Vùng Đông Nam Bộ (gồm TP.HCM và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh) là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước. Đây còn là vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước, là “cửa ngõ” kinh tế của Việt Nam ra thế giới. Dù dân số chỉ chiếm 18%, song các tỉnh vùng Đông Nam Bộ có đóng góp lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và ngân sách cả nước. Cụ thể, vùng đóng góp 38% GDP của cả nước, 48% kim ngạch xuất khẩu, gần 41% ngân sách nhà nước và chiếm khoảng 47% số dự án đầu tư, hơn 43% nguồn vốn đầu tư nước ngoài của cả nước.
Hiện nay, vùng đã hình thành mạng lưới đô thị vệ tinh, trong một không gian mở thông thoáng, liên kết với nhau thông qua các tuyến trục và vành đai đang được xây dựng. Các quy hoạch về hạ tầng giao thông của Đông Nam Bộ về cơ bản đã phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải quốc gia với hạt nhân vùng là TP.HCM.
Thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm đặc biệt, có nhiều chỉ đạo về việc hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông Đông Nam Bộ, bao gồm cả đường bộ với hàng loạt tuyến cao tốc đã và đang được triển khai, đường hàng không, đường sắt, đường thủy, chú trọng hệ thống cảng nước sâu đưa hàng hóa ra thị trường thế giới. Việc Chính phủ đẩy mạnh triển khai hạ tầng giao thông, hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn đã phát huy tối đa tiềm năng của bất động sản vùng Đông Nam Bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn khu vực.
Tuy nhiên, năm 2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát có tốc độ lây lan nhanh từ cuối tháng 6, kéo theo việc các tỉnh, thành Đông Nam Bộ phải tiến hành giãn cách xã hội kéo dài khiến kinh tế khu vực bị thiệt hại nặng nề. Nếu trong 6 tháng đầu năm 2021, GRDP của vùng Đông Nam Bộ đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng, tăng gần 4,6% so với cùng kỳ năm 2020 thì tính chung cả năm 2021, đà tăng trưởng đã chững lại do các hoạt động sản xuất kinh doanh giảm sút do giãn cách xã hội toàn vùng. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021, vùng Đông Nam bộ là âm 0,13% và có 6/12 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch năm. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm, doanh nghiệp giải thể tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Dịch bệnh đã gây thiệt hại lớn đến ngành công nghiệp- xây dựng, dịch vụ; giãn cách xã hội kéo dài đã khiến 97% doanh nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó khoảng 80% doanh nghiệp bị ngưng trệ hoạt động. Tình trạng người thất nghiệp di cư về các địa phương gia tăng; nguồn lực thiếu hụt vì dồn cho chống dịch. Chưa kể, hầu hết các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ đều gặp khó khăn trong triển khai các công trình, dự án do dịch bệnh, dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm.
Chịu ảnh hưởng trực tiếp, thị trường bất động sản tại khu vực này có sự sụt giảm về nguồn cung và lượng tiêu thụ ở hầu hết các phân khúc như đất nền, căn hộ, nhà phố, biệt thự. Tuy nhiên, từ ngày 1/10/2021, khi TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam nới lỏng giãn cách xã hội, việc đi lại giữa các địa phương cũng trở nên dễ dàng hơn. Các địa phương đang từng bước mở cửa, khôi phục, phát triển kinh tế, thị trường bất động sản khu vực này vì thế cũng đã rục rịch khởi động trở lại. Đây là tín hiệu kỳ vọng cho sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bất động sản Đông Nam Bộ năm 2022.
Đáng chú ý, dù chỉ trong những ngày đầu sau giãn cách, thị trường bất động sản Đông Nam Bộ đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực khi mức độ quan tâm đến thị trường tăng lên rõ nét, đặc biệt là ở phân khúc đất nền. Chỉ vài tháng hậu giãn cách, nhu cầu giao dịch bất động sản tại một số khu vực đã bùng nổ. Nhiều địa phương ghi nhận nhu cầu đi xem đất, thực hiện các thủ tục công chứng mua bán, nộp hồ sơ sang tên trở nên nhộn nhịp hơn. Thị trường trở nên sôi động hơn so với dự báo, kéo theo đó là xu hướng “trỗi dậy” của bất động sản vùng ven sau đại dịch.
