Bất động sản tại 4 huyện đề xuất lên quận: Nhà đầu tư chơ vơ sau cơn sốt
Những tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản Hà Nội dậy sóng với cơn sốt đất đồng loạt ở 4 huyện vùng ven có thông tin lên quận vào năm 2020 là Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh và Gia Lâm.
Những biến động ngoạn mục về giá đã được thiết lập trong thời gian ngắn tại các khu vực trên. Tuy nhiên, khoảng 3 tháng nay, sóng đã “lặn” ở các thị trường ven.
Đến hiện tại, thị trường đã hạ nhiệt và rơi vào cảnh trầm lắng, giao dịch diễn ra nhỏ giọt ở 1 số nơi. Trong cơn nóng sốt, đất tại Nguyên Khuê, Lễ Pháp được "hét" lên 28-30 triệu đồng/m2 thì nay cũng chính những mảnh đất thuộc khu vực đó, giá rao bán quay đầu “ngoạn mục” với mức khoảng 20 triệu đồng/m2. Đất tại Xuân Canh, thay vì mức “khủng” 35 - 40 triệu đồng/m2, giá đang được rao bán chỉ dao động từ 20-22 triệu đồng/m2.
Những mảnh đất trên đường An Đào A, Đào Nguyên A, trong cơn sốt đất đầu năm giá hét lên 38-45 triệu đồng/m2 thì đến nay những mảnh đất đó vẫn chưa có chủ mới. Khi phóng viên đặt vấn đề mua, chủ đất ngập ngừng đưa mức giá thấp hơn 2 giá so với thời điểm nóng sốt là 39 triệu đồng/m2. Thấy khách mua tỏ vẻ không mặn mà với mức giá đó, chủ đất vớt vát: “Giá vẫn có thể thương lượng, nếu thiện chí sẽ giảm thêm”.
Chính thức có kết luận thanh tra Khu đô thị mới Thủ Thiêm
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có Thông báo số 1041/TB-TTCP về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM.
Theo TTCP, quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TP.HCM (các thời kỳ trước), các sở, ngành liên quan đã có nhiều khuyết điểm, vi phạm trong lập quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai.
Kết quả thanh tra cho thấy, trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng khu đô thị mới thủ thiêm, UBND TP và các sở, ngành liên quan đã có những khuyết điểm, vi phạm.
Thứ nhất, về việc chấp hành pháp luật trong quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, TTCP đã phát hiện UBND TP ban hành điều lệ quản lý xây dựng KĐTM Thủ Thiêm chưa đầy đủ, kịp thời, không thực hiện việc lập các dự án theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo quy định theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chỉ lập, trình, duyệt dự án khi đã có nhà đầu tư tham gia mà không theo thứ tự ưu tiên dẫn đến việc đầu tư xây dựng các dự án thiếu đồng bộ, khó quản lý, có nơi còn buông lỏng quản lý việc đầu tư xây dựng, chậm triển khai đầu tư xây dựng...
Chủ tịch FLC lý giải nguyên nhân giá cổ phiếu về dưới mệnh giá
Tại đại hội cổ đông lần này, điểm khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn là vì sao FLC đã và đang thực hiện nhiều dự án lớn nhưng giá cổ phiếu FLC cứ dưới mệnh giá. Trả lời vấn đề này, ông Trịnh Văn Quyết cho biết:
“Cổ phiếu của FLC mấy năm nay luôn luôn ở dưới mệnh giá. Hiện nay, nhiều cổ phiếu trên thị trường có giá cổ phiếu không đúng giá trị thực của doanh nghiệp và FLC là một trong những trường hợp như thế. Bản thân tôi cũng thấy buồn lắm, buồn đến mức cả tháng tôi không xem bảng điện tử. Tuy nhiên về lý do khách quan, kế hoạch kinh doanh 3 năm gần nhất đều lợi nhuận trên dưới 500 tỷ đồng. Lợi nhuận tăng, tổng tài sản tăng, vốn vay ngân hàng ít. Nhưng hiện nhà đầu tư đánh giá không đúng giá trị thực của Tập đoàn.
