Aa

Bất động sản du lịch tại Lâm Đồng - Bài 1: Homestay, farmstay "nở rộ", cơ hội đi kèm thách thức

Thứ Năm, 10/10/2024 - 07:18

Homestay, farmstay là những loại hình du lịch được du khách ưa thích, không chỉ mang lại trải nghiệm độc đáo mà còn đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế địa phương. Tại Lâm Đồng, mô hình này đang "nở rộ". Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội "vàng" là hàng loạt thách thức và vấn đề cần giải quyết để đảm bảo phát triển bền vững.


LTS: Lâm Đồng có diện tích tự nhiên lên đến 9.764km², với độ cao trung bình từ 800 đến 1.500m so với mực nước biển. Đặc điểm này mang lại cho tỉnh một khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm, với nhiệt độ trung bình từ 18 đến 25°C. Khí hậu và địa hình lý tưởng đã giúp Lâm Đồng trở thành một trong những điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu tại Việt Nam, đặc biệt là TP. Đà Lạt - được mệnh danh là "thành phố ngàn hoa". Các cảnh quan tự nhiên đẹp như hồ Tuyền Lâm, thác Prenn, đồi chè Cầu Đất và những rừng thông xanh mướt đã tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp thu hút du khách.

Trong những năm gần đây, du lịch Lâm Đồng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt với sự phát triển nhanh chóng của các mô hình homestay và farmstay. Reatimes thực hiện chuyên đề khảo sát, nghiên cứu thực trạng đầu tư, xây dựng, vận hành mô hình homestay, farmstay trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhằm cung cấp cái nhìn toàn cảnh về sự phát triển các mô hình du lịch nêu trên đến độc giả.

Bất động sản du lịch tại Lâm Đồng - Bài 1: Homestay, farmstay "nở rộ", cơ hội đi kèm thách thức- Ảnh 1.

Toàn cảnh thiên nhiên hùng vỹ tại Hồ Tuyền Lâm Đà Lạt

Vị trí địa lý và lợi thế khí hậu - nền tảng vững chắc cho phát triển du lịch

Lâm Đồng, một tỉnh nằm ở khu vực Nam Tây Nguyên của Việt Nam, không chỉ nổi tiếng với những cao nguyên hùng vỹ,  khí hậu mát mẻ quanh năm mà còn là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế.

Lợi thế địa lý của Lâm Đồng được tăng cường bởi hệ thống giao thông phát triển và kết nối mạnh mẽ với các vùng lân cận. Các tuyến quốc lộ 20, 27, 28, và các tuyến tỉnh lộ như 721, 722, 723, 724, 725 đã giúp tỉnh dễ dàng kết nối với các khu vực trọng điểm như TP.HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và các tỉnh Tây Nguyên khác. Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Đà Lạt chỉ còn 3 - 4 giờ, mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch của tỉnh.

Bất động sản du lịch tại Lâm Đồng - Bài 1: Homestay, farmstay "nở rộ", cơ hội đi kèm thách thức- Ảnh 2.

Bình minh mây trắng bao phủ TP. Đà Lạt

Không chỉ dừng lại ở đó, Cảng hàng không Liên Khương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút du khách, với khả năng phục vụ từ 1,5 đến 2 triệu khách mỗi năm, kết nối Đà Lạt với các trung tâm lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và thậm chí là các chuyến bay quốc tế đến Singapore và Siem Reap trong tương lai.

Bất động sản du lịch tại Lâm Đồng - Bài 1: Homestay, farmstay "nở rộ", cơ hội đi kèm thách thức- Ảnh 3.

Cảng hàng không Liên Khương không những thuận lợi cho phát triển kinh tế mà còn đáp ứng được nhu cầu cho khách du lịch trong và ngoài nước

Xu hướng phát triển homestay, farmstay

Homestay, farmstay là những loại hình du lịch được du khách ưa thích, không chỉ mang lại trải nghiệm độc đáo cho du khách mà còn đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế địa phương.

Bất động sản du lịch tại Lâm Đồng - Bài 1: Homestay, farmstay "nở rộ", cơ hội đi kèm thách thức- Ảnh 4.

Cầu Đất Farmstay là trang trại chè nổi tiếng, điểm đến thú vị cho du khách tham quan nơi đây

Với sự phát triển của ngành du lịch, các mô hình lưu trú như homestay và farmstay đã và đang bùng nổ tại Lâm Đồng, trở thành một xu hướng không thể bỏ qua. Khác với các khách sạn hay resort truyền thống, homestay và farmstay mang lại trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên và văn hóa bản địa, nơi du khách có thể hòa mình vào cuộc sống thường nhật của người dân địa phương, trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp và khám phá cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.