Những điểm nóng về tình hình dịch bệnh thời gian qua như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai đều ghi nhận mức nhu cầu tìm mua nhà đất với mức tăng cao. Nhiều chuyên gia nhận định, trong bối cảnh mặt bằng giá tăng cao và quỹ đất tại TP.HCM ngày càng khan hiếm, nguồn cung đất nền và nhà phố đang chuyển dịch về các tỉnh vùng ven, trở thành kênh đầu tư ưa chuộng hàng đầu hiện nay. Cùng với đó là sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông giúp nhà đầu tư và người mua nhà hoàn toàn an tâm khi lựa sản phẩm tại thị trường bất động sản vùng ven tại các tỉnh thành ở vùng Đông Nam Bộ.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Tâm điểm mới của thị trường bất động sản phía Nam
Sau giãn cách xã hội, nhu cầu giao dịch đất nền, nhà phố khu vực TP.HCM và các tỉnh vệ tinh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu đã tăng trưởng ấn tượng so với thời điểm trước đó. Trong đó, Bà Rịa – Vũng Tàu là thị trường đứng đầu về thu hút người mua đất nền, nhà phố. Lý giải cho việc nhu cầu tìm kiếm bất động sản tại Bà Rịa – Vũng Tàu tăng vọt sau giãn cách, các chuyên gia cho rằng, lực đẩy hạ tầng, dự án lớn và chủ trương đầu tư là nguyên nhân khiến bất động sản địa phương này được quan tâm.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn ngân sách huy động cho đầu tư công là 34.632 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Quyết định số 198 của UBND tỉnh ngày 25/1/2021, về kế hoạch đầu tư công của tỉnh này cho biết, tổng nhu cầu vốn cho đầu tư công khoảng 112.351 tỷ đồng. Mục tiêu đầu tư công của Bà Rịa - Vũng Tàu trong 5 năm tới tăng gấp 3 lần so với 5 năm vừa qua.
Hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm cũng được đưa vào kế hoạch triển khai như: Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dự án cầu Phước An, kết nối thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; dự án Đường 991B từ Quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép... Việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng sẽ là đòn bẩy phát huy các thế mạnh của địa phương, đặc biệt là cảng biển, công nghiệp và dịch vụ – du lịch. Những tín hiệu tích cực về hạ tầng trên đã thúc đẩy các doanh nghiệp bất động sản tái khởi động các dự án sau thời gian giãn cách.
Với lợi thế giáp biển và hệ thống cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu được xác định là cửa ngõ vươn ra biển lớn của khu vực Đông Nam Bộ và của Việt Nam, hội nhập trực tiếp với các tuyến biển xuyên đại dương. Đây cũng là một trong số ít các địa phương ghi nhận làn sóng đầu tư tăng trưởng mạnh, bất chấp dịch bệnh Covid-19. Đến nay, toàn tỉnh đã có 415 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 29,7 tỷ USD từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 cả nước về thu hút vốn FDI. Ngoài ra, tỉnh còn thu hút đầu tư trong nước với 605 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 307.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu thu hút các dự án có thương hiệu đẳng cấp, thân thiện với môi trường, bền vững, tạo sự lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội, đem lại giá trị cho người dân thụ hưởng. Trong đó, thu hút mới 150 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3,2 tỷ USD và 185 dự án đầu tư trong nước với tổng khoảng 100.000 tỷ đồng.
Đánh giá về thị trường bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Phạm Việt Anh, Tổng Giám đốc Hưng Vượng Holdings cho rằng, trong thời gian tới, Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương có tiềm năng tăng trưởng rất lớn, do tỉnh này có lợi thế rất lớn từ cảng Cái Mép – Thị Vải và gần sân bay Long Thành. “Bà Rịa – Vùng Tàu là tỉnh “all in one”, nghĩa là có mọi thứ. Ở phía Bắc, Hải Phòng là thành phố cảng phát triển, Quảng Ninh thì có Hạ Long nổi tiếng về du lịch. Trong khi đó, ở phía Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu hội tụ cả 2 yếu tố về cảng biển và du lịch. Cảng biển sẽ hỗ trợ công nghiệp, du lịch giúp phát triển kinh tế - xã hội, bất động sản.
Khi xưa từ Hà Nội đi Hạ Long mất 4 - 5 giờ đồng hồ, còn khi có cao tốc thì chỉ mất khoảng 2 giờ 30 phút. Lúc đó, giá bất động sản Quảng Ninh bắt đầu tăng phi mã. Tới đây, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng sẽ lặp lại chu kỳ phát triển như vậy nhờ đầu tư công tăng tốc, sân bay Long Thành liền kề, mở rộng hàng loạt cảng, các tuyến đường nội khu sẽ giúp hỗ trợ lưu thông hàng hóa đi về cảng Cái Mép. Vì vậy, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là nơi hội tụ các tiềm năng trong tương lai”, ông Phạm Việt Anh chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo Hưng Vựng Holdings, nếu tính từ chợ Bến Thành (TP.HCM) trong bán kính 100km, giá bất động sản tại các thị trường như Long An, Bình Dương, Biên Hòa đều đã tăng rất cao. Trong khi đó, giá đất tại Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ trên dưới 10 triệu đồng/m2, rất rẻ so với các địa phương khác. Đây là mức giá rất tốt để đầu tư thời điểm này. Do vậy, thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là tâm điểm đầu tư trong thời gian tới. Ông Việt Anh cho rằng, những sản phẩm trên dưới 1 tỷ đồng sẽ hút dòng vốn sau dịch.
Ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty Ngọc Châu Á cũng cho biết, vào khoảng năm 2013 - 2014, khi cao tốc Long Thành - Dầu Giây chưa hoàn thiện thì không ai nghĩ sẽ về Bà Rịa - Vũng Tàu mua đất đầu tư. Thế nhưng, từ khi cao tốc hoàn thành thì bất động sản tại đây bắt đầu phát triển. Năm 2011, nhà đầu tư đi tìm mua đất tại thị trường này chỉ khoảng 3 triệu đồng/m2, đến năm 2018 đã tăng lên 9 triệu đồng/m2 và đến năm 2020 tăng lên tới 20 triệu đồng/m2 nhờ xuất hiện cao tốc. Do đó, hiện nay nhà đầu tư vẫn nên nhắm vào nơi nào giá mềm, có tiềm năng tăng trưởng để đón đầu chu kỳ tăng trưởng.
“Hiện các cao tốc đều đang triển khai, chỉ chờ dịch bệnh được kiểm soát thì chắc chắn Nhà nước, Chính phủ sẽ nhanh chóng kích hoạt đầu tư công, giải ngân hoàn thành hàng loạt tuyến cao tốc để hỗ trợ phát triển công nghiệp, cảng biển. Từ đó, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đón thêm nhiều đợt tăng giá về bất động sản”, ông Hạnh nói thêm và cho biết, đất chính là bắt đầu cho mọi đầu vào của kinh tế, từ xây nhà, xây trung tâm thương mại, nhà xưởng, nhà trọ đều bắt đầu từ đất. Những ai đầu tư từ 5 năm trước thì đến nay ai cũng lời gấp 2, 3, thậm chí gấp 4 - 5 lần.
Khi thị trường càng khó thì những sản phẩm vừa túi tiền sẽ dễ mua, dễ bán nhất. Hiện nay, nếu nhà đầu tư có 1 tỷ đồng trong tay thì không thể mua được bất động sản tại TP.HCM, nhưng với 1 tỷ đó hoàn toàn có thể mua ở Bà Rịa - Vũng Tàu hoặc một số tỉnh vùng ven với các suất đầu tư gần khu công nghiệp.
“Nếu thời điểm này chúng ta chọn đúng phân khúc sản phẩm nhiều người tiếp cận được thì sẽ tạo ra doanh thu, thu nhập. Ví dụ trên góc độ doanh nghiệp, tôi cũng luôn tham gia bán sản phẩm nhiều người có thể hữu, dễ mua, dễ bán để nhân viên ai cũng có thu nhập đều đặn thay vì tập trung vào sản phẩm giá quá cao. Tới đây, thị trường sẽ mở ra nhiều cơ hội mới sau dịch, trong đó các thị trường vùng ven như Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng, Phan Thiết vẫn được ưu ái vì sở hữu mức giá tốt”, ông Hạnh đánh giá.
Bất động sản Bình Dương liên tục thiết lập mặt bằng giá mới
Trong bối cảnh thị trường tại TP.HCM vướng mắc pháp lý, quỹ đất thu hẹp dần thì Bình Dương là nơi ghi nhận sự gia tăng nguồn cung về căn hộ mạnh mẽ nhất trong 3 năm qua. Trong đó, 2 thành phố mới giáp ranh với TP.HCM là Dĩ An và Thuận An nổi lên với hàng loạt dự án mới với mức giá bán không ngừng leo thang.
Theo thống kê, trong năm 2019, Bình Dương có khoảng 12.000 căn hộ tập trung ở TP. Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, gấp 5 lượng dự án nhà phố, căn hộ trong năm 2018 cộng lại. Đến năm 2020, lượng căn hộ tại Bình Dương đạt gần 20.000 căn, chiếm đến 35% tổng nguồn cung căn hộ của khu vực phía Nam. Trong 2 năm thị trường này có thêm gần 40.000 căn hộ.
Nguồn cung mới gia tăng ồ ạt nhưng giá bán phân khúc căn hộ tại thị trường này cũng tăng cao. Nếu như trước đây, một vài dự án có vị trí nằm “sát vách” TP.HCM mở bán với giá chỉ tầm trên dưới 1 tỷ đồng/căn thì nay các dự án mới mở bán đã giao động trên dưới 2 tỷ đồng (tương đương 33 - 38 triệu đồng/m2). Cuối năm 2019 và đầu 2020, hàng loạt dự án mới ra mắt tại Bình Dương đã công bố mức giá rất cao lên đến 40 triệu đồng/m2. Mức giá này không thua kém mặt bằng giá tại nhiều dự án căn hộ ở TP.HCM, thậm chí vượt mặt một số khu vực thuộc TP.HCM.
