Aa

Bất động sản vui chơi, giải trí - Đã đến lúc cần định vị chỗ đứng riêng

Thứ Bảy, 17/04/2021 - 06:00

Việc đầu tiên cần làm là xác định rõ phạm vi của phân khúc bất động sản này dựa trên một hệ sinh thái du lịch cộng sinh. Từ đó, phân tích tiềm năng du lịch của các địa phương gắn với khả năng phát triển các dự án.

Tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp về vấn đề mở cửa đón du khách quốc tế. Theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, để có những giải pháp giúp doanh nghiệp du lịch vượt qua "cơn bạo bệnh" Covid-19, cần đưa ra các tiêu chí an toàn đón khách phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như quy định của Việt Nam. Thế giới đã có vaccine và Mỹ dự kiến tháng 6/2021 có thể sẽ chấm dứt COVID-19 bằng cách chích ngừa vaccine cho người dân, châu Âu cũng đang áp dụng tương tự. Thái Lan đã quyết định từ ngày 1/7 mở hẳn thị trường cho khách quốc tế. Với Singapore, những du khách nào có chứng nhận đã tiêm vaccine, có kết quả âm tính là cho phép nhập cảnh mà không cách ly. Những tín hiệu trên có thể mở ra gam màu sáng cho bức tranh du lịch 2021.

Để Việt Nam không lỡ mất cơ hội bứt tốc ngay khi trở lại đường đua, các doanh nghiệp bất động sản Việt cần làm mới mình trong một chu kỳ mới. Bất động sản vui chơi, giải trí đang được xem là "con gà đẻ trứng vàng" đầy tiềm năng khi còn rất nhiều dư địa để khai thác, tuy nhiên từ trước tới nay, loại hình này chưa được định vị riêng mà vẫn "tầm gửi" ở phân khúc bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng.

Để có thêm cái nhìn toàn cảnh cũng như những cơ hội, tiềm năng cho bất động sản vui chơi, giải trí, Cà phê cuối tuần xin giới thiệu bài viết của GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Với nguồn cầu ngày càng lớn, trong khi nguồn cung mới chỉ là bước thử nghiệm ban đầu, có thể thấy dư địa phát triển bất động sản vui chơi - giải trí còn rất nhiều, lợi thế phát triển còn rất cao. 

Khái niệm “bất động sản vui chơi - giải trí” xuất hiện như vừa cũ, vừa mới tại Việt Nam. Trong thời kinh tế bao cấp, loại hình bất động sản này gần như chỉ bao gồm một vài loại như rạp chiếu phim, rạp biểu diễn nghệ thuật, nhà hát, sân vận động, nhà thể thao, công viên, nơi vui chơi cho trẻ em, trạm nghỉ dưỡng cho người già…

Sự thiếu thốn vật chất trong giai đoạn này cũng làm cho con người không thể hiện nhu cầu vui chơi và giải trí. Sau khi Đổi Mới, người Việt Nam vẫn tiếp tục bươn bả với phát triển kinh tế, đời sống vật chất được nâng lên mức trung bình yếu trên thế giới và mọi người nhìn lại thì thấy mình chẳng có gì để “chơi” cả, kể cả người già, trẻ em và người trong tuổi lao động.  

Trong khi đó, nhìn ra nước ngoài thì thấy, bất động sản vui chơi - giải trí phát triển rất mạnh ở rất nhiều thể loại khác nhau với các địa danh nổi tiếng thế giới như Las Vegas, Disneyland Tokyo, Legoland… Bất động sản vui chơi - giải trí ở các nước khác phát triển mạnh do 2 nguyên nhân chính: Một là cuộc sống vật chất đầy đủ nên con người có yêu cầu hưởng thụ chất lượng cao về cuộc sống tinh thần, trong đó có vui chơi, giải trí; hai là họ có chính sách phù hợp để thu hút đầu tư tư nhân cho phát triển các bất động sản vui chơi - giải trí.

HIỆN TRẠNG

 

Khoảng 20 năm trước, trẻ con đòi bố mẹ tìm chỗ để vui chơi trong những ngày nghỉ, kỳ nghỉ dài ngày quả là điều khó khăn. Tại Hà Nội cũng chỉ có vài chỗ nhỏ nhoi, chật hẹp và đơn điệu. Đến một lần rồi, sau đó trẻ không muốn quay lại nữa.

Đến nay, đất nước ta đã trải qua 34 năm kể từ ngày Đổi Mới. Ngoài những bất động sản vui chơi - giải trí đã được hình thành từ thời kỳ kinh tế bao cấp, các địa phương đã có một số dự án đầu tư công và đầu tư cho dạng bất động sản vui chơi - giải trí như Casino cho người nước ngoài, sân chơi Golf, trung tâm thể dục - thể thao, các công viên văn hoá...

