Aa

Bất ổn từ “cơn sốt” homestay

Thứ Hai, 10/06/2019 - 06:00

Sự phát triển quá nhanh của dịch vụ homestay (nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê) trong vài năm qua đến nay đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Nhiều homestay phải đóng cửa vì vắng khách...

Ồ ạt làm homestay

Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam 2017 - báo cáo cập nhật gần đây nhất của Tổng cục Du lịch - nhận định những năm trước phân khúc homestay phát triển bình thường nhưng đến năm 2017 thì tăng trưởng cao. Cả nước có 1.763 homestay với 12.948 phòng, tăng đến 521 cơ sở và 3.778 phòng so với năm 2016, chiếm 10,1% về số lượng cơ sở lưu trú và 3,4% về số lượng phòng ngủ.

Làn sóng đầu tư vào homestay cùng với các dịch vụ khác như khu nghỉ dưỡng biển, nghỉ dưỡng núi... đã làm thay đổi sự phân bổ và cơ cấu cơ sở lưu trú của cả nước.

Chủ của một homestay kết hợp điểm tham quan ở Cần Thơ (người đứng) đang trò chuyện với khách du lịch. Ảnh: Đào Loan

Chủ của một homestay kết hợp điểm tham quan ở Cần Thơ (người đứng) đang trò chuyện với khách du lịch. Ảnh: Đào Loan

Trao đổi với TBKTSG, nhiều doanh nhân cho rằng ngay trong thời điểm năm 2017 thì số liệu trên cũng chỉ mới thể hiện được một phần của thị trường. Thực tế, số lượng homestay trên cả nước cao hơn con số đó rất nhiều. Cho đến hiện tại thì có thể nói rằng nhìn đâu cũng thấy homestay và đây là dịch vụ “dễ sanh nhưng khó sống” nên cần có sự chăm chút tỉ mỉ và lâu dài chứ không thể đầu tư theo mốt.

“Homestay nhiều và đang cạnh tranh với mức độ kinh khủng”, ông Dương Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CBT Travel, chuyên gia tư vấn phát triển homestay, nói.

Việc hàng loạt homestay ở khu vực Phong Nha (Quảng Bình) hạ giá chỉ còn vài chục ngàn đồng một đêm, hay rất nhiều homestay ở Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre... đóng cửa vì vắng khách trong thời gian gần đây đã cho thấy nhận định này là có cơ sở.

Homestay hiện không chỉ đơn thuần là một phần của du lịch cộng đồng, không chỉ là phương tiện tăng thu nhập ở những cộng đồng khó khăn thông qua việc cải tạo căn nhà đang ở để có thêm phòng cho khách du lịch thuê, mà đó còn là kênh đầu tư thực sự.

Nhiều nhà đầu tư chấp nhận bỏ vốn lớn để tham gia thị trường, như tại Quảng Nam có những nhà đầu tư mua hoặc thuê lại những căn biệt thự đẹp để làm homestay; ở Đà Lạt, Vũng Tàu, nhiều người cũng chi tiền tỉ để thuê và trang trí lại nhà nhằm bắt đúng xu hướng của giới trẻ là thích “check in” tại những homestay có thiết kế, vị trí độc đáo, mới lạ...

Dự báo trong thời gian tới, nguồn cung đưa ra thị trường vẫn tiếp tục tăng vì nhiều địa phương đang cố gắng thúc đẩy phát triển dịch vụ này, với kỳ vọng sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch và tăng thêm thu nhập cho cư dân địa phương.

Cần chăm chút, đầu tư chiều sâu

Vậy nhu cầu thị trường với dịch vụ này là như thế nào? Theo nhiều doanh nghiệp, nhu cầu là có và đang tăng nhưng chưa tạo nên một thị phần lớn trong so sánh với các dịch vụ lưu trú khác. Do đó, không nên coi việc đầu tư vào homestay là trong ngắn hạn mà nên đi đường dài và dày công tạo chiều sâu cho sản phẩm.

