Aa

Bất động sản miền Trung 2024: "Gỡ rối" từ chính sách

Thứ Ba, 27/02/2024 - 06:00

Song song với các giải pháp từ Chính phủ nhằm giải quyết khó khăn, đưa thị trường bất động sản vượt qua giai đoạn trầm lắng để quay trở lại đà phát triển thì nhiều địa phương cũng có những chính sách “gỡ rối” riêng, phù hợp với tình hình đặc trưng của mỗi tỉnh, thành phố và mỗi khu vực. Trong đó, mục tiêu chung vẫn là khơi thông nguồn lực đất đai để tạo động lực phát triển.

Những dấu hiệu khởi sắc và kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường bất động sản trong giai đoạn 2024 - 2025 đã và đang xuất hiện tại một số tỉnh miền Trung khi chính quyền các địa phương có những giải pháp riêng, phù hợp với thực tế để củng cố niềm tin, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hướng tới phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

Đối với Đà Nẵng, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam, hiện địa phương này đang thực hiện 4 kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đất đai, tài nguyên, rừng, các khu du lịch… và 3 bản án của tòa đã tuyên. Hiện vướng mắc của các doanh nghiệp tại Đà Nẵng được chia thành 5 nhóm gồm: Các vướng mắc do thành phố chủ động giải quyết; các vướng mắc thuộc thẩm quyền bộ, ban, ngành; các vướng mắc thuộc thẩm quyền Chính phủ; các vướng mắc thuộc thẩm quyền Quốc hội; các vướng mắc thuộc thẩm quyền Bộ Chính trị.

Về tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến dự án không thuộc phạm vi xử lý của Tổ công tác 153 của Chính phủ, đến nay Đà Nẵng đã hoàn thành tháo gỡ vướng mắc liên quan đến đất đai với 2/32 dự án (Khu đô thị Capital Square 2 và Khu đô thị Capital Square 3); 2 dự án đã báo cáo xin ý kiến chuyên môn của cơ quan Trung ương và đã có văn bản phúc đáp để tiếp tục triển khai thực hiện (Quần thể Khu du lịch sinh thái Bà Nà - Suối Mơ và dự án Khu tổ hợp văn phòng cho thuê, khách sạn và chung cư Redstar); 6 dự án đã có văn bản xin ý kiến của các cơ quan Trung ương để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc (Khu đô thị xanh Dragon City-Park; Khu số 4 mở rộng - Khu đô thị mới Nam cầu Tuyên Sơn; Khu dân cư Xuân Thiều…) và 14 dự án đang rà soát để thực hiện tháo gỡ vướng mắc theo kế hoạch.

Bất động sản miền Trung 2024:

Đà Nẵng đang tích cực tháo gỡ các vướng mắc về đất đai để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực phát triển. (Ảnh: Đông Duy)

Về tập trung triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn thu cho ngân sách và phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ… đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Đà Nẵng hiện có 6 khu đất lớn và 60 lô đất ở chia lô đã được phê duyệt phương án đấu giá, quyết định đấu giá, triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất trong quý II/2023; 11 khu đất lớn và 65 lô đất ở chia lô triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất trong quý III/2023; 8 khu đất lớn và 65 lô đất ở chia lô triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất trong quý IV/2023.

Ngoài nỗ lực khơi thông điểm nghẽn đất đai tồn tại trong nhiều năm, Đà Nẵng cũng “hưởng ứng” tích cực Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng của Chính phủ. Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng cũng đã xác định 3 dự án có nhu cầu vay vốn trong gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, trong đó có 2 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp và 1 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân.

Cụ thể, dự án Chung cư cho người thu nhập thấp tại Khu dân cư An Trung 2 (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) do Liên danh Công ty Cổ phần Đức Mạnh - Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng 579 làm chủ đầu tư, quy mô 957 căn hộ, tổng mức đầu tư 661 tỷ đồng, có nhu cầu vay vốn đăng ký là 270 tỷ đồng; dự án Chung cư cho người có thu nhập thấp tại Khu tái định cư Đại Địa Bảo (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) do Liên danh Công ty Cổ phần Đức Mạnh - Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng 579 làm chủ đầu tư, quy mô 739 căn hộ, tổng mức đầu tư 367 tỷ đồng, có nhu cầu vay vốn đăng ký là 90 tỷ đồng; dự án Khu chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) do Công ty Cổ phần Địa ốc Xanh Sài Gòn Thuận Phước làm chủ đầu tư, có quy mô 1.760 căn hộ với tổng mức đầu tư 1.018 tỷ đồng, nhu cầu vốn vay đăng ký là 185,618 tỷ đồng.

Như vậy, với việc chủ đầu tư của 3 dự án nhà ở xã hội kể trên tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Đà Nẵng được đảm bảo triển khai, tạo ra nguồn cung mới với giá trị lớn về giải quyết nhu cầu ở cho nhiều đối tượng khách hàng, đồng thời tạo điểm sáng và góp phần đưa thị trường bất động sản đi vào đà hồi phục.

Bất động sản miền Trung 2024:

Trở ngại về pháp lý làm cho nhiều dự án bất động sản “đứng hình” trong thời gian qua. (Ảnh: Đông Duy)

Với Quảng Nam, phần lớn các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh đều gặp vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và nghĩa vụ tài chính xuất phát từ các quy định, thủ tục pháp lý. Chia sẻ với những khó khăn mà các chủ đầu tư gặp phải, thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chỉ đạo, yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ từ các sở, ban, ngành và địa phương để cùng nhau tháo gỡ vướng mắc tại các dự án. Trong đó tập trung hỗ trợ, thực hiện giải phóng mặt bằng để giao đất cho chủ đầu tư sớm thi công hoàn thành dự án. Tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị có sự chủ động của các đơn vị đối với những trường hợp không thể giải quyết được mà vị trí vướng mắc không ảnh hưởng đến việc kết nối với hạ tầng khung bên ngoài và hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt thì nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh quy hoạch và thủ tục liên quan.

