Aa

Bất động sản 24h: Tiền sẽ đổ vào chứng khoán, tiết kiệm hay bất động sản dịp cuối năm?

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Ba, 11/10/2022 - 10:30

Tiền sẽ đổ vào chứng khoán, tiết kiệm hay bất động sản dịp cuối năm?; Có hay không làn sóng "tháo chạy" khỏi thị trường nhà đất tỉnh?... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Tiền sẽ đổ vào chứng khoán, tiết kiệm hay bất động sản dịp cuối năm?

Những biến động của thị trường bất động sản gần như chưa dừng lại khi tâm lý của người mua vẫn bị dao động bởi các thông tin khác nhau.

Có một điều dễ nhận thấy, tâm lý của nhà đầu tư đối với các kênh đầu tư vẫn khá biến động ở giai đoạn này. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường xuất hiện các thông tin tiêu cực về tài chính, tín dụng, người mua lại càng thận trọng trong việc “xuống tiền”.

Dòng tiền sẽ đổ vào kênh nào cuối năm là câu hỏi khá lớn đặt ra ở thời điểm này. Theo một chuyên gia trong ngành, chứng khoán, bất động sản vẫn là 2 kênh chủ đạo nhà đầu tư hướng tới. Tuy nhiên, những biến động trong thời gian gần đây đã khiến tâm lý người mua bị ảnh hưởng nhất định. Trong khi, gửi tiết kiệm cũng bị xáo động không kém bởi các thông tin tiêu cực.

Theo các chuyên gia, dòng vốn cuối năm sẽ vẫn tập trung vào các kênh đầu tư chính là chứng khoán và bất động sản. Với nhà đầu tư ngắn hạn, họ sẽ ưu tiên nguồn vốn thời điểm này sẽ là kênh đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên với giới đầu tư trung và dài hạn, bất động sản mới là sân chơi được ưu ái nhiều nhất. Bởi, nhìn chung tâm lý đầu tư của người Việt dù giai đoạn nào cũng luôn có niềm tin vào việc tăng giá của bất động sản, đặc biệt, khi dân số ngày càng gia tăng, đất đai không thể mở rộng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Luật Đất đai sửa đổi: Cần mở lối hành lang pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng

Để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng phát triển, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần đi đầu trong việc định danh các loại hình bất động sản mới. 

Hiện nay, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang trong quá trình lấy ý kiến và dự kiến sẽ thông qua vào năm 2023. Tuy nhiên, trong bản dự thảo Luật Đất đai hoàn toàn chưa nhắc đến loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cùng các vấn đề liên quan như việc sử dụng đất để thực hiện các dự án xây dựng bất động sản nghỉ dưỡng hay định danh các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng mới ra đời. 

Theo các chuyên gia, nếu nội dung này không được đưa vào Luật Đất đai nhằm hoàn thiện các hành lang phát lý, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục rơi vào bế tắc, kìm hãm sự phát triển, gây ra nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Trong trường hợp, sau này sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản có đưa những nội dung về loại hình bất động sản nghỉ dưỡng này vào thì cũng không phù hợp với Luật Đất đai và rất khó để có thể áp dụng triển khai.

Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chủ yếu được điều chỉnh bởi hai hệ thống pháp luật là Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, cả hai hệ thống luật này lại không có quy định cụ thể, rõ ràng về khái niệm, chế độ sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất hay cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đối với loại hình bất động sản nghỉ dưỡng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Chuyển đổi số: Hành trình tất yếu nhưng đầy khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản

Chuyển đổi số được đánh giá là xu hướng tất yếu nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng triển khai khi công nghệ phức tạp, dữ liệu không đủ lớn và nhận thức của nhiều lãnh đạo còn chậm. 

Công nghệ số và chuyển đổi số không còn là nhu cầu, sự lựa chọn, mà là yếu tố bắt buộc để giúp doanh nghiệp bất động sản vượt qua những khó khăn trong bối cảnh hiện nay; đồng thời, là cơ sở để xây dựng và phát triển thị trường bất động sản chuyên nghiệp, lành mạnh và bền vững. Đây là nhận định được các chuyên gia rút ra tại Hội nghị Xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường bất động sản Việt Nam diễn ra ngày 7/10 mới đây. 

