật thiết với nguồn cung bất động sản. Khi điểm nghẽn này được tháo bỏ, thị trường mới có cơ hội ghi nhận nhiều nguồn cung mới. Ngược lại, nếu điểm nghẽn pháp lý vẫn tiếp tục duy trì, nguồn cung bất động sản tiếp tục hạn chế.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hàng loạt thông tin mới kỳ vọng thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội

Giá nhà ở nói chung được kỳ vọng sẽ không “leo thang” và giấc mơ “an cư” của người thu nhập thấp cũng đang đến gần hơn.

Trong giai đoạn 2011 - 2020, cả nước chỉ thực hiện được 248 dự án nhà ở xã hội với khoảng 100.000 căn hộ, chỉ đạt 41,4% kế hoạch. Theo kết quả kiểm toán nhà nước về chương trình nhà ở xã hội tại Hà Nội, trong tổng số 15 dự án nhà ở xã hội, có 2 dự án chưa triển khai, 7 dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, 1 dự án không có thông tin tình hình triển khai, 2 dự án dừng triển khai và 3 dự án đã được chấp thuận chuyển đầu tư sang nhà ở thương mại. Còn tại TP.HCM, trong giai đoạn 2016 - 2020 đã rất nỗ lực nhưng cũng chỉ thực hiện được gần 15.000 căn hộ, đạt 75% kế hoạch.

Nhiều đơn vị nghiên cứu đã khẳng định, phân khúc nhà ở xã hội đã biến mất khỏi thị trường Hà Nội, TP.HCM từ cuối năm 2019. Các sản phẩm giao dịch trên thị trường chủ yếu là sản phẩm nhà ở xã hội cũ, đã mở bán từ lâu.

Báo cáo mới nhất từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay: “Phân khúc nhà ở giá rẻ có nhu cầu lớn nhưng nguồn cung thiếu và yếu nên giá cả tăng mạnh, ở thời điểm hiện tại giá nhà đã tăng khoảng 30% so với năm 2021 và tăng 50% so với năm 2019. Đặc biệt với phân khúc căn hộ ở có khoảng giá 25 triệu đồng/m² nay đã hiếm thấy trên thị trường".

Xem thông tin chi tiết tại đây

Quảng Trị biến những bất lợi, khó khăn thành tiềm năng, lợi thế phát triển

Trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm tạo sự bứt phá trong phát triển, Quảng Trị vẫn là vùng đất hấp dẫn, cuốn hút nhiều nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, thu hút nhiều nhà đầu tư, trong đó có những nhà đầu tư chiến lược. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và cả nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, khả năng xoay xở dòng tiền đầu tư cho các dự án đã đăng ký, cấp chủ trương đầu tư vào Quảng Trị gặp nhiều bất lợi nhưng với quyết tâm tạo sự bứt phá trong phát triển, Quảng Trị vẫn là mảnh đất hấp dẫn, cuốn hút nhiều nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, Quảng Trị dự báo cũng sẽ có những xung nhịp tích cực của thị trường bất động sản, khi mà một số dự án trọng điểm tiến độ thực hiện tốt, cũng như công tác quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng được quan tâm. Đó là những dấu ấn đầu tiên nhằm “khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững” để hướng tới mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước” đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Xóa nỗi sợ vô hình về trái phiếu doanh nghiệp

FiinRatings nhận định thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn ảm đạm trong quý III với nhiều tâm lý e ngại. Nên hiểu về trái phiếu như thế nào để không gây tổn hại đến việc huy động vốn của doanh nghiệp?

Ngày 18/10, FiinRatings có báo cáo về hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp quý III/2022. Theo đó, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục xu hướng giảm từ đầu quý với giá trị phát hành trong tháng 9 đạt 16,1 nghìn tỷ VNĐ, giảm 18,27% so với tháng trước và 76,44% so với cùng kỳ. Mặc dù đã bước vào giai đoạn thẩm thấu chính sách mới sau khi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ban hành, song thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tương đối ảm đạm, theo đánh giá của FiinRatings.

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia đặt ra vấn đề cần hướng thị trường vào sự minh bạch, tránh tạo ra nỗi sợ vô hình đối với một kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế trong giai đoạn thắt chặt tín dụng.

Theo FiinRatings, thị trường trái phiếu 9 tháng qua ghi nhận giá trị phát hành đạt 246,32 nghìn tỷ VNĐ, tương đương 35,87% giá trị năm 2021, trong đó 58% giá trị đến từ tổ chức tín dụng và 21% đến từ ngành bất động sản. Về loại hình phát hành, tỷ lệ phát hành ra công chúng chỉ chiếm 3,87%.

“Nhìn chung, dù đã hết quý III nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tương đối ảm đạm”, FiinRatings đánh giá.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất chấp bị “kiểm soát”, tín dụng bất động sản vẫn tăng 15,7%

Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm đạt gần 11% - mức cao nhất nhiều năm, trong đó, vốn "chảy" vào bất động sản tăng gần 15,7%.

Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội về thực hiện Nghị quyết Số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn và Nghị quyết Số 63/2022/QH15 về Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15, của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nêu: Tới cuối tháng 9, tín dụng đạt gần 11,6 triệu tỷ đồng, tăng xấp xỉ 11% so với cuối năm ngoái - mức cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm, phù hợp diễn biến phục hồi kinh tế.

Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, kinh doanh còn lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Chẳng hạn, tín dụng vào lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản tăng gần 7,6%; công nghiệp xây dựng xấp xỉ 7,4%; còn thương mại dịch vụ tăng 11,34%. Một số lĩnh vực khác như nông nghiệp, nông thôn có mức tín dụng tăng gần 9,3%; xuất khẩu tăng gần 2,7%; công nghiệp hỗ trợ 11,6%...

Đáng chú ý, đến cuối tháng 8, tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng gần 15,7% so với cuối năm 2021, và tăng thêm khoảng 3,7% so với 3 tháng trước đó. Với tỷ lệ này, vốn tín dụng "chảy" vào bất động sản chiếm hơn 20,9% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 0,26% so với hồi tháng 5.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top