Anh Quang, chủ homestay Thỏ Non Garden có vị trí bên Hồ Daklong Thượng, chia sẻ: "Tôi quyết định mở homestay không chỉ vì muốn kinh doanh mà còn vì yêu thích cảnh quan nơi đây. Khách đến đây thường muốn trải nghiệm những gì mà người dân địa phương làm hàng ngày, từ việc trồng hoa, hái rau cho đến việc tham gia các hoạt động như thu hoạch cà phê, điều mà các khách sạn lớn không thể cung cấp được. Bên cạnh đó, Thỏ Non Garden là lựa chọn của các Đoàn làm phim quay phân cảnh tại đây".

Bất động sản du lịch tại Lâm Đồng - Bài 1: Homestay, farmstay "nở rộ", cơ hội đi kèm thách thức- Ảnh 5.

Cảnh đẹp bên Hồ Daklong Thượng

Các farmstay tại Lâm Đồng cũng không kém phần hấp dẫn, khi du khách có cơ hội tham gia trực tiếp vào các hoạt động nông nghiệp như trồng cây, thu hoạch rau, nuôi ong lấy mật, hoặc đơn giản là thưởng thức những sản phẩm nông sản tươi sạch ngay tại vườn. Những trải nghiệm này mang lại cho du khách sự gắn kết chặt chẽ với thiên nhiên và môi trường sống xung quanh, đồng thời giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa.

Bất động sản du lịch tại Lâm Đồng - Bài 1: Homestay, farmstay "nở rộ", cơ hội đi kèm thách thức- Ảnh 6.

Mỗi buổi sáng tại Hana Land du khách không những được hưởng thụ không khí trong lành mà còn được lắng nghe tiếng chim rộn ràng như gọi chào.

Những cơ hội mở ra

Sự phát triển của các mô hình homestay và farmstay tại Lâm Đồng đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế đáng kể. Không chỉ tạo ra nguồn thu lớn cho chủ các cơ sở lưu trú, mô hình này còn tạo ra hàng ngàn việc làm cho người dân địa phương.

Bất động sản du lịch tại Lâm Đồng - Bài 1: Homestay, farmstay "nở rộ", cơ hội đi kèm thách thức- Ảnh 7.

Vườn hoa Đà Lạt là điểm đến tuyệt vời cho những tín đồ yêu thiên nhiên

Người dân có thể tận dụng quỹ đất của gia đình, kết hợp xây dựng các khu lưu trú nhỏ, cung cấp các dịch vụ ăn uống, trải nghiệm nông nghiệp để thu hút khách du lịch. Điều này không chỉ giúp gia tăng thu nhập mà còn giúp phát triển kinh tế cộng đồng theo hướng bền vững, tạo sự gắn kết giữa du lịch và nông nghiệp.

Bất động sản du lịch tại Lâm Đồng - Bài 1: Homestay, farmstay "nở rộ", cơ hội đi kèm thách thức- Ảnh 8.

Hồ Tuyền Lâm là sự lựa chọn cho nghỉ dưỡng, tham quan, hội nghị, cùng nhiều dịch vụ giải trí khác

Trao đổi với PV Reatimes, bà Dương Thị Hiền, Phó Trưởng phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng) cho biết: "Hiện tại, Lâm Đồng có hai cấp độ khu du lịch chính, bao gồm Khu du lịch Quốc gia và Khu du lịch cấp tỉnh. Trong đó, Khu du lịch Quốc gia gồm có Hồ Tuyền Lâm và Đan Kia - Suối Vàng. Đối với Khu du lịch cấp tỉnh, hiện chỉ có Rừng Madaguoi và Thung lũng Tình yêu là đủ điều kiện lưu trú, với khả năng đón tiếp 50.000 lượt khách mỗi năm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khu du lịch cấp tỉnh khác có quy mô rộng lớn, nhưng chưa đạt tiêu chuẩn lưu trú để được công nhận chính thức".

Bà Hiền nhấn mạnh: "Tỉnh đang tập trung khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực và tài nguyên du lịch, gắn liền với tiềm năng phát triển nông nghiệp, làng nghề truyền thống, và các giá trị văn hóa, môi trường sinh thái đặc trưng. Bằng cách xây dựng những mô hình như homestay và farmstay, chúng tôi kỳ vọng tạo ra sự chuyển biến tích cực trong phát triển du lịch, biến Lâm Đồng thành điểm đến an toàn, thân thiện và chất lượng. Việc đẩy mạnh phát triển nông thôn gắn kết với du lịch sẽ giúp tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho cư dân, đồng thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng sống cho người dân".