Còn nguyên nhân chủ quan, cá nhân tôi giữ 50% rồi các cổ đông lớn khác cũng chiếm phần lớn nên hiện tại nguồn cung cổ phiếu FLC trên thị trường không nhiều. Chỉ cần tôi mà bỏ tiền ra mua thêm 10 - 20% nữa thì giá trị cổ phiếu FLC sẽ khác, giá chắc chắn sẽ tăng. Tuy nhiên, nếu hiện tại tôi mua thêm 10 - 20% giá trị cổ phiếu FLC nữa thì thanh khoản của cổ phiếu FLC sẽ bị cô đặc, không tốt cho cổ đông nhỏ lẻ".
Dễ dãi phá vỡ quy hoạch
Cả nước có gần 1.400 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần. Đó là con số báo động về số dự án được điều chỉnh theo kết quả giám sát của Quốc hội được công bố mới đây.
Quy hoạch kém và dễ dàng bị thay đổi đang khiến Hà Nội và nhiều địa phương rơi vào mớ bòng bong: Quy hoạch, sửa, không gian sống ngột ngạt, chất lượng sống của người dân đi xuống.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng (tỉnh Bình Dương), tình trạng vi phạm trong quản lý quy hoạch và quản lý trật tự đô thị khá phổ biến, nhưng việc xử lý còn lúng túng, bị động và chưa nghiêm.
Còn theo đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), việc thay đổi quy hoạch tùy tiện, nhiều lần theo hướng làm lợi cho nhà đầu tư mà thu hẹp lợi ích của dân cư.
Phải chăng chúng ta quá dễ dãi trong việc lập quy hoạch, quá dễ thỏa hiệp trong việc điều chỉnh quy hoạch?
Trước nghi vấn về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết có thể do sức ép, theo lợi ích của doanh nghiệp, người đứng đầu Bộ Xây dựng nhìn nhận: “Tôi chưa có thông tin về vấn đề này, nhưng cũng không loại trừ”.
Không có thiết kế đô thị: Bộ mặt thành phố lem nhem, "vô hồn"
Ở hầu hết các con đường, ngõ phố Hà Nội hay TP. HCM, ấn tượng đầu tiên đối với du khách có lẽ là sự nhem nhuốc, lổm chổm của những dãy nhà san sát nhau mà không có bất kỳ điểm chung hay sự thống nhất nào. Đáng nói hơn, những hình ảnh này hiện diện ở cả những con phố cũ lẫn những con phố mới.
Đi dọc những con phố cũ, phố cổ như Lò Sũ, Mã Mây, Hàng Bè, Hàng Bạc không khó để nhìn thấy những căn nhà mặt phố đang “đeo ba lô” nhếch nhác; những “chuồng cọp”, “chuồng chim” bằng rào sắt, mái tôn có vẻ kiên cố được dựng lên bịt kín lối thoát hiểm của căn nhà.
Ở những tuyến đường mới mở như Nguyễn Văn Huyên, Trương Công Giai… cũng bởi những giá trị “vàng” mà ngôi nhà mặt tiền đem lại nên cũng dẫn đến một thực tế, đường thông đến đâu, nhà mọc đến đó nhưng lại không có một quy tắc trật tự nào.
Những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, hình tam giác, hình thoi… với diện tích khiêm tốn cứ thế mọc lên nhan nhản trên nhiều tuyến phố gây mất mỹ quan đô thị. Tất cả tạo nên bức tranh chung của đô thị Việt Nam đang hiện hữu là những mặt phố na ná nhau, lộm cộm, nhếch nhác. Có những tuyến phố, nhà ống mọc lên quá dày đặc, trong khi có những con đường lại phải oằn mình gánh chi chít cao ốc.