Nhìn lại, có thể thấy một số dự án lớn đã hoàn thành như Công viên Đầm Sen, Khu du lịch Suối Tiên (TP.HCM), Thủy cung Nha Trang (Khánh Hoà), Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương), Thiên Đường Bảo Sơn (Hà Nội), Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu)… Những khu vui chơi - giải trí này đã có thành công bước đầu trong việc kết hợp những giá trị dân gian, cảnh quan thiên nhiên và một số công nghệ giải trí hiện đại nhằm thoả mãn nhu cầu của du khách nước ngoài và trong nước.

Vingroup đã nỗ lực đầu tư nhiều dạng khu vui chơi, giải trí gắn với các khu đô thị mới dựa trên góc nhìn hệ sinh thái đô thị hoàn thiện như Times City, Royal City, Vincom Bà Triệu, và giờ có thêm Vinhome Ocean Park, Vinhomes Smart City tại Hà Nội. Góc nhìn này đã trở thành xu thế chung cho phát triển các khu đô thị mới theo triết lý xanh, văn hoá, thông minh sao cho thoả mãn cao nhất nhu cầu cư dân với chi phí thấp nhất. Vingroup vẫn tiếp tục đầu tư các khu vui chơi - giải trí lớn có vườn thú, phố đi bộ tái hiện nhiều kiến trúc đặc trưng gắn với các khu du lịch, khu đô thị của mình như Nam Hội An, Vinpearl Phú Quốc, Vinpearl Nha Trang…

Trong tất cả các tập đoàn phát triển bất động sản, có thể chỉ ra Sun Group là một trong những nhà đầu tư chuyên nghiệp nhất về bất động sản vui chơi - giải trí với dự án đầu tiên là Bà Nà tại Đà Nẵng.

Đây là khu vui chơi, giải trí đã được đánh dấu trên bản đồ du lịch thế giới với cảnh quan thiên nhiên đẹp, thác nước tự nhiên, kiến trúc phố châu Âu và cây Cầu Vàng đặc trưng. Sau đó, Sun Group đã tiếp tục triển khai các khu vui chơi, giải trí lớn như vậy tại nhiều địa phương khác như Hạ Long, Vân Đồn (Quảng Ninh), Sapa (Lào Cai), Phú Quốc (Kiên Giang)... mang tên “Sun World” với nhiều trò chơi hiện đại cho nhiều lứa tuổi. 

Gần đây, Sun Group đã đưa ra triết lý phát triển hệ sinh thái du lịch cộng sinh với ý tưởng thiết lập một hệ thống các bất động sản du lịch với các bất động sản khác phục vụ du lịch như bất động sản vui chơi - giải trí; bất động sản nghỉ dưỡng, chữa bệnh; bất động sản nhà hàng phục vụ mua sắm; bất động sản cung cấp dịch vụ ẩm thực; bất động sản văn hoá nghệ thuật... Khu nghỉ ngơi tắm nước khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh 5 sao do Sun Group đầu tư là một dự án bổ sung khá hiệu quả vào hệ sinh thái du lịch cộng sinh của Sun Group tại Quảng Ninh.

Đến nay, đầu tư tư nhân ở nước ta vào bất động sản vui chơi - giải trí đã mang lại hiệu quả cao phục vụ phát triển kinh tế du lịch, trong đó có nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp như Vingroup và Sun Group. Ý tưởng tạo dựng một hệ sinh thái du lịch cộng sinh với nhiều dịch vụ mang tính đa dạng, đặc biệt chứa đựng thương hiệu Việt đã có tính lan tỏa mạnh sang nhiều tập đoàn tư nhân khác.   

Hiện chưa có số liệu nào mô tả tổng đầu tư cho phân khúc bất động sản vui chơi - giải trí trong giai đoạn 2014 - 2020 (giai đoạn thị trường bất động sản phục hồi và phát triển mạnh). Sở dĩ như vậy vì hiện nay, phân khúc bất động sản vui chơi - giải trí vẫn chưa được hình thành, chưa được xác định như một phân khúc bất động sản riêng biệt, thường hay bị ghép vào bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng. So với các nước trong khu vực, bất động sản vui chơi - giải trí nước ta vẫn được coi là yếu và thiếu thiếu. 

TIỀM NĂNG VÀ CƠ HỘI

Theo các chuyên gia nước ngoài, trong những năm gần đây, bất động sản vui chơi - giải trí đã phát triển mạnh trong khuôn khổ công nghiệp giải trí với đầu tư rất lớn để phát triển các công viên chủ đề tạo được tính hấp dẫn cao, thu lợi lớn.

Tại khu vực châu Á, hàng loạt công viên chủ đề như Hong Kong Disneyland, Universal Studios Singapore, Disneyland Park ở Thượng Hải và nhiều dạng công viên tương tự tại Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia đã rất thành công. Đây là một dạng bất động sản có sức hút các khách du lịch trẻ em khá mạnh, không phải chỉ thu hút lần đầu mà hút quay lại nhiều lần.