Năm 2021, bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản Bình Dương vẫn nhộn nhịp và giá bán vẫn tiếp tục tăng. Một trong những nguyên nhân chính là do tỉnh này có dân số khoảng 2,4 triệu, trong đó hơn 50% là dân nhập cư dẫn đến nhu cầu nhà ở lớn. Bình Dương còn được mệnh danh là "thủ phủ công nghiệp" - chiếm 1/4 diện tích khu công nghiệp toàn miền Nam với nhu cầu tăng thêm lao động mới từ 30.000 - 40.000 người mỗi năm. Từ đó, nhà ở là nhu cầu cần được giải quyết cấp thiết tại Bình Dương.
Đặc biệt, tiềm năng bất động sản Bình Dương được đánh giá sẽ phát triển bền vững trong 5 - 10 năm tới bởi hàng loạt các yếu tố cộng hưởng. Đầu tiên là hạ tầng tại Bình Dương được đầu tư đồng bộ, giúp việc di chuyển đến TP.HCM hay các tỉnh lân cận rất nhanh chóng và dễ dàng. Tiếp theo là chính sách liên quan đến FDI tốt, thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài cùng lượng chuyên gia lớn dẫn đến nhu cầu nhà ở tăng cao.
Mặt khác, xu hướng dịch chuyển đầu tư về những khu vực giàu tiềm năng phát triển bất động sản công nghiệp cũng biến Bình Dương - "thỏi nam châm” hút FDI - thành điểm đến hàng đầu. Quy luật tất yếu, sự phát triển bất động sản công nghiệp sẽ kéo theo bất động sản nhà ở gia tăng.
Không chỉ vậy, sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kinh tế của Bình Dương đã có dấu hiệu khởi sắc và phục hồi, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, hạ tầng kỹ thuật và bất động sản. Thành quả này là nhờ vào các chính sách hợp lý của chính quyền Bình Dương cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông và mạng lưới khu công nghiệp đã được quy hoạch và triển khai bài bản trước đây.
Trong khi FDI tại một số địa phương lân cận lao dốc vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dòng vốn này vẫn chảy mạnh vào Bình Dương.
Đánh giá về tiềm năng thị trường bất động sản Bình Dương, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết: “Hiện nay, Bình Dương đã trở thành cực phát triển trọng điểm, bật lên từ chính thế mạnh hạ tầng và vai trò thiết yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tốc độ phát triển như vũ bão của thủ phủ công nghiệp đứng đầu cả nước đang là nhân tố chủ lực kéo theo sự phát triển rầm rộ của bất động sản nhà ở, đặc biệt là phân khúc căn hộ, đất nền. Trong thời gian tới cùng với phía Đông Sài Gòn, thị trường bất động sản Bình Dương sẽ sôi động hơn bao giờ hết”.
Mặc dù vậy, thời gian qua, Bình Dương cũng được xem là điểm “nóng” về vi phạm trật tự xây dựng, phổ biến là tình trạng xây dựng không phép, sai phép. Ông Võ Hoàng Ngân - Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương nói rằng, thời gian qua, UBND tỉnh Bình Dương đã có nhiều chỉ đạo đối với các sở ngành, huyện, thị nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, thiết lập trật tự đối với hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 05/06/2019 về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Quyết định số 05/2020/QĐ-UBND ngày 20/02/2020 về Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Ngoài ra, một số cấp ủy tại các địa phương đã ban hành các chỉ thị chỉ đạo tăng cường quản lý và xác định trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở đối với tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý như: Thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An, thị xã Tân Uyên,…
Mặc dù vậy, trên thực tế, việc quản lý hoạt động xây dựng còn tồn tại một số bất cập. Điển hình như ý thức người dân chưa cao và cố tình vi phạm nhằm sớm đưa các công trình vào sử dụng theo mục tiêu, kế hoạch để thu lại các lợi ích từ công trình xây dựng. Hay việc phân lô bán nền trước đây chưa được xử lý dứt điểm bởi chủ đầu tư các dự án không thể hoàn thành các thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng và nhu cầu xây dựng nhà ở cao nên người dân “đành” vi phạm; lực lượng quản lý mỏng trên địa bàn rộng lớn và quy định xử phạt không đủ sức răn đe…
Trước thực trạng này, ông Ngân cho biết, để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động xây dựng, thời gian tới, Sở Xây dựng Bình Dương sẽ tiếp tục phối hợp các Sở ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố tập trung, quyết liệt trong việc tăng cường và xác định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở. Theo ông Ngân, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở rất quan trọng, nếu không sâu sát chỉ đạo quyết liệt thì sẽ không xử lý được tình huống phát sinh trong đời sống xã hội.
