"Vỡ mộng" đầu tư đất xen kẹt
Đất xen kẹt là đất vườn, đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư hoặc đất dư sau quy hoạch. Về mặt pháp lý, loại đất này không có sổ đỏ và được chuyển nhượng thông qua giấy tờ viết tay.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, quá trình đô thị hóa với sự bùng nổ của các khu đô thị, các dự án hạ tầng giao thông tạo nên sự chia cắt khu vực, hình thành những khu đất xen kẹt. Do đó, đặc điểm của phần lớn đất xen kẹt tại các thành phố lớn là nằm trong phạm vi khu dân cư đã được xác định ranh giới theo quy hoạch.
Giới đầu tư cho rằng đây là cơ sở cho việc chuyển đổi thành công mục đích sử dụng đất của đất xen kẹt lên đất thổ cư. Chưa có sổ và chuyển nhượng thông qua giấy viết tay nên giá của đất xen kẹt thấp hơn hẳn so với đất thổ cư cùng thuộc địa bàn.
Trên thực tế, dù tiềm năng lợi nhuận lớn nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng có thể thắng lớn tại thị trường ngách này.
Anh Nguyễn Ngọc Thắng, một môi giới chuyên phân khúc đất thổ cư Hà Nội đã thất bại với phân khúc đất xen kẹt. Là người có kinh nghiệm trong mua bán bất động sản, anh Thắng đã từng rất tự tin với “canh bạc” đất xen kẹt nhưng rồi đã phải ngậm trái đắng.
Bỏ ra số tiền 800 triệu đồng mua một mảnh đất xen kẹt ở Nam Từ Liêm, anh Thắng đã tìm hiểu kĩ nguồn gốc, giấy tờ để chắc chắn có thể chuyển đổi được mảnh đất lên thổ cư. Thế nhưng oái ăm thay, những thông tin anh tìm hiểu lại không chính thống và mảnh đất dính vào quy hoạch địa phương nên anh Thắng xác định mất trắng.
Trái phiếu và cuộc "lũng đoạn" qua “bàn tay" ngân hàng
Thực tế, phát hành trái phiếu để hỗ trợ nguồn vốn được các ngân hàng khai thông đầu tiên và đã trở thành xu hướng lan tỏa mạnh mẽ sang các lĩnh vực khác như bất động sản và chứng khoán.
Các chuyên gia tài chính trong và ngoài nước vẫn khẳng định, phát hành trái phiếu là xu hướng không còn mới lạ trên thế giới và hoàn toàn là một trong những giải pháp vốn tốt cho doanh nghiệp – nếu được làm đúng cách và được quản lý tốt.
Tuy nhiên, bất cứ thị trường nào liên quan đến nguồn vốn đều có rủi ro. Và riêng đối với hệ thống tài chính - vốn đã là thị trường phức tạp, dễ bị lợi dung thì rủi ro còn tăng cao nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Nếu giả thiết các ngân hàng thương mại đang mua chéo trái phiếu của nhau để tăng quy mô, tỷ trọng huy động vốn trung và dài hạn xảy ra, thì đây là một rủi ro mới trong việc phát hành trái phiếu cho áp lực tăng vốn đối với các ngân hàng.
Trao đổi với Reatimes, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đối mặt với áp lực tăng vốn, không loại trừ khả năng các ngân hàng thỏa thuận mua lại trái phiếu của nhau để tăng tổng tài sản ma. Để đẩy tổng tài sản ảo lên, các ngân hàng phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, rồi thỏa thuận bán lại cho nhau trong thời gian ngắn. Dù ngân hàng phát hành nhiều lần cũng không ảnh hưởng đến tài chính, nhưng ảnh hưởng đến hệ số an toàn vốn thực. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần có phương án quản lý kiếm soát tình trạng này.
Du lịch Nha Trang đã phát triển nhưng “không trọn vẹn”
Nha Trang từng được mệnh danh là một trong những thiên đường du lịch của Việt Nam. Đi cùng với kỳ vọng đó, những năm trở lại đây, hàng loạt các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng mới đã đổ bộ ồ ạt.
Theo thống kê, chỉ trong vòng 2 năm, giai đoạn 2016 - 2018 hơn 17.000 căn hộ condotel đã được xây dựng và chào bán ở Nha Trang. Hầu hết các dự án đều nằm ở dọc bờ biển, trên con đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng. “Bức tường bê tông dày đặc” đã trở thành hình ảnh mà giới quan sát đang dành cho Nha Trang khi sự chất chồng của từng khối nhà cao tầng trở nên dày đặc.