Tại Việt Nam, các nhà quản lý và nhà đầu tư cần coi đây là một phân khúc bất động sản chưa được khai phá nếu so sánh sự hiện hữu của loại hình bất động sản này giữa Việt Nam và các nước khác trong khu vực Đông Á. Trước hết, kinh tế du lịch Việt Nam đang tăng trưởng khá ấn tượng trên nền định hướng đưa kinh tế du lịch Việt Nam trở thành kinh tế mũi nhọn. Việt Nam vừa là một quốc gia đóng kín thời kinh tế bao cấp nay mở cửa rộng với quốc tế tạo nên sự lạ lẫm thu hút du khách, vừa là một quốc gia bình yên so với các nơi khác chứa đựng nhiều rủi ro xung đột vũ trang. Đối với thị trường du lịch trong nước, thu nhập của người dân tại vùng đô thị ngày càng cao, du lịch đã trở thành nhu cầu thiết yếu. 

Từ góc nhìn sâu hơn, các chuyên gia vẫn cho rằng du lịch tới Việt Nam mới chỉ tạo được tính hấp dẫn đối với người chưa tới đây, chứ du lịch Việt chưa tạo được sức hút để du khách quay lại. Bên cạnh nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, bất động sản vui chơi - giải trí có khả năng hút du khách quay lại bằng cách thể hiện chiều sâu của văn hoá Việt, lịch sử Việt, nhân văn Việt.

Du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cũng là một lợi thế của Việt Nam với nguồn khoáng nóng khá đa dạng, nhiều bài thuốc nam rất hiệu quả và khác lạ. Âm nhạc dân gian Việt cũng có nhiều sắc thái riêng như: Cồng chiêng và nhạc cụ tre nứa của Tây Nguyên đại ngàn, hay các khúc thức lôi cuốn gắn với nghi lễ tín ngưỡng của chầu văn... Ẩm thực Việt với nhiều món ăn, thức uống đặc trưng ngon miệng và khác biệt cũng có sức cuốn hút mạnh. Tất cả tính bản địa khác biệt như vậy gắn với công nghiệp giải trí hiện đại sẽ tạo sức sống để phát triển phân khúc bất động sản vui chơi - giải trí.    

Như vậy, có thể thấy chúng ta đã cố gắng phát triển các loại hình bất động sản vui chơi - giải trí nhưng vẫn chưa được bao nhiêu, dư địa phát triển còn rất nhiều, lợi thế phát triển còn rất cao. Với nguồn cầu ngày càng lớn, trong khi nguồn cung mới chỉ là bước thử nghiệm ban đầu, có thể thấy tiềm năng và cơ hội đầu tư gần như vẫn còn nguyên. Rất cần tính sáng tạo của các nhà đầu tư bất động sản vui chơi - giải trí để coi đây là phương thức phù hợp hút du khách quay trở lại nhiều lần.

GIẢI PHÁP

Vấn đề được đặt ra lúc này là làm gì để tăng đầu tư phát triển phân khúc bất động sản vui chơi - giải trí tại Việt Nam? 

Việc đầu tiên cần làm là hãy xác định rõ phạm vi của phân khúc bất động sản này dựa trên một hệ sinh thái du lịch cộng sinh. Từ đó, phân tích tiềm năng du lịch của các địa phương gắn với khả năng phát triển các dự án lớn về bất động sản vui chơi - giải trí cho từng vùng có tiềm năng du lịch. Có thể nói đây là việc quy hoạch phát triển bất động sản vui chơi - giải trí trên quy hoạch phát triển du lịch, thuộc trách nhiệm chính của các cơ quan quản lý nhà nước với sự đóng góp ý kiến của các nhà đầu tư phát triển, các chuyên gia.

Tiếp theo là ý tưởng dự án đầu tư của các nhà phát triển bất động sản vui chơi - giải trí. Lúc này, thị trường du lịch Việt Nam rất cần các dự án chứa được tính khác lạ so với các dự án đang vận hành ở các nước trong khu vực Đông Á. Nếu ta bê nguyên một dự án Disneyland ở nước ngoài vào nước ta thì chỉ thỏa mãn được cầu trong nước, không thu hút được cầu nước ngoài.

Mặt khác, một dự án như vậy cũng không chuyển tải được sự khác biệt của thương hiệu Việt trong quá trình toàn cầu hoá. Ý tưởng và phương pháp thể hiện sao cho chuyển tải được sự khác biệt Việt về văn hoá, nhân văn, lịch sử, bản địa bằng các công nghệ giải trí hiện đại chính là điểm chốt tạo nên sự thành công của bất động sản vui chơi - giải trí. 

Hy vọng, trong giai đoạn tới phân khúc bất động sản vui chơi - giải trí sẽ tìm đúng chỗ đứng của mình trong một hệ sinh thái du lịch cộng sinh, với các dự án lớn trên tầm quốc tế, được đánh dấu bằng những điểm sáng trên bản đồ du lịch quốc tế. Từ đó, kinh tế du lịch Việt Nam tạo được các bước phát triển chắc chắn, hiệu quả để trở thành kinh tế mũi nhọn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top