Aa

Bất ngờ với những "tảng băng trôi" đồ sộ ở Châu Âu

Thứ Sáu, 07/04/2017 - 06:59

Với cách "ứng xử thông minh", Pháp đã không chỉ bảo tồn mà còn mở rộng được diện tích Bảo tàng Louvre (Paris) nghìn năm tuổi, còn Anh đã làm "sống dậy" cả ngôi nhà Tảng băng trôi đồ sộ. Theo các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Không gian ngầm (ACUUS), không gian ngầm đặc biệt hữu ích cho các đô thị cũ, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa.

Đối với mỗi quốc gia, việc bảo tồn các giá trị văn hóa và nét đẹp di sản luôn là điều được đặt ra trước hết. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các nhà quy hoạch cũng phải giải quyết vấn đề mở rộng đô thị, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng - việc làm có thể ảnh hưởng tới các không gian văn hóa, lịch sử. Do đó, các quốc gia Châu Âu đã chọn cách mở rộng đô thị nhưng không phải ở trên mặt đất mà ở dưới lòng đất.

Bảo tàng Louvre (Paris) - bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới nằm ở vị trí trung tâm lịch sử của thành phố, bên bờ sông Seine. Nó vốn là một pháo đài được vua Philippe Auhuste cho xây dựng vào năm 1190, tính đến nay công trình này đã gần 1000 năm tuổi.

Nơi đây trưng bày hơn 400 nghìn hiện vật lịch sử, nghệ thuật đặc sắc của Châu Âu và con số này không ngừng tăng lên. Hơn nữa, mỗi năm có gần 10 triệu khách tham quan tới chiêm nghiễm bảo tàng, vì vậy, yêu cầu bắt buộc của nước Pháp là phải mở rộng không gian của bảo tàng.

Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích của công trình lịch sử hoàn toàn là điều không thể, đó là còn chưa kể đến việc điều này có thể sẽ phá hủy cả Quảng trường Napoléon ở phía trước bảo tàng. Do đó, quy hoạch không gian ngầm đã trở thành giải pháp tối ưu nhất. Và thực tế, đây đã trở thành dự án rất thành công, nổi tiếng toàn thế giới.

Phần không gian ngầm của Bảo tàng Louvre (Paris) phái dưới quảng trường với mái kính là kim tự tháp

Phần không gian ngầm của Bảo tàng Louvre (Paris) phái dưới quảng trường với mái kính là kim tự tháp

Theo đó, dự án đã khai thác diện tích 62 nghìn m2 dưới toàn bộ Quảng trường Napoléon thông qua các khối tầng ngầm có khu 2 tầng, khu 3 tầng ngầm. Nhờ đó, không gian di tích lịch sử này đã được nới rộng cho diện tích trưng bầy, khu vực thư viện, nhà ăn, cửa hàng, nơi giải trí, khu thiết bị và nơi đỗ xe với 2 lần diện tích.

Theo các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Không gian ngầm (ACUUS), không gian ngầm đặc biệt hữu ích cho các đô thị cũ, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa.

Điểm lấy ánh sáng của phần không gian ngầm chính là công trình kim tự tháp bằng kính trong suốt nằm trên quảng trường. Các KTS và NTK đều cho rằng kiến trúc của phần kim tự tháp này không ảnh hướng nhiều đến quảng trường cũng như bảo tàng.

Còn tại Hà Lan, bảo tàng The Rijksmuseum được xây dựng từ năm 1808 vào năm 2013 đã đóng cửa để tu sửa và mở rộng. Cũng giống như bảo tàng ở Pháp, đây là một công trình kiến trúc cổ khó có thể mở rộng diện tích bẳng cách cơi nới không gian theo chiều ngang, vì vậy các KTS đã tiến hành phát triển nó theo chiều dọc với không gian ngầm. Theo đó, chi phí phát triển không gian ngầm của dự án lên tới 375 triệu EUR.

Phần sàn thấp nhất của Bảo tàng The Rijksmuseum, Amsterdam, Hà Lan chính là không gian ngầm được mở rộng

Phần sàn thấp nhất của Bảo tàng The Rijksmuseum, Amsterdam, Hà Lan chính là không gian ngầm được mở rộng

Tại phần chính giữa của bảo tàng, nơi có phần mái bằng kính trong suốt, các KTS đã tạo thêm 2 phần tầng nhà xuống dưới lòng đất để tạo ra thêm không gian triển lãm cho bảo tàng.

Một dẫn chứng khác là bảo tàng lịch sử The Mauritshuis ở The Hauge, bảo tàng có diện tích nhỏ nhất trên thế giới cũng được mở rộng không gian nhờ phát triển không gian ngầm. Năm 2012, bảo tàng này được đóng cửa để phục vụ cho việc mở rộng diện tích nhằm thêm không gian trưng bày và các khu vực worrkshop, thư viện, không gian sự kiện và không gian cộng đồng (bao gồm cửa hàng, khu nghỉ ngơi, ăn uống) vào bên trong bảo tàng.

Bảo tàng The Mauritshuis ở The Hauge (trái) và tòa nhà mới (phải)

Bảo tàng The Mauritshuis ở The Hauge (trái) và tòa nhà mới (phải)

Điều đặc biệt ở đây là các KTS lại không phát triển không gian ngầm xuống sâu dưới lòng đất vì nếu đi xuống càng sâu, khách tham quan đi bộ sẽ càng không cảm thấy hài lòng. Vì vậy, họ phát triển không gian ngầm của bảo tàng và kết nối nó với một ngôi nhà ở phía đối diện. Thực chất ngôi nhà được kết nối này chính là không gian thứ 2 của bảo táng, từ đó giúp diện tích của công trình lịch sử này được nhân đôi.

Ngoài ra, ta cũng không thể nào không kể đến ngôi nhà The Iceberg House of London (tạm dịch: ngôi nhà Tảng băng trôi) ở Anh. Sở dĩ, công trình này được đặt tên như vậy bởi vì nó chỉ có 2 tầng nhà cổ ở phía trên mặt đất. Còn lại cả một không gian sống đồ sộ được xây dựng mở rộng bên dưới của ngôi nhà.

Ngôi nhà Tảng băng trôi ở London

Ngôi nhà Tảng băng trôi ở London

Không gian ngầm của ngôi nhà 200 tuổi cổ kính này được khai thác sâu xuống bên dưới lòng đất 22m, bao trùm cả không gian của phần vườn trước và sau của ngôi nhà.

Bên cạnh đó, ở một số quốc gia, nếu các dự án làm đường hoặc công trình xây dựng nếu được thực hiện trên mặt đất có nguy cơ gây tổn hại cho công trình văn hóa, lịch sử thì chúng sẽ được phát triển theo hướng "hạ thổ" để vừa giữ đúng tiến độ và bản thiết kế dự án, vừa bảo tồn được các công trình văn hóa, lịch sử.

Theo các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Không gian ngầm (ACUUS), không gian ngầm đặc biệt hữu ích cho các đô thị cũ, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Họ cũng khuyến cáo điều quan trọng nhất trong việc quy hoạch không gian ngầm để bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử là phải được xem xét kỹ lưỡng về mặt quy hoạch đô thị chung và nhất là quy hoạch của các công trình ngầm khác trước khi xây dựng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top