Theo Báo cáo tiêu điểm thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng quý II/2025 của CBRE, trong 6 tháng đầu năm, nguồn cung mới ở phân khúc nghỉ dưỡng tiếp tục co hẹp, đặc biệt với biệt thự nghỉ dưỡng. Cả nửa đầu năm, toàn thị trường chỉ ghi nhận một dự án condotel mới, bổ sung 640 căn hộ.
Đến nay, tổng nguồn cung lũy kế condotel đạt 7.688 căn từ 18 dự án, trong khi biệt thự nghỉ dưỡng giữ ở mức ổn định 815 căn, phân bổ trên 14 dự án.
Giá bán sơ cấp ở cả hai loại hình này đều tăng so với cùng kỳ 2024: Biệt thự nghỉ dưỡng tăng khoảng 12%, condotel tăng 15%.

Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang chứng kiến sự nhiều biến động sau khi sáp nhập đơn vị hành chính. Ảnh: Internet
Tuy vậy, thanh khoản tại phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng đã chững lại so với giai đoạn đỉnh 2015-2018, chỉ đạt trung bình 14-15 căn/năm.
Nguyên nhân chính đến từ mức giá cao và những vướng mắc pháp lý, khiến nhà đầu tư cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi xuống tiền.
Ngược lại, phân khúc căn hộ để bán chứng kiến sự gia tăng đáng kể về nguồn cung. Nửa đầu năm 2025, thị trường ghi nhận thêm 950 căn hộ mới từ 4 dự án, nâng tổng nguồn cung trên thị trường lên gần 12.300 căn. Giá bán sơ cấp bình quân đạt khoảng 85 triệu đồng/m2 thông thủy, cao hơn đáng kể so với một năm trước.
Từ năm 2024, phần lớn dự án mở bán đã ghi nhận mức giá tối thiểu 65 triệu đồng/m2, riêng một số dự án hạng sang dọc sông Hàn và trung tâm thành phố chạm mức 130–200 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, mặt bằng giá neo cao cũng kéo theo lượng giao dịch sụt giảm mạnh, giảm khoảng 65% so với 6 tháng cuối năm 2024.
Áp lực thanh khoản phản ánh rõ rệt tâm lý thận trọng của khách hàng trước bối cảnh giá liên tục leo thang trong khi chính sách tín dụng chưa thực sự nới lỏng.

Khẩu vị của nhà đầu tư đang có sự thay đổi. Ảnh: Internet
Triển vọng trung hạn của thị trường căn hộ Đà Nẵng vẫn được đánh giá tích cực. CBRE dự báo trong vòng 3 năm tới, thị trường có thể đón thêm khoảng 10.000 căn hộ mới, tương ứng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) về nguồn cung đạt 26% trong giai đoạn 2024-2027. Giá bán sơ cấp dự kiến cũng tăng trưởng với CAGR khoảng 15%/năm.
Các chuyên gia của CBRE nhận định, BĐS Đà Nẵng đang được hưởng lợi từ nhiều yếu tố nền tảng: Kinh tế phục hồi, du lịch bùng nổ, dòng vốn FDI gia tăng, cùng chính sách sáp nhập đơn vị hành chính mở rộng không gian phát triển đô thị.
Những yếu tố này không chỉ gia tăng quỹ đất và quy mô dân số, mà còn mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư chiến lược đón đầu sự phát triển của thành phố.
Tuy nhiên, sự lệch pha giữa các phân khúc cũng là tín hiệu cảnh báo. Phân khúc nghỉ dưỡng thiếu hụt nguồn cung mới có thể dẫn tới rủi ro "bội thực" căn hộ và "thiếu hụt" biệt thự, nếu không được điều tiết hợp lý.
Đà Nẵng, với vai trò là trung tâm du lịch - kinh tế trọng điểm miền Trung, cần sớm định hình lại quy hoạch và cơ cấu sản phẩm để cân bằng giữa nhu cầu ở thực, đầu tư và nghỉ dưỡng, tạo ra sức bật bền vững hơn cho thị trường.