Aa

Bất động sản khu công nghiệp sẵn sàng đón làn sóng chuyển dịch

Thứ Hai, 06/01/2025 - 10:00

Hãng chứng khoán VPBank Securities (VPBankS) vừa công bố báo cáo ngành bất động sản khu công nghiệp với nhiều điểm đáng chú ý. Trong đó, VPBankS dự báo thị trường bất động sản khu công nghiệp trong giai đoạn 2025 - 2026 sẽ tăng trưởng khả quan nhờ dẫn dắt từ dòng vốn FDI và tín hiệu tích cực về nguồn cung.

Động lực mạnh mẽ từ dòng chảy vốn ngoại

Theo đánh giá từ VPBankS, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục là nguồn động lực thúc đẩy triển vọng ngành bất động sản khu công nghiệp (KCN) ở giai đoạn 2025 - 2026. Trong đó, hãng chứng khoán này kỳ vọng xu hướng "Trung Quốc +1" sẽ giúp gia tăng giá trị đầu tư FDI vào Việt Nam.

Chiến lược "Trung Quốc +1" là xu hướng bắt nguồn từ tình trạng chi phí lao động tại Trung Quốc tăng cao, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và tác động của dịch Covid-19 đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, các tập đoàn quốc tế sẽ giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Thay vào đó, các đơn vị này sẽ chủ động tìm kiếm các thị trường khác để giảm thiểu rủi ro đầu tư.

VPBankS nhận định, tại Việt Nam, xu hướng "Trung Quốc +1" đang ngày càng trở nên rõ nét khi trong 10 năm qua, các loại chi phí tại nước này liên tục gia tăng, làm cho nơi đây không còn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Tại thời điểm cuối quý III/2024, các nhà đầu tư đã và đang có kế hoạch chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trong đó, đa phần là các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo.

Dẫn đầu làn sóng chuyển dịch là Apple với kế hoạch nâng năng lực sản xuất tại Việt Nam đạt 65% AirPods, 20% iPad, 20% Apple Watch và 5% MacBook sản lượng toàn cầu, theo dữ liệu từ hãng dịch vụ tài chính JP Morgan. Ngoài ra, dòng chảy vốn FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam còn có sự xuất hiện của Dell, Lenovo, Google...

Kế hoạch chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam của một số nhà đầu tư (Nguồn: VPBankS)

Kế hoạch chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam của một số nhà đầu tư (Nguồn: VPBankS)

Đánh giá về lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, VPBankS cho rằng so với đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Indonesia thì nước ta đang chiếm ưu thế về chi phí hoạt động và giá cho thuê đất. Nhờ đó, Việt Nam sẽ trở thành lựa chọn đầu tư lý tưởng của các doanh nghiệp FDI.

Đáng chú ý, báo cáo của VPBankS đã nêu rõ, hơn 85% vốn FDI đăng ký mới cho lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo sẽ được sử dụng cho mục đích đầu tư thuê đất khu công nghiệp. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng đối với ngành bất động sản khu công nghiệp trong năm 2025.

Thiếu hụt nguồn cung không còn là rào cản

Cùng với sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, dư địa tăng trưởng quỹ đất tại nhiều tỉnh và thành phố cũng đã được mở ra sau Quyết định 227/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất tại 63 tỉnh/thành phố tới năm 2025. Qua đó, VPBankS kỳ vọng nguồn cung tại cả miền Nam và miền Bắc sẽ cải thiện đáng kể sau khoảng thời gian dài rơi vào tình trạng khan hiếm.

Cụ thể, VPBankS dự kiến nguồn cung mới tại miền Nam ước đạt hơn 1.600ha với trọng tâm tới từ tỉnh Bình Dương nhờ loạt dự án lớn đang chờ phê duyệt pháp lý như KCN Cây Trường (490ha); KCN Nam Tân Uyên mở rộng (254ha); KCN Tân Lập 1 (136ha)...

Đối với miền Bắc, hãng chứng khoán này kỳ vọng nguồn cung sẽ "bùng nổ" tại cả thị trường cấp 1 và cấp 2. Trong đó, Hải Phòng, Bắc Ninh dự kiến sẽ tiếp tục là các địa phương dẫn đầu về nguồn cung mới với các dự án như KCN Tràng Duệ 3 (456ha); KCN Vinh Quang (350ha); KCN Yên Mỹ 2 – giai đoạn 2 (200ha); KCN Hoành Bồ (299ha)...

Trước đó, tại cả hai thị trường miền Nam và miền Bắc nước ta đều ghi nhận sự thiếu hụt nguồn cung. Theo cập nhật dữ liệu từ VPBankS, tình trang khan hiếm đất công nghiệp mới tại khu vực miền Nam đã xuất hiện từ quý II/2022 và kéo dài cho đến cuối quý III/2024. Trong khi đó, thị trường miền Bắc không ghi nhận bất cứ nguồn cung mới nào trong quý II và quý III/2024.

Dựa trên những tín hiệu tích cực hiện tại, VPBankS kỳ vọng ngành bất động sản khu công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng như 9 tháng đầu năm và tiếp nhận thêm nguồn cung mới để đáp ứng nhu cầu tăng thêm trong thời gian tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top