Bất động sản là "thỏi nam châm"
UBND TP.HCM đặt mục tiêu thu hút 24 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2018 - 2022. Trong đó, theo các chuyên gia, bất động sản sẽ là trọng tâm thu hút dòng vốn ngoại.
Theo đánh giá của giới phân tích, mục tiêu thu hút FDI của TP.HCM trong giai đoạn 2018 - 2022 là khả thi, bởi kinh tế Việt Nam đang phát triển ổn định, môi trường đầu cư ngày càng cải thiện, chính trị ổn định, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Trong đó, TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, với nhiều chương trình sẽ được triển khai, đặc biệt là sau khi Quốc hội thông qua việc trao cho TP.HCM cơ chế đặc thù và Thủ tướng Chính phủ thông qua Điều chỉnh quy hoạch Vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, nên vẫn sẽ là địa phương có sức hút lớn nhất cả nước với dòng vốn FDI.
Trong các lĩnh vực thu hút dòng vốn ngoại trên địa bàn Thành phố, bất động sản được đánh giá tiếp tục là “thỏi nam châm” hút dòng vốn này.
Bộ Xây dựng thừa nhận giới đầu cơ thổi giá nhà đất để thu lợi bất chính
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà vừa có báo cáo gửi Quốc hội khóa XIV chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong quản lý xây dựng và thị trường bất động sản.
Báo cáo chỉ rõ: "Giá cả nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính, làm bất ổn thị trường".
Đồng thời, thị trường bất động sản phát triển thiếu minh bạch, từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch bất động sản. Nhiều địa phương chưa thực hiện triệt để hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, vẫn còn tồn tại cơ chế xin-cho trong việc giao dự án bất động sản, dễ phát sinh tiêu cực.
Thị trường tiền tệ dần theo quỹ đạo bình ổn
Tháng 9 chứng kiến lãi suất huy động tăng ở kỳ hạn dài trên 12 tháng, trong khi các kỳ hạn ngắn vẫn khá ổn định. Tăng trưởng huy động đạt 9,15% trong 9 tháng đầu năm, thấp hơn so với mức 10,66% trong năm 2017.
Nhờ sự ổn định trên thị trường thế giới, tỷ giá USD/VND trong nước dao động quanh ngưỡng 23.260/23.340 trong gần hết tháng 9. Tỷ giá bắt đầu tăng vào cuối tháng cùng những tín hiệu tăng của đồng USD. Tỷ giá USD/VND kết thúc tháng 9 ở mức kỷ lục mới 23.310/23.390, tăng 50VND so với tháng 8. Trong khi đó, tỷ giá tự do giảm khá mạnh về 23.400 sau đó lại tăng trở lại ngang mức cuối tháng 8 là 23.470/23.500.
Biến động lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng khá nhạy với tỷ giá. Chênh lệch lãi suất VND - USD được kéo giãn đã giúp tỷ giá hạ nhiệt từ giữa tháng 7.
Trong thời gian này, NHNN đã điều hành thị trường tiền tệ để duy trì lãi suất VND qua đêm ở mức 4%, trong khi lãi suất liên ngân hàng USD vẫn khá ổn định ở mức 2%. Chênh lệch 2% là mức khá an toàn để không gây áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, lãi suất VND giảm trở lại về sát 2% vào nửa cuối tháng 9, khiến chênh lệch lãi suất được thu hẹp, tỷ giá cũng có xu hướng tăng trở lại trong thời gian này.
Tranh cãi về chuẩn căn hộ siêu sang
Các đơn vị môi giới định vị căn hộ giá cao nhất thị trường hiện nay thuộc nhóm sản phẩm siêu sang vì vị trí vượt trội độc nhất vô nhị và giá cao kỷ lục. Cụ thể các dự án này, ngoài giá bán ở ngưỡng 7.000 - 10.000 USD mỗi m2 còn có vị trí nằm trong lõi trung tâm Sài Gòn, tiện ích cao cấp khép kín, được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín, có tiềm lực tài chính mạnh.
Tuy nhiên, khái niệm căn hộ siêu sang dựa trên tiêu chí giá bán đang vấp phải không ít hoài nghi và tranh cãi vì chưa có quy chuẩn cụ thể để đối chiếu, mỗi đơn vị tư vấn khảo sát bất động sản đều có quan điểm riêng về dòng sản phẩm siêu đắt đỏ này. Thậm chí khái niệm căn hộ siêu sang còn bị cho là mang tính tự phong và chưa được một hội đồng thẩm định độc lập công nhận.
Bà Sunny Hoàng, Phó giám đốc Bộ phận Kinh doanh Nhà ở quốc tế Savills TP HCM cho biết, trên thực tế tại Việt Nam chưa có một bộ quy chuẩn chính thức về căn hộ siêu sang. Tham chiếu với các nước phát triển trong khu vực, các căn hộ vươn đến ngưỡng siêu sang phải là tổng hòa của nhiều tiêu chí vượt trội.
Bộ đôi VIC – VHM tạo hiệu ứng mạnh
Thị trường chứng khoán hôm 16/10, nhóm cổ phiếu xây dựng, bất động sản thu hút được dòng tiền khá tốt với các cổ phiếu lớn như DXG, DIG, CTD, HBC, LCG, LDG, LHG, NLG, NVL, VPI…tăng điểm. Đặc biệt cặp đôi VHM và VIC của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính là đầu tàu kéo nhóm ngành nói riêng cũng như thị trường nói chung.
VIC là mã cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất lên Vn-index khi tăng 3,2% lên 98.600 đồng/cổ phiếu, VHM cũng tăng 2,1% lên 74.600 đồng/cổ phiếu. Qua đó tạo hiệu ứng mạnh lên các nhóm ngành khác giúp thị trường càng củng cố vững chắc đà hưng phấn.
Nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục hưởng lợi nhờ giá dầu thế giới ngày 15/10 tăng nhẹ sau khi mất 4% từ tuần trước. Các mã GAS, PVS, PVD, PLX đều đồng loạt tăng giá. GAS dẫn đầu và đóng góp vào chỉ số lớn nhất khi tăng 1,6% lên 116.800 đồng/cổ phiếu. PVS và PVD cùng tăng mạnh trên 3% trong khi PLX tăng 1,1% lên 63.400 đồng/cổ phiếu.