Aa

Phát triển đô thị thông minh hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh: Xu hướng của tương lai

Thứ Bảy, 29/09/2018 - 21:00

Theo TS. Nguyễn Tường Văn, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, phát triển đô thị thông minh hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ tạo ra những cơ hội mới cho quá trình đô thị hóa nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Mới đây, tại Cục công tác phía Nam – Bộ Xây dựng, Cục phát triển đô thị phối hợp với Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) và Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 và quy định chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.

Mục tiêu của Hội nghị nhằm phổ biến chủ trương chính sách và định hướng về phát triển đô thị tăng trưởng xanh, góp phần định hướng cho các địa phương xác định các nhiệm vụ cần triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, đồng thời nâng cao năng lực cho các nhà quản lý về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Trần Quốc Thái – Phó Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, đô thị hiện nay đang đối diện với thách thức về phát triển các hướng không tập trung rõ nét. Ngoài ra còn đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, rác thải… Vì thế mục tiêu của kế hoạch là tạo lập và phát triển đô thị tăng trưởng xanh nhằm thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh.

Trên cơ sở đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, hiệu quả, bền vững; góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nâng cao năng lực chống chịu ứng phó biến đổi khí hậu của hệ thống các đô thị, đóng góp cho cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.

Tăng trưởng xanh trong phát triển đô thị đã và đang trở thành mối quan tâm chung của các quốc gia trên thế giới

Tăng trưởng xanh trong phát triển đô thị đã và đang trở thành mối quan tâm chung của các quốc gia trên thế giới

Cũng tại Hội nghị, ông Adam Ward đại diện cho Viện tăng trưởng xanh toàn cầu GGGI cho rằng, những thách thức trong phát triển đô thị hiện nay gặp phải là biến đổi khí hậu gây nên tình trạng ngập lụt ở các đô thị, ùn tắc giao thông và những yêu cầu về quản lý rác thải, nước thải… Do đó Việt Nam cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng xanh nhằm xử lý chất thải, tăng cường hệ thống giao thông công cộng tốc độ cao và sử dụng năng lượng tái tạo…

Hiện GGGI đang tích cực phối hợp với Bộ Xây dựng trong lĩnh vực phát triển chính sách đô thị tăng trưởng xanh và tiếp cận tài chính để xây dựng cơ sở hạ tầng như nước thải, rác thải…

Theo kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh mà Chính phủ phê duyệt thì từ nay đến năm 2020 các đô thị sẽ hoàn thành rà soát, điều chỉnh các định hướng, chiến lược và quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng liên tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch một số lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các đô thị lớn, lồng ghép mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Ban hành chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, đô thị có khả năng chống chịu, ứng phó biến đổi khí hậu.

Giai đoạn từ năm 2020 đến 2030, Hoàn thành việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu trong điều chỉnh quy hoạch chung đô thị được phê duyệt trước năm 2015 và các quy hoạch chung đô thị được phê duyệt mới; Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế chính sách, quy định quy phạm pháp luật về phát triển đô thị tăng trưởng xanh; Nghiên cứu và triển khai thực hiện phát triển đô thị thông minh.

Trướcđó, phát biểu tại Hội nghị Bất động sản Quốc tế IREC 2018, TS. Nguyễn Tường Văn, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng, cần có định hướng phát triển đô thị thông minh hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. 

Trong xu thế toàn cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc, phát triển đô thị thông minh đã và đang trở thành mối quan tâm chung của các quốc gia trên thế giới bởi những lợi ích cụ thể trong việc cải thiện hiệu lực, hiệu quả quản trị đô thị cũng như nâng cao chất lượng của các đô thị.

Với vai trò quan trọng ngày càng tăng của các đô thị trong nền kinh tế toàn cầu, sự gia tăng cạnh tranh trong thu hút nguồn lực phát triển, cũng như yêu cầu hợp tác nỗ lực chung ứng phó với biến đổi khí hậu, việc áp dụng đô thị thông minh đang được ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của các nước trên thế giới và trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

TS. Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, phát triển đô thị thông minh hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ tạo ra những cơ hội mới cho quá trình đô thị hóa nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Để nắm bắt được cơ hội này cần phải có những điều chỉnh kịp thời từ chính sách quản lý phát triển đô thị, quản lý thị trường bất động sản, đầu tư, xây dựng, tài chính để thúc đẩy tính năng động và cạnh tranh của thị trường bất động sản.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top