Ngoài ra, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cũng sẽ tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng để kịp thời quản lý, kiểm tra, xử lý xử lý kiên quyết, dứt điểm vi phạm xây dựng. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương phù hợp với tình hình thực tiễn quản lý, theo hướng xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tăng cường hiệu quả công tác phối hợp. Đặc biệt, Sở sẽ tiếp tục tổ chức kiểm tra trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn…
Hạ tầng đồng bộ, bất động sản Đồng Nai tăng nhiệt
Sở hữu vị trí tiếp giáp “đầu tàu" kinh tế TP.HCM, với lợi thế về hạ tầng và thu hút đầu tư, Đồng Nai được ví như vùng "đất lành" để ông lớn bất động sản lựa chọn phát triển các dự án quy mô. Sức hấp dẫn của bất động sản Đồng Nai trước hết là do sự phát triển của cơ sở hạ tầng kéo dài từ khu Đông TP.HCM cho đến những tỉnh, thành lân cận.
Đồng Nai được xem là cửa ngõ giao thông của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam vì trên địa bàn tỉnh có rất nhiều tuyến đường giao thông quan trọng đi qua. Điển hình như cao tốc Bắc Nam, cao tốc TP.HCM -Long Thành-Dầu Giây (mở rộng), cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu, Cảng Phước An, đặc biệt là dự án sân bay Long Thành.
Đầu năm 2021, dự án sân bay quốc tế Long Thành đã chính thức khởi công giai đoạn 1, điều này đã giúp thị trường bất động sản Đồng Nai tạo nên những “cơn sốt” đất và là tâm điểm ở thị trường phía Nam. Thời điểm này, khu tái định cư sân bay Long Thành như được “thay da, đổi thịt” với hàng trăm căn nhà phố, biệt thự, nhà vườn đang dần “mọc” lên.
Một đòn bẩy nữa để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Đồng Nai đó chính là hàng loạt khu công nghiệp. Theo Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA), đến nay Đồng Nai có 32 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất 10.220,45 ha. Cuối năm 2020 và đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung 5 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam với tổng diện tích đất hơn 7.100 ha.
Chưa kể, năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song thu hút đầu tư FDI tại Đồng Nai vẫn đạt gần 1 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020. Một điều đáng chú ý nữa trong giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Nai là một trong 3 địa phương ngoài TP.HCM và Hà Nội có mức đầu tư công cao nhất.
Các dự án đầu tư công lớn tại Đồng Nai đã tạo ra sức hút cho nhiều nhà đầu tư trong nước, nước ngoài muốn vào tỉnh đầu tư trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: khu đô thị, thành phố thông minh, thương mại dịch vụ, công nghiệp, du lịch, logistics…Từ 3 - 4 năm trước, đã có nhiều tập đoàn lớn trên thế giới tìm đến Đồng Nai tìm hiểu môi trường đầu tư với dự tính sẽ đổ vốn vào các dự án. Điều này đã thúc đẩy thị trường bất động sản Đồng Nai tăng trưởng mạnh.
Thời gian gần đây, một số tập đoàn đa quốc gia chia sẻ dự định đầu tư các dự án lớn tại Đồng Nai. Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đến Đồng Nai tìm hiểu môi trường đầu tư với mong muốn sẽ liên kết đầu tư các hạng mục liên quan đến chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh. Theo đại diện Tập đoàn LG, hiện LG đang liên kết với một số tập đoàn lớn trên thế giới sản xuất, cung ứng công nghệ 4.0 để triển khai các dự án về thành phố thông minh tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng Nai đang triển khai thành phố thông minh nên Tập đoàn LG muốn tham gia một số hạng mục như: khu công nghiệp thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh, nhà máy thông minh, logistics thông minh…
Đầu tháng 4/2021, Tập đoàn Shire Oak International (Anh) cũng đã đến Đồng Nai tìm hiểu và đề xuất cấp chủ trương đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tập đoàn này dự tính sẽ liên kết với các doanh nghiệp sử dụng nhiều điện năng trong khu công nghiệp ở Đồng Nai để triển khai dự án.