Bức tranh du lịch của Nha Trang sẽ ra sao khi bê tông đang lấp kín các khoảng trống? Trao đổi về vấn đề này, ông Văn Dũng Chinh, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Nha Trang - Khánh Hòa cho rằng, khi chúng ta đang có tốc độ tăng trưởng du lịch ấn tượng thì việc phát triển cơ sở lưu trú, dịch vụ là bài toán phải đặt ra. Nhưng để giải quyết bài toán đó, đáp ứng ngay thì tình trạng bê tông hóa lại xảy ra ở những vị trí ven biển đẹp.
Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của du lịch đòi hỏi chúng ta phải từng bước điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch tốt hơn, không chỉ đáp ứng về lưu trú ngay tại thời điểm này mà phải nghĩ đến phát triển hạ tầng, dịch vụ đồng bộ trong tương lai. Cho nên, Nha Trang đang rơi vào điểm chung giống Đà Nẵng, Hạ Long.
Chúng ta buộc phải có 1 quy hoạch tổng thể hài hòa giữa thượng tầng và hạ tầng với tỷ trọng dịch vụ để làm sao đảm bảo yếu tố phát triển bền vững về du lịch. Có như vậy, du khách đến Việt Nam mới muốn quay lại lần 2.
Bất động sản Phan Thiết - Mũi Né tăng nóng, giá đất gấp 2 - 3 lần
Theo khảo sát, "sức nóng" giá đất của Mũi Né diễn ra đồng bộ và tập trung tăng mạnh nhất tại các cung đường Huỳnh Thúc Kháng, Võ Nguyễn Giáp, Nguyễn Đình Chiểu… Giá đất Phan Thiết cũng đang thiết lập mặt bằng mới, gấp 2 - 3 lần so với những năm trước.
Qua khảo sát thực tế thời gian gần đây, nhiều công ty môi giới BĐS đóng tại Bình Thuận cho biết, tình trạng làm ăn "lôm côm" không phải là không còn, nhưng để tránh sự chú ý của cơ quan chức năng, nhiều nhân viên môi giới không còn thực hiện các giao dịch ngoài được hay "trụ sở" ven bờ biển nữa mà thay vào đó đến trực tiếp nhà khách hàng hoặc những khách sạn, địa điểm nào thuận tiện cho các bên.
Hiện nay, đất nền ven biển Bình Thuận vẫn tăng giá mạnh, chủ yếu tập trung tại các dịa phương như La Gi, Mũi Nè, và đang "nóng" nhất là dọc biển Hàm Thuận Nam (khu Kê Gà). Theo lý giải của các sàn môi giới, khu vực Kê Gà đang được nhiều "ông lớn" địa ốc triển khai các dự án quy mô khá lớn, do vậy giá đất trong dân xung quanh được đẩy lên khá cao.
Hiện đất ven biển TP. Phan Thiết đã tăng giá tùy vị trí; còn đất tại các dự án có tiếng như Phố Biển, Hùng Vương, Lê Duẩn… thì đã lên con số hàng chục tỷ đồng. Riêng những vùng đất nông nghiệp còn sót lại tại các phường trong thành phố, thì giá bán lại trên danh nghĩa đất ở với diện tích trên dưới 100 m2, tiền 1 - 2 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ đang thanh tra dự án The Arena Cam Ranh nên chưa cấp giấy phép xây dựng
Dự án The Arena chưa được cấp phép xây dựng là do dự án này nằm trong diện 35 dự án tại tỉnh Khánh Hòa, mà Thanh tra Chính phủ đang thanh tra.
Mặc dù chưa có giấy phép xây dựng, thậm chí chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa nộp tiền sử dụng đất nhưng chủ đầu tư vẫn cho máy móc thi công và rao bán rầm rộ căn hộ nghỉ dưỡng trên các trang bất động sản trong thời gian qua từ 2018 đến nay.
Trả lời với báo chí, ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc dự án The Arena chưa được cấp phép xây dựng là do dự án này nằm trong diện 35 dự án mà Thanh tra Chính phủ đang thanh tra, chính vì vậy khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc thì được xem là “bất di bất dịch”.
Mặc dù trước đó Thanh tra Sở Xây dựng đã đi thanh tra, kiểm tra rất nhiều lần, phát hiện chủ đầu tư “cầm đèn chạy trước ô tô”, nên gia hạn 60 ngày để hoàn chỉnh hồ sơ về thẩm định thiết kế, cơ sở hạ tầng, thi công… gửi cho Bộ Xây dựng xét duyệt.