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số là áp dụng các công nghệ giúp rút ngắn thời gian, chi phí, nhân lực trong quá trình tìm hiểu, mua bán bất động sản. Cụ thể, chuyển đổi số sẽ giúp khách hàng tìm được sản phẩm bất động sản phù hợp nhất với mức giá hợp lý nhất; giúp quay vòng vốn nhanh, ổn định thị trường; kết nối cung cầu, giúp thị trường lưu thông, tăng tính thanh khoản. Đặc biệt, chuyển đổi số sẽ giúp môi giới bất động sản kết nối với khách hàng dễ dàng, giúp các sàn môi giới giảm chi phí nhân sự… 

Với vai trò quá lớn, giải quyết được bài toán về chi phí, thời gian, chất lượng giao dịch, chuyển đổi số thực sự là xu hướng bắt buộc đối với các doanh nghiệp địa ốc trong thời đại công nghệ 4.0. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng chỉ rõ, chuyển đổi số là hànhh trình tất yếu nhưng đầy khó khăn đối với các doanh nghiệp bất động sản. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường nhà ở cuối năm 2022 vẫn còn nhiều thách thức

"Tôi cho rằng, nếu giá bất động sản tiếp tục đẩy lên nữa sẽ càng khó có cơ hội thanh khoản đối với các nguồn hàng đưa vào thị trường", TS. Nguyễn Văn Đính khẳng định.

Có thể thấy, nửa đầu năm 2022, thị trường bất động sản chứng kiến trạng thái “kẹt” thanh khoản cục bộ. Trong đó thị trường nhà ở vẫn đang khan hiếm nguồn cung và giá bán đã tăng ở mức cao.

Nguồn cung sơ cấp đối với thị trường nhà ở có nhiều tín hiệu tăng trong thời gian tới, nhưng sẽ tập trung nhiều ở phân khúc cao cấp, trong khi phân khúc trung cấp và bình dân tiếp tục thiếu hụt. Do đó, giá bán ở thị trường sơ cấp vẫn có thể tiếp tục bị đẩy lên cao. Thị trường sẽ tập trung nhiều hơn cho phân khúc căn hộ đã bàn giao, có giấy tờ pháp lý đầy đủ.

Hiện tại, giá bất động sản tăng cao nhưng giao dịch bước đầu cũng chưa khả quan. Phần lớn các giao dịch bất động sản đều là giao dịch của nhà đầu tư, ít giao dịch mua để ở. Thị trường bất động sản hiện nay là sân chơi của nhà phát triển dự án và nhà đầu tư thứ cấp.

Trước những thách thức này, nếu các khó khăn về chính sách được tháo gỡ thì thị trường sẽ có một sức bật mạnh mẽ. Tuy nhiên, các vướng mắc pháp lý của dự án bất động sản, tín dụng, khó có thể giải quyết được trong một thời gian ngắn. Điều này cho thấy thị trường bất động sản hiện đang giống như một “chiếc lò xo bị nén”.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Có hay không làn sóng "tháo chạy" khỏi thị trường nhà đất tỉnh?

Sau những cơn sốt kéo dài, thị trường nhà đất tại nhiều tỉnh đang dần xì hơi, thanh khoản giảm mạnh ở mọi phân khúc. Việc không còn dễ “ăn bằng lần” khi "đánh bắt xa bờ" đang khiến không ít nhà đầu tư thay đổi chiến lược, quay về các vùng trung tâm.

Trong hai năm 2020, 2021, tỉnh Bắc Giang với những lợi thế về kinh tế, hạ tầng là một trong những điểm nóng về sốt đất. Nhiều nơi giá tăng cả chục lần chỉ trong vài tháng. Các đợt đấu giá thu hút hàng nghìn người tham gia.

Đơn cử, ở xã Quang Châu, huyện Việt Yên, vào cuối năm 2021, khi các phiên đấu giá khu dân cư Đồng Vân hay Bắc Quang Châu diễn ra, dù chỉ có 460 lô đất nhưng có đến hơn 5 nghìn hồ sơ tham gia. Giá bình quân gấp 2 - 5 lần mức khởi điểm. Sau đấu giá, nhiều người sang tay “ăn chênh” cả trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, sau các đợt sốt, môi giới dần vắng bóng, thanh khoản rơi tự ro khiến nhiều người trót “ôm đất” nay như ngồi trên đống lửa. Không ít người buộc phải bán cắt lỗ để thu hồi vốn hoặc vì áp lực trả lãi vay.

Anh Nguyễn Quang Đông, chủ một văn phòng môi giới ở TP. Bắc Giang cho hay, cũng giống như hầu hết các tỉnh sau khi sốt đất xảy ra, thị trường nhà đất tại Bắc Giang hiện đi ngang. Hiện tượng “cắt lỗ” xảy ra khá phổ biến, tuy nhiên mặt bằng giá không giảm hoặc giảm không đáng kể.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top