Giảm cung nhưng lực cầu vẫn ổn định
Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mặc dù khối lượng giao dịch tại các thị trường trọng điểm, bao gồm Hà Nội và TP.HCM trong 2 quý cuối năm 2018 có dấu hiệu giảm, cụ thể, Hà Nội giảm 29% theo năm trong khi TP.HCM giảm 20% theo năm. Tuy nhiên, điểm sáng là tỷ lệ hấp thụ vẫn được duy trì tại cả thị trường thị trường này.
Song song với đó, nhu cầu đối với các phân khúc từ thấp đến trung cấp vẫn đang tăng lên, trong khi nguồn cung bị thắt chặt do yếu tố pháp lý của dự án.
VDSC cho rằng tình trạng này có thể kéo dài sang năm 2019. Đây sẽ là cơ hội cho các nhà phát triển có quỹ đất sẵn sàng triển khai.
"Năm 2019 là thời điểm tốt để tích lũy cổ phiếu bất động sản một cách chọn lọc. Quỹ đất và khả năng phát triển dự án là yếu tố cốt lõi", VDSC nhận định.
Ngoài ra, Nghị quyết của Chính phủ về việc hướng dẫn thực hiện các dự án BT dự kiến được ban hành trong năm 2019 sẽ là một yếu tố có lợi cho các công ty sở hữu dự án đã được duyệt chủ trương theo luật cũ.
Thách thức sẽ tạo ra cơ hội
Kể từ 1/1/2019, Ngân hàng Nhà nước giới hạn tỷ lệ cho vay bất động sản tại các ngân hàng là 40% vốn huy động ngắn hạn cho các khoản vay dài hạn, thay vì 60% trong quá khứ.
Đây là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp khi mà dòng tín dụng ngày càng khó khăn, tuy nhiên, VDSC cho rằng các ngân hàng đã chuẩn bị cho kịch bản này trong năm 2018, khi bắt đầu hạn chế tín dụng chảy vào bất động sản trên tổng dư nợ cho vay.
Bên cạnh đó, với sự phát triển của ngành tài chính, các công ty bất động sản hiện tại trở nên ít phụ thuộc vào dòng vốn tín dụng ngân hàng hơn khi áp dụng nhiều phương thức huy động vốn như phát hành cổ phiếu thông qua thị trường chứng khoán hoặc thị trường trái phiếu và huy động nguồn tiền ứng trước từ khách hàng mua nhà.
Do đó, tác động của thắt chặt tín dụng và rủi ro tăng lãi suất đối với các công ty bất động sản sẽ trở nên nhỏ hơn so với trong quá khứ. Đối với người mua nhà, lãi suất cho vay mua nhà thế chấp hiện tại vẫn tương đối hấp dẫn, vào khoảng 10%.