Những “gọng kìm”
Đã hơn 20 năm kể từ thời điểm sân golf đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép, ngành công nghiệp golf của Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển xứng đáng với tiềm năng sẵn có cũng như sự kỳ vọng dành cho nó. Khách quan nhìn nhận rằng, một số quy định đến nay đã không còn phù hợp với xu hướng vận động của thị trường. Chưa bàn đến câu chuyện ưu đãi, chỉ đề cập tới chính sách dành cho golf, thực tế vẫn còn nhiều điểm khắt khe. Thị trường golf đang bị “trói buộc” bởi tấm áo giáp sắt bên ngoài, vẫn chật vật mà lẽ ra, nó đáng được tạo điều kiện để phát triển.
Hiện tại, còn nhiều điều kiện để “trói buộc” ngành công nghiệp golf, cụ thể là sân golf, làm hạn chế sự phát triển của nó. Đầu tiên là chính sách thuế khi coi dịch vụ sân golf là ngành xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Tiếp đến là hạn chế sân golf khi quy định sân golf phải thuộc quy hoạch rồi mới được xây dựng. Và quan trọng không kém là chính sách đất đai cũng hạn chế trong việc phát triển sân golf nói riêng, hoạt động bất động sản nói chung.
Bên cạnh đó, dù ngành golf Việt Nam được nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá giàu tiềm năng song các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào hạ tầng du lịch, nâng cấp các cơ sở dịch vụ golf vẫn chưa có. Khởi nguồn của những chính sách nghiêm ngặt đó xuất phát từ việc cơ quan chức năng chưa xem golf là ngành du lịch nghỉ dưỡng mà là ngành kinh doanh dịch vụ cần hạn chế tiêu dùng. Cũng bởi quan điểm như vậy nên Nhà nước mới áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên các dịch vụ ở sân golf, coi golf như rượu, thuốc lá và hạn chế tiêu dùng như xe hơi nhập khẩu.
Thuế đánh vào dịch vụ sân golf làm cho chi phí tăng cao dẫn tối hạn chế người chơi. Trong bao năm nay, dù kinh tế có phát triển nhưng số lượng người chơi golf thay đổi không đáng kể, chỉ dao động xung quanh con số 30.000 người chơi thường xuyên, kém xa Thái Lan hay Malaysia.
Cũng như tư duy thuế tiêu thụ đặc biệt, quy hoạch sân golf đã hoàn toàn lỗi thời. Trong điều kiện Việt Nam đang là cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới mà chúng ta đặt nặng vấn đề “an ninh lương thực” khi cho rằng sân golf chiếm hết đất trồng lúa. Đó là nói lấy được!
Một sân golf cần hơn 100ha đất và ở Việt Nam hiện chỉ có vài chục sân, trong đó chỉ có vài sân do điều kiện lịch sử nằm ở vùng đất nông nghiệp. So sánh với tốc độ đô thị hóa khi các dự án bất động sản tràn về chiếm lĩnh bao nhiêu diện tích lúa nước thì diện tích sân golf là quá bé nhỏ, không đáng kể. Nhìn sang Thái Lan vốn là thiên đường golf của châu Á và thế giới với hơn 300 sân golf nhưng vẫn là cường quốc số 1 thế giới về xuất khẩu gạo. Vậy đâu phải do golf gây ra? Nếu chúng ta cứ để mặc cho đất sa mạc hóa rồi cuối cùng kết quả thu được là chẳng hề tạo được giá trị nào từ nó.
Những “gọng kìm” đối với sân golf đã đẩy chi phí chơi golf thực sự là rào cản mà thuế tiêu thụ đặc biệt là một phần nguyên nhân của nó. Điều đó là không hề thỏa đáng và công bằng với thị trường golf Việt. Rõ ràng đằng sau sân golf là các dịch vụ đi kèm như dịch vụ du lịch – nghỉ dưỡng kết hợp thể thao.
Cũng nên nhắc lại, golf được đưa vào thi đấu trong các hạng mục ở Seagames, Asiad, hay cả Olympic. Ít có nước hạn chế phát triển ngành thể thao golf như ở Việt Nam. Hãy nghĩ tới hàng trăm sân golf mọc lên theo bờ biển đầy cát, gió của đất nước – nơi trước giờ đất đai hoang hóa, chỉ có cát và nắng. Nay cùng với sân golf là cơ sở nghỉ dưỡng, là khách sạn, resort tấp nập khách tứ phương, trong nước và quốc tế. Họ đến trốn mùa đông lạnh giá, mang tiền tạo doanh thu cho doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm cho dân địa phương. Vậy tại sao chúng ta lại hạn chế tiêu dùng cho môn thể thao này khi thực tế, những lợi ích từ sân golf mang lại là rất lớn?
Phá rào cản, mở đường cho thị trường golf phát triển
Trên thế giới hiện nay, golf được coi là một ngành công nghiệp du lịch. Tại các nước trên thế giới, họ xem kinh doanh golf như kinh doanh khách sạn, nghỉ dưỡng hoàn toàn không có sự phân biệt.
Như đã trình bày ở trên, hai “gọng kìm” lớn nhất hiện nay đối với thị trường golf đó là thuế tiêu thụ đặc biệt và quy hoạch sân golf. Nếu cởi trói các chính sách này, chắc chắn thị trường golf sẽ có những bước phát triển đáng kể, đúng như những tiềm năng sẵn có của mình. Điều quan trọng là về lâu dài, ngành công nghiệp golf sẽ được đối xử công bằng với các ngành kinh doanh “sạch” khác.
Liên quan tới chính sách quy hoạch các sân golf, năm 2017, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã từng phát biểu rằng, nên bỏ quy hoạch mà giao cho các địa phương quyết định và chuyển thành đầu tư có điều kiện. Đó là một chủ trương đúng đắn, chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy thị trường golf Việt Nam. Việc bỏ quy hoạch sân golf nên để địa phương quyết định và có thể kèm theo điều kiện như không được sử dụng đất trồng lúa hoặc tương tự cũng là điều kiện có thể chấp nhận được.
Bên cạnh việc bỏ quy hoạch sân golf, xóa quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp kinh doanh golf nên được quyền tiếp cận quỹ đất một cách công bằng, minh bạch. Điều này sẽ tạo sẽ nhiều giá trị lớn hơn nhiều cho hoạt động sân golf. Nhưng khách quan thấy rằng, đề xuất này dường như vẫn còn là điều không tưởng trong hoàn cảnh hiện nay của thị trường bất động sản Việt Nam, cơ hội có hay chăng, sẽ cần sự nỗ lực rất lớn từ phía Nhà nước.