Đối với lĩnh vực bất động sản, từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2021, thị trường bất động sản ở Đồng Nai rất sôi động. Tỉnh này thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các loại hình bất động sản như: khu dân cư, khu đô thị, công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng... Một số doanh nghiệp trong nước đã nhanh chân hơn và gấp rút triển khai các dự án quy mô trên địa bàn với quỹ đất lớn từ hàng trăm đến hàng ngàn ha, tạo nên các khu đô thị tích hợp, sinh thái được quy hoạch bài bản, đồng bộ.
Các thông tin về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông của Đồng Nai cũng thu hút nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu và đề xuất tỉnh cấp chủ trương đầu tư. Trong quy hoạch tỉnh, Đồng Nai sẽ triển khai hơn 550 dự án về hạ tầng giao thông cấp quốc gia, vùng, tỉnh, huyện và dự án khu dân cư, khu đô thị, thêm 4-6 khu công nghiệp trong giai đoạn 5 năm tới. Đây là thế mạnh để các tập đoàn đầu tư vào các lĩnh vực vẫn còn nhiều tiềm năng của Đồng Nai như: công nghiệp, thương mại dịch vụ, bất động sản, du lịch. Nhiều tập đoàn lớn đã có mặt tại Đồng Nai và đầu tư vào nhiều lĩnh vực như: Vingroup, Capital House, Novaland, Amata, Taekwang, Daewoo, FLC, CJ, Masan, Bosch, Intops, Hansol Technics, Aeon...
Theo nhận định của các chuyên gia, các công trình hạ tầng giao thông lớn đang được triển khai tại Đồng Nai sẽ giúp bất động sản trên địa bàn tỉnh này trong những năm tới thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước, nước ngoài. Thị trường bất động sản ở Đồng Nai sau đợt dịch thứ tư sẽ hồi phục nhanh, vì các nhà đầu tư lớn, thứ cấp đều nhắm đến những nơi có hạ tầng giao thông thuận lợi, kết nối vùng tốt.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây, Đồng Nai không chỉ hấp dẫn nhà đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đất nền, nhà ở, các lĩnh vực bất động sản cho công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nghỉ dưỡng cũng được quan tâm. Nhiều doanh nghiệp là thành viên CLB đã đến Đồng Nai tìm mua đất thông qua đấu giá, sang nhượng dự án, cổ phần công ty để làm chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Đồng Nai.
Cũng theo ông Bảo, Chính phủ và các tỉnh, thành đang ưu tiên thúc đẩy nhanh các dự án hạ tầng giao thông để kết nối, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc đi lại giữa Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch về TP.HCM sẽ nhanh hơn nên người lao động có thể chọn ở những vùng ven và làm việc tại TP.HCM. Vì thế, nhu cầu sở hữu nhà, đất ở khu vực Long Thành, Nhơn Trạch, Biên Hòa tăng cao trong thời gian tới.
Hiện “làn sóng” các doanh nghiệp tìm diện tích đất lớn trên địa bàn tỉnh, ở những khu vực sẽ mở các tuyến đường giao thông lớn, gần sân bay Long Thành vẫn diễn ra. Về phía tỉnh cũng đang hoàn tất hồ sơ nhiều khu đất lớn tại các huyện: Long Thành, Thống Nhất, Nhơn Trạch, TP.Long Khánh... để đưa ra đấu giá vào cuối năm 2021 và những năm tiếp theo.
Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai Huỳnh Văn Lĩnh chia sẻ, trung tâm được tỉnh giao chủ trì việc hoàn tất các thủ tục, hồ sơ liên quan đến nhiều khu đất lớn có lợi thế để đưa ra đấu giá vào cuối năm 2021. Tiền đấu giá đất sẽ được đưa về ngân sách tỉnh đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng góp phần phát triển kinh tế cho tỉnh. Các khu đất lớn được đưa ra đấu giá từ năm 2019 đến nay, được rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia.
Bất động sản Bình Phước đón sóng hạ tầng
Bình Phước là tỉnh rộng nhất vùng Đông Nam Bộ với diện tích lớn nhất trong 19 tỉnh thành, sở hữu 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686ha, trong đó 8 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng. Để khai thác những lợi thế về vị trí của Bình Phước và quỹ đất cho khu công nghiệp, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã được quy hoạch và từng bước đầu tư đồng bộ.