Những người làm homestay nên để ý nhu cầu của cả hai phân khúc là khách trong nước và nước ngoài nhằm gia tăng công suất sử dụng. Thêm vào đó, cần tạo thêm trải nghiệm cho khách vì nếu homestay chỉ đơn thuần cung cấp chỗ ngủ hay dịch vụ ăn uống trong căn nhà thì không hấp dẫn và không tạo được giá trị kinh tế tăng thêm cho sản phẩm.

“Ngày càng nhiều khách châu Âu yêu cầu ở homestay vì có muốn tiếp cận gần hơn với người dân địa phương, nhưng nếu chỉ dựa vào phân khúc này thì mùa hè sẽ trống phòng vì đến cuối năm họ mới đi du lịch”, bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc điều hành Công ty Asian Trails Co., LTD, nói và cho rằng việc cung cấp dịch vụ ăn, ngủ có chất lượng cùng kết hợp với những gói trải nghiệm văn hóa bản địa cùng các thắng cảnh địa phương là sức hút mạnh mẽ khiến những homestay trong hệ thống CBT Travel ở khu vực Tây Bắc thu hút khách.

Trò chuyện với TBKTSG về “cơn sốt” homestay ở nhiều địa phương, một số doanh nhân cho rằng tính tự phát và thiếu kết nối cộng đồng đã tạo nên những cách làm tiêu cực như đua nhau hạ giá thay vì nâng cao chất lượng dịch vụ, hoặc cùng giảm giá để kéo khách đến rồi bán những dịch vụ đi kèm...

“Nếu chỉ mình mình làm thì dịch vụ không đa dạng, khó thu hút khách, nhưng nếu cứ làm đại trà thì sản phẩm lại trùng lắp, nên phải ngồi lại để tính coi ai làm gì, đầu tư ra sao”, ông Trần Thanh Hùng, chủ homestay Ngôi Nhà Hoa Ếch ở Đồng Tháp, nói.

Ba năm trước, ông Hùng đã vay 500 triệu đồng tu sửa căn nhà đang ở để làm homestay. Giá thuê được tính là 150.000 đồng/người/đêm. Homestay cũng cung cấp dịch vụ ăn uống và hướng dẫn khách tham quan các tuyến điểm tại Làng hoa Sa Đéc và một vài khu vực lân cận.

Thường từ thứ Hai đến thứ Sáu, khách chủ yếu đến từ kênh bán hàng trực tuyến, dịp cuối tuần là khách đoàn từ các công ty du lịch. Vào năm ngoái, Ngôi Nhà Hoa Ếch đón hơn 2.000 khách, đem lại nguồn thu cao hơn gấp hai lần so với nghề trồng hoa kiểng truyền thống của gia đình.

“Thu nhập tốt hơn, nhiều Tây ba lô thích nhưng khách cao cấp ít. Họ không muốn ở lại vì cần những dịch vụ khác hơn, tốt hơn”, ông Hùng nói.

Xuất phát từ thực tế đó, hồi tháng 3 rồi, ông cùng một số hộ dân trong vùng đã thành lập hội quán để cùng làm du lịch cộng đồng, làm dịch vụ homestay, nhằm gia tăng chất lượng dịch vụ và tạo nên một chuỗi sản phẩm cho vùng. Sắp tới, hội quán sẽ đẩy mạnh các tour du lịch nông nghiệp.

Theo ông, tuy những người làm homestay ở đây học mô hình làm homestay ở Tây Bắc nhưng không thể làm y như cách mà đồng bào ở Tây Bắc làm vì đồng bằng sông Cửu Long không có những thắng cảnh khác biệt như Tây Bắc.

Thay vào đó, du lịch nông nghiệp cùng những chương trình tìm hiểu các nghề như làm bột, làm bánh... sẽ được lồng vào sản phẩm để tạo thành điểm nhấn thu hút khách. Homestay mở ra ngày càng nhiều thi cần phải có dịch vụ đặc sắc và phải hợp tác thì mới làm nên chuyện. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top