Bất động sản du lịch tại Lâm Đồng - Bài 1: Homestay, farmstay "nở rộ", cơ hội đi kèm thách thức- Ảnh 9.

Vườn dâu tại IchigoFarm Đà Lạt không những thu hút khách du lịch mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân

Không chỉ dừng lại ở các khu vực trung tâm như Đà Lạt, mô hình homestay và farmstay còn lan rộng ra các huyện lân cận như Bảo Lộc, Lạc Dương, Đức Trọng, nơi mà cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và hệ sinh thái phong phú còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Việc phát triển mô hình này đã giúp kích thích sự phát triển đồng đều giữa các khu vực, hạn chế tình trạng tập trung quá mức vào một điểm đến du lịch duy nhất.

Thách thức đối mặt trong công tác quản lý đất đai và bảo vệ môi trường

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích rõ rệt, việc phát triển mô hình homestay và farmstay tại Lâm Đồng cũng đặt ra nhiều thách thức lớn, đặc biệt là vấn đề quản lý đất đai và bảo vệ môi trường. Khi nhu cầu về các khu đất đẹp, có tầm nhìn hướng ra hồ, suối, đồi thông ngày càng cao, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang xây dựng homestay và farmstay đã gây áp lực lên quỹ đất sản xuất và ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.

Bất động sản du lịch tại Lâm Đồng - Bài 1: Homestay, farmstay "nở rộ", cơ hội đi kèm thách thức- Ảnh 10.

Công trình homestay xây dựng trái phép gây ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích đất sản xuất nông nghiệp

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng, đã có nhiều trường hợp chủ đầu tư không tuân thủ quy hoạch, tự ý xây dựng homestay, farmstay mà không có giấy phép hợp lệ, dẫn đến tình trạng phá rừng, xâm lấn đất nông nghiệp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái. Sở này đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để, cần có sự phối hợp giữa các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương nhằm quy hoạch và quản lý chặt chẽ hơn.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững của mô hình homestay và farmstay, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đang nỗ lực xây dựng và thực thi các chính sách bảo vệ môi trường chặt chẽ hơn. Các dự án mới bắt buộc phải có đánh giá tác động môi trường chi tiết và cam kết bảo vệ hệ sinh thái. Đồng thời, việc xây dựng quy hoạch tổng thể cho các khu vực phát triển homestay, farmstay cũng đang được đẩy mạnh để đảm bảo các dự án này không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên.

Ngoài ra, chính quyền tỉnh cũng tích cực khuyến khích các dự án đầu tư vào mô hình farmstay theo hướng xanh, bền vững, kết hợp với bảo tồn văn hóa bản địa. Các dự án này không chỉ giúp du khách có những trải nghiệm sâu sắc về văn hóa và thiên nhiên mà còn đảm bảo rằng sự phát triển kinh tế không đánh đổi bằng môi trường.

Lâm Đồng, với tiềm năng thiên nhiên phong phú và khí hậu lý tưởng, đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển du lịch bền vững, dưới sự định hướng và chỉ đạo đúng đắn của lãnh đạo tỉnh. Việc khai thác các mô hình homestay và farmstay đã mang lại hiệu quả kinh tế tích cực, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Chính quyền tỉnh luôn khuyến khích các doanh nghiệp và cộng đồng phát triển các dự án du lịch tuân thủ đúng quy hoạch, đảm bảo đủ điều kiện và giấy phép cần thiết.

Tuy nhiên, đối với những trường hợp xây dựng trái phép hoặc không tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, chính quyền kiên quyết xử lý nghiêm để duy trì sự phát triển bền vững và hài hòa. "Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư và cộng đồng phát triển du lịch theo hướng bền vững và tuân thủ pháp luật", bà Dương Thị Hiền, Phó Ttrưởng phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng) khẳng định.

Với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, cùng tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh, Lâm Đồng hướng đến mục tiêu không chỉ là điểm đến hấp dẫn về du lịch mà còn là nơi bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quý giá. Tỉnh cam kết tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các dự án hợp pháp, đồng thời sẽ giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm để bảo vệ cảnh quan, môi trường và đời sống người dân. Với quyết tâm cao độ, Lâm Đồng chắc chắn sẽ khẳng định được vị thế là điểm đến du lịch xanh, thân thiện và phát triển bền vững hàng đầu tại Việt Nam./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top