Aa

Bất động sản 24h: Bộ Tài chính siết chặt việc kê khai giá chuyển nhượng bất động sản

Thứ Năm, 16/12/2021 - 10:30

Bộ Tài chính siết chặt việc kê khai giá chuyển nhượng bất động sản; Nhà đầu tư bất động sản có động thái gì trước nỗi lo "tiền mất giá"?... là những thông tin bất động sản được quan tâm trong 24h qua.

Bộ Tài chính siết chặt việc kê khai giá chuyển nhượng bất động sản

Bộ Tài chính vừa có Công văn số 14257/BTC-VP ngày 15/12/2021 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng cục Thuế về chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Công văn nêu rõ, để chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kê khai đúng giá chuyển nhượng bất động sản, nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo nguồn thu Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan một số vấn đề.

Theo đó, các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để quản lý chặt chẽ thuế đối với các hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản của người dân, doanh nghiệp.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Sốt đất cuối năm lan trên diện rộng, đâu là “ảo“ đâu là “thật“?

Những tháng đầu năm 2021, thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến hàng loạt cơn sốt đất trải rộng trên nhiều tỉnh thành như: Hà Nội (các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất), Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên), Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn), Ninh Bình (huyện Gia Viễn), Thanh Hóa (huyện Quảng Xương), Bình Phước (huyện Hớn Quảng), TP.HCM (TP. Thủ Đức)... Giá đất tại các địa phương bị “thổi” lên khá cao. 

Đơn cử, tại Hà Nội, bình quân giá đất các huyện, thị xã như Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên tăng khoảng 20 - 30%, cá biệt Ba Vì tăng tới 45%. 

Tuy nhiên, các đợt sốt đất này là diễn ra trong thời gian rất ngắn, hình thức phổ biến là đặt cọc rồi sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua. Giao dịch chính thức được ghi nhận rất ít. Đây là những biểu hiện điển hình của tình trạng “sốt ảo”.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhà đầu tư bất động sản có động thái gì trước nỗi lo "tiền mất giá"?

Chuyên gia nhận định, dù có lo ngại nhưng tâm lý nhà đầu tư gần như không bị chi phối quá nhiều bởi vấn đề lạm phát và họ chưa thể hiện hành vi rõ ràng trong việc đối phó với lạm phát.

Tại chương trình “Có hẹn với chuyên gia bất động sản” do Batdongsan.com.vn thực hiện mới đây, các chuyên gia đưa ra nhiều nhận định liên quan vấn đề lạm phát và các kênh trú ẩn dòng tiền, trong đó có bất động sản. Trong đó, lạm phát là vấn đề đang dần hiển hiện và sẽ rõ nét hơn trong năm 2022. Xét ở tầm vĩ mô, Chính phủ đã bắt đầu có những động thái kiểm soát lạm phát để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Do đó, dù có lo ngại nhưng tâm lý nhà đầu tư gần như không bị chi phối quá nhiều bởi vấn đề lạm phát và họ chưa thể hiện hành vi rõ ràng trong việc đối phó với lạm phát. Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, Đại học Kinh tế TP.HCM, đã đưa ra những nhận định về phản ứng của ba nhóm nhà đầu tư bất động sản cá nhân trước lo ngại lạm phát trong 3 - 6 tháng tới.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Khu đô thị "quên" trường học: Rất cần sự vào cuộc của Thanh tra Chính phủ

Thực trạng các khu đô thị (KĐT) ở Hà Nội “quên” trường học không phải chỉ xảy ra trong vài năm trở lại đây, mà vấn đề này đã từng được các vị đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố (HĐND TP) Hà Nội đặt ra trong các phiên chất vấn suốt từ 12 năm trước.

Trong một phiên họp của HĐND TP từ năm 2009, nhiều đại biểu đã chất vấn về việc kiểm tra và xử lý các chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết xây trường học tại các KĐT mới. Bà Ngô Thị Thanh Hằng khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng đã khẳng định trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư. 

Sau ý kiến từ các đại biểu, bà Ngô Thị Doãn Thanh khi đó là Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội cũng thẳng thắn nêu bức xúc của nhiều người dân về việc quy hoạch mạng lưới trường thì có nhưng chưa có quy hoạch sử dụng đất, có những nơi đặt ra từ năm 2003 nhưng nhiều năm sau vẫn không xây dựng được trường. Chính quyền chưa quan tâm đến vấn đề dân số, cứ đổ đầu mỗi phường 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học và trung học cơ sở công, nhưng không tính đến mỗi phường có mật độ dân số nhiều ít khác nhau, mà phường nào cũng như phường nào.

Nhiều kỳ họp sau đó của HĐND TP. Hà Nội, vấn đề thiếu trường học trong KĐT luôn được nhiều đại biểu quan tâm đặt ra, nhưng rồi chất vấn xong vẫn không cải thiện được bao nhiêu.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Các ông lớn bất động sản tiếp tục chạy đua M&A trong năm 2022

Trong năm 2022, các thương vụ M&A sẽ tiếp tục là hướng đi chính mà nhiều ông lớn trong ngành bất động sản nhắm đến để giải bài toán quỹ đất và phát triển dự án mới.

Tại sự kiện Diễn đàn M&A Việt Nam 2021 với chủ đề “Cơ hội trong thị trường bùng nổ” được tổ chức mới đây, nhiều báo cáo từ bộ ngành và các đơn vị nghiên cứu cho thấy, bất chấp đại dịch khó lường, quy mô giá trị thị trường M&A Việt Nam vẫn đạt 8,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2021, tăng 18% so với năm 2020.

Trong đó 58% tổng giá trị các giao dịch M&A đến từ ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và tài chính với hơn 500 số thương vụ được công bố trong 10 tháng đầu năm 2021.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top