Aa

Sau sốt đất, nhiều dự án không bóng người

Thứ Bảy, 31/08/2019 - 06:20

Hàng loạt dự án đất nền tại TP.HCM và các tỉnh lân cận “cháy hàng” ngay sau khi mở bán giữa thời điểm thị trường bất động sản lên cơn sốt, nhưng sau đó rơi vào tình trạng không có người ở.

Nhiều dự án bỏ hoang…

Dự án Rio Grande tại đường Trường Lưu (quận 9. TP.HCM) với hơn 400 nền đất được Công ty Rio Land mở bán từ đầu năm 2018 với giá 1,2 - 1,8 tỷ đồng/nền (diện tích 5m x 15m, 5m x 20m) từ đầu năm 2018. Vào đúng tâm điểm cơn sốt đất nền tại TP.HCM, nên chỉ trong 1 tháng, toàn bộ số nền đất đã được bán hết.

Tuy nhiên, trở lại dự án này vào cuối tháng 8/2019, trước mắt chúng tôi là cỏ mọc um tùm, các công trình hạ tầng như điện, nước bắt đầu xuống cấp.

Sau gần 2 năm mở bán, Dự án Rio Grande (quận 9, TP.HCM) vẫn chỉ toàn cỏ mọc.

Anh Dũng, một khách hàng mua đất nền tại Rio Grande cho biết, khách mua đất tại đây chủ yếu là nhà đầu tư thứ cấp, mua rồi bán lại kiếm lời, chứ không để ở. Các nền đất ở đây đang được rao bán lại với giá khoảng 2,4 tỷ đồng/nền.

Tương tự, Dự án Long Hưng tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai) cũng trong cảnh tượng vắng bóng người ở. Với hàng ngàn nền đất, Long Hưng được quảng cáo là tâm điểm của chính sách liên kết vùng TP.HCM mở rộng để phục vụ giãn dân TP.HCM, mở bán từ đầu năm 2018 với giá khoảng 1 tỷ đồng/nền (5m x 20m). Dự án hiện đã bán hết 4 giai đoạn, nhưng phóng viên ghi nhận, chỉ có khoảng hơn 50 căn nhà được xây.

Tại Long An, Dự án Five Star Eco City nằm trong khu đô thị 5 sao ở huyện Cần Giuộc được bán từ tháng 4/2018. Toàn bộ hơn 700 nền đất của Dự án đã được bán hết, nhưng đến nay cũng không có người ở. Theo một nhân viên môi giới của Công ty Bất động sản Thắng Lợi (đơn vị đang bán đất nền tại khu đô thị 5 sao), thì khách mua đất dự án này cũng chủ yếu là giới đầu tư thứ cấp.

Ngoài ra, hàng loạt dự án như Rio Porto và Khu đô thị Singa City Kim Oanh tại quận 9 (TP.HCM), Kim Oanh Real Estate tại Bình Dương… đều trong cảnh hoang vắng, không bóng người ở.

Người dân ít cơ hội

Ông Trần Văn Thới, quê ở Dĩ An (tỉnh Bình Dương), là công nhân Khu công nghệ cao TP.HCM, đã đến TP.HCM sinh sống, làm việc, lập gia đình hơn 20 năm nay, nhưng vẫn ở nhà trọ. Ông nuôi hy vọng mua được nhà, đất ở TP.HCM để sớm ổn định cuộc sống, vì đã sợ cảnh phải chuyển nhà trọ liên miên, chủ nhà trọ tăng giá hàng năm, môi trường ở nhà trọ xập xệ, ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình.

Liên tục “săn” đất nền tại các dự án, nhưng ông Thới vẫn không thể mua được, vì các dự án mở bán đều được giới đầu tư mua rất nhanh. “Họ có thể mua một lúc nhiều nền đất. Khi mình tìm đến, thì chỉ có thể mua lại với giá cao hơn rất nhiều so với giá mở bán”, ông Thới than thở.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Tiến Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Cát Tường Group cho biết, hiện nay, tại TP.HCM cũng như các tỉnh lân cận có rất ít dự án đất nền mới, mà chủ yếu là các dự án được bán từ những năm trước, khách hàng mua đa phần là nhà đầu tư thứ cấp.

“Đất nền được bán đi, bán lại từ nhà đầu tư này tới nhà đầu tư khác, nên dự án không có người ở là đương nhiên. Hơn nữa, các chủ đầu tư thường khuyến khích khách hàng mua số lượng lớn, dẫn tới cảnh dự án không người ở, trong khi người nhu cầu của người dân rất cao, nhưng lại không mua được đất với giá phù hợp”, ông Vũ nói.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), một nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng dự án bị bỏ hoang là do vị trí nằm quá xa trung tâm thành phố, hệ thống giao thông kết nối kém, không đảm bảo các tiện ích của cuộc sống như trường học, siêu thị…

“Ngoài ra, việc chính quyền địa phương để các chủ đầu tư phát triển quỹ đất mạnh trong thời gian thị trường nóng sốt đã đẩy các dự án phân lô, bán nền lên giá rất cao. Với mức giá cao như vậy, chỉ giới đầu tư mới có thể mua được đất nền, chứ không dành cho người dân có nhu cầu ở thực”, ông Châu nói.

Để khắc phục phần nào tình trạng khách hàng mua đất nền rồi... để cỏ mọc, ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group chia sẻ, Phú Đông đã áp dụng ghi rõ thỏa thuận trong hợp đồng mua bán đất thời gian bao lâu sau khi mua đất nền, khách hàng phải xây nhà ở. Nếu khách hàng không tiến hành xây dựng, Công ty sẽ thu hồi lại nền đất đó và trả lại toàn bộ số tiền theo giá trị hợp đồng cùng với lãi suất ngân hàng. Không chỉ Phú Đông Group, các doanh nghiệp bất động sản khác như Hưng Thịnh Corp, Đại Phúc Group cũng đã áp dụng cách này và tương đối hiệu quả.

Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường DKRA Việt Nam, từ đầu năm 2018 tới nay, giá đất nền TP.HCM tăng bình quân 20 - 40%, tại Bình Dương tăng 25%/năm, tại Đồng Nai tăng 15%/năm và tại Long An tăng 15%/năm.

Riêng trong quý II/2019, tại TP.HCM có 4 dự án đất nền mới ra mắt thị trường, cung cấp khoảng 291 nền, tăng 12% so với nguồn cung mới của quý I, nhưng chỉ bằng 61% cùng kỳ năm 2018 và 13% cùng kỳ năm 2017. Lượng tiêu thụ nguồn cung mới không có dấu hiệu tăng đột biến (92% nguồn cung mới) so với các quý trước.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top