Trong đó, điển hình như: đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành - Ðắk Nông với tổng kinh phí khoảng 36.000 tỷ đồng, tuyến đường Ðồng Phú - Bình Dương với tổng vốn đầu tư 2.253 tỷ đồng; dự án đường sắt Dĩ An - Hoa Lư với tổng vốn đầu tư: 948,6 triệu USD; Cảng cạn ICD Hoa Lư công suất 900.000 container/năm với với tổng vốn 379 tỷ đồng; quốc lộ 14C kết nối Ðắk Nông với Bình Phước qua Tây Ninh - Long An với tổng kinh phí đề xuất nâng cấp là 280 tỷ đồng; Tuyến đường DT 753 nối Đồng Xoài - Sân bay Long Thành - Cảng Cái Mép Thị Vải, đồng thời xây dựng cầu Mã Đà kết nối Đồng Nai với kinh phí hơn 10 tỷ đồng…
Mặt khác, tỉnh cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải đầu tư bổ sung đoạn tuyến cao tốc từ Chơn Thành - Hoa Lư để kết nối TP.HCM - Chơn Thành - Hoa Lư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trong vùng, kết nối với các nước Campuchia - Lào - Myanmar.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Phước lại có kế hoạch mở rộng kết nối đường DT741 với đường Đồng Phú – Bình Dương. Cụ thể, 150 tỷ đồng sẽ đầu tư xây dựng 3 tuyến đường kết nối DT. 741 với đường Đồng Phú - Bình Dương với chiều dài các tuyến 4,4km, 6,2km và 8,3km, mặt đường rộng 28 - 32m.
Ngoài ra, theo quy hoạch được phê duyệt, tuyến cao tốc Bắc - Nam có tổng mức đầu tư hơn 100.800 tỷ đồng, phía Tây (cao tốc Hồ Chí Minh) dài khoảng 212km, có quy mô 4 - 6 làn xe, tốc độ thiết kế từ 80 - 100km/giờ. Trong đó, điểm đầu cao tốc ở Đắk Nông bắt đầu ở đoạn sông Sêrêpôk với chiều dài khoảng 110km; đoạn qua Bình Phước có chiều dài khoảng 102km, điểm cuối đường cao tốc kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (tỉnh Long An). Trong tương lai, tuyến đường Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ rút ngắn khoảng cách giữa Bình Phước với các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và miền Tây.
Bình Phước còn đang nghiên cứu đề xuất xây dựng sân bay lưỡng dụng tại Hớn Quản quy mô 500ha, tạo tiền đề để địa phương này trở thành trung tâm của vùng Đông Nam Bộ.
Bên cạnh hạ tầng, công nghiệp tại Bình Phước cũng đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới. Hiện Becamex - “Đại bàng” đã đi đầu thúc đẩy công nghiệp, kinh tế Bình Dương đã đặt chân đến Bình Phước và nhiều khu công nghiệp hàng tỷ USD. Điển hình là dự án khu công nghiệp Becamex - Bình Phước thuộc địa bàn huyện Chơn Thành đang triển khai có tổng diện tích 4.600ha, trong đó khoảng 2.400ha đất khu công nghiệp và 2.200ha đất dịch vụ và đô thị, tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD.
Các chuyên gia dự báo, với tiềm năng, vị trí tương đương và sự xuất hiện của “đại bàng”, chu kỳ phát triển kinh tế của Bình Phước sẽ lặp lại với tốc độ ngoạn mục như Bình Dương khoảng 10 năm trước.
Là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng Bình Phước mới chỉ được chú ý trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, nhờ làn sóng đầu tư tăng trưởng ấn tượng. Để thu hút giới đầu tư, chính quyền tỉnh Bình Phước đang chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại và đồng bộ; xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội vùng và liên vùng tương đối hoàn thiện.
Nhiều chuyên gia đánh giá, cùng với sức nóng từ phát triển công nghiệp sẽ thu hút lượng lớn chuyên gia đổ về, kéo theo nhu cầu nhà ở cao cấp tăng vọt. Trong bối cảnh đó, bất động sản Bình Phước được xem là điểm sáng của thị trường trong giai đoạn hiện nay. Bởi nơi đây có quỹ đất rộng, nhiều tiềm năng thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ… được xem là lực hút cho các chủ đầu tư cũng như thị trường nói chung.
Nhận định về tình hình phát triển của thị trường bất động sản Bình Phước trong thời gian qua, theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (R&D) DKRA Việt Nam, thị trường Bình Phước đã có những bước phát triển nhất định trong giai đoạn từ năm 2015 - 2019, nhưng phân khúc phát triển chủ yếu vẫn là đất nền phân lô, người mua chỉ mang tính đầu tư. Tuy nhiên, gần đây, với sự xuất hiện của một vài chủ đầu tư lớn, đã góp phần tạo ra sự “sôi động” cho thị trường bất động sản Bình Phước.
“Có thể thấy, mức giá đất của Bình Phước đã tăng mạnh trong thời gian 3 năm qua, trung bình 10 - 20%/ năm từ năm 2018 - 2020 tùy theo khu vực khác nhau. Đây là thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư, nhưng cũng ẩn chứa rủi ro từ những cơn sốt đất diễn ra đầu năm 2021. Dù vậy, trong tương lai gần, bất động sản Bình Phước sẽ tạo nên lực hấp dẫn trong các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như vùng đô thị TP.HCM”, ông Nguyễn Hoàng cho hay.
