Khu nghỉ dưỡng ế khách
Sau một thời gian phát triển nóng, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở Phú Quốc (Kiên Giang) đang nằm “đắp chiếu” kéo dài. Theo thông tin từ các đơn vị môi giới bất động sản nghỉ dưỡng ở Phú Quốc, 7 tháng đầu năm nay, sức mua nhà phố, biệt thự, shophouse nghỉ dưỡng ven biển đang giảm xuống mức kém nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Trong khi đó, dữ liệu của bộ phận Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2023, lượng tồn kho bất động sản nghỉ dưỡng ở thị trường Phú Quốc đã lên tới 17.600 sản phẩm, bao gồm cả condotel, shophouse và biệt thự nghỉ dưỡng. Con số này đã đưa Phú Quốc trở thành thị trường đứng thứ ba về tồn kho bất động sản nghỉ dưỡng (chiếm 24% tổng tồn kho cả nước).
Riêng phân khúc condotel, trong 7 tháng đầu năm nay tại Phú Quốc không ghi nhận nguồn cung mới, lượng giao dịch thứ cấp đóng băng. Tương tự, loại hình biệt thự nghỉ dưỡng và shophouse cũng rơi vào tình trạng trầm lắng vì không có giao dịch trong suốt một thời gian dài.
Tình trạng vắng khách du lịch xảy ra nghiêm trọng hơn ở những khu nghỉ dưỡng nằm ở xa khu dân cư. Những khu nghỉ dưỡng này thường có kiểu dáng tương tự nhau và đã nằm “đắp chiếu” nhiều năm nay. Nếu trong thời gian tới không có giải pháp kích cầu, cải thiện thanh khoản thì những dự án này sẽ sớm trở thành những “đô thị ma”.
Bà Nguyễn Thị Hiền - Một nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng lâu năm ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ, trong bối cảnh thị trường bất động sản có nhiều khó khăn, biến động, người mua càng mất dần niềm tin vào các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng vì giá cao, chưa rõ ràng về pháp lý. Thêm vào đó, một thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã phát triển nóng nhiều năm như Phú Quốc, cơ hội kinh doanh ngày càng thu hẹp, điều này gây nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư.
Chủ đầu tư lao đao
Sức tiêu thụ yếu kém khiến nguồn hàng tồn kho bất động sản nghỉ dưỡng ngày càng trầm trọng. Đây là gánh nặng lớn cho các chủ đầu tư trong bối cảnh tình hình kinh doanh khó khăn như hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Mạnh - Chủ đầu tư một dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở Phú Quốc cho biết, khác với mọi năm, lượng khách hàng đặt phòng cho dịp nghỉ lễ rất ít. Trong đợt nghỉ lễ mộng 2/9 vừa qua, khu nghỉ dưỡng của ông chỉ ghi nhận vài khách du lịch nội địa đặt phòng, còn khách nước ngoài thì hoàn toàn không có.
Vì lượng khách hàng thuê phòng không nhiều, công ty ông đã cắt giảm 40% nhân sự và chỉ giữ lại các vị trí trọng yếu. Hiện tại, guồng làm việc của công ty ông chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm ngoài, rất nhiều vị trí công việc được tinh giảm bớt để tiết kiệm chi phí hoạt động.
“Doanh thu từ lượng khách du lịch thuê phòng hàng tháng không được bao nhiêu nên 2 tháng nay, tôi không thể xoay sở được dòng tiền để trả lương cho nhân viên. Nhân viên nghỉ việc rất nhiều, sắp tới tôi cũng sẽ tinh giảm bớt thêm một số vị trí công việc để tiết kiệm tối đa chi phí”, ông Mạnh chia sẻ.
Theo bà Ngân Phạm - Quản lý Tư vấn Savills Hotel, từ cuối năm 2022, thị trường không được sôi động như thời điểm trước đại dịch. Nguyên nhân chủ yếu là do việc kiểm soát tín dụng chặt chẽ hơn và các điều kiện kinh tế vĩ mô khiến các nhà đầu tư cá nhân trở nên do dự. Vì vậy, các chủ đầu tư khá cẩn trọng trong việc giới thiệu, mở bán dự án trong giai đoạn này.
Thêm vào đó, hiện nay, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Phú Quốc chủ yếu chú trọng vào quy mô, với các dự án có mật độ xây dựng dày đặc và tập trung quá nhiều vào các sản phẩm bán. Nhiều chủ đầu tư chạy đua phát triển các sản phẩm “luxury” và “wellness” nhưng chưa thật sự hiểu đúng các khái niệm này cũng như thiếu sự cân nhắc đến các yếu tố cộng hưởng xung quanh.
Vị chuyên gia này cho rằng, để phát triển các sản phẩm nghỉ dưỡng một cách bền vững, các chủ đầu tư cần nắm bắt tốt các xu hướng trên thị trường và nghiên cứu cẩn trọng trong giai đoạn hoạch định, nhằm tạo ra các sản phẩm đa dạng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của các nhóm du khách.
Các đơn vị phát triển, chính quyền địa phương cần hiểu được rằng cốt lõi của ngành du lịch xoay quanh việc tạo ra trải nghiệm cho khách hàng từ lúc họ lên kế hoạch cho điểm đến cho đến hành trình du lịch tại điểm đến. Bên cạnh đó, Phú Quốc cần có một chiến lược quảng bá, truyền thông điểm đến hiệu quả, đa dạng hơn. Thông điệp truyền thông cần rõ ràng truyền tải được các giá trị độc đáo, nét hấp dẫn của điểm đến cũng như phản hồi kịp thời với các thông tin ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch Phú Quốc.
“Cá nhân tôi cho rằng, không chỉ các doanh nghiệp trong ngành nghỉ dưỡng mà mỗi cá nhân trên đảo đều đóng vai trò quan trọng trong việc đem đến những trải nghiệm tích cực cho du khách thông qua việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, cũng như giữ gìn môi trường cảnh quan, bảo tồn truyền thống văn hóa địa phương”, bà Ngân nói.