Theo báo cáo mới nhất của DKRA Group về thị trường trong tháng 7/2023, nguồn cung mới biệt thự nghỉ dưỡng tiếp tục có xu hướng giảm từ cuối quý II đến nay. Nhiều dự án liên tục dời thời gian triển khai bán hàng do lượng đặt hàng không như kỳ vọng. Tháng 7 vừa qua, chỉ có 1 dự án mới mở bán, tương đương 40 căn, giảm 88% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, sức cầu của thị trường vẫn còn rất thấp khi chỉ có 1 căn biệt thự được giao dịch thành công, giảm 99% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ hấp thụ chỉ rơi vào khoảng 3%.
Giữa bối cảnh khó khăn của thị trường, mức giá chào bán tương đối cao cùng với đó là tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến thanh khoản trở nên trầm lắng. Ngoài ra, các yếu tố về pháp lý, lãi suất và sự hồi phục chậm của ngành du lịch cũng là nguyên nhân khiến thị trường nghỉ dưỡng tiếp tục ảm đạm, các chuyên gia của DKRA nhận định.
Trên thị trường sơ cấp, giá bán không có nhiều biến động so với tháng trước. Tiếp nối các chiến dịch từ trước đó, nhiều chủ đầu tư vẫn áp dụng những chương trình hỗ trợ lãi suất, ưu đãi chiết khấu nhanh lên đến 40 - 50% nhằm kích cầu khách mua.
Đối với phân khúc shophouse nghỉ dưỡng, nguồn cung mới trong tháng 7 đã tăng so với giai đoạn 6 tháng đầu năm. Dẫu vậy, các số liệu cho thấy tình hình chưa thực sự khả quan. Cụ thể, thị trường chỉ ghi nhận 2 dự án chào hàng và tất cả đều thuộc giai đoạn mở bán tiếp theo. Với 95 căn được ra mắt, nguồn cung mới vẫn giảm tới 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ hấp thụ chỉ dừng ở mức 1%. Ngoài ra, giá bán sơ cấp cũng không thay đổi nhiều. Trong khi đó, các chủ đầu tư lại liên tục tung ra những chính sách ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc… Bất chấp những động thái trên, lượng tiêu thụ vẫn còn hạn chế và chỉ bằng 1% so với cùng kỳ năm 2022.
Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng chỉ ra rằng, trong quý II/2023, các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp gần như không ghi nhận giao dịch, phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cắt lỗ của nhà đầu tư mua trước đó, tồn kho lớn. Các chủ đầu tư vẫn tiếp tục áp dụng những chính sách cam kết, chia sẻ lợi nhuận, hỗ trợ lãi suất nhằm kích cầu thị trường… nhưng hiệu quả không cao.
Giá bán bất động sản nghỉ dưỡng có xu hướng đi ngang trong cả 6 tháng đầu năm 2023. Các sản phẩm ở khu vực miền Nam ghi nhận giá bán cao nhất, đạt gần 200 triệu đồng/m2, còn khu vực miền Bắc và miền Trung có giá bán khoảng 80 triệu đồng/m2. VARS dự báo, cần chờ đến quý cuối năm nay để quan sát sự biến chuyển thanh khoản bất động sản nghỉ dưỡng.
Nghị định số 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai với việc cho phép cấp sổ hồng cho các loại hình căn hộ nghỉ dưỡng có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy thanh khoản thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Dẫu vậy, việc cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng vẫn rất chậm vì phải còn chờ hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, theo quan điểm của các chuyên gia thì do chưa có sự thống nhất giữa Luật Đất đai và các sắc luật liên quan như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Điều này ảnh hưởng lớn đến tâm lý người mua các tài sản nghỉ dưỡng, đây cũng là lý do khiến sức tiêu thụ hiện nay rất yếu.
Theo dự báo của các chuyên gia DKRA Group, bất động sản nghỉ dưỡng cần ít nhất 3 năm nữa mới tìm lại thế cân bằng và dần xuất hiện tín hiệu tích cực đáng kể. Trước mắt, thị trường chưa có hy vọng tăng tốc trong 2 quý cuối năm 2023 và nhiều khả năng đà giảm thanh khoản của các tài sản nghỉ dưỡng ven biển còn tiếp diễn./.