Còn ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Asian Holding đánh giá, thị trường bất động sản Bình Phước có sự “thăng - trầm” đan xen. Kể từ thời điểm trước khi Đồng Xoài lên thành phố (2017 - 2018), thị trường đã có sự phát triển khá “nóng”, nhưng qua giai đoạn này lại rơi vào trầm lắng và sôi động trở lại khi tỉnh Bình Phước có chủ trương kêu gọi nhà đầu tư. Gần đây nhất là cơn sốt đất đã “nổ” ra trước thông tin quy hoạch sân bay Téc-Ních.
“Nếu trước đây thị trường bất động sản Bình Phước được ít người biết đến, thì hiện nay đã là khu vực thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, khi lần lượt đổ bộ về đây để phát triển các dự án có quy mô lớn với đa dạng các phân khúc…Nhờ đó, giá đất ở một số địa điểm đã tăng mạnh so với trước đây. Đơn cử như ở TP. Đồng Xoài trước đây giá đất mặt tiền đường chỉ khoảng 15 triệu đồng/m2, thì ở thời điểm hiện tại đã tăng đến 30 - 40 triệu đồng/m2. Tuy giá đất có tăng nhưng so với các tỉnh, thành như: Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM… thì giá đất ở đây vẫn rẻ hơn nhiều và còn dư địa phát triển rất lớn”, ông Hậu nhận định.
Để thị trường này phát triển bền vững cũng như thu hút các nhà đầu tư lớn trong thời gian tới, ông Hậu nói rằng, từ hạ tầng giao thông đến các khu đô thị tại Bình Phước phải được quy hoạch bài bản, đồng bộ. Bên cạnh đó, địa phương cần tạo ra sự thông thoáng trong môi trường đầu tư, cũng như hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính cần nhanh gọn để thu hút nhà đầu tư, cũng như chuẩn bị quỹ đất để đón đầu sự dịch chuyển của doanh nghiệp nước ngoài vào các dự án khu công nghiệp.
“Yếu tố quan trọng nhất là cần tăng cường đầu tư, đẩy nhanh các dự án hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh, thành xung quanh, đặc biệt là kết nối với TP.HCM, từ đó tạo ra cửa ngõ giao thương, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, thuận tiện,…”, Tổng giám đốc Asian Holding nói.
Đáng chú ý, để đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, trong thời gian qua, nhiều chính sách thu hút đầu tư, đồng hành với doanh nghiệp đã được chính quyền tỉnh Bình Phước triển khai thực hiện. Trong đó, trọng tâm là việc tỉnh đã thành lập tổ phản ứng nhanh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, cho thấy khát vọng thu hút đầu tư và tinh thần đồng hành với doanh nghiệp. Đặc biệt, hàng tháng, quý, định kỳ lãnh đạo tỉnh tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, thời gian qua, Bình Phước đã tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử với phương châm hành động “2 nhanh, 3 tốt”: Giải phóng mặt bằng nhanh, giải quyết thủ tục đầu tư nhanh và chính sách tốt, hạ tầng tốt, tình cảm tốt, đã tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến đầu tư tại tỉnh và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Với nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ trong đổi mới tư duy, cách làm, đến nay, Bình Phước đã có 8.581 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký gần 87 ngàn tỷ đồng. Chỉ riêng năm 2020, Bình Phước có 1.230 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 19.900 tỉ đồng. Đặc biệt, khi mới tái lập tỉnh, Bình Phước chỉ có duy nhất 1 dự án đầu tư nước ngoài, nhưng đến nay đã có 272 dự án với số vốn đăng ký 2 tỷ 718 triệu USD, tăng gấp 132 lần. Riêng năm 2020, Bình Phước thu hút 36 dự án với số vốn đăng ký 432 triệu USD.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2030, Bình Phước cũng đã thuận chủ trương quy hoạch mở rộng 3 khu công nghiệp và thành lập mới 4 khu công nghiệp. Công ty Becamex cũng sẽ xây dựng khu công nghiệp và dân cư cao su Đồng Phú quy mô 6.317 ha. Đây là các khu công nghiệp được xây dựng với quy mô lớn và hiện đại, là điều kiện hạ tầng thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Như vậy, với hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện cùng nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư, quỹ đất dành cho bất động sản công nghiệp bậc nhất Đông Nam Bộ, Bình Phước đang là ngôi sao mới về thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Đây cũng là đòn bẩy đột phá kinh tế, tăng trưởng dân số cho địa phương, tạo nền tảng gia tăng giá trị bất động sản nhanh và bền vững.