Bất động sản miền Trung 2024:

Bất động sản nghỉ dưỡng chịu tác động mạnh bởi khó khăn của ngành du lịch.

Với vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các dự án, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư để thực hiện các dự án, trong đó có các dự án đầu tư xây dựng nhà ở sau khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định, đảm bảo chặt chẽ về hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật về đất đai…

Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng cần rà soát, tăng cường thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất đối với các khu đất phù hợp với mục đích đất ở theo quy định của pháp luật để thực hiện các dự án nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu cho thị trường bất động sản. Đẩy mạnh thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư làm tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại cho thị trường bất động sản. Tăng cường thanh, kiểm tra đồng thời xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm pháp luật về xây dựng, đất đai theo đúng chức năng, thẩm quyền. Đồng thời, rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai, sử dụng sai mục đích để đôn đốc, xử lý vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Đặc biệt, chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, trái pháp luật gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, tỉnh kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ; đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; rút ngắn thời gian xử lý công việc và nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được HĐND tỉnh thông qua và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ bản quy hoạch này, định hướng phát triển của tỉnh được nhận diện một cách rõ nét.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, để sớm đạt mục tiêu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh đã tập trung xây dựng các chương trình, đề án, ưu tiên đầu tư cho mạng lưới hạ tầng quy mô lớn mang tính liên huyện, liên tỉnh, kết nối các hành lang kinh tế, mạng lưới giao thông vùng, khu vực, quốc tế. Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh để xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phát huy lợi thế đô thị ven biển; gắn với vị thế 4 trung tâm của vùng và cả nước.

Bất động sản miền Trung 2024:

Thừa Thiên Huế là nơi được kỳ vọng hồi sinh thị trường bất động sản khu vực Bắc Trung Bộ. (Ảnh: Đăng Hậu)

Được biết, trong thời gian qua Thừa Thiên Huế cũng đã thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư và phát triển nhiều dự án bất động sản như các dự án phát triển khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng, khu đô thị, chung cư hay trung tâm thương mại lớn. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cũng đang triển khai dự án nhà ở xã hội với quy mô hơn 1.000 căn. Ngoài ra, tỉnh đã ban hành Công văn số 10737/UBND-XD yêu cầu Sở Xây dựng; các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã và TP. Huế đẩy mạnh thực hiện việc rà soát, trình, phê duyệt (phê duyệt điều chỉnh) quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng đảm bảo tuân thủ các quy định, quy chuẩn về quy hoạch xây dựng để triển khai thực hiện các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã được giao tại Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 16/6/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” của Chính phủ trên địa bàn. Đồng thời, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Trao đổi với Reatimes về tình hình thị trường bất động sản tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thừa Thiên Huế nhận định, thị trường bất động sản đang trong thời kỳ thanh lọc. Đây là thời gian vàng để tái cấu trúc và nắm bắt cơ hội chuẩn bị cho đà phục hồi sôi động trở lại của thị trường trong thời gian tới. Ông Tuấn cho biết, TP. Huế có bề dày lịch sử và các di sản rất độc đáo, tỉnh đang chú trọng đầu tư hạ tầng để khơi dậy tiềm năng và mở ra không gian phát triển mới. Chính quyền địa phương cũng đang thực hiện nhiều giải pháp thu hút đầu tư, thông qua chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

“So với các thị trường lớn thì giá bất động sản ở Thừa Thiên Huế vẫn dễ tiếp cận hơn. Với những thuận lợi trên, chắc chắn rằng thị trường bất động sản tại Thừa Thiên Huế sẽ còn phát triển mạnh mẽ và nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư”, ông Tuấn đánh giá.

Để khơi thông và phát huy nguồn lực đất đai tại địa phương, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan ưu tiên giải quyết, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính khi tham gia ý kiến, thẩm định, phê duyệt phương án đấu giá, quyết định đấu giá, giá khởi điểm, thông báo nộp tiền trúng đấu giá; các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh kích thước chia lô phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất.

UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND TP. Đông Hà, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thống nhất phương án điều chỉnh kích thước chia lô của các dự án đảm bảo phù hợp với nhu cầu của thị trường trong điều kiện hiện nay. Trong đó, nghiên cứu các khu vực, vị trí phù hợp với phân khúc các thửa đất có chiều rộng từ 6m đến 7m. Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh chủ động nghiên cứu, lập hồ sơ điều chỉnh kích thước chia lô theo phương án đã thống nhất để trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, phục vụ công tác đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định hiện hành.

UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã chỉ đạo việc thực hiện giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp đã đấu giá từ 2 lần trở lên mà không thành; công tác đấu giá quyền sử dụng đất thương mại, dịch vụ…

Bất động sản miền Trung 2024:

Khu đô thị Vincom Shophouse Royal Park Quảng Trị là một trong những điểm nhấn trên thị trường bất động sản Quảng Trị trong thời gian qua. (Ảnh: Đăng Hậu)

Đánh giá về tình hình bất động sản ở Quảng Trị, ông Văn Tiến Lực, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Qua đợt sốt đất, tất yếu sẽ để lại nhiều “biến chứng”, nên giao dịch bất động sản tại thị trường Quảng Trị trong năm 2023 không còn sôi động so với những năm trước. Nhưng với nhiều chính sách phát triển của địa phương, thị trường bất động sản ở Quảng Trị đang trở lại giai đoạn hồi sinh, kỳ vọng sớm có một thị trường sôi động ổn định và bền vững”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top