Thị trường đã "thoát đáy"
Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam trong năm 2024 được cho đã đi qua được giai đoạn khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng để tiến vào "pha" phục hồi nhờ sự tác động của loạt yếu tố hỗ trợ đến từ sự tăng trưởng tích cực của nền kinh tế, các đạo luật liên tiếp được thông qua, mặt bằng lãi suất thấp...
Một trong những biểu hiện rõ nét nhất của sự phục hồi của thị trường đó là việc nguồn cung đã được cải thiện, giao dịch đã tăng và mức giá bán các sản phẩm cũng đã "nóng lên".
Theo như thống kê của Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS), lũy kế 9 tháng trong năm 2024, toàn quốc có 30.589 giao dịch bất động sản thành công, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, thị trường BĐS trong năm 2024 cũng có sự phân hóa sâu sắc về địa bàn. Cụ thể, trong khi miền Bắc khá sôi động thì miền Nam lại tương đối trầm lắng; trong khi các TP lớn như Hà Nội vô cùng nhộn nhịp thì các tỉnh đa phần lại không có quá nhiều biến đổi.
Thực tế, thị trường là "cuộc chơi" của các doanh nghiệp nước ngoài và một nhóm nhỏ các doanh nghiệp trong nước.
Và trong "cuộc chơi" này, chỉ có một nhóm nhỏ thành công trong khi 90% doanh nghiệp đầu tư BĐS vẫn còn khó khăn, ông Phạm Đức Toản - CEO Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) nhận định.
Việc thị trường BĐS tại Hà Nội cuối năm 2024 có dấu hiệu chững lại, giá không tăng, thanh khoản chậm, có hiện tượng điều chỉnh giá để bán hàng được cho là kết quả của việc giá đã "tăng sốc" trong năm và sau đó neo chắc ở vùng giá cao, khiến thị trường khó có thể hấp thụ.
Nguồn cung dồi dào nhưng giá sẽ không giảm
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), nguồn cung trong năm 2025 sẽ dồi dào hơn so với năm 2024.
Nguyên nhân do hành lang pháp lý đã được thiết lập, Chính phủ cũng như các địa phương đã nỗ lực gỡ vướng cho các dự án, niềm tin của các chủ đầu tư cũng đã được củng cố.
Cấu trúc nguồn cung cũng sẽ có sự biến đổi đáng kể nhờ sự xuất hiện nhiều hơn của các dự án nhà ở xã hội. Trong khi đó, nhìn nhận về cầu của thị trường, ông Đính cho rằng cầu sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Trong năm 2025, Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%, "như vậy không có lý do gì cầu lại giảm" bởi các hoạt động đầu tư công, phát triển hạ tầng sẽ được đẩy mạnh, kích thích nhu cầu đầu tư BĐS nhiều hơn.
Với nguồn cung dồi dào, áp lực về cầu sẽ giảm bớt và người mua cũng sẽ có thêm lựa chọn do đó, số lượng giao dịch cũng sẽ tăng trưởng.
Theo ông Đính, dù nguồn cung tăng có thể giải tỏa áp lực về cầu nhưng các yếu tố đầu vào của dự án bất động sản vẫn tăng thì giá bán sẽ rất khó giảm.
"Đơn cử tiền sử dụng đất sẽ gia tăng do bảng giá đất mới cao hơn nhiều lần so với trước đây", ông Đính nhận định.
Khi nhìn nhận về phân khúc và địa bàn tiềm năng, ông Đính cho rằng các TP lớn như Hà Nội, TP. HCM cũng như các địa phương đang có sự phát triển mạnh như Hải Phòng, Quảng Ninh hay Đà Nẵng sẽ có nhiều triển vọng.
Những phân khúc nhà ở/cho thuê, bất động sản công nghiệp sẽ đều "sáng cửa"; BĐS nghỉ dưỡng cũng được kỳ vọng sẽ có sự đột phá trong năm 2025 nhờ sự phục hồi ấn tượng của ngành du lịch.
Thị trường thể hiện rõ xu hướng "ly tâm"
Theo ông Lê Đình Chung - CEO SGO Homes, thị trường BĐS năm 2025 sẽ thể hiện xu hướng "ly tâm" khá rõ.
Nguyên nhân do Hà Nội khan hiếm nguồn cung, mức giá cao nên thị trường sẽ đi ngang. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư đổ về các tỉnh - nơi có nguồn cung dồi dào và mức giá hợp lý.
"Các tỉnh gần Hà Nội có nền kinh tế tốt, thu hút FDI mạnh, phát triển công nghiệp nhiều, hạ tầng được mở rộng sẽ có tiềm năng cao nhất", ông Lê Đình Chung chia sẻ trên Tạp chí Vietnam Finance.
Cũng theo vị chuyên gia này, trong năm nay sẽ có 2 trục kinh tế mà nhà đầu tư có thể quan tâm: Trục Hưng Yên - Hải Dương - Quảng Ninh và trục Bắc Ninh - Bắc Giang - Vĩnh Phúc.
Trục Hưng Yên – Hải Dương – Quảng Ninh: Tỉnh Hưng Yên sẽ là thị trường hàng đầu không chỉ nhờ quỹ đất KCN lớn, thu hút được nhiều "đại bàng" trong ngành BĐS như Vingroup, Ecopark, KBC mà còn có hạ tầng thuận lợi.
Đây là thị trường có nhiều tiềm năng và điểm sáng từ năm 2024 và năm 2025 sẽ còn phát triển hơn nữa. Thứ đến là Hải Dương và từ quý III – IV/2025 sẽ là Quảng Ninh.
Trục Bắc Ninh – Bắc Giang – Vĩnh Phúc: Tỉnh Bắc Giang có quỹ đất hàng tốt, giá đẹp trong khi Bắc Ninh kém hơn về quỹ hàng tốt.
Ông Chung nhận định sức mua trong năm 2025 sẽ được cải thiện thêm. Ngoài ra, mặt bằng giá các tỉnh cũng sẽ tăng theo bảng giá đất mới, mức tăng có thể đạt 20-30%.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Đức Toản - CEO CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS EZ cũng cho rằng những tỉnh có nền kinh tế phát triển, thu hút công nghiệp sẽ có sự tăng trưởng giá tốt.
Các chuyên gia đa phần đều cho rằng các tỉnh ven đại đô thị sẽ bật lên trong năm 2025 trong khi đó, nổi bật các tỉnh miền Bắc là Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam; miền Nam là các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.