Aa

Bất động sản lại hút tiền vay

Thứ Năm, 31/12/2020 - 08:00

Lãi suất cho vay giảm, biên lợi nhuận cao, lại khá an toàn… nên các ngân hàng vẫn rộng cửa đối với khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà. Đây là nguyên nhân chính khiến dư nợ bất động sản tăng.

Lãi vay trong xu hướng giảm

Ông Hoàng Huy (TP.HCM) cho biết, mới đầu ông tính chờ sang năm mua căn hộ giá tầm 2,5 tỷ đồng, nhưng thấy lãi suất vay giảm, trong khi giá bất động sản lại tăng nên ông quyết định vay thêm gần 1 tỷ đồng để mua căn hộ dự án Safira Khang Điền, quận 9, TP.HCM.

Thực tế, cùng với đà đi xuống của mặt bằng lãi suất chung, lãi suất cho vay mua nhà trả góp đã được các nhà băng đồng loạt cắt giảm. Lãi suất vay mua nhà thấp nhất thuộc về nhóm các ngân hàng nước ngoài như Standard Chartered, Woori Bank, Shinhan Bank, ở mức 6,49 - 8,8%/năm áp dụng cố định cho khoản vay từ 1 - 3 năm; nhóm các ngân hàng PVCombank, Maritime Bank, TPBank, Techcombank, BIDV, Vietcombank... có mức lãi suất ở mức trung bình, phổ biến từ 7,7 - 10%/năm trong vòng 1 - 3 năm đầu tiên tùy ngân hàng.

Một số chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, đây là mức lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Theo lý giải của các ngân hàng, lãi suất cho vay mua nhà giảm dần do nhiều ngân hàng đang khá dồi dào về nguồn vốn, trong khi tăng trưởng tín dụng ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Tại Vietcombank, đối với khách hàng có nhu cầu mua nhà, xây sửa nhà, ngân hàng này cho vay lãi suất ưu đãi từ 6,79%/năm, cố định trong 6 - 12 tháng đầu kề từ ngày giải ngân.

Không chỉ lãi suất cho vay mới, mà với các khoản vay mua nhà cũ, ACB cũng điều chỉnh giảm khi đến kỳ trả lãi 3, 6, 9 tháng hoặc 1 năm, tùy vào hợp đồng. Theo ông Phát, dư nợ cho vay mua nhà ACB có tăng trong 9 tháng đầu năm nay, nhưng không cao như mọi năm. Nguyên nhân chính do tác động của đại dịch Covid-19 đến thu nhập của người tiêu dùng nên cầu vốn mua nhà khó tăng mạnh. Nhận định về xu hướng lãi suất cho vay mua nhà cuối năm 2020, ông Phát cho rằng, khả năng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục điều chỉnh nhẹ.

Dự án của Nhà Khang Điền
Ảnh minh họa.

Thực tế, từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành nhằm giúp vực dậy nền kinh tế. Việc này đã giúp giảm áp lực chi phí dự phòng cho các ngân hàng và giảm chi phí lãi vay cho khách hàng. Do đó, các ngân hàng đã đưa ra các gói kích thích như miễn/giảm lãi và giảm lãi suất cho vay nhằm đảo ngược nhu cầu vốn thấp của người mua nhà do ảnh hưởng của đại dịch. 

Tính đến hết tháng 11/2020, lãi suất vay mua nhà bình quân điều chỉnh từ các ngân hàng trong nước đã giảm khoảng 1,8 điểm phần trăm, về mức 9,5%/năm - thấp nhất trong 10 năm. Trong bối cảnh áp lực lạm phát hạ nhiệt, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong năm 2021.

Dư nợ cho vay mua nhà tăng

Thực tế, các ngân hàng vẫn rộng cửa cho vay bất động sản, nhưng chỉ với khách hàng cá nhân vay mua nhà và tiếp tục hạn chế cho vay chủ đầu tư dự án. Về phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chính thức giãn lộ trình áp dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn thêm 1 năm.

Tại ACB, ông Từ Tiến Phát cho hay, Ngân hàng vẫn đẩy mạnh vốn cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, nhưng ưu tiên vay mua nhà phố, căn hộ trong các dự án có liên kết với ngân hàng, đồng thời “nói không” với các chủ đầu tư dự án bất động sản và kiểm soát chặt rủi ro.

Với Techcombank, trong năm 2020, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên 13%, một phần nhờ dựa vào hệ sinh thái bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng mà ngân hàng này đang có thông qua bắt tay với một số “ông lớn” bất động sản như Vingroup, Sun Group...

Thực tế, không ít cổ đông bày tỏ sự lo lắng về việc Ngân hàng dựa quá nhiều vào bất động sản, nhưng theo lãnh đạo Techcombank, đây là lĩnh vực được Ngân hàng xác định ưu tiên từ 5 năm trước do có nhiều lợi thế và thực tế cũng đã phát triển nhanh trong những năm vừa qua.

Theo các nhà băng, nếu nói rủi ro trong cho vay thì không chỉ riêng bất động sản, mà tất cả các lĩnh vực đều có rủi ro nếu không được kiểm soát chặt. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát vấn đề dư nợ bất động sản chặt chẽ hơn nhiều so với giai đoạn nhà đất tăng nóng trước đây.

Cụ thể, Thông tư 22/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ đầu năm nay theo hướng tiếp tục siết lại hoạt động cho vay bất động sản khi giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; đồng thời tăng hệ số rủi ro đối với khoản vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%. Điều này khiến các ngân hàng hạn chế cho vay kinh doanh bất động sản, mà chủ yếu cho cá nhân vay mua nhà.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội mới đây cho biết, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng cao hơn mức tăng trưởng dư nợ tín dụng chung và tập trung chủ yếu vào dư nợ phục vụ mục đích tự sử dụng. Theo đó, đến nay, tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 19% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm tỷ trọng 62,43%.

Báo cáo phân tích ngành bất động sản của VNDirect vừa công bố cho thấy, thị trường phục hồi trên diện rộng sẽ giúp thúc đẩy ngành bất động sản trong năm 2021. Một phần nhờ chính sách lãi suất cho vay mua nhà được các ngân hàng đưa ra thấp hơn. Các ngân hàng cũng cho biết, lãi suất cho vay mua nhà sẽ còn giảm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top