Aa

Bất động sản TP.HCM lại lập “kỳ tích” về hút vốn

Thứ Tư, 03/10/2018 - 20:00

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, 9 tháng đầu năm 2018, ngành bất động sản tiếp tục dẫn đầu về ngành hút vốn FDI lẫn vốn thành lập mới của doanh nghiệp trong nước.

Bất động sản tiếp tục là ngành hút vốn nhiều nhất trong 9 tháng đầu năm 2018 của TP.HCM. (ảnh Gia Huy)

Bất động sản tiếp tục là ngành hút vốn nhiều nhất trong 9 tháng đầu năm 2018 của TP.HCM. (ảnh Gia Huy)

Cụ thể, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung 9 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn Thành phố là 673.486 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ.

Trong đó, có 30.634 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 372.432 tỷ đồng (tăng 4,1% số lượng doanh nghiệp và bằng 95,5% vốn đăng ký so cùng kỳ). Có 47.173 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 301.054 tỷ đồng.

Về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm tỷ trọng cao nhất (37,4%), hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ chiếm 7%. Tuy nhiên, về vốn đăng ký, thì hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất (40,7%).

Không chỉ dòng vốn trong nước, dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng chảy mạnh vào lĩnh vực bất động sản TP.HCM. Tính chung, 9 tháng, TP.HCM thu hút, 5,47 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (cả cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần), tăng 50% so với cùng kỳ.

Trong đó, góp vốn mua cổ phần có 4,28 tỷ USD đăng ký, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ. Trong số vốn khối ngoại đăng ký thông qua góp vốn, mua cổ phần, thì lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất (47,3%). Tiếp theo là hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 18,4%...

Đối với tình hình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, ông Sử Ngọc Anh cho biết, hiện Thành phố đang tiếp tục triển khai phương án sắp xếp, đổi mới 40 doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM giai đoạn 2017-2020.

Đến nay, đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa cho 40 doanh nghiệp; quyết định thành lập Tổ giúp việc cổ phần hóa cho 40 doanh nghiệp; quyết định cổ phần hóa và chọn thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cho 37 doanh nghiệp; công văn chọn đơn vị tư vấn cổ phần hóa cho 36 doanh nghiệp; quyết định giao tài sản cho 8 doanh nghiệp; ban hành tiêu chí nhà đầu tư chiến lược cho 2 doanh nghiệp; phê duyệt phương án sử dụng đất cho 13 doanh nghiệp.

Hoàn tất công tác sắp xếp của 12/25 doanh nghiệp còn lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ năm 2012. Theo đó, phá sản 06 doanh nghiệp, giải thể 4 doanh nghiệp, sắp xếp khác 2 doanh nghiệp (bán 1 doanh nghiệp, tái cơ cấu cổ phần hóa 1 doanh nghiệp).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top